Gia-cơ | Chớ Oán Trách Nhau

Lời ngỏ
Kính chào quý vị và các bạn thân mến,
Chúc quý vị một tuần mới an lành trong Chúa. Như chúng ta đã biết, trong những ngày đầu dịch bệnh COVID-19 bùng phát nhanh, nhiều nước chưa biết xử lý tình hình ra sao nên đã đưa ra nhiều quyết định vội vã khiến ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao các nước. Nhiều khách du lịch đột nhiên bị lệnh từ chính phủ khác không những không cho nhập cảnh mà còn bị cách ly. Có những đoàn khách đến Việt Nam bất ngờ bị cách ly đã phản ứng tiêu cực và phê phán trên mạng truyền thông, gây nhiều hiểu lầm. Người ngoài cuộc không hiểu hết bối cảnh mà chỉ nghe lại hay xem những thông tin trên mạng truyền thông đã phản ứng dữ dội, khiến ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa các nước. Thêm vào đó, có những cá nhân di chuyển từ nước này sang nước khác mà vô tình lây lan vi-rút nhiễm bệnh cho người khác thì sẽ dẫn đến sự phẫn nộ của nhiều người, dẫn đến việc cá nhân oán trách cá nhân, dân tộc này oán trách dân tộc kia, nước này oán trách nước nọ. Lời Chúa đã nhiều lần dạy chúng ta CHỚ OÁN TRÁCH NHAU, hôm nay chúng ta sẽ suy ngẫm về chủ đề này dựa trên Gia-cơ 5:9-11.
9 Hỡi anh em, chớ oán trách nhau, hầu cho khỏi bị xét đoán; kìa, Đấng xét đoán đứng trước cửa.
10 Hỡi anh em, hãy lấy các đấng tiên tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm mẫu mực về sự chịu khổ và nhịn nhục cho mình.
11 Anh em biết rằng những kẻ nhịn nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. Anh em đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp, và thấy cái kết cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ
Giải thích
Lời Chúa trong Gia-cơ cho biết rất rõ, anh em chớ oán trách nhau. Tại sao vậy? Vì nếu xét kỹ thì tất cả chúng ta đều có lỗi như nhau. Tất cả chúng ta đều cũng mang những đặc tính tương tự như nhau. Chỉ có khác là người bị oán trách trước do bị phát hiện trước, còn nếu rơi vào trường hợp chúng ta thì sự việc cũng có thể xảy ra tương tự mà thôi, thậm chí còn tệ hại hơn nữa.
Trong Gia-cơ 5: 9-11 có nêu hai lý do chúng ta “chớ oán trách nhau” là vì:
1. Hầu cho khỏi bị xét đoán
Trong Phúc Âm Giăng có ghi lại câu chuyện một người nữ phạm tội tà dâm bị bắt quả tang đã bị người ta đem ra trước mặt Chúa Giê-xu mà hỏi Ngài rằng: “có nên ném đá người này không?” Chúa đã đáp: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người.” (Giăng 8:7). Cuối cùng thì tất cả bỏ đi vì xấu hổ bởi ai cũng là người phạm tội cách kín giấu. Họ nhận biết mình cũng chẳng tốt hơn người đàn bà đó. Chẳng qua là bà ấy bị phát giác công khai, còn họ thì chưa có ai chỉ tội ra mà thôi.
Cơ đốc nhân chúng ta có thể thấy trước những người đã vấp phạm để tự kiểm định lại đời sống mình, hầu qua đó ăn năn và thay đổi cách sống và hành động. Chúng ta cũng có thể nhận xét và đánh giá mức độ nghiêm trọng của những người đi trước đã ngã nhưng đừng vì cớ đó mà mắng nhiếc hay trách móc người đã phạm mà hãy thêm lời cầu nguyện cho họ sớm ăn năn, tiếp theo là chúng ta cần nhờ ơn Chúa mà thay đổi chính mình nữa.
2. Đấng xét đoán đứng trước cửa
Trong cơn dịch vi-rút Cô-rô-na, khi dịch bệnh tràn qua một nước nào thì thế giới chú tâm vào đó để tìm ra những yếu điểm và sai lầm của nước đó mà phê phán, lên án. Về phương diện ngoại giao mang tính quốc gia, người ta dùng nhiều biện pháp từ việc đối thoại đến những lệnh phong tỏa đơn phương để ngăn chặn biên giới, không cho phép qua lại tự do. Có lúc điều này đã dẫn đến sự phân biệt đối xử và đổ lỗi cho nhau gây nên chiến tranh ngoại giao. Người dân của các nước cũng theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa mà tạo nên làn sóng chiến tranh ‘oán trách’ và ‘phê phán’ nhau trên truyền thông và mạng xã hội.
Thật ra người ta đã không biết rằng đây là điều Chúa cho phép dịch bệnh xảy ra để ‘cảnh cáo toàn cầu’ về lối sống sai lầm của con người. Ngài là Đấng xét đoán công bình, thánh khiết, Ngài đang đứng trước cửa của từng quốc gia, từng gia đình, từng ngôi nhà, nếu ai vẫn tiếp tục khinh rẻ và xem thường sự cảnh cáo, vẫn quá chủ quan về điều Ngài cảnh báo thì những người đó, dân tộc đó sẽ chịu thiệt hại nặng trong sự xét đoán của Ngài.
Vì cớ đó, thay vì oán trách và rủa sả nhau thì chúng ta hãy ăn năn tội lỗi, hạ mình xuống trước Chúa xin Ngài thương xót và tha thứ cho. Chúng ta cũng thêm lời cầu nguyện cho những lãnh đạo biết sớm hạ mình xuống, từ bỏ sự kiêu ngạo và thôi nói lời phạm thượng để Chúa thương xót mà giải cứu xứ.
Trong khi chịu khổ thì chúng ta có thể học theo gương của nhiều tiên tri đã phải chịu đau khổ, bách hại, như Môi-se, Ê-li và Giê-rê-mi. Câu chuyện gia đình ông Gióp và các bạn của ông cũng là bài học chúng ta cần rút ra và học hỏi trong lúc này.
Vậy thì, sự oán trách nhau, chỉ trích tội lỗi của nhau không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho sự việc nghiêm trọng hơn, như thể ‘thêm dầu vào lửa’, vì càng làm gia tăng sự thịnh nộ và cuồng phong giữa những người này với người khác, dân này với dân khác, nước này với nước khác mà thôi. Có những nguyên nhân sâu xa và những bối cảnh đằng sau chúng ta không thể hiểu và chưa thể thấu hiểu, cho nên, điều cần làm là chúng ta nên cầu nguyện cho nhau, an ủi nhau và hết lòng ngưỡng trông Chúa và giữ sự tin kính Chúa trong suy nghĩ, lời nói của mình.
Cầu nguyện
Lạy Cha Thiên Thượng,
Xin thương xót chúng con và tha thứ cho chúng con. Cầu xin Chúa Ngài giúp cho môi miệng chúng con không nói lời oán trách nhau. Thay vào đó là lời cầu thay cho nhau và nhận biết chương trình của Chúa dành cho mình và cho thế giới này. Con Cảm tạ Chúa! Nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa