II Cô-rinh-tô | Để Yên Ủi Nhiều Người

Lời ngỏ
Kính chào quý vị và các bạn,
Mục sư Martin Luther trước khi chính thức công khai công cuộc cải chính giáo hội thì ông đã chịu nhiều hoạn nạn từ trong ra ngoài. Bởi ân điển của Chúa, Ngài đã dùng ông, trong lúc chạy trốn khỏi sự bách hại của giáo hội Công giáo, ông đã có thời kỳ ở ẩn trong một lâu đài bỏ hoang, chịu nhiều khốn khó. Ngay chính lúc đối diện với thử thách thì Chúa đã dùng ông, Luther là người đầu tiên phiên dịch Kinh Thánh từ tiếng La-tin sang tiếng Đức để sau này trở nên ích lợi cho nhiều người, vì trước đó Kinh Thánh chỉ có bản tiếng La-tin và chỉ có giới tăng lữ dùng mà thôi.
Thế nên, Cơ đốc nhân khi chịu khổ vì Chúa và cho Hội thánh thì đó là một đặc ân và cũng là sứ mạng tốt lành. Đó là cơ hội Chúa dùng ĐỂ YÊN ỦI NHIỀU NGƯỜI theo như lời Chúa trong II Cô-rinh-tô 1:3-7. Ước ao qua bài học hôm nay giúp chúng ta thực hiện sứ mạng này.
3 Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi,
4 Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!
5 Vì như những sự đau đớn của Đấng Christ chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì sự yên ủi của chúng tôi bởi Đấng Christ mà chứa chan cũng thể ấy.
6 Như vậy, hoặc chúng tôi gặp hoạn nạn, ấy là cho anh em được yên ủi và được rỗi;hoặc chúng tôi được yên ủi ấy là cho anh em được yên ủi, mà sự yên ủi đó được hiện ra bởi anh em chịu cách nhịn nhục những sự đau đớn mà chúng tôi cùng chịu.
7 Sự trông cậy của chúng tôi về anh em thật vững vàng; vì biết rằng bởi anh em có phần trong sự đau đớn, thì cũng có phần trong sự yên ủi vậy.
Giải thích
Trong 5 câu Kinh Thánh hôm nay có đến 9 lần xuất hiện từ “yên ủi”. Đây là động từ ‘paraklésis’ chỉ về việc kêu gọi đến để kinh nghiệm, để trở nên can đảm, dũng cảm và có thể giúp người khác. Chúng ta từng biết Đức Thánh Linh có một danh hiệu là Đấng Yên ủi ‘Parakletos’ tức là Ngài được Đức Chúa Cha và Đức Chúa Giê-xu kêu gọi đến thế gian để vùa giúp con cái Đức Chúa Trời đủ sức chịu nổi sự hoạn nạn, thử thách đức tin khi tin nhận Chúa Giê-xu. Khi đó, con cái Chúa nhận được hai điều.
1. Thứ nhất, kinh nghiệm sự hoạn nạn – nhận được sự yên ủi
Trong mấy câu Kinh Thánh này bày tỏ sự yên ủi mà sứ đồ Phao-lô nhận được từ chính Chúa không phải chỉ có tính cách ‘cảm thông’ như chúng ta thường có với nhau, nhưng đó là sự đồng chịu khổ với Đấng Christ để có sự nhịn nhục, chịu sự rèn luyện để có được kết quả là ‘đồng một tâm tình’ với Đấng Christ. Ông đã kinh nghiệm và chịu sư hoạn nạn từ nhiều phương diện, nào là với những bạn đồng lao trong Do Thái giáo ám hại, rồi đối với người ngoại bang cho rằng ông đã rao truyền Thần mới nên đã biểu tình ném đá ông, bị chính quyền địa phương vu cáo là người gây rối loạn, phải chịu hoạn nạn trong tù ngục… tất cả những hoạn nạn ông đã chịu là để ông kinh nghiệm được sự yên ủi từ Chúa để có thể yên ủi người khác.
Chúng ta biết rằng Đức Chúa Giê-xu là Cứu Chúa chúng ta, Ngài đã đắc thắng tội lỗi và thế gian, Ngài đã giành lại chìa khóa của Âm phủ và sự chết, nhưng tội lỗi và thế lực tối tăm chưa đến lúc bị phán xét, cho nên, con người trên đất vẫn còn chịu hoạn nạn. Sự hoạn nạn mà con cái Chúa phải chịu là để được thanh lọc, để lấy đi gốc rễ tội lỗi và những hậu quả của tội lỗi còn sót lại trong con người của chúng ta. Bởi sự thử thách mà chúng ta mới thật sự nhận biết mình cần Chúa hơn, cần ân điển Chúa hơn để học sự hạ mình, khiêm nhường ở trong Ngài.
2. Thứ hai, mang đến sự yên ủi cho người chịu hoạn nạn
Ngay trong lúc hoạn nạn thì Đức Chúa Trời sẽ mang đến cho con cái Chúa những khải tượng vì càng ở trong hoạn nạn thì chúng ta càng trông đợi Chúa hơn thì sẽ thấy được khải tượng của Chúa. Khi ban cho khải tượng thì Chúa không quên ban năng lực và sự bảo hộ của Ngài trên chúng ta. Khải tượng mà Chúa bày tỏ cho con cái Chúa trong lúc hoạn nạn thường là sự kêu gọi cho sứ mạng là hãy ra đi để giúp những người khác đang khi họ mới bước vào sự hoạn nạn, thử thách. Sứ mạng của chúng ta không chỉ đồng cảm với sự hoạn nạn mà thôi, không chỉ dừng lại với sự vui với người vui và khóc với người khóc nhưng là để yên ủi họ giống như Ngài yên ủi chúng ta, là giúp họ học biết sự nhẫn nại trong hoạn nạn và dẫn họ đến với Đấng Yên Ủi, đến Nguồn nước sống để họ cũng nhận ân điển và sự yên ủi lớn từ Chúa.
Cơ đốc nhân chúng ta đáng phải kinh nghiệm sự hoạn nạn, thử thách để sản sinh sự nhịn nhục và đồng cảm với Chúa. Để chúng ta khi yên ủi người khác đang lúc họ chiến đấu trong cơn sóng to gió lớn của cuộc đời thì có sức mạnh và năng lực ra từ sức sống của Chúa và mang đến phước hạnh không mất đi theo thời gian.
Cầu nguyện
Lạy Cha yêu dấu,
Cảm tạ Chúa vì trong những hoạn nạn và thử thách trong đức tin mang đến cho chúng con nguồn cảm hứng để học và thông biết Chúa nhiều hơn. Xin cho chúng con nhận biết đó là đặc ân để kinh nghiệm sự tiếp trợ và yên ủi lớn từ Chúa hầu có thể mang đến sự yên ủi cho người khác trong sự hoạn nạn mà họ gặp. Chúng con cảm tạ Chúa. Nhân danh Chúa Giê-xu. Amen!
TGV

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa