Ma-thi-ơ | "Ai Có Tai, Hãy Nghe!"

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 11:12-15

12 Song, từ ngày Giăng Báp-tít đến nay, nước thiên đàng bị hãm ép, và là kẻ hãm ép đó choán lấy.
13 Vì hết thảy các đấng tiên tri và sách luật đã nói trước cho đến đời Giăng.
14 Nếu các ngươi muốn hiểu biết, thì ấy là Ê-li, là đấng phải đến.
15 Ai có tai mà nghe, hãy nghe.

Lời ngỏ

Bạn thân mến, lời Chúa Giê-xu kêu gọi “Ai có tai mà nghe, hãy nghe.” Có phải là Chúa chỉ muốn nói đến những người có tai, những người có thể nghe được âm thanh thì hãy nghe, còn những người không nghe được, hoặc những người khiếm thính thì không cần nghe hay không? Thật ra, Chúa Giê-xu không giới hạn đối tượng như thế. Vì con người ai cũng có thể nghe được- ngoại trừ những người bị khiếm thính- thì Chúa ban cho có khả năng để nghe được âm thanh. Nhưng điều Chúa muốn đề cập ở đây là người ta thể chỉ nghe âm thanh mà cần nghe được những thông điệp từ âm thanh đó. Có những người khiếm thính, họ không nghe được âm thanh vật lý nhưng có thể nghe được những thông điệp thuộc linh. Mỗi ngày tôi và bạn nghe rất nhiều, đủ thứ chuyện từ trời cao đến đất thấp, từ Đông sang Tây, từ trong nhà ra ngoài phố. Tốt có, xấu có nhưng đôi khi chúng ta có tai để nghe mà chẳng nghe được thông điệp gì, hoặc nghe những điều không đáng nghe và không nghe những điều đáng nghe, thậm chí không muốn nghe gì cả. 

Quay lại với đoạn Kinh Thánh của hôm nay, các bạn có thể hiểu được thông điệp mà đoạn Kinh Thánh này bày tỏ là gì không? Đây là phần tiếp theo những câu trước, khi Chúa Giê-xu đề cập đến Giăng Báp-tít. Có lẽ chẳng có người nào có thể hoàn thành sứ mạng mà Chúa giao cho hơn là Giăng Báp-tít. Thế nhưng, Ngài lại phán tiếp “Từ ngày Giăng Báp-tít đến nay nước thiên đàng bị hãm ép, và kẻ hãm ép dùng sức mạnh chiếm lấy” (câu 12) Đây là một lời phán khó hiểu cho chúng ta. Theo giải thích của Thánh Kinh Chú Giải NIV thì có ba quan điểm phổ biến về ý nghĩa của câu này. “1) Có lẽ Chúa Giê-xu muốn ám chỉ có một phong trào rộng lớn hướng vào Đức Chúa Trời, bắt đầu từ khi Giăng rao giảng, 2) Có lẽ Ngài muốn phản ảnh lòng trông mong của những người Do Thái yêu nước chủ động, cho rằng Nước trời sẽ đến bằng cách dùng bạo lực lật đổ ách thống trị của người La Mã, và 3) có lẽ Ngài ngụ ý dạy rằng muốn vào Nước Trời thì người ta phải can đảm, có đức tin không lay chuyển, quyết tâm và kiên trì chịu đựng vì sự chống đối ngày càng tăng đối với những người theo Chúa Giê-xu.”

Qua đây, chúng ta có thể thấy, Chúa Giê-xu muốn báo trước về tình trạng bạo lực sẽ xảy ra, đồng thời là một thách thức từ sự bạo lực này sẽ nảy sinh lòng nhiệt thành mạnh mẽ hơn cả bạo lực. Trong phần ký thuật của mình, Lu-ca cũng nói câu này trong một hình thức khá “Luật pháp và lời tiên tri có đến đời Giăng mà thôi, từ đó Phúc Âm của Nước Đức Chúa Trời được truyền ra, và ai nấy dùng sức mạnh để vào đó.” (16:16) Có lẽ sứ đồ Ma-thi-ơ và tác giả Lu-ca đã hiểu lời phán này theo hai cách khác nhau. Nếu xem xét cả hai lời ký thuật này, chúng ta sẽ thấy được đầy đủ ý nghĩa của câu Kinh Thánh này như sau: “Nước của Chúa sẽ luôn luôn bị hãm ép, kẻ bạo lực sẽ tìm cách xâu xé, cướp giật và hủy phá nó, vì thế chỉ kẻ nào hết lòng sốt sắng, chỉ kẻ nào có lòng nhiệt thành, có đủ sức mạnh đánh bại được bạo lực của sự bắt bớ thì cuối cùng mới được vào đó” . Những người bạo lực đang khai thác lời hứa của Nước Trời và họ sử dụng nó như một cái cớ để nổi dậy chống lại người La Mã. họ đang cố gắng thúc đẩy dân Do Thái vươn lên tiến hành một cuộc cách mạng vũ trang để chống lại La Mã.

Tuy nhiên, Phúc Âm thuần túy mà Đức Chúa Giê-xu đang rao truyền và dạy dỗ là Nước Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu khẳng định rằng “Vì hết thảy các đấng tiên tri và sách luật đã nói trước cho đến đời Giăng. Nếu các ngươi muốn hiểu biết, thì ấy là Ê-li, là đấng phải đến” (câu 13-14) Chúng ta đã thấy, toàn bộ luật pháp Cựu Ước đã nói tiên tri về sự đến của Nước Trời và Giăng là đại diện cho thời kỳ kết thúc của những tiên tri thời Cựu Ước. Ông là tiên tri cuối cùng đã được sai đến để mạnh dạn lên án tội lỗi và dẫn đường cho cho dân chúng hướng về Đức Chúa Trời. Ông cũng là thực hiện sứ mạng như của tiên tri Ê-li, nhưng Giăng không phải là Ê-li sống lại.

Qua lời phán này, Chúa Giê-xu đang lên án thái độ của những kẻ tự xưng rằng họ biết mọi luật pháp và lời tiên tri nhưng thực ra họ chẳng biết gì cả. Bất kỳ điều gì Chúa phán hay làm, họ đều phản đối cả. Vì thế Chúa một lần nữa thách thức những kẻ cứng lòng này “Nếu các ngươi muốn hiểu biết,” thì Giăng chính là sứ giả và là nhà tiên phong mà họ chờ đợi lâu nay. Trong khi họ trông mong sự trở lại của tiên tri Ê-li, một người đã không chết mà được Chúa trực tiếp rước lên trời, thì Chúa Giê-xu chỉ cho họ về Giăng, một người sắp sửa bị giết hại vì lên án tội lỗi và kêu gọi người ta ăn năn. Đức Chúa Trời đã sai sứ giả của Ngài đến, nhưng con người lại khước từ, Đức Chúa Trời lại ban chính Con Một của Ngài đến nhưng con người lại từ chối không chịu nhìn nhận Ngài.

Vì thế, Chúa Giê-xu kết thúc bằng lời thách thức: “ai có tai mà nghe, hãy nghe.” (câu 15) Rõ ràng là những người Do Thái đương thời đang nghe Chúa phán mà không quan tâm, không chấp nhận điều nào cả. Họ là những người được đặc ân nhìn thấy sứ giả của Ngài là Giăng Báp-tít, là người dọn đường cho Chúa đã đến, đã rao giảng nhưng họ đã không nghe. Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài cho con người bằng nhiều cách, và phương cách cuối cùng là chinh Đấng Christ đã đến, Đấng mà bấy lâu nay họ trông đợi. Chính Đức Chúa Trời đã mang lấy xác thịt con người, đã rao giảng sứ điệp Nước Trời cho con người, con người đã chứng kiến và ở trong sự hiện của Ngài nhưng người ta cũng không quan tâm, vẫn cố tình không nghe, không tiếp nhận, thậm chí là chối bỏ và khước từ Ngài. Vì vậy, lời Chúa Giê-xu vẫn đang kêu gọi con người trong thời đại này: “Ai có tai mà nghe, hãy nghe.”

Ngày nay, người ta thích nghe chuyện lạ đó đây, thích nghe những tin nóng, tin sốt nhưng lại từ khước thông điệp của chân lý. Người ta vẫn có tai nhưng lại không nghe được chân lý quý báu về Nước Trời. Hơn thế, chân lý về Nước Đức Chúa Trời không chỉ được nghe bằng lỗ tai thể lý, không thể hiểu bằng lý trí mà cần phải có lỗ tai thiêng liêng mới có thể hiểu được chân lý thuộc linh, rồi từ đó mới có thể áp dụng trong cách sống thực tế. Đôi tai thuộc linh phải mở ra thì mới “nghe” được, “hiểu” được, từ đó mới đến bàn tay và đôi chân thực hành. Bởi thế nên nhiều người có nghe nhưng không hiểu, không nhận ra ý nghĩa thuộc linh và giá trị đích thực của chân lý để có hành động đúng đắn. Còn bạn thì sao? Đôi tai thuộc linh của bạn có đang mở ra, có đang nghe được lời phán của Chúa và hay cũng giống như những người đang có đặc ân thấy sự hiện diện của Chúa qua Lời Ngài mà lại bỏ ngoài tai, không quan tâm, cũng không muốn tiếp nhận? 

Cầu nguyện

Lạy Chúa, giữa những ồn ào của thế giới này, trong những bận rộn của cuộc sống, xin cho con có đôi tai biết nghe tiếng Ngài. Xin giúp con trung tín trong việc học hỏi và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày để càng hiểu hơn về chân lý Nước Đức Chúa Trời. Và xin Ngài dùng con có ơn của Chúa để chia sẻ chân lý Nước Trời cho mọi người xung quanh con, để họ cũng nghe và hiểu được chân lý về Nước Trời qua Lời của Ngài. Con cảm tạ Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa