Ma-thi-ơ | Nghịch Lý Của Phúc Âm
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 10:34-39
34 Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo.
35 Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia;
36 và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình.
37 Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta;
38 ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta.
39 Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.
Lời ngỏ
Khi vừa mới nghe mấy câu Kinh Thánh trên có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc và bất bình rằng, vì lẽ nào Chúa Giê-xu là Đấng đã được xưng là Chúa Bình An mà lại có những lời phán dường như trái ngược với bản chất và lời truyền dạy của Ngài. Những lời này có phải là nghịch lý và trái ngược với tinh thần Phúc âm yêu thương và bình hòa mà Chúa đang rao giảng và dường như mâu thuẫn với nguyên tắc sống của con người hay không? Nhưng nếu chúng ta xem xét Phúc âm của Chúa Giê-xu một cách tường tận thì quả thật những lời phán của Chúa Giê-xu không hề mâu thuẫn và nghịch lý chút nào cả. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu lời dạy của Chúa theo hai khái niệm sau:
1. Khái niệm về sự bình an
Khi Chúa phán “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo.” (câu 34) thì có phải Ngài- Chúa Bình An, nhưng lại đến thế giới gây tranh chiến không? Trong sách Giăng 14:27, Chúa Giê-xu đã phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho.” Như vậy, có phải có sự mâu thuẫn trong hai lời này không? Trong thời đại của chúng ta, người ta cứ nói về nhu cầu hòa bình thế giới nhưng trong thực tế, con người đang sống trong một thế giới đầy tranh chiến từ trong ra ngoài. Mỗi cá nhân con người là một chiến trường, rồi trong mối quan hệ giữa người với người, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa thế giới này với thế giới khác luôn tồn tại sự tranh đấu. Vì thế, khi Chúa Giê-xu nói Ngài đến để kiến tạo sự bình an cho thế giới và sứ mạng của Ngài là chấm dứt mọi tranh chiến, thì sự bình an của Chúa khác với sự bình an mà con người đang hiểu, như được chép trong Phi-líp 4:7 “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ”. Ngài chính là Chúa bình an, vì thế sự bình an của Ngài xuất phát từ cội nguồn bình an và chân thật. Để có được sự bình an này thì con người phải có mối hòa thuận lại với Đức Chúa Trời, như lời đã chép trong Rô-ma 5:1 “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta” và trong Cô-lô-se 1:20 “bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời.”
Vậy thì tại sao Chúa lại đến mang gươm giáo? Chúa Giê-xu đã không đến thế giới này để ban cho chúng ta thứ bình an hời hợt bên ngoài, tức là sự binh an chỉ che đậy tạm thời được những bất hòa ở bên trong mà không thể giải quyết được những bất hòa đó. Khi Chúa Giê-xu dùng hình ảnh gươm giáo là Ngài đang muốn nói đến sự phân chia. “Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình.” Sự phân chia này là điều hiển nhiên, vì ánh sáng không thể ở chung với bóng tối, bởi thế nên có sự bất đồng và khác biệt giữa những người chọn theo Chúa Giê-xu và những người không chọn theo Ngài. Từ đó, Chúa đặt chúng ta trước sự lựa chọn, và trong sự lựa chọn này, con người phải chọn một trong hai, hoặc là thuộc Chúa hoặc là thuộc thế gian. Nếu chọn thuộc Chúa thì cần phải bày tỏ sự tận hiến và lòng trung thành với Ngài, vì thế nếu chọn Chúa thì có thể phải xa lìa cha mẹ, người thân và bạn bè. Khi nói như thế, không phải là Chúa Giê-xu khuyến khích người theo Ngài không vâng lời cha mẹ hay gây bất hòa trong gia đình. Trái lại, Ngài muốn chúng ta chứng minh rằng bởi sự hiện diện của Chúa trong đời sống đòi hỏi người ta phải quyết định. Vì có người sẽ quyết định theo Chúa và có người thì không, cho nên điều không thể tránh được là sự xung khắc và tranh chấp sẽ nảy sinh trong mối quan hệ giữa con người với nhau, nhất là gia đình mình.
Như lời Chúa phán “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta” (câu 37). Câu này nhắc chúng ta về câu chuyện Áp-ra-ham đã dâng con mình là Y-sác như là một của lễ lên cho Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 22:1-18) .Việc làm của Áp-ra-ham không phải là mù quáng, không tình người nhưng điều đó thể hiện sự tin cậy và vâng lời Chúa cách trọn vẹn. Đó là cách Đức Chúa Trời muốn thực hiện để thử xem tấm lòng của chúng ta đối với Ngài như thế nào. Khi có sự quyết tâm chọn Chúa, vâng phục và làm theo ý Chúa, tin cậy Chúa hơn là tin cậy con người thì chắc chắn sẽ được kết quả là sự an bình từ trong chính tấm lòng mình cho đến mối quan hệ với người khác. Đến lúc đó mọi tranh chiến trong lòng đều được giải quyết thì sự bình an thật mới được thiết lập hoàn toàn.
2. Khái niệm về sự sống
Con người thông thường vốn ham sống, sợ chết nên bằng mọi cách phải giữ lấy sự sống của mình. Khi cố thủ, bảo vệ cho sự sống bản thân thì con người sẽ trở nên ích kỷ và tranh đấu cho lợi ích sống của mình. Thế nhưng trong Chúa, Ngài kêu gọi một tinh thần hy sinh và từ bỏ sự sống mình. Như lời Chúa quả quyết trong câu 37 “ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta.” Trong thời đó khi nói đến “thập tự giá” là người ta hiểu ngay đó là phương tiện hành hình độc ác, đau đớn nhất. Thế mà, Chúa đòi hỏi môn đồ của Ngài phải “vác lấy thập tự giá và theo Ngài” nghĩa là phải bằng lòng hy sinh bất cứ mọi điều thuộc về bản thân mình, thậm chí cả mạng sống, vì Chúa. Bởi chính Chúa Giê-xu đã mang thập giá, Ngài chính là gương sáng cho chúng ta, Chúa đã chịu khổ, đã hy sinh, thậm chí là hy sinh cho đến chết rồi sau đó Chúa mới sống lại và được vinh hiển. Còn đối với chúng ta ngày nay, “vác lấy thập tự giá mình để theo Chúa” bày tỏ tấm lòng tận hiến và sẵn sàng công khai tự đồng nhất với Ngài, sẵn sàng chịu đựng, dù phải chịu đau khổ, chịu bắt bớ vì danh Chúa. Đó cũng là nguyên tắc sống cho Cơ Đốc nhân ngày nay, cần phải vác thập giá đi trước rồi mới nhận được mão triều vinh quang. Vinh quang sau này sẽ xoa dịu và làm cho lu mờ những ngày đau thương trong hiện tại.
Bởi mục đích đó mà chúng ta sẽ hiểu được câu kết luận của Chúa Giê-xu trong lời dạy này “Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.” Người “giữ sự sống mình” là người sống cho đời hiện tại, là người chỉ vun đắp và đầu tư cho những thứ thuộc về giá trị tạm thời, đến lúc cuối cùng sẽ “mất” mọi thứ, kể cả linh hồn mình. Còn người nào “mất sự sống mình” vì cớ Đấng Christ, nghĩa là từ bỏ quyền lợi và ích kỷ của thân, thậm chí cả chính mạng sống mình để hầu việc Chúa sẽ “tìm thấy” sự sống trường tồn trong Đấng Christ, một sự sống giá trị hơn trong cả hiện tại và trong cõi đời sau. Lời này nhắc nhở chúng ta, nếu cứ bám lấy sự sống đời này thì có thể đánh mất đi điều tốt nhất mà Chúa Cứu Thế đã dành sẵn cho chúng ta cả trong đời này và trong đời hầu đến.
Nguyên tắc Phúc âm dường như luôn trái ngược với nguyên tắc của con người nhưng phạm trù mà Phúc âm của Chúa Giê-xu rao giảng vượt trên quan niệm và sự hiểu biết thông thường của con người chúng ta nên chúng ta sẽ thấy có điều nghịch lý, nhưng khi chúng ta có đôi mắt thuộc linh để nhìn vào, có một tâm trí khai sáng, có một tấm lòng mềm mại thì sẽ thấu hiểu lẽ thật mà Ngài bày tỏ. Khái niệm về sự bình an và về sự sống mà Chúa dạy dỗ ở trên là về phạm trù thuộc linh, đó là giá trị cốt lõi của sự sống mà Đấng Sáng Tạo ban cho con người. Điều này chỉ có thể có trong Chúa Giê-xu và không thuộc về thế gian. Khi chúng ta yêu mến những gì thuộc đời này (tiền bạc, thú vui, quyền thế, danh tiếng…) thì chúng ta không có sự bình an và sự sống thật, còn nếu chúng ta chọn Chúa Giê-xu và sống theo nguyên tắc của Ngài thì chúng ta sẽ được hưởng sự sống vĩnh cửu, và hiển nhiên chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình an trong đời này và sự sống trong đời sau nữa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, khi chọn theo Chúa con biết sẽ có nhiều gian nan, có nhiều nghịch lý theo cái nhìn của con người xác thịt và đối với thế gian này nhưng chính Chúa Giê-xu đã làm gương cho chúng con. Chúa đã chọn con đường thập giá và Ngài đã nhận được sự vinh hiển. Xin giúp con luôn trọn đường theo Ngài hầu con có được sự bình an và sự sống thật ở trong Ngài. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét