Ma-thi-ơ | Hiệp Một Cầu Thay

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 18:18-20

18 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì mà các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà các ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ mở ở trên trời.
19 Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ.
20 Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.

Lời ngỏ

Một thuyền nhân kia đón một thanh niên trẻ lên thuyền của ông để hướng dẫn qua một dòng sông chảy siết. Trên con thuyền có hai mái chèo. Trên mỗi mái chèo có đề hai chữ: “Hòa giải” và “Khẩn nguyện”. Chàng thanh niên bĩu môi với vẻ khinh miệt: “Này chú! Chú có lạc hậu quá không vậy? Trong thời đại khoa học ngày nay chỉ cần nỗ lực và ý chí của con người thì hòa giải được. Đâu có khấn nguyện thần thánh chi cho mất công.” Người chủ thuyền tỏ vẻ buồn nhưng không nói gì. Ông buông thõng mái chèo có chữ “Khẩn nguyện” mà ra sức chỉ chèo mái “Hòa giải”. Ông chèo mãi chèo mãi nhưng con thuyền chỉ quay tròn mà không tiến tới được. Gặp dòng nước siết khiến con thuyền chòng chành như sắp lật ngang. Lúc bấy giờ người chủ thuyền mới bảo: “Mọi việc nếu chỉ nỗ lực với ý chí để hòa giải” thì chỉ khiến con thuyền cuộc đời đi lòng vòng không thể tiến được.

Sau đó, người chủ thuyền nắm cả hai mái chèo “Hòa giải” và “Khẩn nguyện” để bắt đầu chèo, con thuyền bắt đầu rẽ sóng băng trên sóng nước đến bờ sông bên kia thật bình an. Lúc bấy giờ người thanh niên mới hiểu ra về bài học đầy ý nghĩa sâu xa mà người thuyền nhân đã cố tình để như thế.

Trong Ma-thi-ơ 16:19 Đức Chúa Giê-xu phán với Phi-e-rơ về quyền và trách nhiệm của người sứ đồ tiên phong trong việc được phép mở và buộc sự cứu rỗi với sứ điệp ông phải rao báo. Chính Phi-e-rơ đã làm trọn sứ mạng ấy để khởi đầu sứ điệp cứu rỗi cho dân Do thái trong ngày lễ Ngũ tuần đầu tiên sau khi Chúa Giê-xu phục sinh với sự giáng lâm mạnh mẽ của Đức Chúa Thánh Linh. Lúc ấy, sứ đồ Phi-e-rơ đã mạnh mẽ đứng ra rao giảng và gặt lấy hơn 3 nghìn người ăn năn và được sự cứu rỗi. Và chính Phi-e-rơ cũng được Chúa sai phái đến gia đình của viên quan La-mã để giảng phúc âm cứu rỗi cho cộng đồng dân ngoại đầu tiên này. Phi-e-rơ đã làm trọn sứ mạng của người tiên phong cho cả người Do thái và người dân ngoại trong sứ điệp cứu rỗi của Đức Chúa Giê-xu.

Và tiếp theo trong Ma-thi-ơ 18:18 thì quyền và trách nhiệm “buộc và mở” này được giao phó cho Cộng đồng Cơ đốc, cho tất cả thành viên của Hội thánh là thân thể của Đấng Christ. Điều này không có nghĩa là Hội thánh có quyền lực để có thể tuyên bố cho người nào được cứu, người nào không. Nhưng đó là sứ mạng tiên phong trong sự rao báo phúc âm cứu rỗi cho muôn dân muôn nước. Bởi đó nếu Cộng đồng Hội thánh nào bằng lòng tiếp nhận sứ mạng của Ngài thì mạnh mẽ ra đi và tiên phong trong công tác truyền giảng phúc âm cho muôn dân muôn nước. Công tác truyền giảng này là việc thực thi quyền và trách nhiệm của Cộng đồng con dân Chúa cho Nước Đức Chúa Trời.

Trong văn cảnh của cả phân đoạn Kinh thánh này bày tỏ Hội thánh có quyền và trọng trách không chỉ truyền giáo ra bên ngoài Hội thánh mà thôi; nhưng cũng có sứ mạng để hiệp một và cầu thay cho nhiều tín hữu thành viên phạm tội và gây nên những điều nan giải ngay trong Hội thánh nữa. Trong hoàn cảnh đó, để giải quyết những tranh chấp bên trong nội bộ thì cần phải hiệp lại cầu nguyện, nhân danh Chúa mà bước đi trong sự hòa giải thì Đức Chúa Trời sẽ nhậm lời cầu nguyện mà giải quyết những xung đột.

Tại đây, chúng ta đừng nhầm lẫn cứ việc gì cũng hiệp lại cầu nguyện của hai ba người sẽ được Chúa nhậm lời hết. Nhưng tại đây muốn nhấn mạnh đến việc nhân danh Chúa mà hiệp nhau lại để cầu thay để Chúa thương xót mà giải quyết những xung đột trong Hội thánh. Đối với Chúa thì sự hòa giải giữa anh em trong Hội thánh là điều rất quan trọng cần được đề cao.

Đức Chúa Giê-xu là Đấng luôn ở trên, ở giữa, và ở trong chúng ta, là các con dân Ngài. Nhưng đối với vấn đề giải quyết mâu thuẫn đem lại sự hòa giải giữa anh chị em với nhau thì cần phải cầu nguyện, khẩn nài nhân danh Chúa thì Ngài chắc chắn ở giữa chúng ta. Ngài là Đấng Trung Bảo và Đấng Hòa Giải giữa con người chúng ta với Chúa, và giữa con người chúng ta với nhau.

Theo cách hiểu thông thường thì với câu Chúa phán “Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ” (câu 20) con cái Chúa thường hiểu đây là câu Kinh thánh kêu gọi sự hiệp một trong sự cầu nguyện sẽ được nhậm lời . Thế nhưng, bối cảnh của phân đoạn Kinh thánh này bày tỏ phương cách hòa giải trong Hội thánh phải bắt đầu trong sự cầu nguyện. Sự cầu nguyện ban đầu của cá nhân, sau đó đến một vài cá nhân và sự cầu nguyện của toàn thể Hội thánh là bí quyết có thể đem đến sự hòa giải xung đột. Đó là điều Chúa muốn Hội thánh nên làm và Ngài ở giữa để làm cho thành sự hòa thuận bởi danh Ngài.

Hiện giờ bạn đang có sự bất hòa, mâu thuẫn, phân rẽ với anh em nào không? Hãy thật lòng đến với Chúa và tích cực hòa giải trong Danh Chúa, bởi sự hiệp một cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu, Ngài là Đấng Trung Bảo, sẽ hòa hợp và giải quyết tận gốc mọi mâu thuẫn, trái nghịch giữa chúng ta, thì khi đó sứ điệp cứu rỗi mà chúng ta rao giảng mới có kết quả được.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Xin tha thứ cho chúng con vì đã làm tổn thương Ngài vì đã không chấp nhận nhau và xưng tội mình để được hòa giải. Nguyện xin Chúa giúp Hội thánh của Ngài nhận ra sứ điệp này mà hiệp một trong sự cầu nguyện để nài xin Chúa thương xót mà cảm động lòng của người phạm tội mà khiến họ ăn năn để nhờ cậy ân điển Chúa tiến đến sự hòa giải và tha thứ. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Thiên Gia Vĩnh

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa