Ma-thi-ơ | Phước Cho Mắt Thấy, Tai Nghe
Người Trung Quốc có câu “có mắt mà không thấy Thái Sơn” để chỉ về tầm nhìn ngắn và giới hạn của con người. Một số người thường cho rằng từ “Thái Sơn” là chỉ về ngọn núi cao lớn mang tên “Thái Sơn”, nhưng kỳ thực “Thái Sơn” ở đây không phải nói về một ngọn núi, mà là nói về một con người. Đó một thợ thủ công thời Xuân Thu của Trung Hoa. Chuyện kể rằng, Thái Sơn vốn là đồ đệ của ông tổ nghề mộc Lỗ Ban. Ngay từ nhỏ cậu vốn thông minh lanh lợi, thích dùng cây trúc và bùn làm thành đủ loại kiểu dáng đồ chơi, đến khi hơn 10 tuổi, cha cậu đã gửi đến chỗ thầy Lỗ Ban để học nghề mộc. Trong lúc Thái Sơn học nghề, Lỗ Ban thấy cậu bé này rất có tâm cầu tiến thì hết sức hài lòng. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, Lỗ Ban phát hiện Thái Sơn không chuyên tâm học tập, cứ thường một mình chui vào rừng trúc dạo chơi. Sau một năm học, Lỗ Ban yêu cầu các học trò phải tự tay làm một cái bàn. Những bạn cùng học nghề với Thái Sơn đều làm được rất khá, duy chỉ có Thái Sơn là làm không xong. Lỗ Ban rất giận, nên đuổi Thái Sơn về quê và không nhận cậu học trò này để dạy nghề nữa. Khoảng 10 năm trôi qua, một ngày kia, Lỗ Ban trong một chuyến du ngoạn đi ngang qua một cửa hàng mộc. Thấy người mua đông nghẹt, Lỗ Ban tò mò vào xem thì thấy trong tiệm bày bán đầy đủ các loại sản phẩm bằng tre trúc, có bàn, ghế dựa, giường, tủ… những sản phẩm này lại được chế tác vô cùng tinh xảo. Ông thầm cảm phục và xin diện kiến nghệ nhân đã làm ra những sản phẩm này. Khi người chủ tiệm bước ra thì Lỗ Ban liền nhận ra ấy chính là đồ đệ Thái Sơn mà trước đây ông đã đuổi đi. Hóa ra trong lúc Thái Sơn học nghề, anh đã phát hiện thấy cây trúc so với cây gỗ thì mềm dẻo hơn, nên thường trốn vào trong rừng trúc để luyện tập chẻ nan, bện trúc, bởi vì vẫn chưa học thành thạo, lại sợ thầy Lỗ Ban không đồng ý, cho nên không dám nói với thầy. Lỗ Ban nghe xong, thấy hối hận, cảm khái nói: “Ta thật là có mắt mà không thấy Thái Sơn!” Từ đó về sau, câu nói “có mắt mà không thấy Thái Sơn” dần dần được dân gian lưu truyền rộng rãi. Câu ngạn ngữ này ngày nay được người ta mở rộng hơn qua câu nói “trên đời này, điều đáng sợ là có mắt mà không nhìn thấy vẻ đẹp, có tai mà không nghe thấy điều hay, có trái tim mà không thấy chân lý”.
Thế nhưng, điều đáng sợ hơn cho con người không chỉ là không thấy vẻ đẹp, không nghe điều hay mà là con người đã bịt tai, nhắm mắt và không cảm nhận được thông điệp cứu rỗi đến từ trời. Vì vậy nên Đức Chúa Jêsus, là Đấng Cứu Rỗi đến từ trời, đã dùng nhiều cách khác nhau để bày tỏ cho con người hiểu được thông điệp này. Một trong những cách đó là Ngài dùng các thí dụ, ẩn dụ để dạy dỗ chúng ta. Qua đoạn Kinh Thánh trong Ma-thi-ơ 13:9-17 Đức Chúa Jêsus phán:
9 Ai có tai, hãy nghe!
10 Môn đồ bèn đến gần Ngài mà hỏi rằng: Sao thầy dùng thí dụ mà phán cùng chúng vậy?
11 Ngài đáp rằng: Bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu nhiệm của nước thiên đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết.
12 Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ được dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì lại cất luôn điều họ đã có nữa.
13 Vậy nên ta phán thí dụ cùng chúng; vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết.
14 Vậy, về họ, đã được ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai rằng: Các ngươi sẽ lóng tai nghe, mà chẳng hiểu chi; Lấy mắt xem mà chẳng thấy chi.
15 Vì lòng dân nầy đã cứng cỏi; Đã làm cho nặng tai Và nhắm mắt mình lại, E khi mắt mình thấy được, Tai mình nghe được, Lòng mình hiểu được, Họ tự hối cải lại, Và ta chữa họ được lành chăng.
16 Nhưng phước cho mắt các ngươi vì thấy được; phước cho tai các ngươi, vì nghe được!
17 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên tri, nhiều người công chính đã ước ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng được thấy; ước ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng được nghe.
Đức Chúa Jêsus đã cho chúng ta thấy ba điều sau:
1. Ẩn dụ để giúp cho người có đức tin hiểu biết những điều mầu nhiệm của Nước Trời
Trong câu 11, “Ngài đáp rằng: Bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu nhiệm của nước thiên đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết.” Tại đây, Đức Chúa Jêsus nêu ra hai lý do về việc Ngài dùng các ẩn dụ trong sự giảng dạy. Thứ nhất, nhằm để bày tỏ ý nghĩa rõ ràng của những chân lý thiên thượng cho những người có lòng tiếp nhận Chúa, và để che giấu ý nghĩa đối với những kẻ chối bỏ Ngài. Đức Chúa Jêsus phán: “Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ được dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì lại cất luôn điều họ đã có nữa.” (câu 12). Sự ban cho ở đây không phải là cho của cải vật chất, mà Đức Chúa Jêsus muốn nhấn mạnh đến giá trị thuộc linh. Chúa muốn nói đến món quà của sự cứu rỗi, đó là ân điển, đó là điều mầu nhiệm. Người nào biết được sự “mầu nhiệm của Nước Trời” sẽ được gia tăng sự hiểu biết, tức những người “đói khát sự công bình” thì sẽ được “no đủ”, người đó sẽ nhận lãnh thêm tri thức thuộc linh khi hết lòng học hỏi và tìm kiếm Chúa. Trái lại, ai không tin thì ngay cả điều đang có cũng sẽ bị lấy mất đi.
2. Ẩn dụ khiến cho kẻ vô tín “xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe”
Đức Chúa Jêsus tiếp tục giải thích trong câu 13 rằng: “Vậy nên ta phán thí dụ cùng chúng; vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết.” Hiển nhiên Đức Chúa Jêsus không nói đến những người đang gặp vấn đề về thị giác hay khó khăn với thính giác. Rõ ràng là Đức Chúa Jêsus đã đến thế giới này với lòng mong ước mọi người sẽ tiếp nhận sứ điệp của Ngài một cách nhiệt thành. Tuy nhiên, có những người không chịu lắng nghe sứ điệp của Ngài. Chúa nhắc lại lời của tiên tri Ê-sai: “Các ngươi sẽ lóng tai nghe, mà chẳng hiểu chi; Lấy mắt xem mà chẳng thấy chi.” Tại sao họ không thể thấy, nghe và hiểu được? Vì họ CHỌN không thấy, không nghe và không hiểu. Chúa đặc biệt nói về người Do Thái, họ đã thấy Ngài là Đấng Mê-si nhưng lại chối bỏ như không thấy, vì cớ đó họ không nghe và không thể hiểu được điều Ngài phán dạy. “Vì lòng dân nầy đã cứng cỏi; Đã làm cho nặng tai Và nhắm mắt mình lại, E khi mắt mình thấy được, Tai mình nghe được, Lòng mình hiểu được, Họ tự hối cải lại, Và ta chữa họ được lành chăng.” (câu 15). Con người nói chung không muốn được chữa lành khỏi căn bệnh tội lỗi, nên không muốn hối cải, vì thế Đức Chúa Jêsus mới phán dạy bằng ẩn dụ để họ phải thật sự tìm kiếm để nghe, để hiểu, để ăn năn thì mới được chữa lành.
3. Phước cho người nào mắt thấy, tai nghe về lẽ mầu nhiệm của Nước Trời
Trước hết, Đức Chúa Jêsus cho thấy rằng các môn đồ của Ngài được đặc ân biết những điều mầu nhiệm của Nước Trời. Những điều mầu nhiệm này không phải là bí ẩn không thể giải thích được nhưng là những lẽ thật chưa được tỏ ra trong quá khứ. Đây là điều mà các đấng tiên tri, những người công bình thời trước ao ước được thấy, được nghe mà không được. Ê-phê-sô 3:4-5 cho chúng ta biết “anh em có thể rõ sự hiểu biết… về lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, là lẽ mầu nhiệm trong các đời khác, chưa từng phát lộ cho con cái loài người, mà bây giờ đã được Đức Thánh Linh tỏ ra cho các sứ đồ thánh và tiên tri của Ngài”. Điều quan trọng nhất trong sự mầu nhiệm của Nước Trời là Đức Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus là Đấng Mê-si từ trời đến. Lẽ mầu nhiệm này không phải là điều mà con người có thể tự tạo cho mình được, mà chỉ người nào chấp nhận và tin Đức Chúa Jêsus mới hiểu được điều huyền nhiệm này. Người ta có thể nghe Lời Chúa nhưng sẽ không thể hiểu được nếu không tiếp nhận, thuận phục Đức Chúa Jêsus và để Ngài làm chủ đời sống đời sống mình.
Đức Chúa Jêsus dùng những ví dụ, ẩn dụ để giúp cho người nào có tai muốn nghe, có mắt muốn thấy, có tấm lòng mở ra thì có thể dễ dàng tiếp nhận thông điệp của Ngài. Tức là người có đức tin nơi Đức Chúa Jêsus, có sự hiện diện của Chúa Thánh Linh thì sẽ hiểu được lời Ngài phán dạy cách tường tận, sâu sắc hơn. Đức Chúa Jêsus kể những người đó là được phước. Còn người nào đã cố tình đóng chặt tấm lòng, nhắm mắt, bịt tai thì sứ điệp của Ngài càng trở nên khó hiểu. Đó là những người vô tín, phản loạn vì họ chối bỏ Đấng Christ, họ không có Đức Thánh Linh ở trong lòng thì họ sẽ chẳng biết gì về những lẽ mầu nhiệm của Nước Trời.
Một trong những điều đáng buồn ở thời đại của chúng ta là: nhiều người tự cho mình có tâm trí cởi mở, có tiềm năng khai sáng mà lại bịt tai, che mắt trước Đức Chúa Jêsus. Thậm chí có nhiều tín hữu cũng không chấp nhận toàn bộ những lời Đức Chúa Jêsus đã dạy, họ chỉ làm theo những điều mình thấy phù hợp, còn không phù hợp thì lại bỏ qua. Vì thế Đức Chúa Jêsus đã phải kêu gọi: “Ai có tai mà nghe, hãy nghe.”
Đây cũng là lúc cho bạn và tôi kiểm nghiệm lại xem mình có tai thật lắng nghe tiếng Chúa, có mắt thật mở ra nhìn biết Ngài và có một tấm lòng mềm mại tiếp nhận sứ điệp mầu nhiệm của Chúa đến với chúng ta ngày hôm nay hay không?
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin cho con có đôi tai mở ra để nghe được tiếng phán dạy từ Chúa, có đôi mắt thuộc linh được soi sáng từ Chúa Thánh Linh, xin khiến cho lòng con luôn mềm mại để tiếp nhận sứ điệp Nước Trời từ Đức Chúa Jêsus vì đó là phước hạnh mà trong các đời trước chưa được khải tỏ. Con thật cảm tạ ơn Chúa. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jêsus. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét