I Phi-e-rơ | Thách Thức Là Điều Tất Yếu

Lời ngỏ

Kính chào quý vị và các bạn,

Chúng ta đều biết, vàng mà không qua thử lửa thì vàng ấy vẫn còn những tạp chất, cáu cặn, không thể thành vàng ròng được. Đời sống đức tin cũng vậy, nếu đức tin không được thử thách, thì đức tin ấy vẫn chỉ là đức tin con trẻ. Thực tế cho thấy, nếu cuộc sống quá dễ dàng, thuận lợi thì con người chúng ta càng dễ khinh suất mà lên mình kiêu ngạo và dẫn đến phạm tội. Vậy, Đức Chúa Trời cho phép thử thách xảy ra để rèn tập chúng ta và thử thách là một phần trong chương trình của Đức Chúa Trời để dạy dỗ chúng ta trở nên như ‘vàng ròng’. Vì thế, Lời Chúa trong I Phi-e-rơ 4:12-13 nhắc nhở chúng cần có tinh thần vui mừng khi đối diện với thử thách, khó khăn trong cuộc sống vì biết rằng THỬ THÁCH LÀ ĐIỀU TẤT YẾU xảy ra trong đời sống đức tin để có một đức tin trưởng thành.

12 Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.

13 Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót.

Giải thích

Đối với thời đại của chúng ta, khi đề cập đến hoạn nạn thử thách thường là nói đến những khó khăn, những nghịch cảnh xảy đến trong đời sống. Thế nhưng vào thời kỳ hội thánh đầu tiên, khi nói đến hoạn nạn thử thách có nghĩa là sự tan lạc, sự bách hại và chết chóc. Thời điểm mà sứ đồ Phi-e-rơ viết thư tín này là trong thời trị vì của hoàng đế Nê-rô, các cuộc bách hại hội thánh khiến nhiều Cơ Đốc nhân bị hành hình, thậm chí sứ đồ Phi-e-rơ và các sứ đồ khác cũng đã tuận đạo trong thời này. Vì vậy, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên các tín hữu rằng khi bản thân họ hoặc khi nhìn thấy anh em cùng niềm tin bị hoạn nạn thử thách thì đừng hoang mang, bỡ ngỡ như gặp một việc khác thường. Vì thế, đã là con cái Chúa thì chớ lấy làm lạ khi ở trong ‘lò lửa thử thách’, vì có hai lý do:

1/ Thử thách là điều tất nhiên phải xảy ra trong đời sống đức tin (câu 12)

Lửa có thể là một trong những kẻ thù đáng sợ nhất của rừng. Nhưng nó cũng có thể ích lợi. Các chuyên gia nói rằng các đám cháy nhỏ, gọi là các đám cháy ‘được kiểm soát’ sẽ dọn sạch những lá và cành cây khô chết nhưng lại không hủy hoại được cây cối. Chúng để lại tro tàn, là thứ rất tốt cho hạt giống phát triển. Đáng ngạc nhiên là các đám cháy cường độ thấp lại cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của cây. Cũng vậy, những thử thách, được mô tả như lửa trong Kinh Thánh, rất cần cho sức khỏe và sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta. Gia-cơ đã viết: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.” (Gia-cơ 1:2-4). Chính trong lúc thử thách, chúng ta nhận ra các mục đích của Chúa vì khi đó có những điều kiện thích hợp cho chúng ta tăng trưởng thuộc linh. Sự tăng trưởng này không chỉ trang bị để chúng ta sống mà còn có thể uốn nắn chúng ta trở nên giống Đấng Christ, khiến chúng ta có thể phản chiếu chính Chúa Giê-xu cho một thế giới đang rất cần Ngài.

2/ Thử thách là cơ hội để có phần trong sự thương khó của Chúa Giê-xu (câu 13)

Thật ra không ai thích phải chịu thương khó như Chúa Giê-xu đã chịu. Và Chúa cho mỗi chúng ta có quyền tự lựa chọn không có phần gì trong sự thương khó của Ngài, nhưng chúng ta sẽ nhận lãnh tùy vào sự chọn lựa của mình. Chúa Giê-xu dùng hình ảnh gốc nho và nhánh nho để cho chúng ta thấy mối liên hệ giữa Chúa và chúng ta. Nếu chúng ta quyết định không có phần gì với Chúa thì chúng ta sẽ không hấp thụ được sự sống thật từ nơi Ngài. Chúa Giê-xu đã từng phán: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được. Nếu ai chẳng cứ trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy.” (Giăng 15:5-6). Khi chúng ta chọn càng có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu thì chúng ta càng hưởng được sự vui mừng nhảy nhót trong nước thiên đàng vinh hiển của Chúa bấy nhiêu. Sứ đồ Phao-lô xem hoạn nạn thử thách mà ông phải chịu là phương pháp duy nhất để biết Chúa Cứu Thế, để kinh nghiệm quyền năng phục sinh của Ngài, để chia sẻ những nỗi khổ đau và chịu chết với Ngài “cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.” (Phi-líp 3:10-11). Vậy nếu chúng ta muốn biết Chúa yêu mình đến mức độ nào, thì hãy chọn cách là dự phần trong sự thương khó của Đấng Christ, để thấy rõ tình yêu mà Chúa dành cho chính mình qua sự thương khó của Ngài.

Các bạn thân mến, sở dĩ chúng ta lo lắng, sợ hãi, hoang mang trong mọi thử thách vì chưa thấy được mục đích của những thử thách mà Chúa cho phép xảy ra trên đời sống chúng ta, đó là để hoàn thành mục đích tốt lành của Chúa dành cho chúng ta, vậy thay vì tránh né thì chúng ta hãy tiếp nhận với thái độ tích cực và vui mừng. Vì sự vui mừng trong thử thách là cách bày tỏ lòng cảm tạ về ân điển lớn lao Chúa ban cho chúng ta, vì chúng ta đang được uốn nắn để mỗi ngày trở nên giống với Cứu Chúa chúng ta, là “Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục…” (Hê-bơ-rơ 12:2).

Cầu nguyện

Kính lạy Cha Thiên Thượng,

Cảm tạ Chúa về chương trình tốt lành của Ngài trên đời sống con chúng. Cảm tạ Chúa vì mục đích cho đức tin chúng con được trưởng thành thì Chúa cho phép sự thử thách, hoạn nạn xảy ra trong đời sống chúng con như là điều tất yếu cần phải có hầu qua đó chúng con được dự phần trong sự thương khó của Chúa Giê-xu và để mỗi ngày càng được giống Chúa hơn. Xin cho con đủ sức chịu đựng những thử thách này mục đích tốt lành của Ngài được hoàn tất trong con. Con cầu xin những điều này trong Danh Thánh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa