Thi Thiên | Mầu Nhiệm Của Sự Sống Lại

Lời ngỏ
Có một bài thơ được nhà thơ Bảo Phúc cảm tác như sau:
Sáng nay hoa trắng nở đầy,
Ngoài sân nắng đổ cho ngày bừng lên.
Đau buồn như đã vội quên
Hôm nay Chúa sống lại bên ta rồi!
Đâu còn những phút đơn côi,
Tưởng đời đã hết, tưởng Người đã xa
Ai ngờ phần mộ mở ra,
Và thiên sứ đến loan xa tin mừng
Đất trời vang dậy mùa xuân
Con Trời đắc thắng tử vong đời đời
Từ nay Chúa ngự trên trời
Từ nay Chúa sống muôn đời bên Cha
Để đem con đến cùng Cha
Để con được sống bên Cha đời đời.
Thi Thiên 16 bày tỏ sự hy vọng tin cậy vào sự sống đời đời và phước hạnh vĩnh cửu, đặt nền tảng trên sự gắn bó thật với Chúa. Một sự xác quyết chắc chắn rằng người kính yêu Chúa sẽ không bị bỏ quên trong cái chết, và sẽ không đau khổ khi nhìn thấy sự hư hoại vĩnh viễn, hoặc mục rữa vĩnh viễn trong nấm mồ. Xin mời các bạn cùng suy ngẫm lời Thi Thiên 16:10-11 với chủ đề MẦU NHIỆM CỦA SỰ SỐNG LẠI.
Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ, Cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư nát. Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc, Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng…
Giải thích
Nơi ở của người chết không phải là chỗ cư ngụ của người thánh của Chúa! Sự hư nát của thân thể sau khi chết không phải là số phận của Đấng Thánh. Đa-vít bởi sự cảm động của Đức Thánh Linh đã viết lên những lời này từ hàng ngàn năm trước khi Chúa Cứu Thế Giê-xu phục sinh.
Cái chết thương khó của Chúa Giê-xu không phải là tình cờ, cũng không phải là ngẫu nhiên, mà đã được Chúa Cha định trước từ lâu. Sự sống lại của Ngài cũng thế, Đa-vít đã nói trước rằng: Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ, cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư nát.
Câu chuyện Giô-na ở trong bụng cá 3 ngày là hình bóng để nói lên rằng Chúa Giê-xu sẽ sống lại 3 ngày sau khi chết (Giô-na 2). Đang khi thi hành chức vụ, Chúa Giê-xu cũng nhiều lần nói trước rằng Ngài sẽ sống lại: Ngài giải thích ý nghĩa hình bóng của câu chuyện Giô-na ra khỏi bụng cá sau 3 ngày là để chỉ về sự sống lại của Ngài (Ma-thi-ơ 12:38-40); ở một chỗ khác Ngài bảo người ta hãy phá đền thờ đi, rồi trong 3 ngày Ngài sẽ dựng lại (Giăng 2:18-22).
Chẳng những nói bằng hình ảnh, bằng hoán dụ mà Ngài còn nói thẳng, nói trước về sự sống lại của Ngài: Khi sắp lên thành Giê-ru-sa-lem, Chúa báo trước Ngài sẽ chịu chết và đến ngày thứ ba sẽ sống lại (Ma-thi-ơ 17:22-23). Và rồi trên đường đến Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-xu báo trước Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, chịu đóng đinh trên thập tự giá và sẽ sống lại (Ma-thi-ơ 20:19). Việc Ngài sống lại như là một sự thật hiển nhiên, cho nên Chúa đã hẹn với các môn đệ rằng Ngài sẽ đi trước họ đến Ga-li-lê (Mác 14:28): Nhưng khi ta sống lại rồi, ta sẽ đi đến xứ Ga-li-lê trước các ngươi. Có lẽ vì thế mà các môn đệ đã cùng đi đánh cá với Phi-e-rơ và quanh quẩn nơi bờ hồ Ga-li-lê (Giăng 21:1-2).
Chúa Giê-xu thật đã sống lại, Ngài hiện ra cho các môn đệ. Bởi sự hiện diện diệu kỳ của Ngài, một Thô-ma hay nghi ngờ đã kinh ngạc quỳ xuống xưng nhận Ngài là Chúa và Đức Chúa Trời của mình (Giăng 20:24-28).
Sự phục sinh của Chúa Giê-xu đã làm thay đổi tình thế: Những môn đệ sợ hãi, trốn chạy, theo Chúa xa xa trong cái đêm Ngài bị bắt, rồi sau đó chịu thương khó và bị hành hình, nay đã quay trở lại dạn dĩ rao truyền sự phục sinh của Chúa, dám sống và dám chết cho niềm tin của mình. Phi-e-rơ từ một người chối Chúa ba lần đã trở nên người can đảm phi thường, đứng ra giảng dạy cho một đám dân đông rằng Chúa Giê-xu đã sống lại (Công Vụ. 2:23-24).
Từ đó sự phục sinh của Chúa Cứu Thế là nội dung chính trong sự giảng dạy của các sứ đồ (Công vụ 1:21-22; 2:24,29-32; 17:18; 23:6). Chúa đã sống lại chính là nền tảng của sự cứu rỗi của các sứ đồ (1 Cô-rinh-tô 15:17), của Hội Thánh và của mỗi một con dân Chúa. Là hy vọng rằng một ngày không xa, lúc tiếng kèn chót thổi lên, những người chết sẽ sống lại không hư nát và chúng ta sẽ được biến hóa. Rằng những gì hư nát tạm bợ trong thân thể này sẽ mặc lấy sự bền vững, tươi đẹp và những gì hữu tử sẽ mặc lấy sự bất tử. Chúa Cứu Thế Giê-xu là trái đầu mùa trong cõi vĩnh cửu, bất tử ấy. Sự sống lại của Ngài mở đầu cho hy vọng sống lại của những ai tin nhận Ngài.
Người tin nhận Chúa không còn sợ âm phủ nữa, cái chết chỉ là một giấc ngủ, là trạng thái chờ đợi để được sống lại đến ngàn muôn muôn thu. Chính vì lý do đó, trong lúc bị ném đá gần chết, Ê-tiên nhìn lên và thấy vinh hiển của Đức Chúa Trời và thấy Chúa Giê-xu ngồi bên hữu Đức Chúa Trời, sự hiện thấy sống động đó đã khiến ông được thêm sức để có thể cầu xin Chúa tha tội cho những người đang ném đá để giết mình: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ! (Công Vụ.7).
Cuộc sống ở thế gian dù thật nhiều ý nghĩa với một người kính yêu phục vụ Chúa hết lòng như Phao-lô, nhưng ông như người bị ép giữa hai bề, giữa cái sống để phục vụ Chúa, rao giảng Phúc Âm, và cái chết, tức muốn đi ở với Đấng Christ, là điều ông xem là tốt hơn (Phi-líp 1:23).
Một ngày kia không gian thật tĩnh lặng trong phòng làm việc của nhà cải chính Martin Luther. Ông đang buồn rầu và thất vọng. Chẳng thiết tha chuyện trò, chẳng làm việc cũng chẳng cầu nguyện. Cứ ngồi đó rầu rĩ và lo nghĩ hết việc này sang việc nọ và càng lúc càng thấy buồn rầu tuyệt vọng hơn.
Bà Katharina, vợ của ông lo lắng cho chồng và suy nghĩ tìm cách để giúp ông. Bà mặc đồ đen và đến gõ cửa phòng làm việc của ông. Khi thấy bà, ông giật mình hỏi: Ai đã chết vậy? Bà Katharina trả lời: “Chúa đã chết rồi! Chúa đã chết và không còn quyền năng nữa vì ông không còn làm việc, không còn cầu nguyện, chuyện trò và ca hát nữa!” Luther chợt hiểu ra một điều thật quan trọng. Ông đã để cho những cảm xúc tiêu cực và dồn nén lấn áp làm tiêu tan nhuệ khí, khiến ông không còn thấy sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nhưng Ngài đang sống! Không có lý do gì để tuyệt vọng! Đức Chúa Trời đang hành động! Nhưng ông đang sống như Ngài đã chết. Bức tường đen tối vỡ ra từng mảng. Buồn rầu và tuyệt vọng tiêu tan dần và bầu trời được rộng mở lớn hơn ra. Luther như người được giải phóng, ông hăng hái làm việc trở lại. Các bạn ơi, Chúa đã sống lại! Chúng ta có lý do để vui mừng và hăng hái hầu việc Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, Ngài đã sống lại và đang sống. Ngài đang hành động quanh con và trên con. Xin cho con cùng làm với Ngài. Để được thấy những kết quả diệu kỳ. Nhân danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Amen.
Ân Điển

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa