Ma-thi-ơ | Ẩn Dụ Về Nước Trời (1): Tấm Lòng Thuộc Đất Tốt

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 13:23

23 Song, kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt, tức là kẻ nghe đạo và hiểu; người ấy được kết quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục.

Lời ngỏ

Bạn nghĩ thế nào về “đất tốt”? Khi tôi đánh hai chữ “đất tốt” trên khảo sát của Google thì 90% là nói đến kết cấu đất, hướng nhìn của mảnh đất (như theo hướng Đông-tây hay nam-bắc), hoặc địa thế của đất này có cao ráo hay không, và nhất là khu đất thuộc nội thành hay ngoại thành, khu nông thôn vắng vẻ hay khu đô thị náo nhiệt… Nói chung, người Việt chúng ta dùng ngôn từ này để chỉ mảnh đất thổ cư mà mình ao ước để xây dựng nhà cửa, công xưởng, cửa hàng, chung cư đô thị.

Nhưng ẩn dụ mà Chúa Giê-xu đề cập ở đây là nói về đất nông nghiệp. “Đất tốt” được quyết định bởi khả năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng, giữ không khí và độ phì nhiêu cao giúp cho việc trồng trọt có nhiều kết quả. Theo định nghĩa này thì chúng ta nghĩ ngay đến “vùng đất đỏ bazan” trên các vùng cao nguyên, “dải đất phù sa” của đồng bằng sông Cửu Long hay những nơi có nhiều sông suối chảy qua.

Về lĩnh vực con người thì tấm lòng, tâm hồn cũng có thể được ví như “mảnh đất”. Từ “tâm địa” là sự ví sánh này. Tuy nhiên, chữ “tâm địa” vốn chỉ “lòng dạ” con người, ngày nay lại thường bị gắn với ý nghĩa tiêu cực, chẳng hạn như “tâm địa xấu xa”, “lòng dạ đen tối”. Nhưng trong bài học ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng suy ngẫm từ này với ý nghĩa mang tính tích cực và thiêng liêng theo chỉ dẫn của Lời Chúa.

Từ “đất tốt” ở đây không phải chỉ về trạng thái tốt, trọn vẹn và toàn hảo sẵn có; nhưng là chỉ về tình trạng của tấm lòng con người có thể thu nhận cách tích cực để “trở nên tốt”. “Tâm linh tốt” được đánh giá và phản ánh thông qua việc “nghe đạo và hiểu”.

Nhiều người ngày nay theo đuổi các triết lý tôn giáo như đạo giáo mà vẫn cảm thấy chán chường và thất vọng. Bởi vì họ đã “nghe đạo và hiểu” chưa đúng. Chữ “đạo” ở đây không liên quan đến tôn giáo, hay giáo lý con người dạy nhau; nhưng đó là lắng nghe và thấu hiểu lời của Đức Chúa Trời là lời hằng sống. “Đức Chúa Giê-xu phán: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” (Mat 4:4) Phải nghe và hiểu Lời hằng sống của chính Chúa mới đem lại sự sống cho tâm linh. Bởi năng quyền và sự sống từ Chúa mà đến, từ lời Chúa mà ra. Thế nhưng, không phải ai nghe lời Chúa cũng tự động hiểu ngay. Khi Chúa Giê-xu thi hành chức vụ trên đất, Chúa đã đi đến nhiều nơi, liên tục rao giảng Lời Đức Chúa Trời trong suốt ba năm, làm nhiều phép lạ, có khi đạt đến con số 5,000 hay 7,000 người chứng kiến như trong sự kiện hóa bánh cho nhiều người ăn. Nhưng số người đông đảo từng được nghe lời Chúa đó đã khước từ Ngài, chỉ còn lại khoảng 500 người được gọi là môn đồ của Chúa khi Chúa Giê-xu thăng thiên. Tại sao lại như vậy? Bởi chỉ có số ít người chịu hạ mình ăn năn, đó là những người đã nghe và hiểu Lời Chúa.

Việc “nghe” đúng chưa đủ mà phải hiểu. Chữ “hiểu” trong tiếng Hy Lạp nguyên gốc là suniémi, có nghĩa là “đặt mình vào trong đó để thấu tình đạt lý”. Tức là biết rõ thấu đáo và quyết định gắn chặt như là máu thịt trong chính cơ thể của mình. Như vậy, “người nghe đạo và hiểu” là người đồng ý mở lòng để nghe lời giảng về Chúa và phúc âm của Ngài, là người sẵn sàng ăn năn tội lỗi, tiếp nhận Chúa Giê-xu vào lòng mình cách vui lòng, và sẵn sàng để lời Chúa là hạt giống gieo vào lòng, khiến nảy nở đức tin, đâm chồi, nảy lộc.

Chúng ta có thể nghe lời Chúa mà không hiểu. Đó có thể là vì không thể hiểu hoặc không chịu hiểu. Tương tự như việc chúng ta đi du lịch sang một quốc gia khác, có thể nghe ngôn ngữ đó nhưng không hiểu vì chưa được học. Nếu muốn hiểu thì phải học. Khi tôi mới sang Hàn Quốc, hằng ngày tôi nghe người ta nói tiếng Hàn nhưng cũng không thể hiểu được. Vì thế, tôi đã biệt riêng 1 năm rưỡi cho việc học tiếng Hàn. Sau một thời gian siêng năng học tập, tôi đã có thể hiểu được ít nhiều. Thế rồi, dù không hiểu nghĩa của từ người ta nói nhưng vì đã quen với môi trường, văn hóa và cuộc sống ở Hàn Quốc nên vẫn có thể hiểu được ý của người nói thông qua những tình huống và hoàn cảnh liên quan. Ngược lại, có một số người đi học tiếng Hàn rất giỏi, nghe nói thông thạo; nhưng không chấp nhận và không thích ứng. Như thế cũng có thể gọi là ‘không hiểu’ vì có nghe đấy, nhưng không áp dụng và làm theo. Vì vậy, khi nghe lời Chúa, chúng ta cần nhờ Thánh Linh là Thần lẽ thật mở tai tâm linh để lắng nghe như lời Chúa kêu gọi “Ai có tai mà nghe, hãy nghe”.

Phần ký thuật khác trong sách Lu-ca về ẩn dụ này có ghi “Song phần rơi vào nơi đất tốt, là kẻ có lấy lòng thật thà tử tế nghe đạo, gìn giữ và kết quả một cách bền lòng.” (Lu-ca 8:15) Ở đây không chỉ dừng ở việc nghe và hiểu, mà còn là biết gìn giữ và làm theo trong đời sống của mình cho đến khi đâm chồi nảy lộc, đến khi trưởng thành, đến khi có kết quả tốt đẹp. Giống như định nghĩa lúc đầu: “Đất tốt” được quyết định bởi khả năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng, giữ không khí và độ phì nhiêu cao giúp cho việc trồng trọt có nhiều kết quả”, tấm lòng của người có tâm linh đất tốt giữ được nước sự sống là sự thân mật với Đức Thánh Linh, giữ được chất dinh dưỡng thuộc linh trong sự suy gẫm Lời Chúa, giữ được sự cầu nguyện với Cha và sự tươi mới trong tâm hồn.
Về phương diện thể chất, người quá gầy guộc bị xem là người suy dinh dưỡng. Thế nhưng, người béo phì cũng bị xem là người suy dinh dưỡng. Bởi vì không thể hấp thụ những chất cần thiết theo nhu cầu của cơ thể nhưng lại dư thừa nhiều chất mà cơ thể không đòi hỏi. Theo đó, người được gọi là “đất tốt” là người biết thu nhận những điều cần thiết nhất cho tâm linh mình. Chúng ta phải nhờ cậy Chúa lưu giữ chất dinh dưỡng thuộc linh tốt cần và đủ cho nhu cầu tâm linh, rồi áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống, tìm cách cho thân thể và tâm linh mình được hoạt động tích cực đúng theo điều đã được học, được nghe từ Chúa. Nếu chỉ học Kinh Thánh để có kiến thức thì sẽ sớm trở thành người suy dinh dưỡng trong tình trạng “béo phì”.

Người lắng nghe lời Chúa và quyết định làm theo với lòng thành thật và lưu giữ những điều cần thiết cho đời sống mình sẽ như mảnh đất tốt. Người này sẽ có kết quả một thành trăm. Tức, không phải kết quả nhân đôi, nhân ba theo luật lệ thông thường từ nỗ lực của bản thân mình; mà là trăm lần hơn. Đó là điều mà chỉ có chính Chúa là Đấng tể trị đời đời hành động cách siêu nhiên và tể trị cách lâu dài mới có thể làm được. Đó là những kết quả lớn lao, vĩ đại, vô số mà chúng ta cũng không thể tính được, thậm chí chúng ta cũng không còn có trên đất này để mà thấy được nữa.

Kết quả như lời Chúa cho biết “một hột ra được một trăm, hoặc một hột sáu chục, hoặc một hột ba chục” bày tỏ khía cạnh về ân tứ và tài năng mà Chúa ban cho mỗi người. Giống như câu chuyện Chúa ban cho người thì 1 ta-lâng, người thì 2 ta-lâng, có người 5 ta-lâng. Và kết quả của người đó làm được cũng khác nhau. Người 1 ta-lâng không làm ra ta-lâng nào, người được giao 2 ta-lâng ra 4 ta-lâng, 5 ta-lâng ra 10 ta-lâng. Đức Chúa Trời không xem xét và đặt nặng về số lượng hay phần trăm, nhưng Chúa cần biết tấm lòng chân thành của chúng ta như thế nào để tuỳ theo đó Ngài sử dụng và giao phó cho chúng ta những công tác lớn lao của Ngài.

Các bạn thân mến, mảnh đất tâm linh của bạn và tôi vì hậu quả của tội lỗi đã bị hoang tàn trở nên mảnh đất chết thuộc linh. Nhưng bởi ân điển của Đức Chúa Trời và bởi sự hy sinh của chính Chúa Giê-xu, mảnh đất ấy được biến đổi, có khả năng được tái tạo. Tùy theo sự đáp ứng tiếng gọi của Chúa và sự đón nhận Chúa Giê-xu như thế nào, tình trạng tâm linh của chúng ta cũng được biến đổi theo. Chúa dùng quyền năng của Thánh Linh, huyết chuộc tội của Chúa Giê-xu để thanh tẩy và tái tạo con người chúng ta. Tuỳ theo lượng đức tin đón nhận chính Chúa và chương trình của Ngài mà sự biến đổi sẽ tiến hành nhanh hay chậm. Tuỳ theo sự mở rộng của tấm lòng cùng với sự phó thác cho Chúa nhiều hay ít, mà chúng ta sẽ nhận được ân tứ cập theo ít hay nhiều để chúng ta hầu việc Chúa, và có kết quả tốt cho đời sống đức tin của mình. Nguyện xin Chúa cho nhiều người trong chúng ta có được tình trạng đất tốt thuộc linh để kinh nghiệm kết quả tương xứng. Kết quả có thể khác nhau, nhưng lòng trung tín được Chúa xem là như nhau và phần thưởng Ngài ban cho cũng dựa theo tỷ lệ phần trăm ấy. 

Cầu nguyện

Cảm tạ Chúa vì chính Ngài đã thương xót và ban ân điển, cũng như cơ hội của Chúa dành cho chúng con để chúng con được trở nên như mảnh đất tâm linh tốt cho công tác nhà Ngài. Nguyện xin Chúa tiếp tục tùy theo sự thương xót và chương trình tốt lành của Ngài mà ban cho chúng con những ân tứ thích ứng để làm tốt hơn cho công tác nhà Ngài. Lạy Chúa! Xin biến cải lòng con thành mảnh đất tốt cho Chúa để kết quả ngay trong gia đình, ngay trong Hội thánh và ra ngoài xã hội. Cảm tạ Chúa. Nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa