Ma-thi-ơ | Đại Sứ Nước Trời
Ngày nay người ta không còn xa lạ gì với từ đại sứ. Theo cách hiểu thông thường, đại sứ là người đại diện của một thương hiệu, một dịch vụ hay một cơ quan, một tổ chức, một quốc gia nào đó. Tùy theo tầm cỡ của tổ chức sẽ nói lên địa vị của người đại sứ đó trong xã hội và cộng đồng. Có thể nói về phương diện xã hội và chính trị thì đại sứ của một quốc gia có vị thế và uy tín cao nhất so với các đại sứ khác, vì đại sứ của một quốc gia là nhà ngoại giao có chức vụ cao nhất, có quyền đại diện cho chính phủ đương thời để giải quyết những vấn đề liên quan đến quốc gia đó.
Người tin Chúa là người thuộc về Nước Trời, là công dân Thiên Quốc, vì thế Cơ Đốc nhân còn được gọi là đại sứ Nước Trời. Đại sứ của một quốc gia cần hội tụ nhiều điều kiện như phải có nhiều năng lực, có nhiều tài chính, có tài ngoại giao, có nhiều tiếng tăm… và nhiều khả năng khác nữa thì mới có thể được chọn làm đại sứ. Cơ Đốc nhân chúng ta là người dân của nước Đức Chúa Trời, Chúa sai chúng ta đi vào thế gian để làm đại diện cho Nước Ngài. Chúng ta cùng suy ngẫm Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 10:1-4.
1 Đức Chúa Jêsus gọi mười hai môn đồ đến, ban quyền phép trừ tà ma, và chữa các thứ tật bịnh.
2 Tên mười hai sứ đồ như sau nầy: Sứ đồ thứ nhất là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, và Anh-rê là em người; Gia-cơ con của Xê-bê-đê, và Giăng là em Gia-cơ;
3 Phi-líp cùng Ba-tê-lê-my; Thô-ma, và Ma-thi-ơ là người thâu thuế; Gia-cơ con của A-phê, cùng Tha-đê;
4 Si-môn là người Ca-na-an, cùng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là kẻ phản Đức Chúa Jêsus.
Từ trong câu đầu tiên của đoạn 10 “Đức Chúa Jêsus gọi mười hai môn đồ đến”. Trong mấy trăm người đi theo Ngài từ nơi này đến nơi khác, Chúa Jêsus đã lựa chọn và kêu gọi 12 người để làm sứ đồ. Sứ đồ có nghĩa là sứ giả hay người đại diện được ủy quyền, tương đương với từ “đại sứ” ngày nay. Tại sao Chúa Jêsus lại chọn 12 người? Con số 12 tương ứng với 12 chi phái của người Do Thái (Ma-thi-ơ 19:28), chứng tỏ tính cách liên tục giữa giao ước cũ với dân Do Thái và giao ước mới mà Chúa thiết lập với muôn dân muôn nước. Động từ “gọi” này không phải là kêu hay gọi bình thường, trong tiếng Hy Lạp có sát nghĩa là “kêu gọi ai đó đến gặp giáp mặt để ủy nhiệm công vụ và người được gọi đến với mục đích nhận lệnh”. Chúa Jêsus kêu gọi và chọn lựa 12 sứ đồ để giao phó cho họ một sứ mạng đặc biệt, đó là họ trở nên những đại sứ Nước Trời.
Chúng ta cùng xem đặc điểm và công việc của những đại sứ Nước Trời này:
1. Đại sứ nước trời được kêu gọi từ những người tầm thường
Chúa Jêsus đã gọi những người này từ mọi tầng lớp xã hội. Đây là những người không có học thức cao, không có của cải, không có địa vị trong xã hội. Chúa Jêsus chọn 12 người này không phải vì họ có năng lực phi thường thế nào, mà vì họ có tiềm năng trở nên phi thường bởi sự ảnh hưởng của quyền năng Ngài. Nói cách khác, Chúa Jêsus không tìm kiếm những người phi thường mà Ngài tìm những người tầm thường để làm việc cách phi thường.
Danh tính của họ được ghi lại rõ ràng ở các sách Phúc Âm và sách Công Vụ Các Sứ Đồ, 12 người này được chia thành 6 cặp. Chúng ta có thể nhớ đầu tiên là hai anh em ngư phủ nhà Phi-e-rơ và Anh-rê, cùng với anh em nhà Gia-cơ và Giăng. Anh-rê là người đã giới thiệu về Chúa Jêsus cho Phi-líp, người bạn đồng hương của mình. Rồi từ đó Phi-líp dẫn dắt người bạn ngư phủ Ba-tê-lê-mi đến với Chúa là cặp đôi thứ ba. Ba-tê-lê-mi là một tên gọi khác của Na-tha-na-ên, vì trong các phần ký thuật của các sách Phúc Âm luôn luôn ghi Ba-tê-lê-mi chung với Phi-líp. Thô-ma là người ít được nhắc đến nhưng chúng ta có thể biết ông là một người có tính hay đa nghi nhưng qua sự kiện tận mắt chứng kiến Chúa Jêsus đã phục sinh thì chính ông đã xác quyết niềm tin nơi Chúa “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi” (Giăng 20:28). Thô-ma và Ma-thi-ơ, người thâu thuế luôn đi chung với nhau, mọi người đều xem Ma-thi-ơ như là kẻ phản quốc, một người làm tay sai cho đế quốc La Mã chiếm xứ mình để cầu lợi. Trái ngược với Ma-thi-ơ là Si-môn, một người ái quốc, còn gọi là Si-môn Xê-lốt (Lu-ca 6:16) ông là nhà hoạt động chính trị thuộc nhóm người Xê-lốt cuồng tín. Nếu Si-môn, người cuồng tín đó gặp Ma-thi-ơ tại một nơi khác thì chắc họ không thể nhìn mặt nhau, thậm chí còn đánh nhau. Nhưng khi trở thành môn đồ của Chúa thì họ đã được thay đổi, yêu thương và hòa hợp nhau. Ngoài ra còn Gia-cơ con của A-phê, có chỗ khác nói Gia-cơ nhỏ để phân biệt với Gia-cơ con của Xê-bê-đê là anh em với Giăng. Gia-cơ nhỏ thường đi chung với Tha-đê, còn gọi là Giu-đe, nhưng không phải là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, kẻ đã phản Chúa. Qua danh sách này chúng ta thấy có một chân lý quan trọng là những con người đủ mọi thành phần, có thể khác biệt về tính cách, về bối cảnh gia đình và xã hội, bên ngoài xã hội có thể họ thù ghét nhau, nhưng khi Chúa Jêsus kêu gọi họ trở thành sứ đồ, người đại diện cho Chúa thì họ được trang bị để thực thi sứ mạng Chúa giao phó.
2. Được trang bị để làm đại sứ Nước Trời
Ở cuối đoạn 9 Chúa Jêsus nói đến “mùa gặt” nhưng lại thiếu “con gặt”. Đến đầu đoạn 10 này Chúa đang thực thi sứ mạng để sai 12 con gặt vào cánh đồng tội nhân để cứu người. Trước đó 12 người này chỉ là những con người bình thường nhưng đến với Chúa thì Ngài “ban quyền phép trừ tà ma, và chữa các thứ tật bệnh”. Từ ngữ “quyền phép” trong tiếng gốc Hy Lạp là chữ exousia. Đây là một từ mang ý nghĩa về luật pháp, pháp quyền hay thẩm quyền. Chúa Jêsus đã ban cho các môn đồ thẩm quyền mà họ không có trước đó. Thẩm quyền đó vượt trên mọi tà linh ô uế và đủ năng lực để đuổi chúng đi. Ma quỷ khi đối diện các đại sứ Nước Trời thì chúng phải tránh xa y như chúng đã trốn tránh Chúa Jêsus vậy. Không những thế, Chúa còn ban cho họ “quyền phép … chữa các thứ tật bệnh”, giờ đây các sứ đồ chạm đến thân thể người đau bệnh thì thân thể đó được được lành giống như Chúa Jêsus đã làm.
Đại sứ của một quốc gia khi đi ra quốc gia khác thì cũng được ban cho đặc mệnh toàn quyền của quốc gia để thực thi thẩm quyền. Cũng vậy, Đức Chúa Trời không buộc chúng ta phải làm một việc gì mà Ngài không ban quyền phép cho chúng ta. Chúa đã gọi thì chắc chắn Ngài cũng ban cho chúng ta ân tứ và thẩm quyền để thực thi sứ mạng đó trong danh Chúa Jêsus và mỗi chúng ta được gọi sống ở thế gian này để làm Đại Sứ Nước Trời.
Nhiều Cơ Đốc nhân tưởng rằng chỉ có một số người nào đó mới thích hợp và xứng đáng trở thành Đại Sứ Nước Trời. Nhưng cũng như 12 đại sứ đầu tiên của Chúa Jêsus, Ngài không yêu cầu chúng ta phải có khả năng, hay có năng lực đặc biệt mới đủ điều kiện được chọn làm Đại Sứ của Ngài, chỉ cần chúng ta có Chúa Jêsus trong đời sống mình và bằng lòng để Ngài sử dụng thì chắc chắn Chúa cũng ban quyền phép của Đức Thánh Linh để thi hành sứ mạng Chúa giao.
Bạn thân mến, khi bạn cảm thấy mình nhỏ nhoi, tầm thường, vô dụng thì hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời vẫn dùng những người tầm thường để làm việc những việc phi thường. Bởi vì Ngài tin cậy chúng ta và Chúa cần chúng ta có sự vâng lời Ngài. Nếu giờ này, Chúa Jêsus kêu gọi bạn trở thành Đại Sứ của Ngài thì bạn sẽ đáp lại thế nào?
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Cảm tạ Ngài đã kêu gọi và chọn lựa con, con chỉ là một người tầm thường, kém cỏi, có nhiều hạn chế nhưng Chúa cho con được vinh dự làm Đại Sứ của Ngài. Xin thêm ơn và năng quyền của Chúa trên con để con có thể làm tròn sứ mạng Chúa giao và mở mang Nước Trời ở trên đất. Con cảm tạ ơn Cha và cầu nguyện nhân danh Cứu Chúa Jêsus. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét