Gia-cơ | Vui Mừng Trong Thử Thách

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônRu-tơLu-caGia-cơI Phi-e-rơ

Lời ngỏ

Kính chúc quý anh chị em một ngày mới tràn đầy niềm vui trong Chúa! Có lẽ ai cũng mong muốn mỗi ngày đều là một niềm vui. Chúng ta vui khi mọi việc trong ngày đó đều suôn sẻ, hanh thông hay nhận được những tin tức vui mừng, hoặc đạt được những điều mình trông đợi. Đó là lẽ thông thường trong cuộc sống nhưng không phải lúc nào cũng được như thế. Có người đã nói: “Nhân sinh quan quyết định hoàn cảnh sống và thái độ quyết định hành động.” Điều này nhắc nhở chúng ta cần có thái độ sống như thế nào để có hành động tích cực trong cuộc sống. Vậy làm sao để có một thái độ và hành động tích cực trong hoàn cảnh tiêu cực? Lời Chúa trong Gia-cơ 1:2-4 sẽ cho chúng ta một bí quyết sống VUI MỪNG TRONG THỬ THÁCH. Hy vọng mỗi người sẽ có thái độ sống theo bí quyết của Lời Chúa dạy hôm nay.

2 Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn,
3 vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục.
4 Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.

Giải thích

Điều đầu tiên mà Gia-cơ khuyên con cái Chúa lưu lạc khắp nơi là “hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn” (câu 2), điều này không có nghĩa là con cái Chúa tự tạo ra thử thách để có niềm vui nhưng từ “hãy coi” có nghĩa là “kể như, xem như, đánh giá như” những thử thách, khó khăn xảy đến là vui mừng. Đây quả là một điều khó làm, vì làm sao chúng ta có thể vui được khi khó khăn, thử thách xảy ra? Ở đây cho biết không chỉ là gặp thử thách bình thường mà là “sự thử thách trăm bề”, cụm từ này có thể hiểu là nhiều việc trở ngại, khó khăn đột ngột xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau như bệnh tật, thất nghiệp, tai nạn, mất mát, thất bại… liên tiếp xảy đến thì đừng buồn lòng hay thất vọng nhưng hãy có thái độ vui mừng trong những thử thách đó. Vậy thì làm sao chúng ta có thể vui mừng trong sự thử thách dồn dập xảy ra được? Tác giả đưa ra cho chúng ta thấy những lợi ích của sự vui mừng này.

1. Thử thách là thử nghiệm đức tin: Thử thách đức tin là điều cần thiết. Đức tin của Cơ Đốc nhân cần phải qua thử luyện như lời của sứ đồ Phi-e-rơ đã nói: “Hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát…” (I Phi-e-rơ 1:7). Vàng không thể có giá trị nếu không được tinh luyện qua lửa để loại bỏ tạp chất và cáu cặn. Nhưng sự thử thách đức tin mà con cái Chúa phải trải qua còn có giá trị và quý hơn vàng đã qua tinh luyện nữa. Và sứ đồ Phao-lô đã nói: “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 8:28). Vậy thì, sự thử thách là điều cần thiết và giúp ích cho người tin Chúa chứ không gây bất lợi cho chúng ta. Đức Chúa Trời dùng thử thách để cất khỏi chúng ta những điều thuộc về con trẻ, đó là dẫn đến sự đầu phục Ngài.

2. Thử nghiệm đức tin để trưởng thành: “vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục.” (câu 3), hay nói một cách khác, nhờ sự thử thách mà con cái Chúa tập tành đức tính nhẫn nại, chịu đựng và nhịn nhục. Sự nhịn nhục không phải là thái độ chấp nhận hoàn cảnh cách tiêu cực mà là tập cho mình tính kiên trì và lòng can đảm khi phải đối diện với nghịch cảnh hay khó khăn thì mới có thể vui vẻ chấp nhận mọi hoàn cảnh xảy đến. Kinh Thánh đã cho chúng ta nhiều gương đức tin của những người đã chịu nhịn nhục như Áp-ra-ham, Giô-sép, Môi-se, Đa-vít và Chúa Giê-xu. Lòng nhịn nhục là chìa khoá để mở mọi cánh cửa thành công và phước hạnh.

3. Trưởng thành để đạt đến sự toàn hảo: “Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.” (câu 4). Điều này có nghĩa là phải chịu đựng, kiên nhẫn, nhịn nhục cho đến cùng. Có khi chúng ta có thể chịu đựng trong hoàn cảnh này nhưng không thể chịu đựng và kiên nhẫn trong hoàn cảnh khác. Nhưng Chúa cho phép sự thử nghiệm đức tin trong nhiều lần, với nhiều hình thức khác nhau để rèn luyện đức tính kiên nhẫn, nhịn nhục cho đến cùng. Và kết quả của những lần chịu đựng này là chúng ta được “trọn lành, toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào” tức là đạt đến sự toàn hảo, trọn vẹn chứ không nửa vời.

Vậy “coi thử thách là điều vui mừng trọn vẹn” sẽ biến đổi tâm trí chúng ta và thay đổi thái độ sống của chúng ta trong mọi nan đề chúng ta đối diện. Đây không chỉ là một sự lựa chọn mà là một mạng lệnh cho người tin Chúa để từ đó chúng ta sẽ kinh nghiệm được những ích lợi của sự vui mừng này, đến khi chúng ta đạt đến sự trưởng thành trong đức tin, thuần thục chịu đựng và nhẫn nhục trong mọi cảnh ngộ xảy ra trong đời sống mình.

Hiện tại bạn thấy mình đang ở trong sự hoạn nạn, khó khăn, thử thách nào? Thay vì nản lòng, mệt mỏi, thất vọng thì hãy chọn thái độ vui mừng, đó là bí quyết sống để có kết quả. Sách Châm Ngôn dạy rằng sự vui mừng là phương thuốc hay (Châm Ngôn 17:22) vì sự vui vẻ trong Chúa là sức lực cho chúng ta (Nê-hê-mi 8:10). Ước ao nguồn sức lực từ Chúa sẽ giúp bạn và tôi trưởng thành trong Chúa, đầu phục Ngài để có thể hình thành đức tính kiên trì, nhẫn nại cho đến sự toàn hảo, trọn vẹn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa yêu dấu! Xin giúp con luôn tin cậy Chúa trọn vẹn để con có thể vui mừng trọn vẹn ngay giữa hoạn nạn và thử thách hầu con đạt được sự kiên trì, nhẫn nhục cho đến cuối cùng vì đó là sự trọn vẹn, toàn hảo mà Chúa muốn con đạt đến để hưởng mọi phước hạnh thuộc linh ở trong Chúa Giê-xu. Con cảm tạ Chúa. Con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa