Thi Thiên | Xin Thanh Tẩy Lòng Con
Lời ngỏ
Kính chào quý vị,
Hôm nay là ngày cuối năm. Nhìn lại năm qua chúng ta thấy điều gì mình đã làm được và chưa làm được? Chúng ta đã hết lòng tìm kiếm Chúa và bước đi theo thánh ý Chúa không? Dù ngày cuối năm có nhiều bận rộn nhưng xin mỗi chúng ta có một thì giờ tra xét lại lòng mình trước Chúa, còn điều nào trong đời sống chúng ta chưa đẹp lòng Chúa hoặc tội lỗi giấu kín nào chưa ăn năn với Ngài thì đây là cơ hội để chúng ta trải lòng ra với Chúa. Lời của Thi Thiên 51:1-7 cũng là lời ăn năn xưng tội của Đa-vít khi ông nhận biết mình đã phạm tội trọng với Ngài. Xin mời quý vị cùng tôi đọc Lời Chúa và XIN THANH TẨY LÒNG CON như lời xưng tội của Đa-vít trước Chúa hầu một năm mới sắp đến chúng ta đồng bước đi mới Chúa tràn đầy phước hạnh.
1 Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhân từ của Chúa;Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa.2 Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác,Và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi.3 Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi,Tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi.4 Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi,Và làm điều ác trước mặt Chúa;Hầu cho Chúa được xưng công bình khi Chúa phán,Và được thanh sạch khi Chúa xét đoán.5 Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác,Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.6 Nầy, Chúa muốn sự chân thật nơi bề trong;Chúa sẽ làm cho tôi được biết sự khôn ngoan trong nơi bí mật của lòng tôi.7 Xin hãy lấy chùm kinh giới tẩy sạch tội lỗi tôi, thì tôi sẽ được tinh sạch;Cầu Chúa hãy rửa tôi, thì tôi sẽ nên trắng hơn tuyết.
Giải thích (theo Thánh Kinh giải nghĩa của Warren W. Wiersbe)
Theo bạn điều gì khiến cho thân thể chúng ta bị dơ bẩn? Có thể bụi bặm khiến thân thể chúng ta bị dơ nhưng tội lỗi là thứ khiến cho con người bên trong của chúng ta bị ô uế. Đó cũng là điều mà vua Đa-vít đã cảm nhận sự ô uế của mình về những việc ông đã làm. Bởi việc phạm tội tà dâm và giết người, ông đã ra khỏi ràn của Đức Chúa Trời, đó chính là sự phạm luật pháp của Chúa và ông đã đánh mất những dấu hiệu mà Chúa đã đặt cho ông, Đa-vít đã để cho bản chất tội lỗi xoắn lấy ông trở thành tội ác. Ông đã cố tình chống nghịch lại Đức Chúa Trời và không có điều nào trong luật pháp có thể chuộc được cho những tội cố tình vi phạm như thế. Đa vít chỉ có thể kêu gọi lòng thương xót, ân điển và tình yêu thương của Đức Chúa Trời “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhân từ của Chúa; Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa” (câu 1).
Phạm tội là một quá trình tiệm tiến. Đa-vít dùng ba từ khác nhau diễn tả lại điều ông đã làm. Thứ nhất, đó là từ “sự vi phạm” ám chỉ đến sự nổi loạn chống nghịch Đức Chúa Trời. Từ thứ hai là “sự gian ác” đề cập đến tính bất lương của kẻ phạm tội. Và từ còn lại “tội lỗi” có nghĩa là đánh mất mục đích sống. Đa-vít còn sử dụng ba động từ sau để cầu xin sự tha thứ: Động từ thứ nhất: “xóa” (câu 1) muốn nói đến việc trả một món nợ. Còn động từ “rửa” trong câu 2 “Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác, Và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi” thì ám chỉ rằng tội lỗi đã làm hoen ố nhuốc nhơ toàn bộ một con người. Và động từ thứ ba “tẩy sạch” trong câu 7 “Xin hãy lấy chùm kinh giới tẩy sạch tội lỗi tôi, thì tôi sẽ được tinh sạch; Cầu Chúa hãy rửa tôi, thì tôi sẽ nên trắng hơn tuyết” có nghĩa là kẻ có tội giống như người bị bệnh phung, cần phải được chữa lành hoàn toàn.
Đa-vít hẳn nhiên là đã phạm tội với Bát-sê-ba và chịu tội với U-ri, nhưng ông nhận biết tội trọng của mình là ông đã phạm trước Chúa, Đấng đã ban luật pháp cho dân sự. Đa-vít đã công khai thừa nhận tội lỗi của mình trong câu 4 “Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, Và làm điều ác trước mặt Chúa”. Phao-lô cũng đã trích dẫn câu 4 trong Rô-ma 3:4 như là một phần của tranh luận của ông rằng cả thế gian đều phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời. Đa-vít cũng thú nhận rằng ông không chỉ phạm tội trong sự lựa chọn mà còn bởi bản chất tội lỗi của mình “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi” (câu 5). Tội lỗi ở đây không chỉ là việc của con người không thể làm điều tốt nhưng cho dù con người có “lòng tốt” cũng không thể đủ để gia nhập vào gia đình của Đức Chúa Trời. Trong gần một năm, Đa-vít đã cố gắng che đậy tội lỗi của mình, nhưng Chúa không cho phép con cái của Ngài phạm tội được vì “Chúa muốn sự chân thật nơi bề trong; Chúa sẽ làm cho tôi được biết sự khôn ngoan trong nơi bí mật của lòng tôi”. Đức Chúa Trời rất lấy làm ưa thích sự thành thật bề trong của chúng ta “Kìa Chúa ưa thích sự thật bề trong, và Ngài sẽ giúp con nhận biết sự khôn ngoan ở trong nơi ẩn giấu này” (c.6). Đa-vít xưng nhận tội lỗi mình ra vì ông muốn lại được thấy Đức Chúa Trời – ở trong thiên nhiên, trong Thánh Kinh và trong đền thờ.
Vì thế nên ông đã cầu xin Chúa “Xin hãy lấy chùm kinh giới tẩy sạch tội lỗi tôi, thì tôi sẽ được tinh sạch; Cầu Chúa hãy rửa tôi, thì tôi sẽ nên trắng hơn tuyết” (Câu 7). “Chùm kinh giới” là một loại cây mọc theo bụi, lá có lông, đây là một thứ dược thảo được gắn với sự tẩy rửa và làm thanh sạch (Dan 19:6) và được dùng ở đây để chỉ sự tẩy sạch linh hồn. Đa-vít muốn được tẩy sạch hoàn toàn khỏi bản chất tội lỗi. Con cái Chúa ngày nay không cần phải làm nghi thức thanh tẩy tội lỗi vì chúng ta đã được thanh tẩy bởi sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, Ngài đã trả cái giá rất đắt cho sự tẩy sạch tội lỗi của chúng ta qua sự đổ huyết của Ngài. “Huyết của Đức Chúa Giê-xu Christ, Con Ngài sẽ tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta” (1 Giăng 1:7).
Trong ngày cuối năm này, bạn hãy tra xét xem lương tâm mình có tinh sạch không? Sự tinh sạch này không chỉ là không phạm tội, mà còn là sự vâng lời bên trong tấm lòng, là phần có thể tiếp nhận lẽ thật của Đức Chúa Trời. Khi bạn bất tuân hay phạm tội thì con người bên trong của bạn sẽ trở nên ô uế và sự ô uế đó sẽ không thể tiếp nhận Lời Chúa hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Bởi lòng lòng nhân từ và sự thương xót của Chúa xin tha thứ mọi sự vi phạm của con, xin bôi xóa, rửa sạch và thanh tẩy tấm lòng con để con “được trắng hơn tuyết”. Con cảm tạ Chúa. Nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét