Ma-thi-ơ | Sốt Sắng Nhưng Đừng Lãng Phí
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 7:6
Đừng cho chó những đồ thánh, và đừng quăng hột trai mình trước mặt heo, kẻo nó đạp dưới chân, và quay lại cắn-xé các ngươi.
Lời ngỏ
Trong một số nước hiện nay thì có nhiều người thích nuôi chó cảnh, chim cảnh, hay một con vật nào đó làm thú cảnh, thú yêu; và xem đó là một trong những mốt sống thời thượng. Thế nhưng, trong các nước Trung đông thì họ xem chó mèo, nhất là con heo (con lợn) là loài vật không thanh sạch. Chúng bị kể là ô uế vì tính cách ăn tạp và hay cắn xé. Nhưng quan trọng hơn điều này là điều liên quan đến sinh tế động vật thanh sạch và không thanh sạch.
Có thể trong bối cảnh hiện tại mà chúng ta đang sinh sống thì câu nói này có vẻ như là một câu nói không hay lắm và có vẻ như khác xa với những lời phúc âm trong loạt bài giảng trên núi của Chúa. Cho nên, trước hết chúng ta cần tìm hiểu bối cảnh của câu nói này, cùng một vài phương cách sử dụng từ ngữ trong thời xưa. Và sau đó sẽ tìm hiểu ý nghĩa đích thực trong tinh thần của Phúc âm và chân lý của điều Chúa Giê-xu phán dạy.
1. Bối cảnh câu nói và vài sự sử dụng cách quá khích
Trong bối cảnh vào thế kỷ thứ nhất thì cũng có câu nói tương tự là: “Đừng cho chó bông tai, và đừng ném hột trai mình trước mặt heo”. Đây là câu nói trong tiếng A-ram cổ xưa. Người Do thái dùng câu này với ý nghĩa là chỉ có họ là tuyển dân của Chúa, là dân thánh đáng được nhận ân điển và phước hạnh của Chúa, còn tất cả dân ngoại không chịu phép cắt bì là dân bị ô uế không đáng được vào trong đền thánh, ăn của lễ thánh. Điều này, người Do thái muốn nhấn mạnh tính độc tôn cho tuyển dân mình.
Bên cạnh đó, những người Do thái theo Cơ đốc giáo trong thế kỷ đầu mặc dù đã loại bỏ quan điểm truyền thống và quá khích của Do thái giáo; nhưng họ vẫn còn rất cẩn trọng và nghiêm ngặt trong quy định về việc dự lễ Tiệc thánh. Câu nói bắt đầu của Lễ Tiệc thánh được rao là: “Vật thánh dành cho dân thánh” và trích dẫn lời Chúa Giê-xu theo lời truyền miệng bất thành văn là “sự mầu nhiệm của Ta là cho chính ta và cho dân ta”. Khi đó, người cử hành lễ thông báo: “Xin tất cả người mới theo đạo đang học giáo lý, người nghe đạo chưa nhận lễ Báp-têm, người đang tìm hiểu chưa tin, và những ai theo tà giáo phải bước ra khỏi đây.” Trong thời gian cử hành lễ Tiệc thánh thì chỉ có những tín hữu chính thức mới được dự. Bởi những người trong thời bấy giờ cho rằng “người theo tà giáo và những người ngoại bang không tin Chúa mà tham dự Tiệc thánh thì bị xem là vấp phải điều giống câu nói này. Điều đó bày tỏ tính độc quyền trong Lễ Tiệc thánh cho Cơ đốc giáo và muốn biệt riêng ra thánh Thánh Lễ này.
2. Ý nghĩa câu nói trong Phúc Âm
Nếu trong một nhóm bạn Cơ đốc khi gặp nhau thì hay ngồi lại bàn luận về đức tin, đặt ra những thắc mắc và cùng giải quyết những khó khăn, thì cảm thấy thỏa lòng trong cuộc gặp gỡ và thảo luận như thế. Tuy nhiên, trong một nhóm bạn không phải là Cơ đốc nhân hay chống đối đạo Chúa mà chúng ta đưa ra những vấn đề thảo luận về đức tin như thế này thì họ sẽ chế nhạo chúng ta, chỉ trích chúng ta, nếu không thì họ xem chúng ta là người mê tín, ăn cơm dưới đất nói chuyện trên trời, là người hoang tưởng…
Lời hằng sống của Chúa, trong đó loạt bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu được Cơ đốc nhân chúng ta ví như là “đồ thánh”, như là “hột trai” vô cùng quý giá, là kim chỉ nam cho đời sống theo Chúa. Phúc âm cứu rỗi của Đức Chúa Trời được rao báo liên quan đến việc Đức Chúa Giê-xu thật là Đấng Cứu Thế đã đến trên đất thi hành công tác cứu rỗi, hễ ai tin nhận Ngài thì được kinh nghiệm sự cứu rỗi ấy. Đó là lời chân lý cần sốt sắng rao giảng cho mọi người ở khắp mọi nơi. Thế nhưng, có những người khi nghe nói đến Chúa thì lập tức đóng tai không chịu nghe, đóng cửa lòng không chịu nhận; và còn tỏ thái độ chống đối, bắt bớ những người truyền giảng cho mình. Họ cũng hay dùng những lý luận theo hiểu biết của con người, theo tôn giáo của họ, theo tư tưởng của họ mà chống đối những điều chúng ta rao giảng. Trong những trường hợp đó nếu vài lần giảng dạy và khuyên bảo không được thì ngưng đi, chúng ta đừng phí phạm thời gian tranh cãi với họ nữa. Bởi vì, như con chó hay con heo, con lợn thấy những vật thánh, những vật quý báu thì không nhận ra, trái lại sẽ dùng bản chất hay cắn xé, hay tính cách thích ở bẩn mà sẵn sàng giày đạp dưới chân không thương tiếc khiến cho vật thánh, vật quý trở nên mất giá trị.
Chúng ta hãy tận dụng cơ hội và thời gian đó mà tìm người chịu nghe, chịu mở lòng tiếp nhận, và người đón nhận lời hằng sống mà đầu tư, mà rao giảng. Vì đó là mục tiêu mà Chúa sai phái chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta là người đã tiếp nhận và sống trong lời hằng sống thánh khiết và quý báu rồi thì hãy cầu xin Chúa thay đổi để trở nên con cái, tôi tớ đẹp lòng Chúa trong đời sống hằng ngày của mình. Có thể có những người quen sống trong tội lỗi và trở nên cố chấp mà không chịu nghe chúng ta, sự chai lỳ và đui mù thuộc linh lẫn sự kiêu căng, ngạo mạn khiến họ không thể nghe được lời phán êm dịu của Chúa; thì chính đời sống thay đổi của chúng ta trong đời sống hằng ngày chính là chứng cứ sống động nhất khiến họ phải bị chinh phục về với Chúa.
Chúng ta cần sốt sắng rao giảng phúc âm- Lời Chúa cho nhiều người nghe và biết đến Chúa Giê-xu. Chúng ta cần sốt sắng để học biết về Chúa cho thấu đáo. Thế nhưng, trong khi truyền bá phúc âm mà gặp những người đóng lỗ tai không muốn nghe, đóng cửa lòng không muốn nhận, hay xem những lời thánh, những lời tốt lành quý báu là vô ích và chống đối lại thì đừng phí thời gian và công sức cho sự cãi vả không cần thiết. Song hãy tìm người chịu nghe, chịu nhận, chịu học để rao giảng và truyền bá cách chân thành. Điều đó là ích lợi cho Chúa và nhà Chúa, hữu ích cho mình, cho người khác.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, Cảm tạ Chúa vì bài học dạy dỗ tốt lành của Chúa cho chúng con. Có những lúc chúng con cảm thấy ngã lòng, thoái chí vì có nhiều người không chịu nghe phúc âm, không chịu tiếp nhận Chúa, cũng không hiểu biết giá trị tốt lành của Lời Chúa mà chống đối chúng con. Nguyện xin Chúa giúp chúng con không lấy đó làm gánh nặng và xao lãng việc rao giảng lời Chúa. Xin Chúa thêm sức cho chúng con, thêm lòng nhiệt huyết rao giảng phúc âm cho nhiều người đang khao khát và trông chờ Ngài. Cảm tạ Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét