Thi Thiên | Bạn Có Chia Sẻ Không?
Lời ngỏ
Các bạn thân mến,
Thời đại ngày nay việc chia sẻ không còn là một khái niệm xa lạ gì với mọi người. Người ta thường hiểu rằng chia sẻ là cho đi, là san sẻ cho người khác cái gì của mình, chẳng hạn chia sẻ thức ăn, áo quần… cho người khó khăn, đó là biểu hiện của sự cảm thương và đồng cảm đáng trân quý. Nhưng sự chia sẻ không chỉ là ở khái niệm của vật chất, đó là những thứ thuộc về tinh thần, cách sống, tri thức, thông tin trong cuộc sống, người ta chia sẻ thậm chí những thứ mình không có, không biết và không phải của mình. Vì thế, sự chia sẻ xuất phát từ tình cảm của con người đôi khi tốt nhưng cũng có lúc gây thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực. Vậy, là con cái Chúa bạn cần chia sẻ điều gì có giá trị, có ý nghĩa và chắc chắn là ích lợi cho người khác. Trong giờ tĩnh nguyện hôm nay xin mời các bạn tiếp tục Thi Thiên 67:1-7 để biết điều mình cần chia sẻ là gì và có một câu hỏi dành cho bạn sau khi suy ngẫm Lời Chúa hôm nay, đó là BẠN CÓ CHIA SẺ KHÔNG?
1 Nguyện Đức Chúa Trời thương xót chúng tôi, và ban phước cho chúng tôi,Soi sáng mặt Ngài trên chúng tôi.2 Để đường lối Chúa được biết trên đất, Và sự cứu rỗi của Chúa được biết giữa các nước.3 Hỡi Đức Chúa Trời, nguyện các dân ngợi khen Chúa!Nguyện muôn dân ca tụng Chúa!4 Các nước khá vui vẻ và hát mừng rỡ; Vì Chúa sẽ dùng sự ngay thẳng mà đoán xét các dân,Và cai trị các nước trên đất.5 Hỡi Đức Chúa Trời, nguyện các dân ngợi khen Chúa!Nguyện muôn dân ca tụng Ngài!6 Đất đã sanh hoa lợi nó, Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời chúng tôi,sẽ ban phước cho chúng tôi7 Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho chúng tôi,Và các đầu cùng đất đều sẽ kính sợ Ngài.
Giải thích (theo Thánh Kinh giải nghĩa của Warren W. Wiersbe)
Tác giả đoạn Thi Thiên này là một người vô danh, nhưng hẳn đó là người có khải tượng về toàn bộ thế giới này. Đức Chúa Trời đã ban phước cho ông và ông muốn chia sẻ ơn phước ấy với mọi người. Ông viết: “Xin Chúa thương xót chúng con, ban phước cho chúng con. Con cũng cầu xin Ngài chiếu sáng mặt Ngài trên chúng con” (c.1). Lời cầu nguyện này nghe có vẻ như lời chúc phước cho hội chúng của các vị mục sư, đúng thế không? Như trong lời chúc phước của Môi-se “Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước và phù hộ cho các anh em! Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên các anh em và làm ơn cho các anh em” (Dân số 6:24-25).
Trong câu 1, tác giả đã dùng từ “chúng con” đến ba lần. Ở đây, ông muốn ám chỉ người Do Thái, nhưng ông không dừng lại ở đó mà thôi. “Để thế gian biết đến đường lối Chúa, và sự cứu rỗi Ngài được rao ra giữa các quốc gia” (c.2). Người Do Thái thời ấy chỉ muốn giữ Thánh Kinh Cựu Ước mà họ có cho riêng họ mà thôi. Họ không muốn chia sẻ cho người khác. Đó không phải là điều Chúa muốn! Sau cùng, tại sao Ngài lại kêu gọi Áp-ra-ham? Để ông có thể trở thành nguồn phước cho cả thế gian. Vậy cớ sao Chúa Giê-xu phải chịu chết? Để sứ điệp Tin Lành có thể được rao truyền ra cho cả thế gian.
Nhưng vì lý do nào Chúa lại ban phước cho chúng ta? Để chúng ta có thể chia sẻ Tin Lành với người khác. Vậy, chúng ta không có gì phải thắc mắc về lời cầu nguyện trong câu 1: “Chúa ơi! Xin thương xót và ban phước trên chúng con, xin chiếu sáng mặt Ngài trên chúng con”. Nhưng câu 2 thì nói về điều gì? Chúng ta có muốn được Chúa ban phước để có thể trở thành một nguồn phước không? Đó chính là lý do tại sao Chúa ban phước cho chúng ta ngay từ buổi ban đầu. Hơn thế nữa, Ngài đáp lời cầu nguyện cho chúng ta để chúng ta trở thành sự đáp lời cho sự cầu nguyện của người khác.
Kết quả của việc đem sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời rao ra giữa các dân các nước chính là sự ngợi khen. “Hỡi Đức Chúa Trời! Nguyện các dân ca ngợi Chúa! Nguyện muôn dân toàn cầu tán dương Ngài!” (c.3). Điều này không có nghĩa là chỉ nói về mỗi dân Y-sơ-ra-ên nhưng bao gồm tất cả những người không phải là dân Do Thái. “Nguyện mọi quốc gia vui vẻ hát xướng vì mừng rỡ!” (c.4). “Nguyện muôn dân đều ca tụng Chúa” (c.5).
Hãy chú ý cách kết thúc của đoạn Thi Thiên này: “Đất sẽ sinh sôi nẩy nở hoa lợi ngày càng nhiều. Và Chúa, là Đức Chúa Trời chúng con sẽ ban phước trên chúng con. Ngài sẽ ban phước cho chúng con, và muôn dân khắp các đầu cùng địa cầu sẽ kính sợ Ngài” (c.6, 7). Vậy, sự nối tiếp làm nguồn ơn phước trong Thi Thiên này thật là quan trọng. Tác giả đã bắt đầu bằng ý định “Kính lạy Chúa! Xin Ngài ban phước cho con để con có thể ban phước lại cho người khác!”. Và ông đã thực sự trở thành nguồn phước cho nhiều người khác, vì thế Đức Chúa Trời lại tiếp tục ban phước cho ông. Một kinh nghiệm về đặc ân của Chúa thật tuyệt diệu làm sao!
Và câu hỏi được dành cho bạn ngày hôm nay: Bạn có phải là một phần nối tiếp nguồn ơn phước cho Chúa không? Nếu bạn biết chia sẻ cho người khác thì Ngài sẽ ban phước cho bạn để bạn có thể trở thành một nguồn phước. Hãy kinh nghiệm ân điển dư dật của Chúa bằng cách nói cho người khác biết về danh của Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa yêu dấu,
Con cảm tạ Chúa, lòng nhân từ, thương xót của Chúa thật lớn lao, dư dật mà bao lâu nay con vẫn chưa mạnh mẽ, dạn dĩ chia sẻ những phước hạnh của Ngài cho con. Xin tha thứ cho con. Xin dùng con là ống dẫn ơn phước hầu có thể chia sẻ phước hạnh tình yêu, ân điển của Chúa cho mọi người xung quanh con, hầu cho những người chưa biết Chúa, chưa tin Ngài có thể đồng thanh tán dương Ngài. Con cầu nguyện trong danh Thánh Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét