Ma-thi-ơ | Tầm Nhìn Thuộc Linh
Ngày nay, người ta hay nói đến hai từ “tầm nhìn” và cho rằng đó là ngọn hải đăng để soi đường cho con thuyền cuộc đời không bị lạc lối giữa biển nước mênh mông, là con đường dẫn tới tương lai, thành công và hạnh phúc. Vì thế “tầm nhìn” dường như đã trở thành tiêu chuẩn để tìm kiếm những người lãnh đạo trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Thực ra, ngày xưa người ta cũng đã có khái niệm về từ “tầm nhìn” nhưng dùng đơn giản là từ “lo xa”. Một người nông dân biết dự trữ lương thực, biết dành dụm tiền phòng lúc ốm đau… chính là người có “tầm nhìn” như thời nay hay dùng.
Đức Chúa Jêsus đã đề cập đến tầm nhìn của con người qua hai câu Kinh Thánh trong Ma-thi-ơ 6:22-23. Nhưng khái niệm về “tầm nhìn” của Chúa khác thế nào hơn so với tầm nhìn theo quan điểm con người?
22 Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng;
23 nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy, nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao!
Đức Chúa Jêsus phán rằng “con mắt thuộc thể” của chúng ta là “ngọn đèn” của thân thể. Con mắt là bộ phận duy nhất trong thân thể có chức năng nhìn thấy. Đức Chúa Trời đã tạo dựng con ngươi trong con mắt như là một loại thấu kính tinh vi, qua đó giúp chúng ta nhìn thấy thế giới xung quanh. Nếu mắt chúng ta bị mờ thì chúng ta không thể nhìn thấy sự vật rõ ràng, nếu con mắt bị lệch thì sẽ nhìn sự vật méo mó, còn nếu con mắt bị mù thì hoàn toàn không thể nhìn thấy thế giới được, khi đó không có được cả khái niệm về sự sáng hay ánh sáng và vạn vật được.
Ngoài con mắt thuộc thể, con người còn có “con mắt thuộc linh”. Lời Chúa trong II Cô-rinh-tô 4:4 cho biết “những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời”. Con người tự nhiên của chúng ta khi sinh ra thì mắt thuộc linh đã bị mù, vì chúa đời này, tức là ma quỷ, đã làm mù lòng. Như vậy, để có thể thấy được thì trước hết mắt thuộc linh cần phải được mở ra. Đây là công việc của Chúa Thánh Linh. Đó là lúc chúng ta tiếp nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa cuộc đời mình. Với đôi mắt thuộc linh này chúng ta sẽ nhìn thấy những điều không thuộc về thể chất nhưng là những điều thuộc về tâm linh, chúng ta có khả năng để cảm nhận và hiểu biết những sự việc thuộc linh.
Đôi mắt thuộc thể quan trọng cho cơ thể thế nào thì mắt thuộc linh cũng quan trọng cho đời sống tâm linh của chúng ta thể ấy. “Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm.” (câu 22-23a). Thật vậy, nếu mắt thuộc thể bị “xấu” thì cả thân thể khốn đốn. Cũng vậy khi mắt thuộc linh “xấu” thì đời sống thuộc linh trong hiện tại lẫn đời sau sẽ khốn khổ vô cùng. Nói cách khác, tình trạng mắt thuộc linh của chúng ta như thế nào sẽ quyết định tầm nhìn thuộc linh của chúng ta thể ấy.
Đức Chúa Jêsus phán rằng nếu “sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao”. Cũng vậy, tầm nhìn thuộc linh của chúng ta tỏ ra sự sáng ở trong linh hồn. Nhiều Cơ Đốc nhân dễ có sự ngộ nhận và cho rằng con mắt thuộc linh của mình tốt và nhìn thấy rõ, nhưng thực sự không phải như vậy, nhiều con cái Chúa đang bị giảm sút tầm nhìn thuộc linh mà không chịu nhìn nhận như thế, thậm chí tầm nhìn thuộc linh đang bị che khuất khiến cho nếp sống, sự hiểu biết về chính Chúa và mọi sự việc liên quan đến đời sống thuộc linh đều bị ảnh hưởng. Vậy thì làm sao để điều chỉnh tầm nhìn thuộc linh nghèo nàn?
Trước hết, chúng ta cần cẩn thận canh giữ tâm trí của mình hướng đến những điều sau: “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” (Phi-líp 4:8).
Tiếp theo là cần đặt các ưu tiên về nhu cầu thuộc linh hơn nhu cầu thuộc thể trong sinh hoạt hằng ngày. “Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất.” (Cô-lô-se 3:1-2).
Tóm lại, con cái Chúa cần đặt tầm nhìn của Chúa vào đôi mắt thuộc linh của chúng ta. Khi đó chúng ta mới có ánh sáng của chân lý, của sự thanh sạch thì mới có cái nhìn trong sáng, chân thật về cuộc đời và thấy được ân sủng và quyền năng của Chúa hành động.
Bạn thân mến, nếu bạn là người đã nhận Đức Chúa Jêsus làm Chúa Cứu Thế của mình thì mắt thuộc linh của bạn đã được mở ra rồi. Tuy nhiên, cũng như mắt thuộc thể, đôi mắt thuộc linh của bạn cần phải được rèn luyện, được bảo vệ, được chăm sóc thì tầm nhìn thuộc linh mới sâu sắc, khoáng đạt, tinh tế và chính xác. Nếu không, mắt thuộc linh cũng có thể bị mờ, bị cận thị thuộc linh. Bạn có thể trắc nghiệm tầm nhìn thuộc linh của chính mình qua một số câu hỏi sau:
1. Khi đối diện trước những thử thách, chẳng hạn như thất nghiệp hay phải chia tay với người yêu, đau ốm hoặc mắc bệnh hiểm nghèo… thì bạn có lo lắng hay thất vọng đến nỗi không thể cầu nguyện được hoặc không muốn đi thờ phượng Chúa không?
2. Đang lúc bận rộn với công việc nhưng có một người bạn đang cần được an ủi và chăm sóc thì bạn có để thì giờ đến khích lệ và chia sẻ tình yêu của Chúa cho người bạn đó không?
3. Dù đang thiếu thốn nhưng bạn vẫn dâng hiến cho Đức Chúa Trời cách trung tín không?
Cầu nguyện
Lạy Chúa Cha yêu dấu, tạ ơn Ngài đã mở mắt thuộc linh cho con qua sự tái sinh bởi Đức Thánh Linh. Xin giúp cho con có đôi mắt thuộc linh thật sáng tỏ để có thể nhận ra đâu là điều Chúa muốn, để có thể thấy được những điều thuộc linh vô hình giống như Đức Chúa Trời đang nhìn thấy hầu qua những thử thách trong cuộc sống này con vẫn luôn thấy được tình yêu, ân điển và quyền năng của Chúa đang hành động trong đời sống con. Con thật cảm tạ ơn Ngài và cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét