Ma-thi-ơ | "Như Chiên Câm Trước Mặt Kẻ Hớt Lông"
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 27:11-14
11 Đức Chúa Jêsus đứng trước quan tổng đốc, quan hỏi rằng: Có phải ngươi là Vua của dân Giu-đa không? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời.
12 Trong lúc các thầy tế lễ cả và các trưởng lão kiện Ngài, Ngài không đối đáp gì hết.
13 Phi-lát bèn nói cùng Ngài rằng: Họ có nhiều điều làm chứng kiện ngươi, ngươi há không nghe đến sao?
14 Song Đức Chúa Jêsus không đáp lại một lời gì, đến nỗi làm cho quan tổng đốc lấy làm lạ lắm.
Lời ngỏ
Khi nói đến những người tin Chúa, người ta thường biết đến với hình ảnh con chiên. Vì Kinh Thánh hay dùng con chiên để mô tả mối quan hệ giữa con cái Chúa với Chúa Giê-xu là Đấng Chăn Chiên Hiền Lành. Vì đối với văn hóa và tập tục của người Do-thái thời đó, chuyện người chăn chiên và đàn chiên là một điều gì rất gần gũi, thân thuộc, dễ hiểu. Tuy nhiên, ít người biết đến hình ảnh Chúa Giê-xu cũng được gọi là Chiên Con. Danh xưng này được Giăng Báp-tít gọi khi lần đầu ông thấy Ðức Chúa Giê-xu đến cùng mình, “Kìa, Chiên Con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi.” (Giăng 1:29)
Người Do Thái thường dâng chiên con làm sinh tế để nó chết thay cho tội lỗi họ. Trước khi dâng lên thì con chiên phải chịu hớt lông rồi xẻ ra để lên bàn thờ làm của lễ thiêu. Bất kỳ con vật nào trước khi bị giết chết đều kháng cự, kêu la nhưng con chiên rất đặc biệt, nó không hề kháng cự hay kêu la mà cứ yên lặng để người ta hớt lông rồi nín chịu để người ta giết làm sinh tế. Giăng đã gọi Chúa Giê-xu là “Chiên Con của Ðức Chúa Trời” ngay cả trước khi Chúa Giê-xu thi hành chức vụ. Mãi cho đến sau này, khi Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá, người ta mới biết rõ tại sao Giăng Báp-tít lại dùng danh xưng này khi nói đến Ngài. Và giờ đây, hình ảnh Chiên Con ấy đã thực sự được ứng nghiệm khi người ta bắt bớ và đưa Ngài ra tòa án để luận tội.
Chúa Giê-xu bị bắt vào đêm thứ năm, Ngài lần lượt bị đưa ra xét xử trước tòa án Do thái giáo dưới quyền của An-ne, rồi dưới tay thầy tế lễ cả Cai-phe. Các thầy tế lễ cùng các trưởng lão quyết tâm giết Chúa Giê-xu. Trước Tòa Công Luận, tức tòa án của Do Thái giáo tội danh họ buộc cho Chúa là phạm thượng và bản án cho tội phạm thượng là tử hình (Ma-thi-ơ 26: 65-66). Nhưng Tòa Công Luận không được quyền tuyên án tử hình bất kỳ ai nên sáng sớm ngày hôm sau, họ bàn mưu áp giải Chúa Giê-xu đến tổng trấn Phi-lát, là một viên chức cao cấp nhất, đại diện cho chính quyền La mã tại nước Do thái.
Phiên tòa xét xử Chúa Giê-xu lại tiếp tục dưới sự tra hỏi của Phi-lát. Phi-lát đã hỏi Chúa Giê-xu hai câu hỏi:
1. “Có phải ngươi là vua của dân Giu-đa không?”
Phi-lát có một ấn tượng rõ ràng về Chúa Giê-xu. Người Do Thái tố cáo Chúa Giê-xu với tội danh “phạm thượng” đối với Đức Chúa Trời. Nhưng đối với người La-mã, tội này không có ý nghĩa gì cả. Nên giới lãnh đạo Do Thái nói với chính quyền La mã là Chúa Giê-xu muốn tự xưng mình là Vua dân Do Thái nên Phi-lát hỏi Chúa Giê-xu: “Có phải ngươi là vua của dân Giu-đa không?” hàm ý rằng có phải Chúa muốn nổi lên chống lại chính quyền La mã không? Với cương vị lãnh đạo như Phi-lát, thì ông sẽ biết ngay ai là người muốn bạo động chống lại chính quyền La mã, và khi nhìn thấy Chúa Giê-xu, ông biết Chúa không phải là con người làm cách mạng. Tại đây, Chúa Giê-xu trả lời “phải” hay “không phải” đều không phù hợp. Nếu Ngài trả lời “Phải,” thì chính Ngài khẳng định muốn nổi loạn chống lại La mã như lời tố cáo của những nhà lãnh đạo tôn giáo. Còn nếu Ngài trả lời “Không phải” thì cũng không đúng vì Chúa Giê-xu thật sự là vua của dân Giu-đa trong vương quốc Đức Chúa Trời. Câu trả lời của Chúa Giê-xu trong trường hợp này cũng tương tự như câu Chúa đã trả lời thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe “Thật như lời” câu này có nghĩa là “Chính ngươi đã nói thế” hàm ý rằng, “Ta thật sự là vua như lời ngươi nói nhưng Ta là vua với ý nghĩa khác với ý nghĩa vua mà ngươi hiểu.”
Khi nghe lời đáp ấy, những lãnh đạo Do thái tiếp tục kiện cáo, vu khống Ngài nhiều hơn. Họ đã phơi bày rõ ác tâm của họ. Để Phi-lát phê chuẩn bản án tử hình, họ đã đổi những lời tố cáo từ lĩnh vực tôn giáo sang lĩnh vực chính trị, nghĩa là họ dứt khoát muốn Phi-lát giết Chúa như một kẻ tội phạm chính trị chống lại đế quốc. Thông thường, những người bị cáo buộc như vậy thường lên tiếng biện hộ cho mình, nhất là một người vô tội như Chúa. Nhưng Chúa Giê-xu đã không đáp lại một lời gì. Sự im lặng của Chúa Giê-xu khiến Phi-lát cảm thấy chính ông là người đang bị xét xử chứ không phải Chúa Giê-xu. Phi-lát biết rõ Tòa Công Luận kiện Chúa chỉ vì lòng ganh ghét mà thôi. Và khi càng nghe những lời tố cáo Chúa, ông hỏi Chúa câu hỏi thứ hai nhưng thực ra là một sự thắc mắc của ông.
2. “Họ có nhiều điều làm chứng kiện ngươi, ngươi há không nghe đến sao?”
Câu hỏi này nhằm kích thích người ta phải biết biện hộ cho mình khi bị vu cáo, nhưng Chúa vẫn yên lặng, cũng tương tự như trong trường hợp trước mặt Cai-phe, Chúa Giê-xu cứ nín lặng khi mọi người kiện cáo Ngài, khiến Phi-lát vô cùng ngạc nhiên.
Chúng ta đã biết Chúa Giê-xu là một con người trọn vẹn khi Ngài sống trên đất. Sứ đồ Phi-e-rơ khẳng định Ngài không hề làm điều gì sai: “Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá.” (I Phi-e-rơ 2:22). Cho nên, tất cả các lời kiện cáo của họ đều là lời vu cáo giả dối. Chúa Giê-xu đã chịu tất cả những sự sỉ nhục và oan ức mà không hề nói lên một lời minh oan hay biện hộ cho mình. Vì Chúa biết dù Ngài có trả lời Phi-lát đi chăng nữa thì câu trả lời của Ngài cũng vô ích vì họ đã quyết tâm giết Ngài, cho nên dù có trả lời thì họ sẽ tìm đủ mọi cách để buộc tội Ngài. Chúa biết rõ chương trình của Đức Chúa Trời và cũng biết rõ điều Ngài đang chịu là vì ai nên Ngài đã thuận phục ý muốn của Đức Chúa Cha và phó chính mình cho Đấng Công bình để làm trọn công tác cứu chuộc tội nhân.
Chúa Giê-xu im lặng không đáp trả trong tòa xét xử là vì Chúa muốn làm thành lời tiên tri nói về Ngài: “Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng.” (Ê-sai 53:7). Sự yên lặng của Chúa ứng nghiệm lời tiên tri về Ngài như Chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như Chiên câm trước mặt kẻ hớt lông. Điều đó thể hiện việc Ngài bị bắt, bị vu cáo, bị giết chết đó là sự tự nguyện của Ngài. Ngài đã sẵn sàng tự nguyện đi con đường thống khổ, sẵn sàng chịu mọi hoạn nạn.
Thật Chúa Giê-xu là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Chúa đã tự hy sinh dâng chính mình lên để chết thay cho tội lỗi chúng ta. Sứ đồ Phao-lô cho biết: “Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài Danh trên hết mọi danh…” (Phi-líp 2:9).
Các bạn thân mến, lời Chúa trong I Phi-e-rơ 2:21 nhắc chúng ta rằng: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài”. Chúa Giê-xu là Đấng vô tội mà đã chịu mọi sự rủa sả, sỉ nhục, khinh bỉ và oan ức chỉ vì để chuộc tội cho bạn và tôi. Mỗi khi nghĩ đến những sự đau thương mà Chúa phải chịu, chúng ta được an ủi. Vậy thì, là con cái Chúa, chúng ta hãy cùng nhau noi dấu chân Ngài, sẵn sàng chịu bao sỉ nhục vì danh Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Giê-xu, cảm ơn Ngài về tấm gương chịu oan ức để thuận phục ý muốn Chúa Cha. Xin Chúa thêm sức cho con sẵn sàng sống và chết cho Ngài. Xin giúp con cũng sẵn sàng chịu mọi điều vì danh Chúa. Nhân danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét