Ma-thi-ơ | Sức Siêu Nhiên Thuộc Linh

Trong thời kỳ xứ Palestine là thuộc địa của đế quốc La Mã thì người Do Thái thường truyền khẩu với nhau rằng hễ ai bị người ta tát vào má mà lại còn tiếp tục cho người ta vả má bên kia thì không phải là người yêu nước. Vì họ cho rằng đối với kẻ thù thì phải ăn miếng trả miếng, phải dùng bạo lực để khởi nghĩa giành lại đất nước, phải bất tuân mạng lệnh của kẻ thù để họ không thể nắm quyền và sai khiến. Tuy nhiên trong Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:38-42, Đức Chúa Jêsus dạy một nguyên tắc sống hoàn toàn khác, nguyên tắc của Chúa là triệt tiêu bất công bằng tình yêu thương chứ không phải bằng bạo lực.

38 Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.
39 Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn;
40 nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa;
41 nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ.
42 Ai xin của ngươi, hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ.

Như chúng ta đã biết, luật pháp của Chúa dành cho tuyển dân Do Thái trong thời Cựu Ước có nguyên tắc bồi thường và báo thù như sau: “Còn nếu có sự hại chi, thì ngươi sẽ lấy mạng thường mạng, lấy mắt thường mắt, lấy răng thường răng, lấy tay thường tay, lấy chân thường chân, lấy phỏng thường phỏng, lấy bầm thường bầm, lấy thương thường thương.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:23-25). Tức là người bị thiệt hại cách oan ức có quyền đòi bồi thường hoặc báo thù tương ứng. Điều này thể hiện tính công bình, nhưng lưu ý không được bồi thường quá đáng, báo thù quá mức trong khi giận hoảng.

Ngày nay, luật này đa số chỉ còn áp dụng trong giới tài phiệt, trong những nhóm xã hội đen, những đất nước háo chiến. Hiện nay, chỉ còn rất ít quốc gia áp dụng luật cho dân chúng tự ý “trả thù” nhau. Bởi vì luật pháp của tòa án được đặt ra nhằm có thể xem xét và xử tội người cố ý gây nên những lỗi lầm, những tội ác gây thiệt hại đến thân thể và tâm hồn người khác. Tuy nhiên, luật pháp toà án muốn ngăn ngừa sự trả thù quá mức lại vô hình tạo nên dây chuyền trong sự báo thù lẫn nhau.

Tuy nhiên, Đức Chúa Jêsus đã bày tỏ luật bồi thường thời Cựu Ước không phải là không có giá trị, Ngài biết luật này có nhiều bất cập và đã bị lạm dụng. Trong lịch sử, nhiều cá nhân nói riêng và nhiều dân tộc nói chung đã mượn cớ đó mà liên tục sử dụng bạo lực để trả thù nhau khiến cho tội ác càng gia tăng, người ta đã không giữ được mình, trong lúc nóng giận đã trả thù quá tay gây thù thêm thù, oán thêm oán không dứt được.

Vì thế, Đức Đức Chúa Jêsus đã đưa ra lời phán về việc này là: “Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn; nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa, nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ.” (câu 39-42). 

Có thể chúng ta sẽ nói rằng “chỉ có siêu nhân mới có thể làm được điều này” hoặc “chỉ có những con người có sức mạnh siêu nhiên thuộc linh mới có sự tha thứ và ban cho như vậy”. Thế nhưng, chính Đức Đức Chúa Jêsus đã hạ mình xuống để chịu giống như vậy. Chúa đã chịu mọi điều thiệt thòi ấy trong chức vụ của Ngài, cao điểm nhất là trong cơn thương khó của Ngài. Sự hy sinh của Chúa theo đúng như lời Ngài tuyên phán bày tỏ rằng Chúa không chỉ nói suông mà Ngài đã thực hành và làm gương cho chúng ta, hầu cho chúng ta là những môn đệ của Chúa nhờ sức siêu nhiên của Ngài có thể làm giống như Ngài.

Người “vả má bên phải” chúng ta thường là người có hành động “đánh lén” từ phía sau nhằm mục tiêu sỉ nhục chúng ta bằng bạo lực; trong trường hợp đó thì chúng ta là con cái Chúa phải giữ bình tĩnh, đứng yên và quay lại đối diện với người đó, để hỏi rõ xem lý do người đó đánh chúng ta là gì. Nếu người đó là người dám đối diện với chúng ta, và nói lên lý do thì chúng ta cũng sẵn sàng để họ “vả má bên trái” cách trực diện. Ấy là cơ hội bày tỏ chân lý, và sẵn lòng tha thứ để bày tỏ tình yêu mà cứu rỗi cuộc đời người ấy.

Người nào “kiện để lộn áo vắn” chúng ta thường là người có tính soi mói và để ý những việc lặt vặt, không quan trọng liên quan đến chúng ta. Trong trường hợp đó chúng ta là con cái Chúa nên cho họ cơ hội để đối thoại và nếu họ dám nói lên sự thật và phê bình chúng ta đúng đắn thì chúng ta cũng nên cho họ cả chiếc áo dài nữa để bày tỏ tình yêu và sự minh bạch dù một lần. 

Người “bắt đi một dặm” mà không thể “bắt đi hai dặm” trong bối cảnh thời đó có thể đề cập đến những người lính La Mã thường dùng quyền lực để bắt ép người nam Do Thái phải làm giúp mình việc nặng nhọc nào đó trong khi người dân đã làm xong bổn phận trong độ tuổi làm lính bắt buộc. Tương tự như việc những sĩ quan La Mã đã bắt buộc người nông phu Si-môn vác thập tự giá của Đức Chúa Jêsus đi lên đồi Gô-gô-tha. Do đó, nếu là con cái Chúa thì mình có thể tự nguyện vác thêm, đi thêm một dặm nữa để cho công việc được xong chứ không bỏ ngang. Cũng vậy, có những việc chúng ta không phải làm mà bị bắt phải làm thì trong danh Chúa hãy làm trong sự thỏa lòng cho đến khi hoàn tất. Khi đó cần suy nghĩ rằng việc mình làm là “làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta”, Chúa sẽ biết sẽ thấy để thưởng cho chúng ta.

Ai “muốn mượn của ngươi thì đừng trớ”. Theo các học giả thì đây không phải yêu cầu chung để cho mọi người mượn cách đại trà khi họ yêu cầu nhưng đây là điều Chúa muốn nói đến những người nghèo khó quá, túng thiếu quá phải đi vay mượn để sinh sống. Là con cái Chúa đã nhận được nhiều hồng ân Chúa ban, trong hoàn cảnh đó chúng ta hãy cho họ mượn, hãy giúp họ vì làm như thế đồng nghĩa với việc tỏ lòng thương xót như Chúa đã thương xót, và như thể cho Đức Chúa Trời vay mượn, Ngài sẽ báo lại việc ơn lành ấy cho chúng ta thêm nữa (Phục Truyền Luật Lệ Ký 15:7-11; Thi Thiên 112:5,9; Châm Ngôn 19:17).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, chúng con chỉ là người phàm nên thường không thể chịu nỗi khi bị thiệt hại và bị khinh dễ nhưng vì hoàn cảnh bần cùng của chúng con mà Chúa đã thương xót và giải cứu chúng con. Con cầu xin Chúa ban thêm ơn và sức lực siêu nhiên từ Ngài để chúng con có thể tha thứ cho kẻ thù nghịch và dùng tình yêu Ngài ban cho để thương xót họ, giúp họ cũng được như chúng con. Dù chúng con có bị thiệt thòi trước mắt người đời bởi sự nhẫn nhịn, nhưng chúng con tin rằng Chúa thấy mà bênh vực chúng con và qua chúng con, người khác thấy được Chúa trong chúng con. Hầu cho danh Chúa được nhiều người biết đến và nhiều người trở lại tin nhận Chúa. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện nhân danh Cứu Chúa Jêsus. Amen.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa