Ma-thi-ơ | Chúa Cần Dùng

Kinh thánh:  Ma-thi-ơ 21:1-3

1 Vừa khi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ gần đến thành Giê-ru-sa-lem, và đã tới thành Bê-pha-giê, bên núi Ô-li-ve rồi, thì Ngài sai hai môn đồ,
2 mà phán rằng: Hãy đi đến làng ở trước mặt các ngươi, tức thì sẽ gặp một con lừa cái bị cột, với một con lừa con; hãy mở ra và dắt đến cho ta.
3 Nếu có ai nói chi với các ngươi, hãy trả lời rằng Chúa cần dùng hai con lừa đó; tức thì họ sẽ gửi lừa đi.

Lời ngỏ

Người ta thường nói đến con lừa bằng những từ ngữ chỉ về sự thấp hèn. Có lẽ bạn từng nghe câu nói “Tôi làm việc nặng nhọc như một con lừa (donkeywork)”. Hay là “Thân lừa ưa nặng”. Những lời nói đó dường như coi thường những đóng góp của một loài vật thật sự có giá trị như con lừa. Lừa đã phục vụ loài người hàng ngàn năm nay. Trước mặt Chúa con lừa từng được coi là biểu tượng của sự khiêm nhường, nhu mì, hiền lành và hòa bình. Ngài đã nhiều lần dùng con lừa trong những việc trọng đại. Chẳng hạn, Chúa mở miệng con lừa để cảnh cáo tiên tri Ba-la-am đã bất phục lời Chúa và đang đi con đường sai lầm. Và trong phần Kinh Thánh hôm nay, Chúa đã dùng con lừa con giáp niên để cưỡi đi vào thành Giê-ru-sa-lem với sứ điệp Ngài là Sứ Giả hòa bình cho nhân loại.

Để tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-xu đã dừng lại ở thành Bê-pha-giê gần núi Ô-li-ve. Tại đây Chúa đã sai hai môn đồ làm một việc rất đặc biệt. Hai người được sai đi vào làng ngay trước mặt, ở tại đó họ sẽ thấy “con lừa cái… với một con lừa con” đang bị cột. Nếu có ai hỏi, họ chỉ đáp: “Chúa cần dùng hai con lừa đó” rồi dắt về cho Ngài. Tại đây chúng ta thấy Chúa Giê-xu đã dùng con lừa nhỏ bé, thấp hèn cho một công tác quan trọng. Người chủ lừa này cũng  đã được góp phần chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình cứu rỗi cho nhân loại. Vậy làm thế nào để biết được thứ Chúa cần dùng là gì?

1. Xác nhận mục đích Chúa cần dùng 
Khi hai môn đồ đi theo lời Chúa phán thì Chúa đã dặn bảo “Nếu có ai nói chi với các ngươi, hãy trả lời rằng Chúa cần dùng hai con lừa đó”. Nếu chúng ta là người đang sở hữu tài sản, hay vật dụng, như chủ hai con lừa, thì phải xác nhận với người được sai đến để xem họ có phải từ Chúa đến hay không? Khi Chúa cần sử dụng bản thân chúng ta, hay Ngài muốn dùng những của cải, đồ vật của chúng ta thì chúng ta nên nhanh chóng quyết định để Chúa toàn quyền sử dụng. Nhưng trước khi dâng cho Chúa, chúng ta cần hỏi lại để xác nhận người sử dụng là ai và mục đích cần sử dụng là gì. Xác nhận lại điều này không phải là vì nghi ngờ Chúa, nhưng là để nhận biết rõ chương trình của Chúa đã thật sự đúng mục đích và thời điểm chưa, hay chỉ do một cá nhân con người nào đó đang lợi dụng Chúa để làm theo ý mình.

Còn người được sai đi để thi hành theo sứ mạng lời Chúa cần phải trung thành với Lời Chúa mặc dù hai môn đồ có thể nói lại lời Chúa với cách diễn đạt khác, nhưng họ đã nói chính xác theo đúng lời Chúa đã phán. Lời phán của Chúa trong sự kêu gọi để sử dụng luôn đi cùng với mục đích tốt lành và cách thức rất đơn giản nhưng có năng quyền lớn. Thoạt đầu khi mới nghe có thể chúng ta không rõ mục đích sâu xa, nhưng chúng ta sẽ nhận biết được ý muốn của Chúa nếu trước đó chúng ta có sự liên kết chặt chẽ trong mối quan hệ rõ ràng với Chúa Giê-xu. Qua đó chúng ta đặt cả niềm tin để dâng chính mình.

2. Chuẩn bị trước khi Chúa cần dùng
Chúng ta không biết rõ Chúa đã tận mắt nhìn thấy con lừa này và biết người chủ của nó từ trước đó, hay Ngài biết bởi Ngài là Đức Chúa Trời toàn tri – tức có thể biết chi tiết tất cả mọi sự. Nhưng chúng ta tin rằng Ngài có quyền sử dụng thần quyền để biết mọi việc xảy ra và Ngài cũng rất rất cẩn thận, chuẩn bị sẵn mọi điều trước khi sai phái môn đồ mình đến đó dẫn lừa về. Hơn nữa, Chúa đã định liệu những việc có thể xảy ra và căn dặn môn đồ mình phải trả lời như thế nào. Điều đó bày tỏ Ngài đã nhờ Đức Thánh Linh là Đấng thấy rõ, biết rõ mọi sự để biết trước được những điều đã xảy đến.

Ví dụ, khi Chúa gặp Na-tha-na-ên do Phi-líp giới thiệu, Ngài phán rằng Ngài thấy Na-tha-na-ên dưới gốc cây từ trước đó. Điều đó khiến Na-tha-na-ên phải thừa nhận Ngài là Đấng Christ. Chúa Giê-xu chỉ nói Ngài đã thấy Na-tha-na-ên trước khi ông được giới thiệu cho Ngài mà ông đã tin Ngài như vậy nên sau này Chúa sẽ sử dụng ông trong việc lớn lao hơn nữa vì ông sớm có lòng tin nơi Ngài.

Quan trọng hơn nữa đó là thời điểm Chúa yêu cầu sử dụng con người hay vật chất đều rất chính xác, rất hợp tình hợp lý, rất đúng lúc. Ví dụ, con lừa con này vừa giáp năm tuổi nên rất phù hợp để cưỡi. Ngài đã cưỡi con lừa đang cột trên đường từ thành Bê-pha-giê, Bê-tha-ni, ngang qua núi Ô-li-ve đi về phía thành Giê-ru-sa-lem. Sự việc này đã làm ứng nghiệm những điều được tiên tri trong Kinh thánh Cựu Ước.

Đức Chúa Trời sử dụng chúng ta và những tài vật của chúng ta vào đúng thời điểm. Khi Chúa cần, nếu chúng ta đáp nhận ý muốn của Ngài thì sẽ có hiệu quả và mang lại lợi ích lớn lao. Còn nếu chúng ta do dự thì Ngài cũng sử dụng nhưng ý nghĩa và giá trị không bằng như trước.

Ví dụ, Ma-ri đã dùng một cân dầu thơm để xức chân cho Chúa là một việc làm quý giá đúng thời điểm. Việc xức dầu này có vai trò phong chức chính thức cho Ngài với danh hiệu Đấng Christ, Đấng được xức dầu thánh. Chúa đã yên lặng để cho Ma-ri xức dầu dù bị Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phản đối và cho là phí phạm. Qua đây, cũng nhắc nhở chúng ta, có thể chúng ta là người có tính tiết kiệm nhưng nếu vì công việc của Chúa thì đừng tiếc rẻ hay do dự sử dụng. Có thể lúc bấy giờ, Ma-ri làm như vậy chỉ để cảm tạ Chúa vì Ngài đã cứu anh trai mình. Ma-ri không biết nàng đã xức dầu đúng thời điểm để phong chức thánh cho Chúa và xức xác Chúa trước khi Ngài bắt đầu kỳ khổ nạn.

Sau đó, khi Chúa Giê-xu đã chết và chuẩn bị được chôn, Ni-cô-đem đã mang 100 cân dầu thơm, tức gấp 100 lần hơn so với số dầu của Ma-ri để làm phép tẩm liệm nhưng nhiều người không nhớ 100 cân dầu của Ni-cô-đem bằng 1 cân dầu của Ma-ri.

Nếu biết rõ Chúa đang cần dùng mình hay của cải của mình, sau khi xác định đó thật là ý Chúa, chương trình của Chúa thì phải lập tức thi hành ngay đúng thời điểm đó. Chúng ta có thể chưa hiểu tầm quan trọng của những việc chúng ta làm, hay chỉ hiểu theo khả năng hạn hẹp của mình, nhưng nếu cứ vâng phục và tận hiến với tâm nguyện rằng “do Chúa cần dùng” thì chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc việc mình dâng cho Chúa, và khi dâng sẽ cảm nhận được Chúa làm hơn điều mình đang nghĩ và suy tưởng.

Thật vậy, hễ ai hay bất cứ vật gì được Chúa sử dụng sẽ trở nên thánh thiện và mang giá trị tốt lành cho mọi người. Hãy khiêm nhường, hạ mình xuống để Chúa sử dụng cách tốt lành trong công việc của Nước Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Nguyện xin Chúa đoái xem chúng con vốn là kẻ hèn mọn và cho chúng con cơ hội để phục vụ Ngài. Được phục vụ Chúa là điều tốt lành cho chúng con. Và chúng con mong được hầu việc Chúa trong mọi trường hợp khi Ngài cần đến.
Cảm tạ Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Thiên Gia Vĩnh

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa