Truyền Đạo | Chiếc Khẩu Trang Biết Nói
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em thân mến!
Trong những ngày dịch bệnh vi-rút cô-rô-na lan tràn, để ngăn ngừa sự lây lan bệnh dịch, tất cả mọi người trên thế giới đều được yêu cầu ‘phải mang khẩu trang’. Đây là việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là điều không dễ chút nào. Khó khăn không phải chỉ vì người ta không có thói quen làm việc này thường xuyên nhưng điều này đã gây ‘cú sốc lớn’ trong văn hóa và truyền thống giáo dục của nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn, đối với các nước Tây phương thì việc ‘mang khẩu trang’ chỉ dành cho các y bác sĩ và người mắc bệnh chứ không cho người bình thường. Nên nếu ai đó đi ngoài đường mà mang khẩu trang thì lập tức bị kỳ thị vì bị xem là người đang mắc bệnh. Hễ mang khẩu trang mà ra nơi công cộng thì bị xem là người có hành vi cố ý lây lan bệnh cho cộng đồng và sẽ bị những người xung quanh đánh và đuổi đi. Nhưng sự lây lan bệnh quá nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng buộc người không chấp nhận mang khẩu trang cũng phải thay đổi quan niệm cổ hủ của mình. Vậy, qua việc mang khẩu trang này Chúa muốn dạy chúng ta điều gì? Hôm nay chúng ta sẽ cùng học Kinh Thánh trong Truyền đạo 5:1-3 và suy ngẫm với chủ đề CHIẾC KHẨU TRANG BIẾT NÓI.
1 Khi ngươi vào nhà Đức Chúa Trời, hãy giữ chừng chân mình. Thà lại gần mà nghe, hơn là dâng của tế lễ kẻ ngu muội; vì nó không hiểu biết mình làm ác.2 Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời ở trên trời, còn ngươi ở dưới đất. Vậy nên ngươi khá ít lời.3 Hễ nhiều sự lo lắng ắt sanh ra chiêm bao; còn nhiều lời thì sanh ra sự ngu dại.
Giải thích
Trong sách Truyền đạo 5:1-3 đã bày tỏ về việc con người chúng ta nên thận trọng trong khi mở miệng ra trước mặt Chúa. Con người được ban cho môi miệng không phải chỉ để ăn uống nuôi thân thể mình như các loài động vật khác mà thôi, nhưng môi miệng của chúng ta được ban cho với nhiều chức năng rất đặc biệt. Thông qua môi miệng thì lời nói là phương tiện tốt nhất để thể hiện những tư tưởng và suy nghĩ trong lòng. Đức Chúa Trời đã sáng tạo nên chúng ta với mục đích tốt đẹp như thế, đáng lẽ chúng ta cần phải dùng môi miệng để nói lên lời cảm tạ Chúa, ngợi khen Chúa, thờ phượng Ngài nhưng con người đã dùng môi miệng của mình để làm điều ngược lại, chúng ta đã nói và làm những điều phạm thượng với Chúa. Đáng lẽ môi miệng chúng ta cần phải nói lên lời chúc phước và bày tỏ lòng yêu thương nhau, vì đó là điều mà Ngài tạo nên xã hội loài người nhưng con người đã dùng môi miệng mình nói quá nhiều lời chỉ trích, rủa sả nhau.
Chính Gia-cơ cũng từng cảnh báo và khuyên bảo con cái Chúa không nên có môi miệng dùng cách gian xảo, lừa lọc nhau. Ông ví sánh môi miệng của con dân Chúa là mạch suối cần phải chảy ra ‘nước ngọt’ bằng lời hằng sống của Chúa, chứ không nên để chảy ra ‘nước đắng’ với những lời rủa sả người khác và lời phạm thượng với Chúa. (Gia-cơ 3:9-11).
Điều chúng ta cần phải học qua ‘chiếc khẩu trang’ trong cơn đại dịch này:
1/ ‘Biết lựa lời nên nói’ khi ra mắt Chúa “Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Đức Chúa Trời” (câu 2). Chúng ta nên giữ yên lặng khi cần, và giữ tấm lòng mình biết ‘lắng nghe lời Chúa dạy’ như ‘học trò ngoan’ trước mặt thầy mình. Bởi vì ý tưởng chúng ta có nhiều, điều chúng ta muốn nói cũng nhiều nhưng ‘ý tưởng của Chúa khác ý tưởng chúng ta’, điều Chúa muốn chúng ta nói khác nhiều với điều mà chúng ta tự ý mình nói. Kinh thánh bày tỏ: ‘Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.’ (Ê-sai 55:8-9). Cho nên, chúng ta cần phải tập trung ‘lắng nghe Chúa’ bằng lỗ tai tâm linh, nhìn bằng ánh mắt tâm linh nhiều lần hơn trước khi nói một lời bằng môi miệng của mình. Vì Chúa tạo nên con người chúng ta đều có hai lỗ tai, hai con mắt, hai lỗ mũi, nhưng chỉ có một cái miệng mà thôi.
2/ “Ngươi khá ít lời” trước mặt Chúa. Kinh thánh dùng cụm từ ‘khá ít lời’ không phải chúng ta ‘không nói’ hay ‘biết mà không chịu nói’. Nhưng chúng ta biết rằng mình cần để thêm thời gian suy nghĩ và cần tra xem lời Chúa cho thấu đáo. Qua đây chúng ta thấy việc ‘kiệm lời’ là điều cần thiết. Không những chúng ta dùng các giác quan để quan sát và lắng nghe Lời Chúa mà thôi, nhưng chúng ta cũng phải luôn suy ngẫm trong lòng cách sâu sắc cho đến khi được tiêu hóa và hấp thụ vào trong tấm lòng, vào tâm trí chúng ta lời sự sống mà Chúa muốn chúng ta ăn nuốt. Tiên tri Ê-xê-chi-ên, tiên tri Giăng từng được Chúa ban cho quyển sách mầu nhiệm và bảo hai ông ăn nuốt để từ đó mà bày tỏ sự mặc khải của Ngài muốn ông nói. Vì vậy, lời hằng sống của Chúa là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đổi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. (Hê 4:12).
Các bạn thân mến, bạn đang sử dụng môi miệng mình như thế nào? Trong những ngày này ai cũng bị bắt buộc mang khẩu trang, việc mang khẩu trang sẽ ngăn ngừa được sự lây lan bệnh dịch nhưng bên cạnh đó cũng giúp chúng ta ý thức được điều gì cần nói và nói như thế nào. Để có Lời nói đẹp lòng Chúa và mang ích lợi cho người khác thì chúng ta cần có một tâm trí, một tấm lòng được nuôi dưỡng bằng Lời của Đức Chúa Trời. Bạn có đang nuôi dưỡng đời sống tâm linh mình bằng Lời của Chúa không? Bạn có ăn nuốt thức ăn mana thuộc linh hằng ngày không? Khi chúng ta thẩm thấu được lời Chúa thì từ đó chúng ta sẽ biết mình nên nói điều gì và không nên nói điều gì hầu gây dựng người khác và làm sáng danh Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Cha từ ái!
Cầu xin Chúa cho chúng con được dầm thấm chính mình trong lời Chúa và tình yêu thương của Ngài để những lời chúng con nói ra làm sáng danh Chúa và đem lại sức sống mới thuộc linh cho người nghe đến. Con cầu nguyện trong danh Thánh Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét