I Phi-e-rơ | Sống Tự Do Trong Chúa
Lời ngỏ
Kính chào quý vị và các bạn,
“Tự Do” là khái niệm không xa lạ gì, cũng vì sự tự do mà người Việt Nam chúng ta đã trải qua bao cuộc chinh chiến để mong muốn có sự độc lập và tự do cho dân tộc mình. Sự tự do không chỉ là khái niệm được dùng trong phạm vi quốc gia, dân tộc mà còn là nhu cầu của mỗi cá nhân con người, vì thế, phạm trù “tự do” trở thành điểm chung thiết yếu của nhân sinh. Tuy nhiên, có một điều mà con người dường như không biết, đó là “sự tự do” là món quà quý báu của Đấng Sáng Tạo ban tặng cho con người ngay sau khi Ngài tạo dựng nên con người. Thế nhưng, con người đã sử dụng sai sự tự do, làm theo điều mà xác thịt ưa thích, dẫn đến phạm tội với Đức Chúa Trời, từ đó con người trở thành nô lệ cho tội lỗi, đánh mất sự tự do quý báu mà Chúa ban cho. Cũng từ đó con người cứ tưởng rằng mình tự do, nhưng thực ra là đang làm nô lệ cho tội lỗi, ở dưới ách của những điều luật mà chính mình đặt ra. Nhiều người ngày nay hiểu sai về sự tự do khi cho rằng tự do là thích làm gì thì làm đó, bất luận trái phải, thực ra đó là sự phóng túng chứ không phải là sự tự do thật mà Chúa đã ban cho. Giờ tĩnh nguyện hôm nay chúng ta sẽ suy ngẫm về chủ đề SỐNG TỰ DO TRONG CHÚA dựa trên Lời Chúa I Phi-e-rơ 2:16.
16 Hãy ăn ở như người tự do, nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác, song phải coi mình là tôi mọi Đức Chúa Trời.
Ước ao mỗi người chúng ta thực sự được sống trong sự tự do Chúa đã ban cho chúng ta.
Giải thích
Đời sống có trăm thứ ràng buộc khiến con người lúc nào cũng ở trong tình trạng nô lệ cho chính mình. Người ta tìm cách vứt bỏ những ràng buộc và nghĩ rằng như thế mới được tự do. Nhưng càng hành động theo chiều hướng này, con người càng bị ràng buộc vào sự lầm lạc và càng trở thành nô lệ cho cái gọi là tự do ấy. Vậy làm sao có được sự tự do thật?
Chúa Giê-xu đã từng phán: “Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do.” (Giăng 8:36). Sự tự do mà Chúa Giê-xu nói đến ở đây là sự tự do thuộc linh, đó là sự giải phóng con người ra khỏi tội lỗi và những hậu quả của nó. Khi một người tin Chúa, trở nên môn đệ của Ngài, lúc đó sẽ biết chân lý, lẽ thật của Chúa, và khi sống trong chân lý của Chúa, con người được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi.
Vì thế, sứ đồ Phi-e-rơ kêu gọi các tín hữu “hãy ăn ở như người tự do”. Chúng ta cần nhớ, phần trước của câu kinh thánh này đề cập đến trách nhiệm của Cơ Đốc nhân khi sống ở nước trần gian là hãy vì cớ Chúa mà thuận phục những phép tắc của những người cầm quyền để người ta không vì cớ đó mà xuyên tạc, gièm chê niềm tin của chúng ta.
Trong bối cảnh của tín hữu thời bấy giờ phần lớn là những Cơ Đốc nhân từ Do Thái giáo quy phục Chúa, họ vốn giữ luật Do Thái giáo cách nghiêm ngặt, khi tin Chúa Giê-xu thì người Do Thái được tự do khỏi luật pháp, nên đừng cố ràng buộc đời sống đức tin nơi Chúa Giê-xu với gánh nặng của luật pháp nữa. Còn đối với người không phải thuộc Do Thái giáo, là chúng ta ngày nay, thì sứ đồ Phi-e-rơ khuyên “chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác, song phải coi mình là tôi mọi Đức Chúa Trời” như lời của sứ đồ Phao-lô cũng đã viết thư cho người Ga-la-ti rằng họ đã được gọi đến sự tự do, nhưng đừng lạm dụng sự tự do để biến thành cơ hội cho xác thịt để chiều theo ý muốn của xác thịt (Ga-la-ti 5:13). Ở đây cho thấy, chúng ta cần phân biệt quyền tự do để phạm tội với quyền tự do để phục vụ. Tự do để phạm tội hay phóng túng chẳng phải là tự do chi cả, vì nó đưa chúng ta đến chỗ làm nô lệ cho Sa-tan, cho người khác và cho chính bản tính tội lỗi của bạn. Trái lại, người tin Chúa không thể làm nô lệ cho tội lỗi, vì chúng ta đã được giải phóng và xem “mình là tôi mọi Đức Chúa Trời” tức là làm theo ý muốn Chúa, làm điều phải, và tôn vinh Đức Chúa Trời bằng sự phục vụ người khác với tình yêu thương.
Nhà giải kinh William Barclay đã nói: sự tự do của Cơ Đốc nhân luôn đi kèm với điều kiện là trách nhiệm, trách nhiệm của Cơ Đốc nhân bao giờ cũng có điều kiện là tình yêu thương và tình yêu thương đối với người khác là phản ánh tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Do đó, sự tự do của Cơ Đốc nhân có thể được tóm tắt bằng câu nói đáng ghi nhớ của Augustine rằng: “Hãy yêu mến Đức Chúa Trời rồi bạn muốn làm gì thì cứ làm”. Cơ Đốc nhân được tự do không có nghĩa là được tự do làm bất luận điều gì mình muốn nhưng là tự do để làm điều phải, điều đúng theo ý muốn của Đấng Sáng Tạo ra mình và cũng Đấng đã cứu chuộc chúng ta. Vì lòng biết ơn đối với sự cứu rỗi vô điều kiện của Đức Chúa Trời, chúng ta vâng theo lời dạy của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, vì đó là ý chỉ tốt lành của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.
Có người bảo tin Chúa là mất tự do vì không được làm những điều xấu, sai mà người không tin Chúa thường làm, sự tự do đó không phải “tự do thật”. Người sống trong sự tự do thật mà Chúa cho không phải là tự do làm điều sai, điều xấu, điều ác, nhưng là tự do không làm điều xấu, điều ác, tội lỗi, và là tự do làm điều lành. Các bạn có đang sống trong sự tự do thật mà Đức Chúa Giê-xu đã giải phóng chúng ta và một lần nữa Ngài đã ban cho bạn không?
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Con cảm tạ Ngài đã giải phóng con khỏi ràng buộc của ách nô lệ tội lỗi và ban cho con sự tự do để sống theo điều Chúa muốn, không làm điều ác, mà được tự do làm điều lành. Xin giúp con đừng lạm dụng sự tự do Chúa ban mà một lần nữa buông thả đời sống mình theo những ham muốn của xác thịt mà luôn sống gần với Chúa và lẽ thật là Lời của Ngài để đời sống con sinh ra những bông trái của sự tự do thật là những việc lành. Con cảm tạ Chúa. Nhân Danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét