Ru-tơ | Đói Kém Thuộc Linh
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ru-tơ | Lu-ca | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em yêu dấu trong Chúa! Từ hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu và khám phá những bài học thuộc linh từ sách Ru-tơ. Sách Ru-tơ là một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp và đầy ý nghĩa. Có khi chúng ta tự hỏi, không hiểu sao Chúa lại để câu chuyện này trong Kinh Thánh? Chúng ta sẽ được trả lời qua từng bài học mà chương trình tĩnh nguyện Mana Thuộc Linh sẽ gửi đến quý vị và các bạn. Đức Chúa Trời không chỉ cho chúng ta những bài học sâu sắc về câu chuyện tình yêu đầy kịch tính, cách cư xử đầy nghĩa tình mà còn qua câu chuyện lịch sử này giúp chúng ta hiểu được chương trình cứu rỗi mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta và học biết thêm những lẽ thật thuộc linh quý báu cần thiết cho đời sống chúng ta nữa. Hôm nay chúng ta sẽ cùng học Ru-tơ 1:1-5 với chủ đề ĐÓI KÉM THUỘC LINH.
1 Trong đời các quan xét, một cơn đói kém xảy đến trong xứ, có một người từ Bết-lê-hem xứ Giu-đa, đi với vợ và hai con trai mình đến kiều ngụ trong xứ Mô-áp.
2 Người tên là Ê-li-mê-léc, vợ tên là Na-ô-mi, hai con trai tên là Mạc-lôn và Ki-li-ôn, đều là dân Ê-phơ-rát về Bết-lê-hem trong xứ Giu-đa. Đến xứ Mô-áp, chúng bèn ở tại đó.
3 Ê-li-mê-léc, chồng của Na-ô-mi, qua đời, để nàng lại với hai con trai mình.
4 Chúng nó cưới vợ trong người nữ Mô-áp, người nầy tên là Ọt-ba, người kia tên là Ru-tơ; họ ở tại đó độ mười năm.
5 Kế sau, Mạc-lôn và Ki-li-ôn cũng thác, để Na-ô-mi ở lại, không chồng không con.
Giải thích
Sách Ru-tơ bắt đầu với câu chuyện của một gia đình, với người chồng tên là Ê-li-mê-léc. Ê-li-mê-léc có nghĩa là Đức Chúa Trời là Vua. Tên này luôn nhắc nhở ông rằng Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất mà ông phải tôn thờ và hầu việc. Ê-li-mê-léc lập gia đình với một người nữ tên là Na-ô-mi, Na-ô-mi có nghĩa Chúa tôi là ngọt ngào. Trong cuộc hôn nhân của Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi chúng ta thấy đây là một mối liên hệ đẹp đẽ giữa Đức Chúa Trời và con dân của Ngài. Hai vợ chồng có hai con trai tên là Mạc-lôn và Ki-li-ôn. Họ ở tại thành Bết-lê-hem trong xứ Giu-đa.
Lúc ấy, có một cơn đói kém xảy đến trong xứ. Đó là vào thời kỳ Các Quan Xét, là thời mà “mọi người cứ làm theo ý mình tưởng là phải”. Khi Kinh Thánh nói về đói kém xảy ra thì không chỉ là đói kém thuộc thể mà còn có nghĩa là cơn đói kém thuộc linh, một sự đói kém về Lời của Đức Chúa Trời, người ta không lắng nghe, không quan tâm đến ý muốn của Đức Chúa Trời trong đời sống của họ.
Vì thế, gia đình ông Ê-li-mê-léc đã quyết định rời bỏ quê hương cùng vợ và hai con đến kiều ngụ trong xứ Mô-áp. Mô-áp là một dân đã nhiều lần áp bức con dân Chúa và đã nhiều lần Chúa giải cứu dân sự của Ngài khỏi dân này. Thế mà Ê-li-mê-léc lại dẫn gia đình đi lánh nạn đói ở một nơi có thể xem như thuộc xứ của kẻ thù dân tộc ông, là dân bị rủa sả. Trong lịch sử họ đã thỉnh Ba-la-am rủa sả dân Y-sơ-ra-ên, nhưng Chúa đã đổi rủa sả ra phước hạnh (Phục Truyền 23:2-3). Chúng ta thấy Ê-li-mê-léc đã không tin cậy Chúa đủ để ở lại Bết-lê-hem. Chữ Bết-lê-hem có nghĩa là Nhà Bánh, về ý nghĩa thuộc linh thì nơi đó ông và gia đình sẽ được nuôi dưỡng thuộc linh, bây giờ rời xa “Nhà Bánh” có thể ông có đủ lương thực thuộc thể nhưng ông sẽ đói kém về thuộc linh.
Và Kinh Thánh cho biết “Ê-li-mê-léc,chồng của Na-ô-mi, qua đời, để nàng lại với hai con trai mình” (câu 3). Rõ ràng là hậu quả của sự không tin cậy Chúa đã khiến gia đình này phân ly, vợ mất chồng, con mất cha ở nơi xứ lạ. Kế đó, chúng ta thấy là Mạc-lôn và Ki-li-ôn cưới con gái Mô-áp làm vợ. Họ tiếp tục làm một điều trái ngược với chương trình của Chúa, đó là Chúa không cho phép dân sự Ngài kết hôn với dân ngoại, thế mà hai con trai của gia đình Ê-li-mê-léc đều cưới vợ ngoại bang. Trong mười năm ở tại Mô-áp tưởng là yên ổn nhưng thảm kịch lại xảy ra với gia đình này: “Mạc-lôn và Ki-li-ôn cũng thác, để Na-ô-mi ở lại, không chồng không con.” Sự chết trong Kinh Thánh có nghĩa là phân rẽ, khi thân thể chúng ta chết có nghĩa là sự phân rẽ giữa linh hồn và thể xác. Khi đời sống thuộc linh chúng ta chết có nghĩa là chúng ta bị phân cách với Chúa đời đời.
Đây là hình ảnh cảnh cáo nghiêm trọng về những gì sẽ xảy ra trong cơn đói thuộc linh của chúng ta. Khi chúng ta không lắng nghe Lời của Chúa, khi đời sống chúng ta không gắn liền với Lời của Ngài như chúng ta đáng phải làm, khi chúng ta không tìm kiếm Lời Chúa thì đời sống chúng ta đang ở trong một cơn đói kém thuộc linh. Ngày hôm nay có nhiều người tự nhận mình là Cơ Đốc nhân, họ vẫn đi nhà thờ, vẫn thờ phượng Chúa nhưng đời sống thuộc linh của họ đang trải qua một cơn đói kém thuộc linh khủng khiếp. Nếu chúng ta không thật sự tìm kiếm Lời Chúa, ham thích Lời của Ngài thì đời sống thuộc linh của chúng ta cũng đang bị đói khát. Khi gặp thử thách chúng ta bắt đầu đặt lòng tin của chúng ta nơi chỗ khác không phải là Chúa, chúng ta sẽ tìm câu trả lời trong thế giới này, chúng ta sẽ đi đến những nhà tâm lý học, người cố vấn không tin Chúa, thậm chí là tìm đến những trò xem tướng số, vận mệnh, may rủi… hoặc khi đó chúng ta sẽ đặt những thứ như tài sản, đất đai, tiền bạc, công việc, gia đình… là nơi nương dựa và là sức mạnh của chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Cha yêu dấu! Qua câu chuyện có thật trong lịch sử của dân Do Thái về gia đình của Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi cho chúng con một sự cảnh báo của sự đói kém thuộc linh cũng đang xảy ra trên đời sống chúng con, gia đình chúng con, dân tộc chúng con và đất nước của chúng con. Xin cho chúng con qua bài học hôm nay biết cảnh tỉnh đời sống mình mà ăn năn, quay trở lại chương trình và kế hoạch của Chúa cho chúng con hầu chúng con không phải gánh lấy những hậu quả nặng nề của sự xa rời Chúa. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét