Ma-thi-ơ | Thập Tự & Tình Yêu

Ngày xưa, thập tự là một công cụ để người La Mã thi hành án tử hình đối với phạm nhân, đó là một cách hành quyết đau đớn và dã man nhất đối với tử tội. Nhưng kể từ khi Chúa Jêsus chọn đi trên con đường Gô-gô-tha, chịu đóng đinh trên thập tự và chịu cái chết đau đớn, thập tự đã trở thành một biểu tượng của tình yêu thương. Ngày nay thập tự giá đã trở thành hình ảnh quen thuộc với mọi người. Người ta có thể thấy hình ảnh thập tự ở khắp mọi nơi: tại bệnh viện, trong các kiến trúc, trên lá cờ, trên các món đồ vật, cả trên những món đồ trang sức dễ thương… Người ta đã tạo nhiều kiểu dáng thập tự với những cách điệu khác nhau nhưng căn bản vẫn phải có hai thanh ghép lên nhau, đó có thể là hình chữ thập, hình chữ T hay hình chữ X[1]. Và dù ở dạng kiểu dáng thế nào thì thập tự giá vẫn là giao điểm của tình yêu và sự công chính mà Đức Chúa Trời muốn bày tỏ cho nhân loại. Thập tự giá nhắc cho chúng ta về tình yêu và sự hy sinh của Chúa Jêsus đối với mỗi người chúng ta, trong đó có bạn và tôi là người mà Chúa đã cứu chuộc khỏi tội lỗi và sự chết đời đời.

Ba câu Kinh Thánh hôm nay trong Ma-thi-ơ 20:17-19 là lời tiên báo lần thứ ba của Chúa Jêsus cho các môn đồ của Ngài về việc Chúa sẽ đi con đường thập tự. Tại sao Ngài phải nhắc lại đến ba lần sự kiện này?

17 Trong khi Đức Chúa Jêsus đi lên thành Giê-ru-sa-lem, Ngài đem riêng theo mười hai môn đồ, dọc đường, phán cùng họ rằng:
18 Nầy, chúng ta đi lên thành Giê-ru-sa-lem, và Con người sẽ bị bắt nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, bọn đó sẽ luận giết Ngài.
19 Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại hầu để nhạo báng, đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.

1. Vì đây là bằng chứng của tình yêu

Theo luật pháp lúc bấy giờ, để chứng thực một sự việc gì chỉ cần có hai nhân chứng sống là đã đủ để xác minh sự việc đó là thật. Trong sứ điệp của Chúa những lời được lặp lại hai lần trở lên là để chứng thực sự chính xác của lời ấy. Chẳng hạn, Chúa Jêsus thường khởi đầu lời của Ngài với từ “quả thật, quả thật” để khẳng định lời phán của Ngài là một chân lý.

Thế nhưng, lời tiên báo về sự khổ nạn của Chúa Jêsus đã được chính Chúa lặp lại đến 3 lần. Tại sự kiện núi hóa hình, có cả hai vĩ nhân thời Cựu Ước là Môi-se và Ê-li đã hiện đến để xác nhận con đường thập tự mà Chúa Jêsus phải đi là con đường cứu rỗi nhân loại. Điều này cho thấy con đường thập tự là điều cần thiết, quan trọng và có ý nghĩa thuộc linh sâu sắc. Lời tiên báo này cũng đã được ký thuật trong Phúc Âm Mác và Lu-ca. Trong hai sách này có ghi thêm chi tiết về phản ứng của các môn đồ, họ rất căng thẳng, hoang mang, thậm chí là sợ hãi về điều họ nghe. Thật ra, trong cương vị là một con người hoàn toàn, chắc chắn trong nội tâm của Chúa Jêsus cũng có sự tranh đấu và có nhiều ưu tư về sự khổ hình trên thập tự mà Chúa sắp phải mang. Nhưng sự chịu khổ này không phải là bắt buộc, mà Ngài tự nguyện và tiên phong bước đi, vì tại đó tình yêu của Đức Chúa Trời được bày tỏ.

2. Đây là sứ mạng phải hoàn tất

Lời tiên báo này không phải lý thuyết suông, không phải mạng lệnh cho người khác thực thi nhưng chính Ngài sẽ thi hành theo đúng những gì mà Ngài đã báo trước. Chúa Jêsus nhắm hướng thành Giê-ru-sa-lem mà tiến bước, Ngài nhắm hướng đồi Gô-gô-tha để bước đến và sẵn sàng mang thập tự khổ hình.

Sứ mạng mà Chúa Jêsus đang chịu và sắp chịu là sự đau thương giằng xé trong tấm lòng, sự tranh đấu của tâm trí, và sự đau đớn của thân thể. Trong lúc ấy, Chúa còn phải chịu sự cô đơn khi những người từng gọi là thầy dạy luật pháp Đức Chúa Trời lại chính là người âm mưu tìm cách bắt Chúa. Và những sứ đồ từng sát cánh với Chúa lại bỏ Ngài để cứu lấy mạng mình. Chính môn đồ của Chúa đã bán Ngài với cái giá của một tên nô lệ, rồi dùng cái hôn thể hiện tình yêu là dấu hiệu để quân lính bắt Chúa, còn môn đồ thân tính với Ngài lại chối Chúa khi người ta phát hiện ra ông là môn đồ của Chúa.

Tuy nhiên, sự chết của Ngài không phải là sự thất bại và tuyệt vọng, nhưng đó là sự cứu rỗi và niềm hy vọng cho người tin và theo Ngài. Vì Chúa cũng tiên báo rằng Ngài sẽ sống lại vào ngày thứ ba sau khi chịu đóng đinh trên thập tự giá.

Mọi việc Chúa Jêsus biết rõ và tiên báo cho chúng ta trong ánh sáng lời hằng sống của Ngài. Chúa Jêsus phán Ngài là Con Đường, Sự Sống và Chân Lý. Theo Chúa Jêsus là điều tốt lành nhất trong mọi điều tốt lành, con đường Ngài đi và chỉ cho chúng ta đi hoàn toàn minh bạch và rõ ràng chứ không mờ ảo, mơ màng. Nhất là điều Ngài phán bảo và dạy dỗ luôn đi song hành với đời sống và hành động của Ngài.

Bạn thân mến, bạn và tôi là là môn đồ của Chúa Jêsus, là những người tin Chúa nhưng thực sự chúng ta có đang sống giống như Chúa hay không? Có thể con người chúng ta còn nhiều giới hạn nên có nhiều điều không thể làm được, hay làm chưa trọn vẹn. Nhưng nếu chúng ta phó thác cho Chúa và nhờ Ngài giúp thì chính năng quyền của Chúa sẽ khiến chúng ta làm được những điều mình không làm được. Vì Chúa đã làm trọn mọi điều cho chúng ta bằng tình yêu và sự hy sinh của Ngài. Chúa Jêsus đã đi con đường thập tự, do đó chúng ta đi theo Ngài là đi con đường đồng chịu khổ với Ngài, và đằng sau sự khổ nạn sẽ được vinh hiển với Ngài. Đó là lời hứa dành cho mỗi chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Chúng con biết rằng tin và theo Chúa sẽ bị nhiều người xung quanh hiểu lầm mà ghen ghét, thậm chí là nhạo báng. Nhưng chúng con tin rằng Ngài chính là Con Đường, Chân Lý và Sự Sống. Nơi Ngài chúng con được bình an dù phải vượt qua những ba đào sóng gió giữa cuộc đời này. Dù chúng con phải bước đi qua những thung lũng sầu đau, thống khổ thì Ngài luôn đồng hành cùng chúng con để biến những nơi đó là nơi có mạch nước sống tuôn đổ. Cảm tạ Chúa, xin vùa giúp chúng con đồng chịu khổ với Ngài trên con đường thập tự để rồi được đồng hưởng cơ nghiệp phước hạnh đời đời từ Chúa ban cho. Chúng con cảm tạ Chúa và cầu nguyện nhân danh Cứu Chúa Jêsus. Amen.

Chú thích [1]

  1. Thập giá Quadrata, 4 cánh đều, còn được gọi là thập giá Hy Lạp.
  2. Thập giá Immisa, cũng gọi là thập giá La Tinh (Latin). Thập giá này có chiều đứng dài hơn chiều ngang. Đây là loại thập tự phổ thông mà nhiều nhà thờ Tin Lành Việt Nam sử dụng.
  3. Thập giá Commissa, có hình chữ T (Tau) còn được gọi là thập giá thánh An-tôn.
  4. Thập giá St. Andrew có hình số 10 La Mã (X). Có 4 cánh bằng nhau, xếp chéo nhau như mẫu tự X.
  5. Thập giá Ansata, có hình chữ T in nhưng chính giữa hai cánh ngang còn có một vòng tròn trên đỉnh.
  6. Thập giá Swastika có hình chữ thập ngoặc. Thập giá này có 4 cánh đều nhau, mỗi cánh còn chắp thêm một cánh phụ nằm thẳng góc với cánh chính, tủa ra theo chiều kim đồng hồ.
  7. Thập giá gồm chữ P chồng lên trên chữ X, hoặc thập giá có 4 cánh đều, nhưng trên cánh cao nhất còn chắp một chữ P. Kiểu thập giá này dùng hình mẫu tự trong tên của Chúa Cứu Thế viết bằng chữ Hy Lạp.
  8. Thập giá Celtic của người Bắc Âu có thêm một vòng tròn nhỏ bao quanh giao điểm của chiều ngang và chiều đứng.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa