Ma-thi-ơ | Nhà Lãnh Đạo Tài Ba
Dolly Parton có câu danh ngôn “chúng ta không thể thay đổi hướng gió, nhưng chúng ta có thể thay đổi hướng đi của cánh buồm”. Câu nói này vẫn thường được các nhà chuyên môn về kỹ năng mềm ngày nay sử dụng để hướng dẫn người ta biết cách ứng phó theo từng hoàn cảnh, sự việc ngoài ý muốn hay trong những tình huống bất ngờ. Đó là vì tùy vào cách ứng xử sẽ ra kết quả khác nhau. Về phương diện lãnh đạo, người biết cách ứng phó với hoàn cảnh, biết xử lý khôn ngoan là người lãnh đạo thành công. Ứng phó và xử lý trong những hoàn cảnh bất lợi bằng hành động phù hợp không nhất thiết phải phản ứng theo chuẩn mực thế này thế kia nhưng lại ý thức rõ được hành động mình đang làm. Người biết điều khiển tình hình là người xác định được điều mình “muốn” và điều mình “cần”, vì có những điều chúng ta “muốn” nhưng đó chưa chắc đã là những điều chúng ta “cần”. Vì vậy chúng ta không nên quá phấn khích trước những lời khen và cần giữ bình tĩnh ứng xử với những lời chỉ trích. Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 14:22-23 cho chúng ta thấy Chúa Jêsus là một NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI BA.
22 Kế đó, Ngài liền hối môn đồ xuống thuyền, qua trước bờ bên kia, trong khi Ngài đang truyền cho dân chúng tan đi.
23 Xong rồi, Ngài lên núi để cầu nguyện riêng; đến chiều tối, Ngài ở đó một mình.
Chúa Jêsus là một con người sống giữa thế giới này. Trong những năm thi hành chức vụ trên đất Ngài cũng đã phải đối diện với nhiều hoàn cảnh khó xử, có những lúc Ngài muốn làm điều này điều kia nhưng không phải lúc nào hoàn cảnh bên ngoài cũng tạo điều kiện để Chúa thực hiện. Phần Kinh Thánh Ma-thi-ơ 14:13-21 cho chúng ta biết Chúa Jêsus đã muốn đi riêng ra, vào nơi yên tĩnh để được nghỉ ngơi, được có thì giờ tương giao với Đức Chúa Cha và dành thời gian riêng tư với các môn đồ của Ngài, thế nhưng đoàn dân đông, họ chạy theo Chúa, trong đó có nhiều người đau bệnh cần Chúa chữa lành. Dù Chúa “muốn” được nghỉ ngơi nhưng Ngài đã tạm hy sinh giờ riêng của Ngài để chữa lành cho những con người đang cần sự cứu giúp kia.
Chúng ta thấy, Chúa Jêsus làm việc liên tục cả ngày để đáp ứng nhu cầu của con người, đến chiều tối thì nhu cầu thuộc thể của họ là cần phải có thức ăn. Chúa không nhất thiết phải chu cấp thức ăn cho cả đoàn dân đông này nhưng Ngài lại tiếp tục đáp ứng nhu cầu của họ bằng một phép lạ, từ năm cái bánh và hai con cá nhỏ, chỉ là khẩu phần ăn của một đứa trẻ, Chúa đã hóa ra một lượng thức ăn đủ cho đoàn dân hơn năm ngàn người, không kể phụ nữ và trẻ em. Thế mà vẫn còn dư mười hai giỏ đầy. Ngay sau đó, chúng ta thấy Chúa Jêsus đã điều khiển tình hình rất khôn ngoan và kịp thời. Hai câu Kinh Thánh ngắn gọn tại đây cho thấy sự lãnh đạo tài ba của Chúa Jêsus, Ngài đã chế ngự một đám đông hàng vạn người náo nhiệt kia một cách rất ổn thỏa.
Sau khi Chúa hóa bánh cho nhiều người ăn thì có một sự bùng phát giữa đám đông. Mặc dù sứ đồ Ma-thi-ơ không nêu rõ lý do nhưng trong phần ký thuật của Giăng 6:15 cho biết “họ có ý ép Ngài để tôn làm vua”. Tại đây, Chúa Jêsus đối diện với sự cám dỗ giống như sự cám dỗ trong đồng vắng, Chúa đang bị cám dỗ được người ta tôn lên làm vua, để lật đổ chính quyền La Mã mà không phải chịu nỗi đau và sự sỉ nhục của thập tự giá. Không phải vì Chúa Jêsus lo sợ người ta tôn Ngài làm vua, nhưng vì chưa đến thời điểm của Chúa. Thật Chúa Jêsus đã là Vua theo dòng tộc và theo tước hiệu, nhưng khi ấy Chúa nhận biết rằng chương trình của Cha chưa đến. Chúa không phải là vua theo sự bầu chọn và tôn xưng của con người, mà Ngài chính là Vua được Đức Chúa Trời sai đến. Sau này, khi bị đưa đến với tổng đốc Phi-lát để xét xử, Ngài đã phán: “Nước của Ta chẳng phải thuộc về thế gian này… hiện nay nước Ta chẳng thuộc về hạ giới.” (Giăng 18:36). Ngài muốn làm Vua trong lòng người trước khi làm Vua trên đất này.
Trong khi đó, các môn đồ cũng rất phấn khích trước sự kích động của đám dân đông. Họ thấy Chúa Jêsus đã được quần chúng đông đảo công nhận cách công khai. Lòng các môn đồ cũng mong muốn Chúa Jêsus sẽ lãnh đạo dân Do Thái đứng lên chống lại sự áp bức của người La Mã và đây là cơ hội thuận tiện cho việc đó. Chúa Jêsus đã ứng phó trước tình hình bùng phát của đám đông một cách rất khôn khéo. Để ngăn cản điều đó không xảy ra, chúng ta thấy có một sự thay đổi rất nhanh chóng. Ở đây, chúng ta thấy Chúa Jêsus trong hình ảnh một nhà lãnh đạo thao lược. “Ngài liền hối môn đồ xuống thuyền, qua trước bờ bên kia, trong khi Ngài đang truyền cho dân chúng tan đi.” Chúa biết nếu để các môn đồ ở lại cùng với đám đông này thì họ dễ bị tác động trước các kế hoạch chính trị của dân chúng, sự tác động này sẽ đẩy cho sự bùng phát nhanh hơn, nên Ngài đã thúc giục các môn đồ xuống thuyền và qua bờ bên kia trước, cùng lúc ấy Chúa truyền cho đám đông hơn mười ngàn người giải tán. Việc chế ngự đám đông ồn ào, náo nhiệt, phấn khích kia và giải tán họ là việc không dễ dàng. Chúng ta không rõ Chúa Jêsus đã dùng cách nào để có thể truyền cho một đám đông này nghe theo Ngài nhưng chúng ta tin rằng Ngài hoàn toàn có uy quyền trên số người này.
“Xong rồi, Ngài lên núi để cầu nguyện riêng; đến chiều tối, Ngài ở đó một mình.” (câu 23). Sau khi điều khiển cả một đám đông tan đi thì Chúa Jêsus tìm đến một nơi thanh vắng. Có thể nói đây lại là một cám dỗ khác đối với Chúa Jêsus. Trong cương vị là một nhà lãnh đạo như con người chúng ta thì Chúa Jêsus dễ bị cám dỗ bận rộn với hàng núi công việc và sự ủng hộ của đám đông. Trong cương vị là con người, Chúa cũng phải chịu áp lực với một quỹ thời gian hết sức bận rộn nhưng Ngài đã điều phối thời gian làm việc và nghỉ ngơi cách quân bình. Đây là một điều rất cần thiết và là một việc ưu tiên trong thời gian biểu của một người lãnh đạo. Chúa Jêsus không chỉ cần sự yên nghỉ cho thân thể, mà còn cần tiếp nạp năng lượng thuộc linh, đó là việc ở riêng và tương giao với Đức Chúa Cha.
Bạn thân mến, trong bước đường theo Chúa của chúng ta có không ít những cám dỗ khiến chúng ta quên mất mình là ai, vị trí của mình ở đâu… vì thế, một Cơ Đốc nhân khôn ngoan là nhận biết chính mình và bối cảnh xung quanh mình để có thể ứng phó cách phù hợp với tác động bên ngoài và đi theo chương trình mà Đức Chúa Trời đặt để trên đời sống chúng ta. Chúa muốn chúng ta phải là người lãnh đạo khôn ngoan, đó là biết điều khiển chính mình và nhận biết những cám dỗ từ bên ngoài để không sa vào đó. Để được như vậy thì chúng ta cần học theo gương của Chúa Jêsus. Đó là dành thì giờ để cầu nguyện với Đức Chúa Trời, nuôi dưỡng mối liên hệ mật thiết với Ngài, và trang bị Lời Chúa để có thể đối đầu với những thách đố và tranh dấu của thế gian này. Chúng ta cần có kỷ luật chính mình, dành thì giờ để ở riêng ra với Chúa, qua đó sẽ giúp chúng ta tăng trưởng thuộc linh và trở thành ngày càng giống với Chúa Jêsus hơn.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Jêsus, Ngài là Vua trên muôn vua, là Chúa của các chúa. Con nguyện tôn Ngài là Vua trong lòng con và đầu phục Ngài mãi mãi. Xin giúp Con có một đời sống kỷ luật thuộc linh và đặt để mối tương giao với Cha là ưu tiên trong đời sống con, hầu con có đôi mắt thuộc linh để thấy được chương trình của Chúa, giúp con trở thành người quản trị khôn ngoan, có được sự nhạy bén để không sa vào cám dỗ bao vây con. Con cảm tạ Chúa. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét