Thi Thiên | Thánh Linh & Thơ Thánh
Lời ngỏ
Quý vị thân mến, là một người được trưởng dưỡng từ nhỏ trong một gia đình tin kính Chúa, tôi đã hát Thánh Ca và thuộc lòng nhiều bài. Thánh Ca mang lại niềm an ủi lớn cho cuộc đời những lúc gian nan. Chúa Thánh Linh dùng lời Thánh Ca an ủi những khi cầu nguyện mà nước mắt tuôn tràn. Lời Thánh Ca khích lệ để tôi thêm can đảm thêm vững tin vào tình yêu và sự tể trị của Chúa. Hôm nay xin mời quý vị cùng tôi đọc một câu Thi Thiên 22:3.
Còn Chúa là thánh, Ngài ngự giữa sự ca ngợi của Y-sơ-ra-ên” và chúng ta cùng suy ngẫm thi thiên này với chủ đề “Thánh Linh và Thơ Thánh.
Giải thích
Có lẽ bao lần bạn đã hát Thi Thiên 23, từ đầu bài cho đến cuối, phải không? Và Thi Thiên 90, Thi Thiên 103, Thi Thiên 42… và nhiều nữa, ngoài những bài hát truyền thống, còn bao nhiêu bài hát mới dùng lời cầu nguyện, ca tụng Chúa, thở than trước hoàn cảnh khốn cùng, bế tắc, hiểm nguy…
Các bài Thi Thiên đã đi theo dân Do Thái trong hành trình lưu đày của họ qua bao thế kỷ và trước đó nữa. Sau khi tuyên đọc luật pháp của Chúa cho dân sự, Môi-se đã đọc từ đầu cho đến cuối cho họ một bài Thi Thiên tôn ngợi công việc của Đức Chúa Trời trên tuyển dân mà Kinh Thánh gọi là Bài Ca của Môi-se (Phục Truyền. 32). Bài hát này không được đưa vào bộ sưu tập các Thi Thiên mà chúng ta có ngày nay, trong đó Thi Thiên 90 của Môi-se là bài cầu nguyện duy nhất còn lưu truyền. Sưu tập Thi Thiên cho thấy bên cạnh những người được phân công làm công việc thờ phượng, ca ngợi trong đền thờ như A-sáp, các con cháu của Cô-rê, các thầy tế lễ thuộc dòng Lê-vy, Chúa cũng dùng Vua Đa-vít, dùng Sa-lô-môn viết các Thánh Thi. Đa-vít là người sáng tác nhiều nhất, trong 150 Thánh Thi, 73 bài ghi nhận Đa-vít là tác giả.
Các Thi Thiên phản ánh đời sống tâm linh của dân tộc Do Thái, hát lên nỗi buồn, niềm vui, hy vọng, thất vọng, sự tin cậy nơi Chúa của họ. Họ đã hát các bài Thi Thánh được đúc kết theo dòng lịch sử của đất nước họ. Thời kỳ lưu đày họ hát lên nỗi buồn thương vì không được thờ phượng Đức Chúa Trời trong đền thánh Ngài, đau khổ vì sự chế nhạo của kẻ thù (Thi Thiên 137). Khi được trở về để xây dựng lại nơi thánh, họ cũng được nghe bài cầu nguyện của người Lê-vy (Nê-hê-mi 9) mà sau này các ý tưởng được lập lại trong Thi Thiên 78 và 106. Nếu ta kể những Ca Thương của tiên tri Giê-rê-mi và những lời tiên tri của Ê-sai được viết theo dạng thơ, chắc hẳn con số của các Thi Thiên còn nhiều hơn sưu tập mà chúng ta đang có hiện nay. Chúa Giê-xu cũng đã hát Thi Thiên với các môn đệ của Ngài vào dịp ăn lễ Vượt Qua. Ngày nay chúng ta biết Ngài và các môn đệ đã hát Thi Thiên 113 đến 118 là các bài hát dân Y-sơ-ra-ên hát trong dịp lễ này. Bài 113 và 114 là hát trong khi mừng lễ và các bài sau đó là hát khi kết thúc lễ. Lời các bài Thi Thiên này có lẽ đã đi theo Chúa Giê-xu trong đêm Ngài cầu nguyện khẩn thiết trong vườn Ghết-sê-ma-nê, đã an ủi, nâng đỡ Ngài trong hành trình thương khó để cứu chuộc nhân loại.
Phao-lô và Si-la đã hát ca ngợi Đức Chúa Trời trong đêm và Chúa đã làm cho nền ngục rúng động (Công Vụ. 16:25-26). Kinh nghiệm đầy quyền năng trong sự tôn ngợi Chúa bằng các bài Thi Thiên khiến ông khuyên anh chị em tín hữu ở Ê-phê-sô “Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa.” (Ê-phê-sô 5:19). Lời khuyên này đến sau khi ông nhắc nhở họ “… phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (c.18), như thể việc ca hát ngợi khen Chúa bằng các bài Thi Thánh và Linh Khúc là kết quả đương nhiên của một tấm lòng đã được sự ngự trị tràn đầy của Đức Thánh Linh. Thưa vâng, chúng ta thấy điều này đã diễn ra trong ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên, khi Thánh Linh ngự xuống đầy dẫy trên các môn đồ thì họ ca tụng những công việc đầy quyền năng của Đức Chúa Trời (Công Vụ. 2:11).
Thi Thiên chương 22 câu 3 khẳng định rằng: “Còn Chúa là thánh, Ngài ngự giữa sự ca ngợi của Y-sơ-ra-ên.”
Sự đầy dẫy của Chúa trong Nơi Thánh, vinh quang của Chúa đầy ngập đến nỗi các thầy tế lễ không thể tiếp tục hành lễ được nữa được mô tả trong ngày vua Sa-lô-môn khánh thành đền thờ (1 Các Vua 8:10); tiếp theo sau đó Sa-lô-môn đã đọc bài diễn từ cũng là lời cầu nguyện và bài ca ngợi quyền năng của Chúa đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên suốt dòng lịch sử của họ. Lễ khánh thành đền thờ đã biến thành một buổi nhóm phục hưng kéo dài đến 14 ngày. Vua và toàn dân ra mắt Chúa, ở bên Ngài trong suốt thời gian đó rồi ra về với lòng phấn khởi, vui mừng (1 Các Vua 8:65,66). Các buổi nhóm phục hưng có Chúa ngự trị trong lịch sử Hội Thánh và của ngày hôm nay cũng vậy, người ta đắm chìm trong phước hạnh vì có sự hiện diện của Chúa đến nỗi không ai còn nghĩ đến thời gian nữa. Các bài Thi Thiên ở trần gian được thêm lên bởi bài Thánh Ca giai điệu của thiên đàng. Lật lại ký thuật về cuộc phục hưng ở đường Azusa, Los Angeles vào tháng 6 năm 1909 chúng ta thấy Bartleman kể lại: “Vào thứ sáu, 15 tháng 6, Thánh Linh đặt vào linh hồn tôi “ân tứ hợp ca của thiên đàng” và tôi cùng các anh chị em khác có ân tứ siêu nhiên này để ca ngợi Chúa. Đây là một thứ tiếng hát phát ra cách tự nhiên nhưng diệu kỳ và đầy quyền năng, không thể nào mô tả bằng ngôn ngữ của loài người. Tiếng hát đó đem lại cho chúng tôi bầu không khí của thiên đàng, dường như chính các thiên sứ đang có mặt ở đó và cùng hợp ca với chúng tôi…” Và khi phấn hưng lan đến chi hội First Baptist ở Hội Trường Burbank vào ngày 21 tháng 6, cũng có lời chứng rằng: “Một bầu không khí của thiên đàng bao trùm phòng nhóm, và chúng tôi được nghe tiếng hát như từ ngôi của Đức Chúa Trời đến trực tiếp với chúng tôi.”
Những ký thuật trên đây cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời, Đấng yêu âm nhạc, yêu thi ca, có khi đã trực tiếp ban cho con dân Ngài những khúc hát từ trời. Tôi cám ơn Chúa về các cuộc phục hưng và cũng cám ơn Chúa về những giai khúc ca ngợi tuyệt vời Ngài đã ban cho những nhạc sĩ thi sĩ cơ đốc để họ viết lên thành bài hát cho chúng ta ca ngợi Chúa. Tôi thấy lòng rúng động khi nghe những bản hợp xướng vĩ đại trong những buổi nhóm ở Đại Giáo Đường. Nhưng cũng rung động sâu xa, cảm thấy Chúa hiện diện thật gần khi cùng hát những bài cầu nguyện Taizé với anh chị em. Và cảm thấy Chúa cũng đang ở với các bạn của tôi trong nhóm nhỏ khi dâng những lời hát đơn sơ ca tụng Chúa.
Tôi học nằm lòng câu gốc Thi Thiên 22:3 và đổi lời thành “Còn Chúa là thánh, Ngài ngự giữa sự ca ngợi của chúng con.”
Và thầm nguyện như lời ông Phao-lô nhắn nhủ với anh chị em tín hữu ở Cô-lô-se:
Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời. (Cô-lô-se 3:16)
Bạn có muốn cùng tôi ca ngợi Đức Chúa Trời vĩ đại, người Cha thiên thượng đầy yêu thương, Đấng ban cho chúng ta các bài Thi Thiên và bài hát thiêng liêng để dạy và khuyên nhau không? Tôi biết Chúa đang ban cho bạn đầy tràn ơn của Ngài. Vậy hãy hết lòng ca ngợi Ngài, bạn nhé.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Chúc tụng Chúa bởi quyền năng và tình yêu của Ngài thật lớn. Tạ ơn Chúa bởi Ngài đoái thương và ban sự cứu rỗi Ngài cho chúng con qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Cảm ơn Chúa vì mỗi ngày chúng con lại được dựng nên mới trong sự thành tín luôn mới của Chúa. Xin cho chúng con một bài hát mới để ca tụng Chúa về những việc lạ lùng Ngài đang làm trên bản thân, trên gia đình, trên Hội Thánh và trên dân tộc của chúng con. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Ân Điển
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét