Ma-thi-ơ | Bị Ghét Vô Cớ

Một câu chuyện có thật được báo chí ghi lại về một người cha vào buổi chiều dẫn con trai của mình ra công viên chơi đùa và cháu mãi chơi không chịu về mà vùng vẫy khóc lóc nên bố bế con lên xe để về nhà. Giữa lúc như vậy, đột nhiên bà bán vé số ở đâu không biết vì cớ gì mà la lên “bắt cóc trẻ em”. Lập tức một người đã có men say rượu từ đâu đó nhảy vào đánh tới tấp người mà anh ta nghi là bắt cóc trẻ em, dù người ấy cố gắng giải thích đó là con của mình. Rồi nhóm bạn của kẻ đánh người này từ đâu kéo đến, bọn họ xăm hình đầy người và cũng đang say men thấy bạn đánh người mà không chịu can ra hay hỏi lý do mà suy xét, trái lại cứ vô cớ nhảy vào đánh đá hội đồng liên tục đến khi người này bị ngất xỉu. Chưa buông tha, người say men rút con dao có sẵn trong người ra đâm người bố nhiều nhát, vết đâm trúng thẳng vào tim khiến người này tử vong. Người cha chợt thấy một người bạn chạy đến thì nói thều thào những câu cuối cùng: “Thuận ơi! Mày nói giúp, thằng bé là con tao. Tao không bắt cóc.” Nhưng không còn kịp nữa vì anh bị sát hại vô cớ bởi những con người vô nhân đạo.

Câu chuyện này khiến ai nghe đến cũng đau lòng, và chúng ta còn đau lòng hơn khi được biết đó là một tín hữu tên Bảo của Hội Thánh Hậu Nghĩa ở tỉnh Long An. Người tín hữu này rất là hiền lành, và từng là tín hữu có tài năng đàn trong giờ thờ phượng của Hội Thánh, vì sự ghen ghét vô cớ của những người ngoài đường như bà bán vé số hay những người say men rượu mà họ đã vô tình và đồng mưu hiệp lại giết hại người vô tội chỉ vì mang sự hoang tưởng giữa xã hội đầy dẫy tội lỗi, nhìn ai cũng thấy toàn người xấu xa, hay say sưa bởi ma men điều khiển, thấy đâu cũng là người tội lỗi giống như chính họ. Đây là điều Đức Chúa Jêsus cũng đã báo trước cho chúng ta và được ghi lại trong Kinh Thánh sách Ma-thi-ơ 10:17-23.

17 Hãy coi chừng người ta; vì họ sẽ nộp các ngươi trước tòa án, đánh đòn các ngươi trong nhà hội;
18 lại vì cớ ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại.
19 Song khi họ sẽ đem nộp các ngươi, thì chớ lo về cách nói làm sao, hoặc nói lời gì; vì những lời đáng nói sẽ chỉ cho các ngươi chính trong giờ đó.
20 Ấy chẳng phải tự các ngươi nói đâu, song là Thánh Linh của Cha các ngươi sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra.
21 Anh sẽ nộp em cho bị giết, cha sẽ nộp con cho bị giết, con cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mà làm cho người phải chết đi.
22 Các ngươi lại sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh ta; song ai bền lòng cho đến cuối cùng, thì sẽ được rỗi.
23 Khi nào người ta bắt bớ các ngươi trong thành nầy, thì hãy trốn qua thành kia; vì ta nói thật, các ngươi đi chưa khắp các thành dân Y-sơ-ra-ên thì Con người đã đến rồi.

1. Con cái Chúa bị ghen ghét vô cớ (câu 17-21)

Kinh Thánh bày tỏ có những lúc con cái Chúa chúng ta sẽ bị ghen ghét một cách vô cớ, từ ngay chính bên trong gia đình và những người thân của mình cho đến bên ngoài xã hội giữa vòng bạn bè, xóm giềng và những người khác. Chúng ta bị ghen ghét mà chúng ta nghĩ là rất “vô cớ”, bởi vì chúng ta đã từng cố gắng và thường xuyên giúp đỡ nhiều người ấy về cả vật chất và tinh thần mà vẫn bị ghét.

Tuy nhiên, Đức Đức Chúa Jêsus bày tỏ nguyên nhân sâu xa của việc các con cái Chúa bị “ghen ghét cách vô cớ” là vì những người ấy ghen ghét Đức Chúa Jêsus. Bởi Đức Chúa Jêsus là Đấng sáng láng đến bày tỏ những việc làm của họ là gian ác, tội lỗi trong bóng tối; họ bị lộ những sự xấu xa và sự giả hình nên thay vì ăn năn để được chiếu sáng, thì ngược lại họ tìm cách triệt phá Ngài và bắt bớ những con cái của Ngài như là kẻ thù. 

Những người trong gia đình, trong gia tộc chúng ta đã quen sống trong tội lỗi, đã nhờ “đục nước béo cò” bởi dựa vào thân thế quyền lực nào đó, hay bản thân núp bóng tội lỗi và làm những việc không công bình mà kiếm được nhiều đặc quyền, đặc lợi. Cho nên, khi chúng ta giảng và kêu gọi trở về với Đức Chúa Jêsus, trở về với sự công bình của Đức Chúa Trời, trở về với sự sáng chân lý thì chúng ta vô tình trở nên “kẻ phản động” vì đã ngăn trở sự thăng tiến và quyền lợi của họ. Do đó, họ sẽ cảnh cáo chúng ta, hăm dọa từ bỏ chúng ta; ngăn trở kế hoạch của chúng ta, và thậm chí kiện cáo chúng ta ra toà án với những lý do rất vô lý, hay những chứng cứ giả tạo và thậm chí vu khống, chụp mũ chúng ta. Nếu những người thân chúng ta mà còn làm như vậy, thì người bên ngoài sẽ vì danh lợi quyền của họ bị uy hiếp mà họ sẽ phản ứng gấp nhiều lần hơn trong sự kiện cáo chúng ta. Thậm chí, những người sống không công bình nhưng muốn bảo vệ cái không công bình để không bị lộ ra sự gian ác và bộ mặt thật của họ, thì họ sẽ liên kết với nhau để “đấu tố tập thể” chúng ta là con cái Chúa làm trong sự công bình.

Vì danh Đức Chúa Jêsus mà chúng ta sẽ bị ghét, vì rao giảng Phúc Âm cứu rỗi của Đức Chúa Jêsus mà chúng ta có thể bị kiện cáo, vu khống, thậm chí bị đối diện với toà án, bị tù đày. Nhưng, chúng ta không bao giờ cô đơn và sợ hãi. Bởi vì, chính Đức Thánh Linh là luật sư sẽ đứng bên cạnh để biện hộ cho chúng ta, Ngài xưng công bình cho chúng ta bởi đức tin. Ngài sẽ để những lời chân lý, quyền năng vào môi miệng chúng ta để vạch trần những chứng cứ giả dối và những bằng chứng ngụy tạo. Nhưng điều quan trọng hơn là bày tỏ Đức Chúa Jêsus thật là Đấng Cứu Tinh của nhân loại, bày tỏ Nước Đức Chúa Trời quyền năng và đời đời.

2. Bền lòng cho đến cuối cùng thì sẽ được rỗi (câu 22-23)

Linh hồn của con cái Chúa được giải cứu khỏi tội lỗi ngay khi đặt niềm tin vào Đức Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình. Sự cứu rỗi ấy được bảo đảm cho người thật lòng tin và xác tín niềm tin là không còn bị đoán phạt bởi tội lỗi nữa (Rô-ma 8:1). Thế nhưng, sự cứu rỗi vẫn chưa trọn vẹn cho đến khi Đức Chúa Jêsus tái lâm. Tại sao? Vì sự cứu rỗi thân thể xác thịt này của chúng ta chỉ mới nhận một phần ngay trên đất, nhưng chưa thể mặc lấy thân thể mới đời đời không hư mất, không suy tàn trong Nước đời đời như thân thể của Đức Đức Chúa Jêsus phục sinh. Cho nên chúng ta cần phải bền lòng để trung tín cho đến chết thì sẽ nhận lấy sự biến đổi ấy như là sự cứu rỗi trọn vẹn. Bởi vì, trong quá trình theo Chúa thì không phải chúng ta cứ được sống trong sự an nhàn hoài, mà có những lúc sóng gió cuộc đời, mưa ma gió quỷ nổi lên để nhấn chìm chúng ta.

Sự bắt bớ Đức Chúa Jêsus đã xảy ra rất khủng khiếp đến mức Ngài đã phải chịu hy sinh để chuộc tội chúng ta. Ngày nay người ta không thể bắt bớ được Ngài vì Ngài đã đắc thắng Sa-tan, đắc thắng sự chết và phục sinh khải hoàn. Cho nên, con người thế gian đã quay lại bắt bớ người tin theo Đức Chúa Jêsus ở xung quanh mình. Sự bách hại này ở đâu cũng bị, thời nào cũng bị. Về hình thức bắt bớ và ngăn trở có thể cũng liên tục thay đổi từ âm thầm bí mật đến công khai lộ liễu, từ bạo lực, áp lực cứng rắn đến sự mua chuộc cách mềm dẻo, tinh vi để chúng ta phải thỏa hiệp… Vì thế, tôi con Chúa chúng ta cần phải bền lòng, vững chí trong con đường tin và theo Chúa. Bên cạnh đó, chúng ta cần sự khôn ngoan và thuần khiết trong đức tin để đối diện khó khăn, bắt bớ trong suốt cuộc đời mình.

Đối với lời dạy của Chúa “khi nào người ta bắt bớ các ngươi trong thành nầy, thì hãy trốn qua thành kia” thì chúng ta nên hiểu như thế nào? Đối với những nhà lãnh đạo thuộc linh và người chịu trách nhiệm chính, vì sứ mạng được Chúa giao phó thì phải duy trì và trung tín với Chúa cho đến cuối cùng. Thậm chí họ sẵn sàng ở lại nơi trụ sở đang chịu bắt bớ dù phải chịu tuận đạo hay bị bắt bỏ tù đi nữa. Nhưng đối với các tín hữu và con cái Chúa lúc đứng trước sự bách hại trở nên nghiêm trọng thì không nhất thiết phải đối đầu với thế lực chống đối đến mức phải chịu tuận đạo; nếu có thể hãy tạm lánh mặt sang nơi khác để giữ và duy trì đức tin của mình và con cháu mình. Cũng như, đó là cơ hội để tiếp tục truyền giảng Phúc Âm cứu rỗi của Chúa cho những nơi mà mình đi đến chưa có sự bắt bớ.

Sự bách hại đức tin đối với con cái thật của Đức Chúa Trời, môn đồ của Đức Chúa Jêsus Christ có thể xảy ra trên ba phương diện: (1) Từ thần quyền của thế giới tối tăm, từ ma quỷ gây nên với những sự áp bức uy hiếp tâm linh và linh hồn của người chưa tin hay vừa mới tin chưa vững vàng đức tin. (2) Từ thế quyền, chính quyền không thích Chúa vì những công việc của Ngài mang tính công bình, chân thật và thánh khiết. Bởi những việc làm của họ nếu để Chúa đụng đến sẽ lộ ra, bị phanh phui và bị phán xét. (3) Từ giáo quyền truyền thống mà mình đang theo. Họ dùng những luật lệ có tính ràng buộc mà yêu cầu chúng ta bỏ Đức Chúa Jêsus để trở về thờ lạy theo thói quen cũ. Ngoài ra còn có gia quyền là quyền uy, quy tắc của gia đình gia giáo vốn sẵn có; và ngay cả nhân quyền của chính bản thân mình với lý trí, ý chí, tình cảm muốn mình tự do quyết định theo ý mình cũng có thể là điều ngăn trở, bắt bớ niềm tin khi tin và theo Đức Chúa Jêsus. Chúng ta cần phải có sự soi dẫn của Chúa Thánh Linh để luôn nhạy bén và nhận biết những sự bách hại này để luôn vững vàng trong đức tin và cuối cùng chúng ta “sẽ được rỗi”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin vùa giúp chúng con, những con cái nhỏ bé của Chúa vì tin và sống theo Ngài mà phải chịu nhiều tiếng chế nhạo, bị nhiều khó khăn và bách hại đức tin. Xin Chúa bảo hộ chúng con, giúp chúng con vượt qua sự bách hại để yêu mến Chúa hơn, trung tín với Ngài nhiều hơn. Nguyện xin Chúa bênh vực và bảo hộ chúng con trong những sự ngăn trở và bách hại niềm tin chỉ vì yêu mến Chúa và rao truyền Phúc Âm cứu rỗi cho nhiều người. Chúng con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jêsus. Amen.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa