Ma-thi-ơ | Jêsus, Người Na-xa-rét

Chúa Jêsus vốn được giáng sinh tại cánh đồng thành Bết-lê-hem xứ Giu-đê, và những ngày tháng sơ sinh đã được nuôi dưỡng tại thành Bết-lê-hem. Nhưng cha mẹ về thuộc thể của Ngài là Giô-sép và Ma-ri, theo Lời Chúa phán bảo, phải mang Con Trẻ đi lánh nạn sang Ai Cập, để tránh khỏi chiến dịch tàn sát trẻ em tại thành phố nhỏ Bết-lê-hem của vua Hê-rốt đại đế, do các nhà thông thái Đông phương trong lúc tìm thờ Chúa đã nhầm lẫn mà vào cung vua hỏi, khiến cho Hê-rốt vì sợ mất ngôi mà lập mưu tàn sát Ấu Chúa nhưng việc này bất thành.

Sau khi vua Hê-rốt đại đế băng hà, gia đình Chúa dự định trở về xứ Giu-đê thành Bết-lê-hem, là nguyên quán của Giô-sép theo dòng dõi vua Đa-vít; nhưng chưa kịp về thì biết quyền cai trị của đế quốc La Mã ở xứ Do Thái được phân chia làm bốn khu vực cho các vua chư hầu. Con trai Hê-rốt đại đế tên là Hê-rốt A-chê-la-u nối ngôi cũng gian ác không khác cha nên họ sợ mà không dám về. Được Đức Chúa Trời phán bảo nên họ đến thành Na-xa-rét để cư ngụ. Vì đó cũng là nơi mà một số người thân của gia đình chọn để sinh sống và lập nghiệp.

Chính vì thế mà Chúa Jêsus từng mang danh là “Jêsus người Na-xa-rét” (Ma-thi-ơ 2:23). Và như vậy, Ngài đã được dưỡng dục tại đây trong khoảng thời gian hơn hai mươi mấy năm cho đến khi bắt đầu thi hành chức vụ. Cho nên, cũng có thể nói Ngài ra đi khỏi thành Na-xa-rét trong năm đầu của chức vụ được Lu-ca ký thuật là “nơi dưỡng dục” (Lu-ca 4:16), thì Ngài về thăm thành này lần nữa trong năm cuối chức vụ được Ma-thi-ơ ký thuật là “quê hương”. Thật ra, Na-xa-rét là “quê hương thứ hai” (sau Bết-lê-hem) hay “thứ ba” (sau Bết-lê-hem và Ai Cập) trong nhân tính của Chúa Jêsus khi Ngài tại thế.

Qua đoạn Kinh Thánh hôm nay trong Ma-thi-ơ 13:53-56 chúng ta thấy Chúa Jêsus trở về quê nhà, Chúa cũng vào nhà hội để giảng dạy Lời Đức Chúa Trời, điều này khiến cho nhiều người đồng hương, cũng như những người bà con thấy vô cùng kinh ngạc và thắc mắc: “Bởi đâu mà người nầy được khôn ngoan và những phép lạ nầy?” Vì họ chỉ biết Chúa Jêsus lúc còn ở với gia đình như là một con người bình thường. Đó là về phương diện nhân tính của Chúa Jêsus.

53 Đức Chúa Jêsus phán các lời ví dụ ấy rồi, thì đi khỏi chỗ đó.
54 Ngài về đến quê hương, rồi dạy dỗ trong nhà hội, đến nỗi ai nghe cũng lấy làm lạ, mà nói rằng: Bởi đâu mà người nầy được khôn ngoan và những phép lạ nầy?
55 Có phải là con người thợ mộc chăng? Mẹ người có phải là Ma-ri, và anh em người là Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn, Giu-đê chăng?
56 Chị em người đều ở giữa chúng ta chăng? Bởi đâu mà người nầy được mọi điều ấy như vậy?

1. Nhân tính của Chúa Jêsus gắn liền với cha Giô-sép và mẹ Ma-ri

Trong thời gian được dưỡng dục tại Na-xa-rét thì Chúa Jêsus từng được cha mẹ mình là Giô-sép và Ma-ri dẫn Ngài về thành vào đền thờ Giê-ru-sa-lem một lần lúc Ngài lên 12 tuổi (Lu-ca 2:41-50). Tại đó, Ngài vào đền thờ để đối thoại với các thầy thông thái và Ngài bày tỏ về thần tính của Ngài khi Ngài phán: “Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao.” Tuy nhiên, sau đó thì Ngài đã tự nguyện trở về thành Na-xa-rét để tiếp tục chịu lụy cha mẹ phần xác cho đến khi Chúa khởi sự chức vụ khi Ngài lên 30 tuổi (Lu-ca 3:23).

Trong thời gian chịu lụy cha mẹ phần xác, Chúa Jêsus đã học và cũng giúp gia đình sinh sống với nghề của cha mẹ mình là nghề trồng trọt và nghề thợ mộc tại thành Na-xa-rét. Đó là những nghề rất bình dân trong thời bấy giờ. Nhưng qua đó Ngài trải nghiệm thực tế với việc gieo trồng và xây dựng nhà cửa. Đó là những việc rất thông dụng tại xứ Do Thái. Do đó Chúa Jêsus sử dụng những hình ảnh này trong những ẩn dụ rất gần gũi với thực tế khi giảng dạy về Nước Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như ẩn dụ gieo giống trên đất tốt, đất gai gốc, đất đá sỏi, đất đường đi; hay ẩn dụ việc xây nhà trên cát và xây nhà trên vầng đá…

Nói chung, nhân tính của Chúa Jêsus được xác định cách rõ ràng với cha dưỡng dục là Giô-sép là người thợ mộc, và mẹ Ma-ri lo toan trong việc trồng trọt. Người ta vốn chỉ biết Chúa Jêsus là người Na-xa-rét – là nơi Ngài được dưỡng dục, mà không phải Jêsus người Bết-lê-hem bởi để ứng nghiệm lời giao ước và giữ bí mật tránh sự truy sát của Hê-rốt; cho đến khi Ngài làm xong công tác cứu rỗi nhân loại tại đồi Gô-gô-tha ngoài thành Giê-ru-sa-lem đúng như luật về đại lễ chuộc tội.

2. Nhân tính của Chúa Jêsus gắn kết với bốn người em trai

Điều kế tiếp chưa được nhiều người biết đến đó là trong gia đình về phần xác của Chúa. Theo các sử gia đương thời như Josephus cho biết thì cha phần xác của Ngài là Giô-sép, người thợ mộc đã mất sớm trước khi Ngài bắt đầu chức vụ. Dù rằng sử gia không bày tỏ lý do dẫn đến cái chết quá sớm của Giô-sép nhưng cũng vì thế mà Chúa Jêsus sau này thường xuyên để tâm chăm sóc mẹ Ma-ri; thậm chí là đến tận khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá. Cho nên khi Chúa Jêsus thi hành chức vụ thì chỉ có mẹ Ngài là Ma-ri thường xuất hiện mà không thấy đề cập đến Giô-sép.

Kế đến, vài lần trong chức vụ Chúa Jêsus bị người thành Na-xa-rét nơi dưỡng dục Ngài và nơi gọi là quê hương thứ hai đã từ chối sứ điệp của Ngài là Đấng Mê-si bởi vì họ nghĩ rằng họ biết rõ thân thế của Ngài, trong đó có cả những người em của Chúa Jêsus về phần xác nữa. Họ biết rõ ít nhất có bốn người em trai của Chúa Jêsus về phần xác với những cái tên thật rõ ràng là: Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn, Giu-đe. Trong đó Gia-cơ là người sau này trở nên vị trưởng lão lãnh đạo Hội Thánh Giê-ru-sa-lem rất có uy tín, cũng là tác giả của thư tín Gia-cơ. Giô-sép con của Giô-sép cha cũng có tên gọi khác là Giô-sê (Mác 6:3). Giu-đe cũng được biết đến khi ông viết thư tín Giu-đe (Giu-đe 1:1).

Phân đoạn Kinh Thánh này là điều mà nhiều người không thích đề cập hay cố tìm cách chối bỏ vì họ chủ trương Ma-ri đồng trinh trọn đời thì làm sao có những người con khác ngoài Chúa Jêsus. Thế nhưng, lịch sử Jêsus người Na-xa-rét là điều không thể phủ nhận được, và vì những chứng cớ mà người thành Na-xa-rét biết rõ về nhân tính mà không thấy thần tính của Chúa Jêsus.

Tuy nhiên, ngay từ đầu Kinh Thánh bày tỏ rõ ràng: “Khi Giô-sép thức dậy rồi, thì làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn, mà đem vợ về với mình; song không hề ăn ở với cho đến khi người sanh một trai, thì đặt tên là Jêsus.” (Ma-thi-ơ 1:24-25). Bày tỏ chương trình của Đức Chúa Trời đã chọn và đại dụng Ma-ri là người trinh nữ đã hứa hôn với Giô-sép; nhưng bởi vì lòng vâng phục của cô mà Ngài chọn để mang thai Chúa Jêsus bởi quyền năng của Đức Thánh Linh chứ không bởi quan hệ thông thường của con người giữa người nam và nữ. Giô-sép cũng đã chấp nhận điều này và đã giữ sự trong sạch cho Ma-ri mà không hề ăn ở trong quan hệ tính dục giữa vợ chồng. Nhưng điều này để hoàn tất lời giao ước và sau khi Ma-ri sinh Chúa Jêsus. Tức là, sau khi Ma-ri sinh Chúa Jêsus thì Giô-sép vẫn được quyền ăn ở với vợ Ma-ri như bao gia đình khác. Vì thế, những người con trai được xóm làng tại Na-xa-rét thừa nhận là Gia-cơ, Giô-sép (hay Giô-se), Si-môn, Giu-đe là điều bình thường.

Tóm lại, “Jêsus người Na-xa-rét” là một sự thật chúng ta cần thừa nhận, đó chính là nhân tính của Chúa Jêsus, một nhân vật có trong lịch sử, Ngài từng được gọi là người Na-xa-rét, việc này làm ứng nghiệm lời tiên tri Ê-sai đã nói. Và cho dù Ngài đã có quê hương trên đất này, hay chỉ là nơi dưỡng dục đi nữa thì điều đó chứng minh về phần nhân tính của Ngài là rõ ràng.

Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta không nên dừng lại ở phần nhân tính của Chúa Jêsus, vì dân thành Na-xa-rét đã cố tình dừng lại phần này nên họ đã đánh mất cơ hội vô cùng quý báu để được sự cứu rỗi linh hồn của họ dù Đấng Cứu Thế từng ở giữa họ đến mấy mươi năm; và Chúa Jêsus đã chính thức công khai tuyên bố Ngài là Đấng Cứu Thế ngay lần đầu chức vụ (Lu-ca 6) và cuối chức vụ (Ma-thi-ơ 13) nhưng họ đã cố chấp mà không thấy được điều mà đáng lẽ họ là những người nhận được Tin Lành quý báu này trước tiên.

Bạn thân mến, cơ hội nhìn biết Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế có thể đến với chúng ta nhiều lần, rất rõ ràng và rất gần; nhưng việc tiếp nhận Ngài hay không đó là tùy vào tấm lòng của bạn có đang mở ra để chờ đón Chúa hay cố tình đóng lại chối từ Ngài. Nguyện Chúa cho chúng ta đừng vấp phải vết xe đổ của dân thành Na-xa-rét ngày xưa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Xin tha thứ cho chúng con, vì chúng con có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng như câm, có óc nhưng không thấu hiểu, có tim nhưng không xúc động trước cơ hội quý báu Chúa ở cùng chúng con, cơ hội Chúa bày tỏ chính mình Ngài cho chúng con. Bởi chúng con đã lấy đôi mắt xác thịt của mình làm tầm nhìn, lấy lỗ tai bé nhỏ để nghe chuyện huyễn và lòng thì đóng chặt, đầu óc hữu hạn với sự cố chấp mà không thấy Chúa, không nghe tiếng Chúa đang gõ cửa lòng, đang phán dạy những lời sự sống. Xin tha thứ cho chúng con. Nguyện xin Chúa mở mắt tâm linh để thấy được Chúa vinh hiển, mở tai tâm linh để nghe tiếng phán phước hạnh của Ngài. Cầu Chúa bước vào tấm lòng đang mở rộng đón Chúa Jêsus và sẵn sàng trò chuyện cùng Ngài cách thân mật. Chúng con cầu nguyện nhân danh Cứu Chúa Jêsus. Amen.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa