Giăng | Lời Nói Thứ Ba: Lời Uỷ Thác Về Sự Hiếu Đạo
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em trong tình yêu của Chúa Giê-xu! Có thể nói, một trong những điều khiến cho Đạo Tin Lành khó có thể phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam là vì có một sự hiểu lầm đáng tiếc. Đó là nhiều người Việt Nam cho rằng theo đạo Tin Lành là bỏ ông, bỏ bà, tin Chúa là bất hiếu. Đó là vì cách báo hiếu của con cái Chúa thì khác với tập tục truyền thống của người Việt. Thật ra, trong Mười Điều Răn mà Đức Chúa Trời truyền dạy con cái Ngài thì sự hiếu kính cha mẹ là điều răn quan trọng bậc nhất trong bổn phận đối với con người. Sự hiếu kính này là việc làm thực tế, nhấn mạnh đến mối quan hệ yêu thương tốt đẹp đối với cha mẹ chứ không phải là lễ nghi, hình thức. Khi Đức Chúa Giê-xu sống trên đất Ngài là gương mẫu về sự hiếu kính cha mẹ. Ngay cả khi Ngài đang bị treo trên cây thập tự, dù đau đớn tột cùng từ thể xác tới tinh thần nhưng một trong Bảy Lời Nói quý báu của Ngài đã bày tỏ lòng hiếu kính với người mẹ phần xác của mình là bà Ma-ri. Hôm nay chúng ta cùng xem lại sự ký thuật của sứ đồ Giăng trong Phúc Âm Giăng 19:25-27. Đây là Lời Nói Thứ Ba của Chúa Giê-xu trên cây thập tự với LỜI UỶ THÁC VỀ SỰ HIẾU ĐẠO.
25 Tại một bên thập tự giá của Đức Chúa Jêsus, có mẹ Ngài đứng đó, với chị mẹ Ngài là Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba, và Ma-ri Ma-đơ-len nữa.
26 Đức Chúa Jêsus thấy mẹ mình, và một môn đồ Ngài yêu đứng gần người, thì nói cùng mẹ rằng: Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi!
27 Đoạn, Ngài lại phán cùng người môn đồ rằng: Đó là mẹ ngươi! Bắt đầu từ bấy giờ, môn đồ ấy rước người về nhà mình.
Giải thích
Ngay từ lúc Đức Chúa Giê-xu được 12 tuổi, Chúa đã nhận thức được sứ mạng của Ngài trên đất khi Ngài cùng cha mẹ mình đi lên thành Giê-ru-sa-lem dự lễ, và trên đường trở về thì cha mẹ Ngài mới biết họ đã bị lạc mất cậu con trai của mình, sau ba ngày vất vả tìm kiếm thì mới gặp được con trai ngồi trong đền thờ giữa những thầy thông giáo và đang giảng giải Lời Đức Chúa Trời thì bà Ma-ri đã phiền trách rằng: “Hỡi con, sao con làm cho hai ta thể nầy? Nầy, cha và mẹ đã khó nhọc lắm mà tìm con.” (Lu-ca 2:48). Lúc ấy Chúa mới tỏ cho cha mẹ thuộc thể mình biết rằng Ngài đang thực hiện sứ mạng của Cha trên trời giao phó, tuy nhiên, với bổn phận là con người, Chúa Giê-xu cũng phải thực hiện và chu toàn mạng lệnh của Đức Chúa Trời về sự hiếu kính cha mẹ, nên “Ngài theo về thành Na-xa-rét và chịu lụy cha mẹ.” (Lu-ca 2:51).
Giờ đây, một điều rất cảm động là trong giờ phút đau thương nhất của Ngài, Chúa Giê-xu vẫn không quên bổn phận làm con của mình. Ngài nhìn xuống chân thập tự, có lẽ Chúa cũng đã được an ủi rất nhiều khi thấy những phụ nữ thân thương đang theo Ngài. Ngài biết họ đang tan nát cõi lòng vì chứng kiến sự đau thương của Ngài, nhất là đối với bà Ma-ri, Chúa Giê-xu hiểu được tấm lòng đau đớn của người mẹ. Bà Ma-ri đã đi theo Ngài suốt con đường Gô-gô-tha và nhìn thấy những sự đau thương mà Ngài phải chịu. Là người mẹ, bà Ma-ri đã đau xót tột cùng khi chứng kiến toàn bộ sự hành hình con trai yêu dấu của mình. Có thể bà không hiểu rõ vì sao Chúa Giê-xu phải chịu đau khổ như thế nhưng với tình mẫu tử muôn đời không thay đổi, bà đã có mặt tại chân thập tự như muốn chia sớt nỗi đau với con. Khi nhìn mẹ, Chúa Giê-xu biết rằng những ngày kế tiếp bà Ma-ri sẽ phải đối diện với những khó khăn biết dường nào, Ngài cảm biết được sự cô đơn của người mẹ khi con ra đi, không những thế bà còn phải mang sự nhục nhã, sự khinh miệt của xã hội khi là mẹ của tên tử tội.
Lời Kinh Thánh mà chỉ có sứ đồ Giăng mới ký thuật: “Đức Chúa Jêsus thấy mẹ mình, và một môn đồ Ngài yêu đứng gần người, thì nói cùng mẹ rằng: Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi!” (câu 26) cho thấy sự làm trọn đạo hiếu của Chúa Giê-xu. Khi nói “môn đồ Ngài yêu” là muốn nói đến sứ đồ Giăng, khi viết sách Phúc âm này, sứ đồ Giăng không xưng danh tánh của mình mà ghi rằng “môn đồ Ngài yêu” để bày tỏ sự gần gũi, sự mật thiết giữa ông với thầy của mình, Giăng được kể là một trong ba môn đồ thân tín của Chúa Giê-xu. Và khi Chúa Giê-xu nói với mẹ là “hỡi đàn bà kia” có thể hiểu như là “thưa bà”, đây không phải là một lời bất kính, nhưng trong bối cảnh văn hóa và từ ngữ thời đó thì cụm từ này thường được dùng để gọi phụ nữ với lòng kính mến, tôn trọng. Dù Chúa Giê-xu đang thực hiện chương trình cứu chuộc nhân loại, và về phương diện nhân tính, Ngài đang chịu đau đớn tột cùng trong thân xác, nhưng Ngài cũng không quên làm tròn chữ hiếu với mẹ mình trong trách nhiệm làm con về phần xác.
“Đoạn, Ngài lại phán cùng người môn đồ rằng: Đó là mẹ ngươi!” (câu 27) Chúa Giê-xu đã gửi gắm và giao trách nhiệm chăm sóc mẹ Ngài cho sứ đồ Giăng. Ông vừa là người Ngài yêu vừa là bà con về thuộc thể, sứ đồ Giăng là cháu của bà Ma-ri nên việc Chúa giao cho ông chăm sóc bà Ma-ri là điều rất hợp tình hợp lý, và chúng ta tin rằng ông rất vinh dự khi nhận trách nhiệm cao quý này vì Kinh Thánh cho biết: “Bắt đầu từ bấy giờ, môn đồ ấy rước người về nhà mình.”
Lời Thứ Ba của Chúa Giê-xu trên thập tự giá vừa là lời uỷ thác trọng trách của Ngài đối với mẹ thuộc thể mà qua đó bày tỏ tình thương và sự chăm sóc lẫn nhau mà chúng ta cần có. Qua Lời Thứ Ba này của Chúa thiết lập một mối liên hệ mới cho con người, Chúa đã hy sinh chính mình Ngài cho chúng ta và trao phó cho chúng ta bổn phận làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, vì hiếu kính cha mẹ là bổn phận hàng đầu trong đối nhân. Hiếu kính theo lời Chúa dạy không phải là nghi lễ mà là mối quan hệ yêu thương, kính trọng cha mẹ cũng như chăm lo cho cha mẹ sống vui thoả và trên hết là cha mẹ cũng nhận biết Chúa và thờ phượng Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa kính yêu! Cảm tạ Ngài, trong những giờ phút cuối cùng trên thập tự giá Chúa đã làm tròn trách nhiệm hiếu thảo và trách nhiệm cứu chuộc cách trọn vẹn. Xin cho chúng con cũng chu toàn trách nhiệm Chúa giao phó trong sự phục vụ nhà Ngài và làm tròn bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ và người thân của mình. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét