Ma-thi-ơ | Cần Rửa Lòng Hơn Rửa Tay
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 27:20-26
20 Song các thầy tế lễ cả và các trưởng lão dỗ chúng hãy xin tha Ba-ra-ba và giết Đức Chúa Jêsus.
21 Quan tổng đốc cất tiếng hỏi rằng: Trong hai người nầy, các ngươi muốn ta tha ai? Chúng thưa rằng: Ba-ra-ba.
22 Phi-lát nói rằng: Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào? Chúng đều trả lời rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự!
23 Quan hỏi: Song người nầy đã làm việc dữ gì? Chúng lại kêu la lớn hơn rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự!
24 Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi.
25 Hết thảy dân chúng đều đáp rằng: Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi!
26 Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Jêsus, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự.
Lời ngỏ
Quý vị thân mến, ai cũng biết rửa tay hay tắm rửa để giữ sạch sẽ là điều cần thiết nhưng sự sạch sẽ của thân thể không phải là điều quan trọng nhất. Tấm lòng trong sạch mới là điều quan trọng hơn. Khi rửa tay, thì phải nghĩ đến lòng mình có sạch không. Bởi thế nên có từ “la-va-bo” có nghĩa là “tôi sẽ rửa” và từ “la-va-bo” này được người ta dùng có nghĩa như cái bồn rửa. Từ này có nguồn gốc từ lời của Thi Thiên 26:6 “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ rửa tay tôi trong sự vô tội, Và đi vòng xung quanh bàn thờ của Ngài”. Vì thế từ la-va-bo “tôi sẽ rửa” không chỉ nói đến việc rửa tay để giữ gìn vệ sinh thân thể mà còn muốn nói đến giữ một tấm lòng trong sạch. Nhiều người rửa tay để tỏ ra mình trong sạch, nhưng thực tế thì lòng đầy tội lỗi. Sự rửa tay để chứng tỏ mình là trong sạch cũng được người ta áp dụng trong pháp lý. Vì thế, quan tổng trấn Phi-lát đã có hành động rửa tay này trước khi quyết định tuyên án hành hình Chúa Giê-xu.
Đối với Phi-lát, Chúa Giê-xu chỉ là một người vô danh từ Ga-li-lê đến. Khi các lãnh đạo Do Thái giáo đưa vụ án của Chúa Giê-xu đến với ông, gây áp lực cho ông khiến Phi-lát bối rối không biết phải xử thế nào với Ngài. Phi-lát có đủ những yếu tố bên trong lẫn bên ngoài giúp ông nhận biết rằng Chúa Giê-xu vô tội, từ trong lương tâm đến cả những lời tố cáo của các trưởng lão và lãnh đạo Do Thái cũng như sự cảnh báo của vợ ông khi bà chịu nhiều dằn vặt trong giấc chiêm bao và nhắn bảo ông đừng làm gì hại đến người công nghĩa này là Giê-xu. Ông đã cố gắng tìm cách tha cho Ngài nhưng bị sức ép của đám đông nên ông đưa ra luật ân xá để chọn tha cho Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, các thầy tế lễ cả và các trưởng lão đã xúi giục dân chúng xin tha cho tên cướp Ba-ra-ba. Không thể tin vào sự đồng tình vô lý của đám đông đó, tổng đốc Phi-lát tiếp tục hỏi dân chúng “Trong hai người nầy, các ngươi muốn ta tha ai?” Và họ lại tiếp tục quyết chọn bản án tử hình cho Chúa Giê-xu. Họ thích con người tàn bạo hơn là Đấng yêu thương. Họ đã mù quáng hùa theo đám đông chống nghịch lại Chúa Giê-xu. Đến lúc này, Phi-lát bối rối, không biết phải làm thế nào, ông hỏi một câu thật ngớ ngẩn “Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào?” Đáng lý trong cương vị là người xét xử, là người có quyền quyết định, vậy mà ông lại hỏi dân chúng. Câu trả lời được đáp lại với ông là “Hãy đóng đinh nó trên cây thập tự!” như là một ly nước lạnh hất vào mặt ông.
Trong sách Phúc Âm Giăng có cho chúng ta biết, Phi-lát gọi Chúa Giê-xu vào bên trong trường án và có cuộc nói chuyện riêng với Ngài. Ông đã đưa ra thỏa thuận với Chúa Giê-xu, nếu Chúa đồng ý hiệp tác với ông thì ông sẽ tìm cách tha cho Chúa. Nhưng Chúa Giê-xu không có biện hộ gì cho Ngài. Khi những người tố cáo cứ một mực trả lời: “Đóng đinh nó trên cây thập tự!” thì Phi-lát còn lên tiếng bảo vệ Chúa: “Song người này đã làm việc dữ gì?” Ban đầu, Phi-lát còn phân vân, không muốn để cho các lãnh tụ tôn giáo đóng đinh Chúa Giê-xu vào thập tự giá. Ông biết chỉ vì sự ganh ghét và lòng ghen tị với Chúa Giê-xu mà các lãnh đạo này tố cáo Ngài, vì Ngài được lòng dân chúng hơn mà thôi. Nhưng khi dân Do Thái hù dọa phúc trình việc làm của ông với hoàng đế La Mã “Ví bằng quan tha người nầy, thì quan không phải là trung thần của Sê-sa; vì hễ ai tự xưng là vua, ấy là xướng lên nghịch cùng Sê-sa vậy” (Giăng 19:12) thì ông ta cảm thấy lo sợ. Nhiều tài liệu lịch sử cho thấy người Do Thái từng đe dọa tổng đốc Phi-lát khi họ chính thức đệ trình lời khiếu nại chống lại ông về việc ông ta ngoan cố miệt thị các truyền thống của họ, nếu với một lời khiếu tố như thế rất có thể dẫn tới chỗ ông sẽ bị triệu hồi về La mã. Chức vị của ông đang lâm nguy. Khi không thể quyết định gì cả, tức là Phi-lát đã quyết định để cho đám đông đóng đinh Chúa Giê-xu vào thập tự giá. Khi ấy “Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi.” (câu 24) Lời nói và hành động của Phi-lát cho thấy ông muốn trút bỏ trách nhiệm trong việc kết án Chúa Giê-xu. Ông bị những việc làm sai trái trong quá khứ ràng buộc đến nỗi không thể làm chủ được điều phải làm và muốn làm. Để trấn an lương tâm, ông gọi người mang thau nước đến và rửa tay rồi tuyên bố rằng ông không có làm gì liên hệ đến việc giết chết Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, dù ông ta đã rửa tay mình, nhưng không bao giờ sạch huyết vô tội, tội ấy vẫn còn tồn tại.
Điều thảm hại là “Hết thảy dân chúng đều đáp rằng: Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi!” (câu 25) họ đã chọn lấy hậu quả của việc làm đổ máu huyết vô tội trên dân tộc và dòng dõi của họ. Thật, hậu quả của lòng ganh ghét và đố kỵ dẫn đến sự nguy hại biết bao. “Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Jêsus, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự.” (câu 26) Thật nghịch lý, kẻ giết người thì được tự do còn Đấng Công Bình thì phải chịu án tử hình. Bản án dành cho Chúa Giê-xu hoàn toàn bất công nhưng bản án này phải được thi hành để qua sự hy sinh chịu chết của Chúa Giê-xu mới có đủ năng quyền cứu rỗi cả nhân loại chìm ngập trong tội lỗi và sự hư mất.
Dù Phi-lát bỏ đi rửa tay thể hiện sự vô tội của mình trong việc làm đổ huyết vô tội của Chúa Giê-xu nhưng hành động tẩy rửa bên ngoài của ông không thể tẩy sạch được tấm lòng bên trong được. Con người có thể trút bỏ sự dơ bẩn bên ngoài bằng nước nhưng không bao giờ có thể trút bỏ khỏi mình những vi phạm, gian ác, xấu xa ở bên trong tấm lòng được. Chỉ có huyết của Chúa Giê-xu mới có thể tẩy sạch chúng ta khỏi tội lỗi. Huyết của Ngài không phải là huyết bình thường giống như con người chúng ta nhưng Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời mang lấy xác thịt của con người đến thế gian, nên cái chết và sự đổ huyết của Ngài có ý nghĩa vô cùng, huyết vô tội của Chúa Giê-xu có giá trị cứu chuộc tất cả mọi người. Chính vì thế mà sứ đồ Phao- lô đã nói: “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài” (Ê-phê-sô 1:7) Vì thế, những người đến cùng Đức Chúa Trời bắt buộc phải “có tay thanh sạch và lòng thanh khiết” là thế (Thi Thiên 24:4).
Bạn biết mình đã có “tay thanh sạch và lòng thanh khiết” bởi sự tẩy rửa trong huyết của Chúa Giê-xu chưa?
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Con cảm tạ ơn Ngài, Đức Chúa Trời đã đến thế gian vì tội lỗi con. Chúa đã chịu thương khó, đổ huyết ra và chịu chết trên thập tự để nhờ đó mà con được sự cứu chuộc khỏi tội lỗi và sự gian ác của mình. Con xin Chúa cứ tiếp tục tẩy rửa tấm lòng con, dù khi tiếp nhận Chúa con đã được thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi của mình nhưng có những lúc con để cho lòng mình bị hoen ố bởi những tư tưởng xấu xa, tham lam, ích kỷ, đố kị… khiến đời sống con không thể đến gần Chúa được. Xin “tẩy sạch tội lỗi con, thì con sẽ được tinh sạch. Cầu Chúa hãy rửa con, thì con sẽ nên trắng hơn tuyết.” Con thật tạ ơn Chúa. Nhân danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét