I Phi-e-rơ | Vui Mừng Trong Thử Thách
Kinh thánh: I Phi-e-rơ 1:6-7
6 Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu;7 hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Giê-xu Christ hiện ra.
Lời ngỏ
Thợ kim hoàn là người tinh luyện kim loại quý như vàng hay bạc để có được những món đồ trang sức đẹp. Để có được kim loại quý đó thì người thợ phải dùng lửa để đốt những chất liệu, tùy theo kim loại mà đốt ở những nhiệt độ cao khác nhau trong thời gian khác nhau. Nhất là kim loại bằng vàng thì sẽ chịu lửa ở nhiệt độ rất cao nhằm có thể tẩy sạch các chất cặn bã hay kim loại khác có lẫn lộn trong đó. Người ta nói, để có được vàng tốt, chất lượng thì người thợ phải luyện vàng trong lửa cho đến khi có thể nhìn thấy được khuôn mặt và hình ảnh của mình phản chiếu trong đó.
Tương tự như thế, để Cơ đốc nhân trưởng thành thì phải chịu thử thách trong đức tin. Tuy nhiên, chúng ta không học bài học về sự thử thách trong sự ép buộc, mà học trong sự hy vọng. Điều này gọi là VUI MỪNG TRONG THỬ THÁCH vì chúng ta đặt niềm tin nơi Chúa.
Giải thích
‘Sự thử thách trăm bề’ theo nguyên văn mang ý nghĩa là ‘muôn màu muôn vẻ’. Sự thử thách mà con người chúng ta phải trải qua đó là sự thử thách khác nhau và có sự thay đổi với muôn hình vạn trạng. Tuỳ mỗi người mà có sự thử thách với những hình thái khác nhau. Thế nhưng, đối với Cơ đốc nhân là người tin và theo Chúa Giê-xu thì ân điển của Đức Chúa Trời chu cấp cách đa dạng và dư dật để đủ sức vượt qua sự thử thách trăm bề như thế. Bởi vì, mục tiêu của sự thử thách mà Chúa cho phép xảy ra trong cuộc đời chúng ta là để thanh tẩy tội lỗi và khiến cho chúng ta có sự tín thác nơi Chúa nhiều hơn. Hầu cho thích ứng với vị thế mà Ngài sẽ dành cho chúng ta trong hiện tại và tương lai.
Nói như thế thì chúng ta đừng chủ quan và ngộ nhận khi cho rằng sự thử thách ấy nhẹ và dễ dàng thông qua. Chúng ta cẩn thận kẻo bị đánh lừa tâm lý hay chủ quan mà thiếu sự thận trọng khi đối diện với thử thách. Thử thách là điều như thể ‘gánh nặng’ và ‘đầy đau thương’ giống như Chúa Giê-xu trải qua trong chuỗi đau đớn. Ngài phải chiến đấu rất căng thẳng về thuộc linh tại vườn Ghết-sê-ma-nê khi cầu nguyện. Ngài phải chịu vu khống tại nhà thầy tế lễ An-ne, Cai-phe, vua Hê-rốt. Ngài phải chịu kết tại tòa án của thống đốc Phi-lát. Ngài phải bị đóng đinh và chịu chết trong sự đau đớn cùng cực tại đồi Gô-gô-tha.
Cũng vậy, Cơ đốc nhân phải nhận thức mình cũng sẽ gặp nhiều hoàn cảnh thử thách tương tự. Chúng ta phải đối diện với nhiều nghịch cảnh và hoạn nạn trong cuộc sống vì danh Chúa và vì làm môn đồ của Ngài. Nhưng chúng ta biết ‘thử thách’ mà Chúa cho phép xảy ra trong cuộc đời chúng ta là người tin kính sẽ không kéo dài mãi mãi, nhưng đều ‘có thời hạn’. Và Ngài biết sức chịu đựng của mỗi người trong chúng ta, cho nên Ngài sẽ cho phép sự thử luyện ấy không quá sức.
Vì thế trong lúc gặp khó khăn thì chúng ta phải kêu cầu Chúa. Ngài sẽ thêm sức cho chúng ta để chúng ta có đủ sức chịu đựng nổi trong những thử thách gay go và chúng ta cần phải làm trọn cuộc thử luyện. Giống như Đức Chúa Trời đã thêm sức cho tiên tri Ê-li, cho Chúa Giê-xu tại vườn Ghết-sê-ma-nê, hoặc Ngài sẽ mở một lối nhỏ cho thoát ra khỏi sau khi đã xong phần chính của sự thử nghiệm. Ngài sẽ chuyển chúng ta sang giai đoạn hồi sức và cho chúng ta thấy một phần nào hiệu quả tích cực của sự đau đớn mình chịu. Giống như việc người mẹ đau đớn để sinh con, khi thấy đứa con khỏe mạnh mình sinh ra thì quên đi sự đau đớn trước đó.
Hiện tại, các bạn có thấy mình đang được Chúa thử luyện đức tin không? Hãy nhớ rằng điều này là ích lợi cho đời sống bạn và sẽ mang lại kết quả tốt lành.
Cầu nguyện
Con cảm tạ Chúa, vì Chúa biết chúng con cần phải chịu thử luyện đức tin nên đã cho phép sự thử thách xảy ra trong sự tể trị của Ngài. Chúa ơi, có những lúc dường như không thấy Chúa trong những gian nan mà con đối diện, nhưng con tin rằng Ngài vẫn ở đó và thêm sức lực cho con. Cảm tạ Chúa vì sự thử thách ấy đem lại sự tốt lành cho đời sống đức tin con được tăng trưởng. Xin cho chúng con có một lòng đồng tâm để ngợi khen Chúa, thờ phượng Ngài. Khi Chúa Giê-xu trở lại thì Ngài ban cho chúng con được sự tôn trọng, vinh hiển và sự sống đời đời nơi chính mình Ngài để phản ánh điều tốt lành mà Ngài ban cho. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét