Ma-thi-ơ | Chuẩn Bị Sẵn Sàng

Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em thân mến!
Có một câu chuyện liên quan đến lễ rước dâu ở gia đình bên nội của chúng tôi. Ông nội tôi vốn rất là khắt khe trong việc lễ nghĩa cưới xin. Trong ngày cưới người con gái duy nhất của ông, là cô Tư của chúng tôi, vì thời kỳ chiến tranh nên việc đi tàu xe rất bất tiện và không an toàn nên nhà trai phải chọn việc đi thuyền đến rước dâu vào ban đêm theo con nước lớn ròng. Nhưng hôm đó nước dòng sông chảy ngược rất mạnh nên thuyền chèo của đoàn nhà trai đã đến trễ hơn giờ quy định, cho nên ông bà nội từ chối không cho rước dâu dù đàng trai đến đứng trước cửa. Mặc dù chú rể, ông bà gia và người đại diện nhà trai phải đứng ra xin lỗi và năn nỉ cho phép rước dâu mà ông nội tôi cũng không cho, đến khi ông cố tôi (tức là ba của ông nội) lên tiếng nói ông nội bỏ qua cho sự chậm trễ ngoài ý muốn này của đàng trai thì ông nội mới xuôi tay và đồng ý để nhà trai rước dâu và lễ vu quy mới được tiến hành. Có một câu chuyện trong Kinh Thánh về lễ cưới của người Do Thái với một bối cảnh rất khác so với văn hóa Việt Nam của chúng ta. Xin mời quý vị cùng tôi đọc Ma-thi-ơ 25:1-7 và cùng suy ngẫm với chủ đề CHUẨN BỊ SẴN SÀNG để nhận được bài học thuộc linh Chúa muốn dạy dỗ chúng ta điều gì qua câu chuyện này.
1 Khi ấy, nước thiên đàng sẽ giống như mười người nữ đồng trinh kia cầm đèn đi rước chàng rể.
2 Trong các nàng đó, có năm người dại và năm người khôn.
3 Người dại khi cầm đèn đi thì không đem dầu theo cùng mình.
4 Song người khôn khi cầm đèn đi thì đem dầu theo trong bình mình.
5 Vì chàng rể đến trễ, nên các nàng thảy đều buồn ngủ và ngủ gục.
6 Đến khuya, có tiếng kêu rằng: Kìa, chàng rể đến, hãy đi ra rước người!
7 Các nữ đồng trinh bèn thức dậy cả, sửa soạn đèn mình.
Giải thích
Trong câu chuyện này chúng ta thấy lễ cưới rất khác với văn hóa Việt Nam, thay vì nhà trai phải đến đúng ngày giờ thỏa thuận của hai bên thì nhà gái mới cho rước dâu nhưng rõ ràng là trong câu chuyện này dù ‘chàng rể đến trễ’ cũng không bị trách, trong khi các nàng ‘phù dâu’ thì phải luôn trong tinh thần chờ đợi sẵn sàng, chàng rể đến thì phải sẵn sàng đưa dâu.
Đây là một phong tục lễ rước dâu của người Do thái lúc đương thời. Lễ cưới của họ là sự vui mừng cho cả làng. Họ không mời thiệp đến người nào cả nên cả làng đều được quyền tham gia vào lễ tiệc cưới. Tuy nhiên, theo phong tục thì không ai biết trước được khi nào lễ cưới chính thức bắt đầu, điều này tùy thuộc vào việc khi nào chú rể sẽ đến rước dâu thì lễ cưới sẽ được bắt đầu ngay sau đó. Lễ cưới của người Do Thái kéo dài từ 1 tuần đến 2 tuần lễ để cả làng ăn mừng. Trong lễ cưới cô dâu chú rể được đối đãi như là hoàng tử và công chúa và họ được chung vui với các phù dâu và phù rể là người chuẩn bị sẵn cho việc rước dâu và phục vụ trong suốt kỳ lễ. 
Nhà gái của cô dâu chỉ được báo là việc đám cưới sẽ được cử hành nhưng không được báo trước ngày giờ chú rể đến rước dâu như lễ cưới ở Việt Nam. Tất cả mọi việc cho lễ cưới phải giữ trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng. Việc trước tiên cần chuẩn bị là các cô phù dâu là những người bạn của cô dâu sẽ đến nhà cô dâu cùng với những cái đèn có đủ dầu thắp sáng để sẵn sàng cho việc đưa dâu. Theo phong tục, thông thường chú rể đến trong ban đêm với giờ phút bất ngờ nhất dành cho nhà gái. Khi nào chú rể đến thì sẽ cùng đi với cô dâu và những người phù dâu sẵn sàng để về nhà chú rể trong đêm ấy cùng với những cây đèn chiếu sáng trên lối đi trong làng. Đến lúc đó xóm giềng mới biết là Tiệc cưới sẽ sắp tiến hành. Như vậy, đám cưới không chỉ là niềm vui riêng của chú rể cô dâu mà cho các phù dâu phù rể và đến xóm giềng.
Từ phong tục tập quán thực tế này Chúa Giê-xu đã dùng để rao truyền sứ điệp về Nước Đức Chúa Trời: “Nước thiên đàng sẽ giống như mười người nữ đồng trinh kia cầm đèn đi rước chàng rể.”. Trong đó Chúa muốn bày tỏ rằng dân Do thái đã được báo trước về sự đến của Ngài với Chú rể là Đấng Christ. Thế nhưng, khi Ngài giáng sinh trong đêm khuya tại làng Bết-lê-hem thì tất cả đã say ngủ, chỉ có một số người chăn chiên còn thức để đón Ngài. Khi Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ giữa đêm tối thuộc linh thì chỉ một số ít người tiếp nhận Ngài. Qua câu chuyện chàng rể này Chúa Giê-xu cũng muốn nói đến việc Ngài sẽ trở lại lần thứ hai, Ngài sẽ là Chàng Rể, cũng là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ đón rước cô dâu là Hội Thánh của Chúa và tất cả con cái Chúa được bước vào dự tiệc cưới Chiên Con. Các cô phù dâu chính là mỗi con dân Chúa cần chuẩn bị sẵn sàng “dầu” của mình tức là sự hiện diện và sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Có những cô phù dâu đã không để Thánh Linh dẫn dắt họ và không chuẩn bị đủ niềm tin cho đến khi Chúa Giê-xu đến.
Chúng ta không biết khi nào Chúa Giê-xu sẽ trở lại, nhưng với những dấu hiệu Ngài đã dự báo và dựa trên thực tế thì chúng ta thấy ngày đó rất gần. Xin Chúa cho đừng ai chủ quan và cho rằng mình đã đủ lời Chúa và Thần của Ngài mà sống thờ ơ với sự cảnh báo của Ngài. Xin Chúa cho tôi và quý vị đừng như những người nữ dại kia, khi Chúa Giê-xu đến thì lại trong tình trạng thiếu dầu thuộc linh và “ngủ gục” không sẵn sàng để tiếp đón Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Cha từ ái!
Xin cho mỗi chúng con luôn chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón Chúa Giê-xu tái lâm và rước Hội thánh Chúa vào Nước Thiên đàng. Nguyện xin Thần của Chúa luôn hiện diện trong đời sống con và giúp cho đèn thân thể của chúng con luôn cháy với năng quyền Thánh Linh từ bên trong. Con cảm tạ Chúa thật nhiều. Con cầu nguyện trong danh Thánh Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Thiên Gia Vĩnh

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa