Ma-thi-ơ | Đắc Nhân Tâm Của Cơ Đốc Nhân

Đắc Nhân Tâm (How To Win Friends and Influence People của Dale Carnegie) là quyển sách đưa ra các lời khuyên về cách ứng xử và giao tiếp với mọi người để đạt được thành công trong cuộc sống. Trong sách, tác giả Dale có nhận định đại loại thế này: “Con người ai cũng chỉ quan tâm tới bản thân minh, chính vì thế mà khi bạn quan tâm tới người khác, bạn sẽ thành công.” Vì thế, Đắc Nhân Tâm là quyển sách gối đầu nằm của nhiều thế hệ trẻ luôn muốn hoàn thiện chính mình để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp và thành công. Tuy nhiên, sách này chỉ là cẩm nang giúp phát triển các mối quan hệ tốt hơn chứ không phải tốt nhất, vì động cơ ẩn sau của việc gọi là “học cách làm người” này thực ra chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu phát triển khả năng của bản thân và tham vọng thành công để vượt hơn người khác. Đức Chúa Jêsus đã từng phán trong Ma-thi-ơ 7:12 rằng:

Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.

Đây không phải là một lời tuyên bố mới lạ của Đức Chúa Jêsus đối với thế giới, nhưng tại sao lời này trở nên có giá trị hơn cả nguyên tắc sống của các tôn giáo đề xướng và hơn cả cẩm nang Đắc Nhân Tâm mà người ta đang học theo. Bởi vì, có ít nhất ba điểm khác biệt chúng ta cần xem xét.

1 Tính tích cực của nguyên tắc sống: Chúng ta đã từng nghe những triết lý dạy cách làm người của các tôn giáo, như Khổng giáo: “Điều ngươi không muốn người ta làm cho mình thì đừng làm cho người khác” hoặc trong Phật giáo cũng có dạy: “Hãy làm như điều người ta muốn mình làm, đừng sát sinh, đừng gây chết chóc”. Còn triết lý của Hy Lạp cổ đại: “Đừng làm cho người khác điều khiến cho ngươi tức tối. Điều nào ngươi tránh thì đừng tìm cách gián cho người khác”. Tất cả những lời dạy mà người ta cho xem như là “đắc nhân tâm” này chỉ ở trong hình thức tiêu cực, đó là những hành động tiêu cực, những lời cảnh cáo như “đừng”, “không nên”, “tránh” còn lời dạy của Đức Chúa Jêsus nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực và chủ động làm việc tốt lành cho người khác trước như là điều mà chúng ta muốn mình cũng được nhận như thế, có nghĩa là chủ động làm điều tốt lành, nhân đức cho người khác như thể làm cho mình vậy. Và việc làm này không phải là sự ràng buộc người ta phải thực hiện mà đó là điều chủ động làm với mong ước người khác nhận được sự tốt lành. Còn nguyên tắc sống thụ động và tiêu cực của các tôn giáo khác chỉ như là luật pháp bảo người ta đừng làm việc nọ, việc kia vì nó sẽ gây hại cho chính mình. Ví dụ: Luật pháp quy định người lái xe “không được” lái ẩu vì có khả năng gây tai nạn, có hại đến mình và người khác nhưng không có luật pháp nào quy định người lái xe phải giúp cho một người lỡ đường quá giang xe của mình. Vì vậy, tránh làm thiệt hại cho người khác là quy luật đạo đức thông thường của các tôn giáo và triết lý sống của con người, nhưng sống với những việc làm chủ động giúp người khác như làm cho mình thì chỉ có ở trong Đức Chúa Jêsus.

2. Nền tảng của nguyên tắc sống: của Đức Chúa Jêsus được đặt trên tình yêu thương. Tình yêu thương của Ngài không chỉ trong lời nói suông mà cả trong hành động. Nhiều người có khả năng nói rất hay, thậm chí nhiều bậc vĩ nhân đã tuyên bố những câu nói rất hùng hồn nhưng đời sống của họ không phản ảnh những điều họ nói. Nói cách khác, tình yêu thương của Đức Chúa Jêsus là động từ. Đức Chúa Jêsus đã thực hành tình yêu thương của Ngài đối với con người bằng sự hy sinh chính sự sống của Ngài. Chúa đã từng phán trong Giăng 15:13: “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.” Ngài đã bằng lòng gánh tội lỗi của chúng ta và chịu chết thế cho chúng ta. Khi Chúa dạy các môn đồ của Ngài về sự yêu thương và tha thứ thì chính Chúa đã yêu thương, tha thứ. Ngài đã chữa lành cho tên lính đến bắt Chúa bị môn đệ của Ngài là Phi-e-rơ chặt đứt một tai, Ngài đã cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ, sỉ vả, đánh đập, đóng đinh Ngài và đỉnh điểm của tình yêu thương là Ngài đã chịu chết vì những kẻ tội lỗi, đáng hư mất. Thật Đức Chúa Jêsus đã làm cho người ta những điều mà ai cũng muốn người khác làm cho mình.

3. Năng lực để thực hành nguyên tắc sống: Chúa không chỉ nói suông, không chỉ một mình Ngài thực hành được nguyên tắc sống này, mà Chúa còn ban cho Cơ Đốc nhân là những người tin Ngài có đủ năng lực để chúng ta có thể thực hành lời dạy của Ngài. Theo con người xác thịt thì không ai muốn sống cho người khác mà chỉ muốn sống cho mình và vì mình. Nhưng hễ ai đặt lòng tin nơi Đức Chúa Jêsus thì Ngài sẽ đổi mới tấm lòng, tâm trí, từ đó thế giới quan, nhân sinh quan của người tin Chúa sẽ thay đổi. Bởi sự sống của Chúa sẽ tuôn tràn trong đời sống của chúng ta và chúng ta sẽ tự nhiên làm được những điều chúng ta cần làm và phải làm. Chúng ta sẽ có hành động và lời nói luôn song hành. Cung cách sống sẽ phù hợp với sứ điệp của chúng ta. chính Ngài cũng ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta có thể sống giống như Ngài, tức là sẵn sàng làm cho người khác những gì chúng ta muốn người khác làm cho mình.

Bạn thân mến, nhiều người đã biết nguyên tắc sống của Đức Chúa Jêsus nhưng không muốn làm theo vì cho rằng như thế là dại. Bởi thế nên con người ở trong thế giới này luôn tranh đấu, ghen ghét, hiềm khích, thành kiến, bàng quan với người chung quanh. Con người không thể sống theo nguyên tắc sống của Đức Chúa Jêsus đã dạy vì thiếu tình yêu thương từ Đức Chúa Trời, Ngài là Cội Nguồn và cũng là Đấng ban cho tình yêu. Khi con người không có tình yêu của Chúa thì sẽ thấy nguyên tắc sống này là điều dại. Hôm nay, tôi muốn mời các bạn tiếp nhận nguồn tình yêu thương từ Đức Chúa Trời và bắt đầu thực hành nguyên tắc sống này từ trong gia đình của mình. Chúng ta cần hỏi với chính mình: “Điều nào chúng ta muốn mình nhận được thì chúng ta bắt đầu làm trước với cha, mẹ, vợ, con, anh chị em mình?” Nếu chúng ta muốn được tha thứ, thì trước hết phải biết tha thứ. Nếu chúng ta muốn sự tử tế, thì phải sống tử tế trước. Nếu chúng ta muốn rời rộng, thì phải rời rộng với người khác. Đừng chờ đợi người khác làm cho mình, mà chính mình cần chủ động làm cho người khác.

Cầu nguyện

Lạy Cha Thiên Thượng, Đấng yêu thương, hay ban cho và Ngài đã bày tỏ mực thước trọn vẹn của tình yêu Ngài qua Con Ngài là Đức Chúa Jêsus đã dạy chúng con một nguyên tắc sống ban cho và chủ động làm điều tốt lành cho người khác. Xin đặt để trong lòng chúng con tình yêu của Ngài để con có thể sống tích cực và thực hành tình yêu ban cho của Ngài. Con cầu nguyện trong Danh Đức Chúa Jêsus. Amen.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa