Ma-thi-ơ | Ẩn Dụ Về Nước Trời (1) Người Gieo Giống & Hạt Giống

Chúng ta đang bước sang phần mới của sách Ma-thi-ơ. Trước khi bắt đầu phần này chúng ta cần xem lại những phần ký thuật trước đó từ giai đoạn đầu tiên của chức vụ Đức Chúa Jêsus. Sau bài giảng trên núi đầy năng quyền trong đoạn 5, 6, và 7, sứ đồ Ma-thi-ơ ghi lại những việc làm đầy năng quyền của Đức Chúa Jêsus với 7 phép lạ tiêu biểu trong đoạn 8 và 9. Đến đoạn 10, Ngài kêu gọi các môn đồ và sai 12 môn đồ ra đi như những đại sứ của Nước Trời cùng với sự hướng dẫn chi tiết. Sang đoạn 11 là những câu chuyện liên quan đến Giăng Báp-tít và những thắc mắc của ông về thân vị của Đức Chúa Jêsus, nhưng đều được Chúa trả lời cách thỏa đáng. Ở đoạn 12, danh tiếng của Đức Chúa Jêsus đã được đồn ra khắp nơi, nên Đức Chúa Jêsus bị những lãnh đạo Do Thái giáo ganh ghét và họ tìm cách tố cáo Ngài trước dân chúng bằng những luật lệ và qua những việc làm chữa lành của Ngài. Những phần trước mô tả Đức Chúa Jêsus dạy dỗ ở trên núi, trong nhà hội, hoặc nhà dân. Còn ở đây, Đức Chúa Jêsus bắt đầu dạy bên mé biển, tức là biển hồ Ga-li-lê nằm ở phía bắc của xứ Palestine.

Như đã trình bày, Tin Lành theo Ma-thi-ơ được xem như là chìa khóa của Thánh Kinh. Chiếc chìa khóa này có thể dùng để mở cả hai cánh cửa Cựu Ước và Tân Ước. Tin Lành theo Ma-thi-ơ ký thuật là Tin Lành về Nước Trời, mà đoạn 13 này là đoạn Kinh Thánh quan trọng vì tại đây trình bày mọi đặc tính và phương diện của Nước Trời, nên không quá lời khi nói đoạn 13 chính là chìa khóa của sách Ma-thi-ơ này. Đây cũng là một trong ba bài giảng chính trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ. Trước đó, đoạn 5-7 được gọi là Bài Giảng Trên Núi với nội dung nhìn lại quá khứ, bày tỏ luật pháp của nước Đức Chúa Trời trên đất. Còn đoạn 13 là bài giảng bằng ẩn dụ đầy huyền nhiệm, tỏ bày tình trạng của nước thiên đàng trên thế gian trong thời đại hiện nay. Hôm nay chúng ta cùng đến với Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 13:1-3.

1 Cũng ngày ấy, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nhà, ngồi bên mé biển.
2 Đoàn dân nhóm họp xung quanh Ngài đông lắm, đến nỗi Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn cả đoàn dân đứng trên bờ.
3 Ngài dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cùng họ. Ngài phán như vầy: Có người gieo giống đi ra đặng gieo.

“Ẩn dụ” hay “ví dụ” là từ có nguồn gốc từ chữ “parabole”, đây là một từ kép của chữ “ballo” có nghĩa là “đưa vào hay đặt vào” và từ “para” có nghĩa là “kế bên”. Vì thế, ví dụ, ẩn dụ là một câu chuyện, hình ảnh quen thuộc trong đời sống thường nhật được đưa vào kề bên một lẽ thật thuộc linh hay một nguyên tắc thuộc linh để so sánh, để soi sáng và làm cho dễ hiểu hơn. Các ẩn dụ Đức Chúa Jêsus dùng thường là để minh họa, từ đó rút ra một chân lý thuộc linh. Đây là những thông điệp của Nước Trời mà Đức Chúa Jêsus đã đưa vào đời sống thực tế của con người. Điều này không những giúp cho những người đương thời dễ hiểu mà cả hậu thế cũng có thể lĩnh hội được chân lý Nước Trời mầu nhiệm của Ngài.

Đoạn 13 ghi lại bảy ẩn dụ của Đức Chúa Jêsus về Nước Trời, một số người cho rằng sứ đồ Ma-thi-ơ đã góp nhặt các ví dụ mà Đức Chúa Jêsus đã kể trong nhiều trường hợp khác nhau rồi ghi lại tại đây. Hoặc cũng có thể Đức Chúa Jêsus đã kể các ẩn dụ này cùng một lần khi Ngài ngồi giảng trên mé biển (Ma-thi-ơ 13:53). Dù thế nào đi nữa thì chúng ta sẽ học hỏi qua từng ví dụ này. Hôm nay chúng ta bắt đầu với ví dụ đầu tiên thường được biết đến là Nước Trời trong hình ảnh người gieo giống và những loại đất. Trước hết chúng ta cùng đi tìm hiểu về người gieo giống và hạt giống trong bài học ngày hôm nay.

1. Người gieo giống

Trong câu đầu tiên, “cũng ngày ấy” cho thấy Đức Chúa Jêsus dạy dỗ những lời này ngay sau khi mẹ và những người em Chúa đến tìm gặp Ngài (Ma-thi-ơ 12:46-50). Đức Chúa Jêsus ra khỏi căn nhà trong đoạn 12, Ngài đến mé biển và ngồi đó. Tuy nhiên, “đoàn dân nhóm họp xung quanh Ngài đông lắm, đến nỗi Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn cả đoàn dân đứng trên bờ” (câu 2). Bờ biển giờ đây là một nơi khá thuận lợi đế Đức Chúa Jêsus có thể rao giảng, biển rộng có thể khuếch đại giọng nói của Chúa hầu cho ai nấy đều có thể nghe thấy được. Rồi Chúa “dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cùng họ” (câu 3). Ví dụ đầu tiên Đức Chúa Jêsus dùng để giảng dạy lấy từ hình ảnh quen thuộc với chúng ta, đó là công việc gieo trồng.

“Có người gieo giống đi ra đặng gieo” (câu 3). Nước Đức Chúa Trời giống như một người ra đi gieo giống. Ẩn dụ người gieo giống mô tả sự phát triển của Nước Đức Chúa Trời. Nước Ngài đang phát triển cách âm thầm trong tấm lòng của người tin, giống như việc người gieo giống rải ra những hạt giống ở trên mọi loại đất. Và Đức Chúa Jêsus là gương mẫu của người gieo giống ấy. Ngài đã rời khỏi thiên đàng vinh hiển, xuống thế gian và gieo ra Lời Hằng Sống về Nước Trời. Ngài sẵn sàng chấp nhận đời sống không ổn định một chỗ nhưng cùng các môn đồ của Ngài đi từ làng nọ sang làng kia để giảng Tin Lành của Nước Đức Chúa Trời.

Ví dụ này khích lệ mỗi chúng ta đi gieo giống Tin Lành. Chúng ta cần học lấy tâm tình của người gieo giống. Khi gieo giống, người ấy không thể biết được kết quả của hạt giống đó sẽ như thế nào nhưng cứ gieo ra cách rộng rời, với tinh thần hy sinh, trung tín, không tính toán hơn thiệt, không ích kỷ nhỏ nhen và bằng mọi phương tiện có thể, miễn sao Lời Chúa được rao ra tới mọi nơi, mọi chốn. Tinh thần này đã được Phao-lô nói đến khi trong I Cô-rinh-tô 3:6-7 rằng: “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vậy, người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên.” Để làm được điều đó, chúng ta cần có một tấm lòng yêu thương, tâm tình tận hiến và trung tín cũng giống như người nông gieo giống phải kiên nhẫn chờ đợi với niềm hi vọng sau một thời gian mới mới thu hoạch được kết quả mà mình gieo trồng.

2. Hạt giống

Lời Đức Chúa Trời được ví như hạt giống, vì Lời của Ngài có sự sống. Như trong Hê-bơ-rơ 4:12 có chép: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm.” Trong hạt giống có sự sống và sức mạnh tiềm ẩn, Lời Đức Chúa Trời cũng có sự sống và đầy năng quyền. Hạt giống có tiềm năng sinh bông kết trái, nhưng sẽ không ích lợi gì nếu không được gieo xuống đất. Cũng vậy, Lời Chúa dù là lời sống và đầy năng lực nhưng phải được gieo vào lòng con người thì mới có thể biến đổi và làm tăng trưởng đời sống tâm linh chúng ta. Nếu lòng chúng ta không mở ra để tiếp nhận, thì Lời Chúa chẳng có tác động nào trên đời sống chúng ta. Sau khi được gieo xuống đất, hạt giống cần thời gian để sinh ra bông trái. Nhờ tác động của những điều kiện thiên nhiên khác như nước, không khí, ánh sáng, hạt giống nảy mầm, thành cây, đâm chồi nảy lộc. Cũng vậy, Lời Chúa cần tiến trình để kết quả trong đời sống của chúng ta.

Tuy nhiên, Đức Chúa Jêsus không chỉ là người gieo hạt giống vào tấm lòng của chúng ta mà Ngài chính là hạt giống ấy. Thật vậy, Ngài đã gieo chính mình, gieo sự sống của mình, Ngài đã trở thành hạt giống Phúc Âm đang phát triển trong mỗi tấm lòng chúng ta “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật” (Giăng 1:12). Chính Ngài đã chịu chết, chịu chôn trong lòng đất thì mới có kết quả như Lời Ngài đã phán: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Giăng 12:24).

Lời Chúa hôm nay kêu gọi mỗi chúng ta hãy có tấm lòng nhiệt thành, tận tụy như người gieo giống. Chúng ta được người gieo giống là chính Đức Chúa Trời gieo hạt giống Tin Lành là Đức Chúa Jêsus và Lời của Ngài vào lòng chúng ta. Rồi trải qua thời gian, Hạt Giống ấy nảy mầm và sinh hoa kết trái. Bởi hạt giống Phúc Âm của Đức Chúa Trời đã được gieo vào tấm lòng của của chúng ta, nên ngày nay Chúa muốn hỏi bạn và tôi, mỗi chúng ta có sẵn sàng trở thành người gieo giống để tiếp tục mang hạt giống sự sống đến trên những mảnh đất tấm lòng ở thế gian này không? Lời Chúa trong Ô-sê 10:12 kêu gọi: “Hãy gieo sự công bình.” Lời Chúa là hạt giống công bình. Không phải công bình theo mắt của loài người nhưng theo tiêu chuẩn của Chúa. Sự công bình thật chỉ có trong Lời Chúa. Gieo hạt giống công bình sẽ gặt hái trái công bình, như sứ đồ Phao-lô đã nói: “Đấng phát hột giống cho kẻ gieo giống và bánh để nuôi mình, cũng sẽ phát hột giống cho anh chị em và làm cho sinh hóa ra nhiều, Ngài lại sẽ thêm nhiều trái của sự công bình anh chị em nữa.” (II Cô-rinh-tô 9:10). Chúng ta càng tiếp nhận hạt giống công bình bao nhiêu thì cần phải gieo ra hạt giống ấy bấy nhiêu, có như vậy trái công bình trong đời sống chúng ta mới được gia tăng.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Xin giúp con luôn khao khát và tiếp nhận Lời Chúa là hạt giống Phúc Âm, tấm lòng con trở nên những thửa đất tốt để hạt giống Lời Chúa được nảy mầm, trổ hoa và sanh bông trái dồi dào, đời sống tâm linh của con càng ngày càng mạnh mẽ và tăng trưởng. Xin cho con cũng mặc lấy tâm tình của người gieo giống, không nản lòng, đủ kiên nhẫn trong việc đem Phúc Âm đến cho đồng bào con. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jêsus. Amen.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa