Thi Thiên | Tại Sao Đức Chúa Trời Nín Lặng?

Người Việt Nam có câu “yên lặng là vàng”. Điều này có thể phần nào đúng trong cách đối nhân xử thế. Nhưng đối với Đức Chúa Trời thì sao? Đặc biệt chúng ta nhớ lại những năm qua, khi cơn đại dịch viêm phổi cấp virus Corona lây nhiễm khắp nơi trên toàn cầu. Virus bệnh dịch thì vô hình, mắt thường không thấy được nhưng nỗi hoang mang lo sợ thì đã hữu hình trong ánh mắt, trên gương mặt và trong mọi sinh hoạt của con người khi bệnh dịch đã khiến hàng triệu người chết. Những lúc đó nhiều người đã thắc mắc “Chúa yêu thương ở đâu? Tại sao Chúa lại để bệnh dịch xảy ra? Hay là trong những ngày này, người ta lại hỏi: Tại sao chiến tranh bùng nổ và kéo dài khiến nhiều người thiệt mạng, gia đình ly tán? TẠI SAO ĐỨC CHÚA TRỜI NÍN LẶNG? Trong giờ tĩnh nguyện hôm nay xin mời quý vị cùng tôi đọc Thi Thiên 109:1-13. Biết đâu sự nín lặng của Đức Chúa Trời chính là đưa chúng ta đến gần Ngài và giúp chúng ta tỉnh thức đời sống mình.

1 Hỡi Đức Chúa Trời mà tôi ngợi khen, xin chớ nín lặng.
2 Vì miệng kẻ ác và miệng kẻ gian lận hả ra nghịch tôi: Chúng nó nói nghịch tôi bằng lưỡi láo xược,
3 Vây phủ tôi bằng lời ghen ghét, và tranh đấu với tôi vô cớ.
4 Vì tình thương của tôi, chúng nó lại trở cừu địch tôi; Nhưng tôi chỉ chuyên lòng cầu nguyện.
5 Chúng nó lấy dữ trả lành, lấy ghét báo thương.
6 Hãy đặt một kẻ ác cai trị nó, cho kẻ cừu địch đứng bên hữu nó.
7 Khi nó bị đoán xét, nguyện nó ra kẻ có tội, và lời cầu nguyện nó bị kể như tội lỗi.
8 Nguyện số các ngày nó ra ít, nguyện kẻ khác chiếm lấy chức phận nó đi.
9 Nguyện con cái nó phải mồ côi, và vợ nó bị góa bụa.
10 Nguyện con cái nó hoang đàng và ăn mày, phải đi xin ăn xa khỏi nhà hoang của chúng nó.
11 Nguyện chủ nợ tận thủ mọi vật nó có. Kẻ ngoại cướp lấy huê lợi về công lao nó.
12 Nguyện chẳng ai làm ơn cho nó, không ai có lòng thương xót con mồ côi nó.
13 Nguyện dòng dõi nó bị diệt đi, tên chúng nó bị xóa mất trong đời kế sau.

Bạn thường làm gì khi Chúa yên lặng? Những lúc bạn kêu cầu Đức Chúa Trời nhưng không được Chúa nhậm lời hoặc bạn không nghe được câu trả lời nào cả? Điều này đã từng xảy ra với Đa-vít. Ông không ngớt kêu cầu Đức Chúa Trời: “Hỡi Đức Chúa Trời mà con hay ngợi khen! Xin Ngài chớ nín lặng mãi!” (câu 1). Đa-vít đang bị kẻ ác tấn công – là việc xảy ra thường xuyên trong cuộc đời ông. Bạn nên nhớ rằng khi Đa-vít cầu nguyện thì những lời cầu nguyện của ông chính là những lời phán xét (câu 13). Ông đã không tìm kiếm sự báo trả tư thù. Không, ông đang cầu nguyện với tư cách là một vị vua của Đức Chúa Trời cai trị trên dân Y-sơ-ra-ên. Đa-vít muốn thấy kẻ ác bị xét xử bởi vì họ đã tấn công dân sự Chúa, là dân mà từ họ sẽ xuất hiện Lời Đức Chúa Trời và Con Trai Ngài.

Tại sao có nhiều lúc Đức Chúa Trời thường nín lặng? Có thể tại vì ấy là những lúc chúng ta không lắng nghe hoặc không muốn nghe tiếng Ngài. Giáo sĩ Billy Sunday từng nói rằng một tội nhân không muốn tìm gặp Chúa với lý do tương tự như lý do của một kẻ tội phạm không muốn tìm gặp một viên cảnh sát vậy, nghĩa là anh ta không đang tìm kiếm. Tội lỗi đã biến chúng ta thành kẻ điếc đối với Đức Chúa Trời. Khi A-đam và Ê-va nghe tiếng Chúa trong vườn Ê-đen, họ đã bỏ trốn. Con cái cũng thường làm như vậy khi chúng bất tuân với cha mẹ mình.

Đôi khi Chúa nín lặng vì lý do chúng ta không sẵn lòng đón nhận sứ điệp. Ngài muốn dạy dỗ chúng ta điều gì đó, nhưng chúng ta lại không sẵn lòng nghe. Chúng ta phải trải qua sự tôi luyện của thử thách thì chúng ta mới có thể sẵn lòng lắng nghe Ngài.

Thỉnh thoảng Chúa lại nín lặng bởi vì Ngài biết chúng ta không có thiện chí vâng lời. Ngài luôn sẵn sàng tỏ cho chúng ta biết ý muốn Ngài, nhưng Ngài chỉ bày tỏ ý muốn Ngài cho những ai thực sự muốn biết ý muốn ấy. Đức Chúa Jêsus đã phán dạy trong Giăng 7:17 như sau: “Hễ ai muốn làm theo thánh ý Ngài, thì người ấy sẽ nhận biết đạo lý ta.” Những người vâng lời Chúa luôn luôn nghe được tiếng Chúa.

Cuối cùng, lắm lúc Chúa nín lặng bởi vì Ngài muốn thử thách chúng ta, tức Ngài muốn dạy chúng ta tầm quan trọng của sự yên lặng, là tầm quan trọng của sự tiếp tục trông đợi Chúa. Việc mong đợi sự giúp đỡ của Chúa sẽ nhắc nhở chúng ta nhớ đến sự tể trị của Ngài.

Sự nín lặng của Chúa là một trong những thử thách đức tin gay go. Bạn sẽ làm gì khi Ngài nín lặng? Hãy nhớ đến sự thành tín Chúa và những ơn phước mà Ngài đã ban cho bạn trong quá khứ. Ngày hôm nay, cho dù xung quanh người ta hoang mang, sợ hãi ra sao thì bạn hãy sống cậy trông vào chính Chúa, Ngài sẽ giải cứu bạn khỏi những tai ương bệnh dịch. Hãy tin cậy Chúa và trông đợi Ngài. Chính Ngài là câu trả lời cho bạn và bạn lại sẽ nghe được tiếng Ngài.

(Theo Thánh Kinh giải nghĩa Warren W. Wiersbe)

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Giữa những rối ren, lo lắng của cuộc sống, trong những thắc mắc chưa được trả lời khiến chúng con hoang mang, sợ hãi vì không thấy Chúa đáp lời. Cảm tạ Chúa vì khi Chúa nín lặng là để con học biết về Ngài, để con đến gần Chúa và soi mình trong Lời của Chúa phán qua Kinh Thánh. Con học được rằng Đức Chúa Trời là Đấng Hằng Sống, Ngài vẫn ở giữa chúng con và bảo vệ, giải cứu những con cái của Ngài. Xin cho con luôn tin cậy Chúa trong mọi nghịch cảnh. Con cảm tạ Chúa. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa