Ma-thi-ơ | Hai Môn Đồ Âm Thầm
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 27: 57-61
57 Đến chiều tối, có một người giàu, ở thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-sép, chính là một môn đồ của Đức Chúa Jêsus,
58 đến nơi Phi-lát mà xin xác Đức Chúa Jêsus. Phi-lát bèn truyền cho.
59 Giô-sép lấy xác Ngài bọc trong tấm vải liệm trắng,
60 và đưa để trong một cái huyệt mới mà người đã khiến đục cho mình trong hòn đá; đoạn, lăn một hòn đá lớn đến trước cửa mồ, rồi đi.
61 Có Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác ở đó, ngồi đối ngang huyệt.
Lời ngỏ
Mục tiêu chính của việc xử án tử hình trên cây thập là để bêu xấu cho mọi người thấy mà sợ không dám phạm tội phản nghịch. Cho nên, thông thi thể tội nhân không được hạ xuống chôn cất, mà để cho chim trời rỉa thịt ăn cho đến khi chỉ còn bộ xương rả xuống chân của cây thập hình. Thế nhưng, vụ án của Chúa Giê-xu là một ngoại lệ rất đáng kinh ngạc nhưng lại ở trong sự tể trị của Đức Chúa Trời. Điều này làm ứng nghiệm câu Kinh thánh theo luật pháp Do thái. Bởi Ngài đã từng phán rằng: “Khi một người nào phạm tội đáng chết thì hãy giết nó và treo trên trụ hình, thây nó chơ để treo trên trụ hình cách đêm, song phải chôn nội trong ngày đó” (Phục truyền 21:22-23).
Việc xử tử hình Chúa Giê-xu có thể ngoài dự định của tổng đốc Phi-lát. Có thể ban đầu ông có chương trình xử tử hình tướng cướp cũng là kẻ phản loạn đế quốc Rô-ma là Ba-ra-ba và 2 tên đồng loã; nhưng có lẽ ông đợi sau Lễ Vượt qua của dân Giu-đa để dân chúng đỡ phải gây rối loạn. Thế nhưng, ngay trước kỳ lễ Vượt qua thì những tay lãnh đạo Do thái giáo đã bất ngờ đem Chúa Giê-xu ra toà án của ông để tố cáo và định mượn tay ông để giết Chúa vì họ không đủ thẩm quyền định án tử hình dù rằng họ đã quyết định xử tử Chúa trong đêm trước rồi. Phi-lát không muốn chuyện thêm rắc rối trước kỳ lễ mang tính tôn giáo của dân tộc Giu-đa cuồng tín này, nên ông chỉ định xét sơ qua; nhưng những tay lãnh đạo Do thái giáo đã kích động đám quần chúng “tự phát” vốn là những kẻ làm việc cho họ đã kiện cáo Chúa và đòi tố cáo cả Phi-lát lên Sê-sa nếu không nhanh ra tay xử án tử cho Chúa Giê-xu. Do đó, vì sợ mất ghế, vừa sợ dân chúng gây loạn nên Phi-lát nhanh chóng xuống lệnh xử tử Chúa Giê-xu ngay trong ngày đầu xử án. Vụ án này lập tức gây rối cả thành phố, nên sau khi đã cho thi hành án vừa xong thì ông cũng muốn nhanh chóng dọn sạch những kẻ bị đóng đinh đã chết để những tay lãnh đạo dân Giu-đa không làm rối ông nữa, và dân chúng cũng không gây rối trong kỳ lễ lớn của họ. Bởi thế nên Phi-lát mới có lệnh để bảng “Giê-xu, Vua dân Giu-đa” trong khi thi hành án để trả thù những người Giu-đa đã đưa ông vào đường bế tắc.
Khi Giô-sép người A-ri-ma-thê và Ni-cô-đem là hai nhà lãnh đạo Do thái có uy tín trong Toà công luận vốn không ra mặt trong vụ kiện cáo Chúa, nhưng đã đến trực tiếp để gặp Phi-lát để xin xác Chúa Giê-xu để chôn thì ông đã không ra lệnh bắt hai vị này để điều tra nhằm diệt mầm mống. Ngay lặp tức, Phi-lát cho đòi tên Đội trưởng thi hành án báo cáo là Chúa Giê-xu thật đã chết chưa? Theo báo cáo thì hai tên cướp mới bị đóng đinh còn sống thoi thóp nên đã lập tức được lệnh đánh gãy ống quyển chân để mất sức và mau chết. Còn khi đến nơi Chúa Giê-xu thì đã thấy chết rồi nên không đánh gãy ống chân; nhưng để cho chắc chắn là đã chết thật hay chưa thì tên lính đã đâm vào hông Chúa đụng đến trái tim để máu chảy ra hết và như vậy sẽ hoàn tất mệnh lệnh cấp trên. Khi mắt Đội trưởng trực tiếp chứng kiến và trực tiếp báo cáo Chúa đã chết, thì Phi-lát cũng muốn nhanh chóng “làm sạch” cái án này nên đã vội vã cho hai người Do thái đang giữ chức vụ trong Toà công luận được đem xác Chúa đi chôn trước khi mặt trời lặn. Còn thi thể hai kẻ cướp sau đó không có người nhận cũng được cất chôn cất vội vàng trong nghĩa địa tại đồi Gô-gô-tha. Nói cách khác thì nếu không ai đến xin xác Chúa thì có thể họ đã chôn xác Chúa chung trong nghĩa địa trên Đồi Sọ. Làm như thế để xem như cái án này được chính thức khép lại trước kỳ đại lễ Vượt qua.
Chúng ta có thể đã nghe nói đến tên nhân vật Ni-cô-đem là giáo sư luật cũng là nghị viên cao cấp của Toà công luận. Toà công luận là toà án của Do thái giáo để xử những người phạm luật tôn giáo. Chúng ta biết Ni-cô-đem bởi vì ông đã đến gặp Chúa Giê-xu để hỏi về sự sống đời đời; và được Chúa dạy phải sinh lại. Thế nhưng, cho đến lúc này chúng ta chưa bao giờ nghe đến tên Giô-sép người thành A-ri-ma-thê thuộc xứ Giu-đa. Ông này đã trở nên môn đồ của Chúa Giê-xu lúc nào Kinh thánh không thấy ghi như đã ghi về Ni-cô-đem.
Rất có thể chính Ni-cô-đem là người đã làm chứng về Chúa Giê-xu cách âm thầm cho Giô-sép người A-ri-ma-thê. Lý do thứ nhất là bởi vì cả hai đều là những nghị viên của toà công luận, họ là những người bạn của nhau trong Toà công luận. Thứ hai, cả hai vị này thiên về sự công bình trong luật pháp Chúa, tỏ ý không đồng ý với đa số những người đang làm trong toà công luận khác, kể cả Thầy tế lễ cả. Ni-cô-đem từng lên tiếng công khai phản đối những kẻ này về nhiều việc bất công trong xã hội, hay đòi giết Chúa khi chưa tìm thấy bất cứ lỗi nào (Giăng 7:50-51). Còn Giô-sép cũng là người chính trực, công bằng và công khai với ý phản đối Thầy tế lễ cả và một số các nghị viên lập mưu giết Chúa; nên ông đã không có mặt trong đêm xử án Chúa tại nhà An-ne và Cai-phe (Lu-ca 23:50-51).
Hai nghị viên Ni-cô-đem và Giô-sép là hai môn đồ tin Chúa Giê-xu cách kín giấu do sợ dân Giu-đa (Giăng 19:38-42) nhưng giờ đã không còn sợ sệt nữa khi nghe tin Chúa Giê-xu đã bị đóng đinh và chết. Hai người đã cùng ra mắt tổng đốc Phi-lát để xin xác Chúa Giê-xu đem chôn trong chính huyệt mộ của mình. Ni-cô-đem mang 500 cân một dược hoà với lư hội để ướp xác Chúa trong chiếc vải gai và thuốc thơm theo đúng nguyên tắc của sự khâm liệm dành cho bậc quyền quý. Còn A-ri-ma-thê đã dành chính ngôi mộ đã được đục sẵn dành riêng cho mình để chôn xác Chúa. Ông cho người nhà mình dùng tảng đá lấp cửa mồ theo sự chứng kiến của các người nữ môn đồ theo Chúa, và cũng chịu sự giám sát của đội lính Rô-ma vì họ được lệnh phải canh chừng mộ Chúa vì có tin đồn là các môn đồ Ngài sẽ ăn trộm xác Ngài. Nhưng quan trọng hơn hết là việc này cũng làm ứng nghiệm lời Chúa “Người ta đã đặt mồ với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu Người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng” (Ê-sai 53:9).
Ngày nay, vẫn còn khá nhiều người ngộ nhận là môn đồ của Chúa Giê-xu chỉ là những kẻ nghèo khó, thất học, không nghề nghiệp, hay kẻ vô học, mê tín… Họ đâu biết rằng tất cả mọi người ở mọi thành phần trong xã hội từ cao đến thấp, từ trên đến dưới đều đã trở nên môn đồ của Ngài. Có những môn đồ công khai đức tin và theo Chúa theo lời kêu gọi của Ngài, hay đã bỏ mọi sự để đồng đi với Chúa. Tuy nhiên, cũng có vô số môn đồ tin Chúa Giê-xu nhưng chưa dám công khai đức tin của mình. Có thể họ chưa đủ đức tin để công khai, cũng có thể họ còn những rào cản xã hội ngăn họ chưa thể công khai đức tin. Thế nhưng, nếu là môn đồ của Chúa Giê-xu thật sự thì Chúa sẽ giúp đỡ và tạo cơ hội để công khai đức tin và sẵn sàng đứng ra để bày tỏ mình thật là môn đồ của Chúa Giê-xu.
Còn bạn thì sao, bạn có sẵn sàng dám công khai đức tin của mình nơi Chúa Giê-xu cho mọi người biết không?
Cầu nguyện
Lạy Chúa, tạ ơn Ngài đã cứu rỗi chúng con, và cho chúng con cơ hội công khai đức tin và được trực tiếp hầu việc Chúa dù có lúc tưởng như muộn màng, nhưng đúng thời điểm và cơ hội mà Chúa cho chúng con được hầu việc Ngài. Nguyện xin Chúa sử dụng điều chúng con có để dâng cho Ngài mà làm hoàn tất chương trình của Ngài trong sự cứu rỗi nhiều người. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét