Ma-thi-ơ | Động Lòng Thương Xót

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 9:35-38

35 Đức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, dạy-dỗ trong các nhà hội, giảng tin-lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật-bịnh.
36 Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn.
37 Ngài bèn phán cùng môn-đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít.
38 Vậy, hãy cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.

Lời ngỏ

Vào mùa hè năm 1996, các phương tiện truyền thông đã khiến người ta bị cuốn hút vào một sự kiện đầy ngoạn mục ở sở thú Brookfield tại Mỹ vì sự cố một cậu bé 3 tuổi bị té. Cậu bé bị rơi lọt qua hàng rào cao 6m và rớt vào chuồng khỉ. Khi cậu bé đang nằm ngã sóng soài trên mặt đất và dưới sự chứng kiến đầy hốt hoảng của đám đông bên ngoài. Con khỉ cái có tên là Binti Jua, 8 tuổi, đã lại gần cậu bé. Nó nhẹ nhàng ôm ngang thắt lưng cậu bé rồi bế cậu đi ra cửa nơi lực lượng cứu hộ đang chờ đợi cùng với hàng chục người bên ngoài đang nín thở chứng kiến. Cùng lúc đó nó cũng mang đứa con nhỏ 17 tháng tuổi của nó ỏ trên lưng. Hình ảnh con khỉ cái ôm gọn cậu bé trong hai cánh tay và con của nó nằm trên lưng đi ra cửa giao cậu bé cho nhân viên của thảo cầm viên được mọi người quan tâm và cảm động nhiều. Vì vào thời điểm đó, có 6 con khỉ đột khác cũng đang ở trong chuồng nhưng chúng không làm hại cậu bé vì con khỉ cái Binti đang ôm cậu bé. Cậu bé nhỏ bị gãy tay vì té ngã, trầy xước mặt mày nhưng đã bình phục sau 4 ngày nằm viện. Những người chứng kiến trực tiếp tại hiện trường cũng như những người xem qua các kênh truyền thông đều cảm động, họ đã trầm trồ khen ngợi con khỉ Binti Jua vì thấy con thú này có lòng thương xót giống con người.

Có một vấn đề đặt ra tại đây là tại sao con người chúng ta được cảm động bởi một hành vi theo bản năng nhất thời của một con thú mà chẳng biết gì, chẳng quan tâm gì đến lòng thương xót vô bờ bến và thường xuyên của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Trong khi Đấng đang cung ứng cho chúng ta từng nhu cầu, ban cho chúng ta sự sống, sức khỏe, gia đình, mọi khả năng để có thể sống động mỗi ngày, mỗi giây phút chúng ta sống trên đời này, từng hơi thở chúng ta đang thở là bởi sự ban cho của Chúa mà chúng ta lại không cảm biết được ơn thương xót rất lớn của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.

Kinh Thánh đã ghi lại biết bao điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta bởi lòng thương xót của Ngài đối với chúng ta. Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời, là Đấng Mê-si của lời hứa mà dân Do Thái trông đợi bấy lâu nay, và là Cứu Chúa của nhân loại đã đến trên thế gian này. Trong câu 35 tác giả Ma-thi-ơ tóm tắt chức vụ của Chúa Giê-xu đã thực hiện. Ngài đã sống, đã đi lại “khắp các thành các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành nước Đức Chúa Trời” (câu 35) Chúa Giê-xu đi khắp các làng, bờ biển, sa mạc để rao giảng Phúc Âm cho dân chúng và cứu giúp mọi người cần đến Ngài. Các phép lạ chữa bệnh của Chúa là dấu hiệu chứng minh lời truyền dạy của Ngài là chân thật và năng quyền. Các câu chuyện trong các sách Phúc Âm cho thấy Chúa Giê-xu đã đáp ứng cho nhu cầu của từng người mà Ngài gặp gỡ. Ngài chữa cho người câm; người mù, người điếc, người bại. Ngài chữa cho kẻ bị bệnh ô uế như người phung, người đàn bà mất huyết. Ngài đuổi quỷ ra khỏi người bị quỷ ám. Ngài kêu kẻ chết sống lại.

Nhu cầu của con người thì nhiều nên trong câu 36 ghi lại “Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn” Chúa nhìn thấy sự khốn khổ về mặt tâm linh lẫn thể xác của con người. Khi Ngài nhìn xem họ, Ngài đã “động lòng thương xót”. Cụm từ “động lòng thương xót” trong tiếng Hy lạp là nói tới những nơi sâu thẳm của tấm lòng, là nơi mọi xúc cảm từ đó xuất phát ra. Tấm lòng của Chúa Giê-xu đã đau đớn vì dân sự. Chúa Giê-xu “động lòng thương xót” đám dân đông này “vì họ khốn cùng, và tan lạc”. Từ “khốn cùng” có nghĩa gốc của động từ “bị lột da”. Sự đau đớn của Chúa được biểu hiện giống như bị người ta lột da mình. Còn từ “tan lạc” có nghĩa là “bị ném ra và bị vứt vương vãi” giống hình ảnh như một đứa trẻ mồ côi, cô độc lang thang trên đường phố không có chỗ trú thân. Hình ảnh đám dân đông “khốn cùng và tan lạc” đó được biểu hiện trong hình ảnh “như chiên không có người chăn”. Ngài nhìn thấy dân chúng giống bầy chiên không người chăn. Con chiên/con cừu là loài thú chỉ biết nương cậy vào người chăn, nếu không có người chăn thì chúng không biết đi đâu, và sẽ bị tan lạc, nát bầy. Vì thế chiên luôn cần được bảo hộ và chăm sóc bởi người chăn. Chúa Giê-xu cảm thương, đau đớn khi nhìn thấy sự khốn cùng của chúng ta. Ngài cảm thương sự bất an, sự cô đơn, vô định, sự khủng hoảng bởi tội lỗi đang cai trị trong lòng của con người.

Vì thế, Chúa kêu gọi thêm những con người bước vào cùng đồng công trong chức vụ của Ngài. Chúa nhìn thấy “mùa gặt thì trúng lắm” tức là đoàn dân đông đang có nhu cầu, họ đang cần nghe giảng Tin lanh, họ cần nhận lấy ơn cứu rỗi của Ngài. Nhưng “con gặt thì ít” Vẫn còn rất ít người đang sẵn lòng bước vào mùa gặt những linh hồn đang hư mất.

Điều này không chỉ nói tới các mục sư cùng các nhà truyền đạo mới là con gặt, mà đây là cầu nguyện cho mỗi người tin Chúa đều là “con gặt” của Ngài. Đức Chúa Trời đã sửa soạn đồng ruộng và mùa gặt hái đã đến. Chúa Giê-xu cần nhiều người cộng tác để đáp ứng nhu cầu của con người ở mọi nơi. Và Ngài bảo các môn đệ của Ngài “hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.” (câu 38). Cha chúng ta là “chủ mùa gặt” và Chúa Giê-xu không bảo các môn đồ của Ngài cầu nguyện cho kẻ bị hư mất, mà cầu nguyện cho “các con gặt” sẽ đi ra mà vào trong mùa gặt của Ngài.

Ngày nay, nhiều người đã vô cảm khi đứng trước những người cần được cứu giúp vì họ không có lòng thương xót của Chúa. Là người thuộc về Chúa chúng ta cần phải có lòng thương xót của Chúa. Ngài không chỉ muốn chúng ta nhìn thấy những người chưa tin đang bị đùa vào chốn hư mất nhưng Chúa muốn chúng ta phải “động lòng thương xót” như Ngài. Nhìn xung quanh có biết bao người khốn khổ tâm linh, bơ vơ, cô đơn, đang đi vào sự hư vong đời đời thì lòng chúng ta không thể dửng dưng hay không động lòng thương xót sao?

Lời Chúa kêu gọi chúng ta hôm nay, là người đang “động lòng thương xót” đối với những linh hồn hư mất, “hãy cầu nguyện xin Đức Chúa Trời sai thêm thợ gặt vào cánh đồng.” Có những cách khác nhau để bước vào cánh đồng chín vàng. Chúng ta có thể bước vào bằng những năng lực và phương tiện mà chúng ta có: có thể đó là sự hỗ trợ và cầu nguyện cho các giáo sĩ, dâng hiến tài chính cho việc truyền giáo, để thì giờ giúp người bạn đồng nghiệp khi họ cần, nói lời khích lệ khi người bạn trong lớp đang nản lòng, mời người hàng xóm bữa ăn thân mật để chia sẻ về Chúa… hoặc chính chúng ta là người thợ gặt trực tiếp vào đồng lúa của Ngài. Tức là ra đi rao giảng Tin Lành cứu người. Trên hết Chúa muốn chúng ta làm tất cả những việc đó với tình yêu thương và “động lòng thương xót” như Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài đã thương xót và cứu vớt cuộc đời con. Chúa ơi, con còn thiếu hụt tình yêu của Ngài, xin cho con tấm lòng đầy tình yêu của Chúa khi đến với người khác để qua con người chưa tin sẽ nhận biết Ngài, xin dùng con để nâng đỡ những người khốn khó đang cần Ngài. Con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa