I Phi-e-rơ | Dấu Hiệu Của Đời Sống Cơ Đốc
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em thân mến!
Một chiếc xe hơi có thể chạy bon bon trên đường bằng phẳng hay đường gồ ghề là nhờ có nhiều thiết bị tốt của chiếc xe tạo nên. Và thiết bị dễ thấy nhất đó là bốn bánh xe. Bốn bánh xe là trang thiết bị gắn liền với chiếc xe để giúp xe di chuyển tốt. Bốn bánh xe cũng là dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với mọi con đường mà nó đi qua. Đó cũng là một ví sánh xác thực cho những dấu hiệu cần thiết của một đời sống Cơ đốc nhân trong niềm tin của mình với Chúa. Người đó có mối liên hệ trực tiếp với Hội thánh, và cũng cần có mối quan hệ với xã hội. Chúng ta sẽ cùng suy nghĩ về DẤU HIỆU CỦA ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC dựa trên câu Kinh Thánh hôm nay trong I Phi-e-rơ 3:8.
8 Rút lại, hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương xót và tình yêu anh em, có lòng nhân từ và đức khiêm nhường.
Giải thích
Để kết luận những lời khuyên về cách sống đạo của Cơ Đốc nhân, sứ đồ Phi-e-rơ đã dùng từ ‘rút lại’. Như vậy, đây có thể là ‘câu chìa khóa’ cho những điều ông trình bày về đời sống Cơ đốc nhân cần phải có trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong đây, sứ đồ Phi-e-rơ nên bốn điều, và có thể chia thành hai phần như sau:
Thứ nhất, Cơ đốc nhân là người mang danh của Đức Chúa Giê-xu Christ cần phải có ‘sự đồng lòng đầy thương xót’ tha nhân còn mang nhiều tội lỗi và cần thể hiện sự yêu thương anh em mình đã được cứu rỗi bởi chung một đức tin nơi Đấng Christ. Tức là, Cơ đốc nhân cần có ‘sự đồng tâm nhất trí’ trong ‘sự thương xót’ mọi người chưa phải là Cơ đốc nhân, và đồng thời phải tỏ bày ‘sự yêu thương’ chan hòa giữa vòng Cơ đốc nhân trong Hội thánh.
Tại sao như vậy? Vì tất cả chúng ta đều là con người nên tối thiểu cũng phải có lòng thương xót, cảm thông với đồng loại đang chịu nhiều đau khổ trong tội lỗi và giúp họ ra khỏi thế giới tối tăm để đến thế giới sáng láng mà chúng ta đã được kinh nghiệm trước. Tuy nhiên, Cơ đốc nhân cũng đã trở nên chi thể trong cùng thân thể của Đấng Christ là Hội thánh thì các chi thể nhờ đức tin nơi Đấng Christ phải có sự nhất quán và hỗ trợ lẫn nhau để có một thân thể cường tráng.
Trong cả cơ thể thì các mạch máu và dây thần kinh nhận sức sống từ sự làm việc nhịp nhàng và ăn ý giữa tim và não, và sau đó đưa máu tươi tốt cùng những tín hiệu đầy sự minh mẫn lan tỏa khắp mọi chi thể để cả thân thể hoạt động trong sự tốt lành. Mạch máu và dây thần kinh của Cơ đốc giáo đó có thể ví sánh với ‘sự thương xót’ và ‘tình yêu thương anh em’. Nếu cho rằng tình yêu thương anh em mang tính hướng nội, quản lý tốt cho cả thân thể thì sự thương xót mang tính hướng ngoại, quản lý tốt với mọi người. Cả hai đều cần cho Cơ đốc nhân trưởng thành giữa xã hội.
Thứ hai, đó là Cơ đốc nhân cần có ‘lòng nhân từ và đức khiêm nhường’. Đây cũng là một trong những dấu hiệu khác của Cơ đốc nhân cần có. Bởi vì Cơ đốc nhân là những người được gọi theo danh của Đấng Christ nên cần mang bản tính của chính mình Ngài.
Các triết lý của các tôn giáo trên thế giới, và triết lý đạo đức của con người cũng thường nhấn mạnh điều này trong sự giáo dục đồng loại, và cũng hay dùng như một nguyên tắc để khuyên bảo nhau. Tuy nhiên, những triết lý sống đạo đức của con người và tôn giáo của thế gian xem đây là nguyên lý quan trọng như một ‘mục đích cao cả’ nhất cần nỗ lực hướng đến. Tức là, ‘cái đích đến’ của một đời người cần đạt được. Thế nhưng, Cơ đốc nhân cần suy nghĩ và thực hiện điều này trong một động cơ và nguyên tắc khác. Cơ đốc nhân xem đây là những điều quan trọng và cần thiết như là ‘hành trang ban đầu’ theo gương Chúa để ‘bắt đầu xuất phát’ trong trọn cuộc đời mình. Cơ đốc nhân luôn luôn mang đặc tính của lòng nhân từ, đức khiêm nhường trong suy nghĩ, nói năng, hành động và trong mọi chương trình của đời sống mình.
Bạn kiểm định xem mình đang có những dấu hiệu trên không? Nếu có thì bạn có biết hoạt dụng tốt những điều mà Ngài ban cho để sống xứng đáng làm môn đồ của Đấng Christ, làm con cái tốt lành của Cha thiên thượng không?
Cầu nguyện
Lạy Cha từ ái!
Chúng con cảm tạ Chúa vô cùng vì Ngài đã cứu rỗi chúng con khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Xin thêm sức cho chúng con có thể sống những điều Chúa đã ban cho. Đó là lòng thương xót, sự yêu thương anh em, và lòng nhân từ, đức khiêm nhường giống như Chúa Giê-xu đã có và Ngài đã bày tỏ những điều này cách thực tế trong cuộc sống của chúng con. Cảm ơn Chúa! Chúng con cầu nguyện trong danh Thánh Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét