Ma-thi-ơ | Ôi! Quê Hương!
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 13:57-58
57 Họ bèn vì cớ Ngài mà vấp phạm. Song Đức Chúa Jêsus phán cùng họ rằng: Đấng tiên tri chỉ bị trong xứ mình và người nhà mình khinh dể mà thôi.
58 Ở đó, Ngài không làm nhiều phép lạ, vì chúng không có lòng tin.
Lời ngỏ
“Quê hương” chỉ có hai chữ vừa thân thương, êm dịu, nhẹ nhàng chứa đựng bao tình yêu thương sâu sắc nhất của một con người từ khi được sinh ra, lớn lên và trưởng dưỡng cho đến khi được nên người trưởng thành. Khi nhắc đến quê hương khiến cho nhiều người như được hồi xuân trở lại thời thơ ấu. Thế nhưng, cũng là từ “quê hương” nhưng lại như thanh gươm hai lưỡi khiến đâm thấu vào trái tim của biết bao con người chúng ta, đặc biệt những người tha hương vì bị chính quê hương mình chối bỏ; hay nhiều điều khiến cho chúng ta phải đau lòng, nhắm mắt ra đi. Cho nên, nhiều người chúng ta phải thốt lên hai chữ “quê hương” trong tiếng thở dài, thậm chí với hai dòng nước mắt trong nỗi đau của tâm hồn. Thế thì “quê hương” vẫn là quê hương với song hành hai ý nghĩa trong cuộc đời của mỗi chúng ta từ khi sinh ra đến khi lìa đời. Có một bài thơ diễn tả nỗi long của một người nhớ về quê hương của mình.
“Ôi! “Quê hương” với hai chữ ‘thân thương’
Đem niềm vui, sức sống cho muôn phương
Đem người trẻ già về chốn yêu thương
Đem lòng người về cội nguồn vấn vương.
Ôi! ‘Quê hương” với hai chữ ‘khó thương’
Khiến “triệu người khóc, triệu người thảm thương”
Khiến chột lòng chột dạ người tha hương
Khiến niềm đau, nước mắt với hoài nương.
Ôi! ‘quê hương’ ! Chính Chúa chịu ‘khó thương’
Đi giảng tình thương của Chúa nơi ‘tha hương’
Mong ‘hồi hương’ khôi phục lại “quê hương”
Để ‘quê hương’ trở lại được ‘thân thương’!
Quay lại với đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta cùng xem quê hương, nơi mà Chúa Giê-xu đã được dưỡng dục trong gia đình, nơi mà những con người thân thương đã nhìn nhận về Ngài như thế nào?
1. Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét?
Câu này được chép trong Giăng 1:46, đây là câu ngạn ngữ của người Do thái khi họ nghĩ về người Na-xa-rét. Và chính Na-tha-na-ên đã nói câu này khi Phi-líp làm chứng về Chúa Giê-xu cho Na-tha-na-ên. Rất có thể biến cố lịch sử của thành Na-xa-rét này mắc sai lầm khi trước đó có một người đã từng xưng mình là nhà cách mạng và kéo dân chúng theo để làm cuộc khởi nghĩa chống lại Rô-ma, nhưng cuộc khởi nghĩa ấy thất bại và bị xem là cuộc nổi loạn, những người theo người này bị tàn sát. Và quân đội Rô-ma đã đặt cả đội quân đóng tại Na-xa-rét để canh phòng. Vì cớ đó, khi nghe Chúa Giê-xu tuyên bố như vậy thì những người thành này đã ngộ nhận về Ngài tương tự như kẻ cầm đầu phản loạn trước kia về mặt chính trị, quân sự trong sự bạo động; và vì sợ liên luỵ mà chối bỏ Ngài cách thiếu hiểu biết.
Thế nhưng, Đức Chúa Giê-xu thật là Đấng Cứu Thế, là Đấng Mê-si, là Đấng Christ về phương diện thuộc linh, về Nước thuộc linh của Đức Chúa Trời. Ngài đã tuyên bố điều này cách rõ ràng lần đầu tiên tại nhà hội ở Na-xa-rét, quê hương của Ngài (Lu 4:14-30). Nhưng so với dự định thì người thành này đã từ chối phủ phàng, không nhân nhượng và còn họp nhau lại để bắt Ngài và kéo Ngài lên đỉnh núi trong làng với ý định ném Ngài xuống cho chết. Nhưng Ngài đã tìm cách thoát khỏi tay họ để khởi sự chức vụ tại thành khác là Ca-bê-na-um.
Đức Chúa Giê-xu rất đau lòng khi việc này xảy ra; vì tâm tư của Ngài thật sự đã bày tỏ cách chân thành cho dân thành này hơn bao thành khác. Thậm chí có nhiều nơi người ta đặt mưu để Ngài tự nói về Ngài thì Ngài chỉ nói ẩn dụ cho họ. Trong khi tại quê hương Na-xa-rét vì Ngài nói rõ ràng “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh về Đấng Christ do tiên tri Ê-sai đã từng tuyên bố”. Tại sao Ngài nói thẳng và rõ ràng? Bởi vì Ngài được dưỡng dục tại đây hơn 20 năm nên Ngài hiểu họ và họ biết Ngài rõ về nhân tánh rồi, nên Ngài nói rõ về thần tính của Ngài. Ngài muốn ưu tiên cho thành này được nghe giảng phúc âm cứu rỗi đầu tiên sau 30 năm ấp ủ. Thế nhưng, vầng đá bền vững của mọi thời đại với danh của Chúa Giê-xu đã bị chối từ cách thẳng thừng, bởi vì những con người tại đây đã xem Ngài là hòn đá vấp chân họ.
Cầu xin Chúa cho chúng ta đừng hiểu lầm về Chúa Giê-xu và đạo Tin lành của Ngài liên quan đến vấn đề chính trị, liên quan đến vấn đề thể chế, chế độ. Ngài đã từng phán rõ ràng với tổng đốc Phi-lát, người đại diện chính của đế quốc Rô-ma khi Ngài bị đối mặt với ông và bị chính người dân mình vu cáo là kẻ phản loạn Sê-sa, là hoàng đế Rô-ma: “Nước của Ta chẳng phải thuộc về thế gian này… Hễ ai thuộc về Lẽ thật thì nghe lấy tiếng Ta.” (Giăng 18:36-37). Cầu xin Chúa cho chúng ta hết thảy nghe được bài học hôm nay được giải toả nghi ngờ mà tin Đức Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế về phương diện thuộc linh.
2. Không tin thì không có sự biến đổi
Cơ hội sau cùng Chúa Giê-xu vẫn tiếp tục dành cho quê hương dưỡng dục Ngài trước khi Ngài thi hành phần cuối chức vụ trên đất. Bởi vì, Ngài thương xót họ, những người được đồng dưỡng dục tại nơi quê hương Na-xa-rét. Ngài đã tự nguyện trở về quê hương sau một thời gian ra đi vì sự vô tín của họ, vì sự công khai chối bỏ không nhận Ngài. Ngài đã cho họ nghe và thấy biết bao điều về danh và công việc của Ngài đã được đồn ra từ khắp nơi trong toàn quốc và thế giới trong thời gian qua.
Nếu nói lần trước họ chối bỏ Ngài vì ngộ nhận về Ngài như kẻ phản loạn, khởi xướng bạo lực chính trị và phong trào khởi nghĩa như những người trước đó đã làm khiến cho quê hương bị đàn áp dã man; thì gần 3 năm chức vụ Chúa Giê-xu bày tỏ Ngài là Vua trong Nước thuộc linh của Đức Chúa Trời và mọi việc Ngài làm nhằm giải phóng người tin khỏi thế giới thuộc linh tối tăm. Ngài trở về lần này với hy vọng họ nhìn thấy sứ mạng giải phóng trong thân vị thần tính của Chúa Giê-xu mà tiếp nhận Chúa như những thành khác đã nhận và được biến đổi.
Dù những người trong thành Na-xa-rét có giảm hơn so với lần trước là không quá khích trong việc bắt Ngài để ném từ đỉnh núi xuống đất như họ đã từng làm. Nhưng lần này họ đã họp nhau ném Ngài trong đỉnh núi của sự vô tín. Họ bị vấp phạm khi cứ khăng khăng Ngài chỉ là một con người bình thường với nhân tính, là con của người thợ mộc Giô-sép, là con của Ma-ri người ở đậu tha hương kiếm sống, là anh trai của những người 4 người em trai đang sống ở giữa họ. Chính họ cũng từng kéo mẹ Ngài và 4 người em đi đến nơi khác với lý do cho rằng Ngài là kẻ hoang tưởng, điên loạn khi bày tỏ mình là Đấng Christ.
Bạn thân mến, chúng ta có thể nói: Ôi! Thật đau lòng cho dân thành Na-xa-rét đa nghi và vô tín mà đánh mất cơ hội quý vô tiền khoáng hậu. Thế nhưng, nổi đau này của Chúa Giê-xu cũng chính là nổi đau của chúng ta, những người con của xứ sở quê hương mình tại Việt Nam. Bởi vì, nhiều đồng bào người Việt chúng ta tại làng xã, tỉnh thành tại quê nhà Việt Nam cho đến bây giờ cũng chỉ thấy nhân tính của Chúa Giê-xu như là nhân vật lịch sử, hay chỉ là kẻ dự định cách mạng như đã thất bại vì bị án tử hình trên thập tự giá dưới tay đế quốc Rô-ma bạo tàn bằng vũ lực. Họ cũng không thấy được thần tính của Chúa Giê-xu và không thấy được sự phục sinh của Ngài khỏi sự chết để bày tỏ Ngài là Vua của những người tin trong Nước đời đời của Đức Chúa Trời.
Nguyện xin Chúa cho tôi và bạn nói riêng và đồng bào chúng ta nói chung không vấp phạm và đi vào vết xe đã đổ của người dân thành Na-xa-rét. Hãy mở lòng đón Chúa và tin cậy Ngài ngay cơ hội quý báu Chúa cho hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Xin tha thứ cho chúng con và đồng bào quê hương con đã vô tâm, vô tín mà không sớm mở lòng tin nơi Ngài để được giải phóng khỏi thế giới thuộc linh tối tăm. Xin thương xót quê hương và thương xót đồng bào chúng con tại quê nhà. Chúa Giê-xu đã cho cơ hội đến với thành Na-xa-rét lần thứ hai thì cho quê hương chúng con lần nữa! Nhưng lần này xin Chúa Giê-xu Đấng phục sinh đến bày tỏ năng quyền phục sinh mà giải phóng đồng bào chúng con trước khi quá muộn. Cảm tạ Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét