Ma-thi-ơ | Ẩn Dụ Về Nước Trời (1): Tấm Lòng Thuộc Đất Gai Góc
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 13:22
22 Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm về của cải, làm cho nghẹt ngòi đạo và thành ra không kết quả.
Lời ngỏ
Các bạn biết không, “cỏ tranh” còn được gọi là “bạch mao” vì có hoa màu trắng như bông lau. Cỏ tranh vốn là một loại cây gai góc mọc hoang, có lá rất mỏng, dài và hẹp như lá lúa, nhưng có cạnh hình răng cưa rất sắc bén và dễ dàng cắt đứt tay. Đây là loại cỏ rất khó diệt vì có rễ rất sâu, sống lâu và phát tán nhanh. Nếu dùng dao thường để chặt cỏ tranh thì rất đơn giản vì thân nó mềm, dễ bị chặt đứt. Thế nhưng, chỉ một hai ngày sau thì vùng đất ấy sẽ lại trở nên um tùm, xanh tươi hơn.
Cỏ tranh còn có biệt danh là kẻ thù khó diệt của nhà nông. Vì ngoài bộ rễ chính dạng rễ cọc chia thành từng đốt nhỏ ăn sâu vào lòng đất, nó còn có rễ chùm nhanh chóng tạo nên rễ phụ và ở các rễ này cũng có đốt nên cũng có khả năng tạo thành cây mới. Thuốc diệt cỏ chỉ có thể làm khô lá bên trên còn bộ rễ bên dưới vẫn cứ phát triển rất nhanh. Do đó, nếu trồng cây trên mảnh đất có cỏ tranh thì không thể cạnh tranh lại khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cỏ tranh được. Muốn diệt được cỏ tranh thì phải nhổ tận gốc, bốc tận rễ. Vì thế khi làm cỏ tranh phải lấy cả rễ chính lẫn rễ phụ, tức là phải bới cả đất lên để lọc bỏ bộ rễ của nó đi.
Đất bụi gai thật ra vốn là vùng đất tốt cho việc trồng trọt, nhưng đã bị gai góc, chà chôm, cỏ dại chiếm lĩnh và hút hết chất dinh dưỡng. Đó chính là hậu quả của tội lỗi từ tổ tiên con người chúng ta đã phạm tội, từ đó “Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê” (Sáng 3:18). Lòng người cũng như đất bụi gai sinh ra đầy gai góc, cỏ dại. Nhưng khi Đức Chúa Giê-xu đến thì tội lỗi được xoá sạch bởi sự cứu chuộc qua huyết Ngài, từ đó “đất bụi gai” có thể được thay đổi trở nên đất tốt bởi đức tin thông qua sự tái tạo với quyền năng của Chúa.
Ngày hôm nay, chúng ta sẽ học bài này trong tinh thần của sự biến đổi để được phước hạnh, chứ không phải trong tinh thần của sự cố chấp để bị rủa sả. Sau đây, chúng ta sẽ bàn về 3 biểu hiện của tình trạng hạt giống rơi nơi đất bụi gai. “Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm về của cải, làm cho nghẹt ngòi đạo và thành ra không kết quả.” Kết quả của những hạt giống gieo vào vùng đất bụi gai này là không ra trái, hoặc có ra trái nhưng không có trái nào chín được (Lu 8:14). Kinh thánh đề cập đến 2 yếu tố hay đặc tính của những hạt giống rơi vào đất bụi gai không kết quả.
1. Sự lo lắng về đời này: tại đây không nói đến những sự lo lắng thông thường, hay là những suy nghĩ và lo toan về những vấn đề thực tế trong cuộc sống, vì đó là những hoạt động bình thường của lý trí, ý chí, và tình cảm con người. Khi hạt giống đã nẩy mầm, đã lên cây tức là nói đến những người đã tiếp nhận Chúa, đã có đức tin nhưng vẫn cứ lo lắng một cách thái quá về cuộc sống của mình như người không hề tin. Họ không biết rằng Chúa vẫn đang chăm sóc mình. Đó là người tự suy nghĩ, lo lắng quá mức đến cả những vấn đề không cần thiết, những vấn đề vượt quá tầm tay của mình, thậm chí đó là những việc đương nhiên có rồi. Chẳng hạn như câu nói ví von: “lo bò trắng răng”. Răng của con bò vốn đã trắng nên không cần suy nghĩ phương pháp “tẩy trắng răng” cho bò nữa. Nguyên nhân sâu xa của sự lo lắng thái quá này là do người đó có lòng đa nghi, gần như không tin tưởng ai cả, chỉ tin vào bản thân mình. Vì thế cũng không hề cầu hỏi trong những vấn đề của mình, thậm chí còn loại bỏ cả Chúa ra khỏi cuộc sống thực tại của mình, vì cho rằng chính mình có thể quyết định điều mình hoạch định và mong muốn.
2. Sự mê đắm của cải: thông thường người ta nghĩ rằng những người quá khó khăn về vật chất, quá chật vật về cơm áo gạo tiền sẽ dễ lo lắng. Nhưng thực chất, người càng có nhiều của cải, tiền bạc lại lo lắng nhiều hơn. “Của cải” ở đây không chỉ là những vật chất thấy được nhưng là “những cái mà con người đang sở hữu”, chẳng hạn như quyền lực, địa vị cao của xã hội; hay người học cao, hiểu rộng lại là những người thường ở trong tình trạng lo lắng. Bởi vì những người đó giống như đang ở trong mớ “bòng bong” có nhiều điều trói buộc, không dễ tìm ra lối thoát. Minh chứng cho điều này là người nghèo khó có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ, và ngủ ngon sau một ngày làm việc cực nhọc, ăn uống đạm bạc. Nhưng người giàu có, quyền thế, tri thức, ăn sơn hào hải vị, nằm giường ngà ngọc nhưng vẫn không dễ an giấc; vì trong lúc nằm ngủ họ cũng mang nhiều mưu toan theo mình. Thực ra, giàu sang, phú quý hay địa vị quyền thế cao sang không phải là cái tội, học cao hiểu rộng tự thể nó cũng không phải là cái tội. Nhưng tội ở đây là “đam mê cách thái quá dẫn đến việc làm nô lệ cho nó lúc nào không hay”. Đó là sự thờ hình tượng từ bên trong tấm lòng. Nói cách khác, vì trở ngại của việc làm giàu về vật chất của cải, vì sự trở ngại của việc thăng quan tiến chức, vì sự trở ngại của tri thức cao rộng mà nhiều người chối bỏ niềm tin, chân lý và sự sống đời đời nơi chính Chúa là Đấng hằng sống, là Đấng đã chết thay cho tội lỗi chúng ta và sống lại để xưng công bình cho chúng ta.
Vậy, nếu tấm lòng chúng ta có những gai gốc, rễ đắng của sự lo lắng và sự đam mê đời này thì làm thế nào để có thể bứt những gốc rễ ấy ra được? chúng ta sẽ nhờ lời Chúa để khắc phục và giải quyết tình trạng này. Trong khuôn khổ bài học hôm nay, chúng ta sẽ học với 3 bước chuyển đổi: (1) chuyển đổi về mặt vật chất (2) chuyển đổi về mặt tinh thần (3) chuyển đổi về mặt tâm linh.
Thứ nhất, chuyển đổi nền tảng nhận thức: Chúng ta có thể nhận ra sự khác nhau giữa ruộng “lúa xạ” và ruộng “lúa cấy”. Ruộng lúa xạ là người ta để ruộng khô, đốt rơm rạ trên đó rồi cho nước vào ruộng. Sau đó sẽ gieo hạt. Hạt giống cứ mọc lên um tùm xen lẫn với cỏ mọc theo. Như vậy, lúa sẽ mọc chung với cỏ. Cuối mùa, gặt được bao nhiêu lúa thì gặt. Song ruộng lúa cấy thì trước khi gieo mạ người nông dân cho máy cày xới đất khiến gốc rạ, gốc cỏ bung lên rồi, sau đó dùng cào thu gốc rạ gốc cỏ lại rồi đem đốt hay dồn vào một chỗ. Sau khi mạ lớn đến một độ cao vừa phải thì nhổ lên và đem đến chỗ đất ruộng đã được cày xới sẵn để cấy theo hàng. Ngày nay, trong nông nghiệp hiện đại người ta gieo mạ trong nhà kín, và dùng máy cấy cho thật đều thật nhanh. Chỉ cần chuẩn bị ruộng nước cho tốt là được. Để có thể cất bỏ những hậu quả của đất bụi gai thì phải chấp nhận sự chuyển đổi nền tảng của đức tin. Chuyển từ niềm tin trên mảnh đất bụi gai sang niềm tin trên đất tốt. Đó là chuyển đổi nền tảng của lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn đến lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời. Tức là chuyển đổi nền tảng niềm tin rằng “tiền bạc, của cải vật chất” là tất cả sang nền tảng đức tin “có Chúa là có tất cả”.
Thứ hai, chuyển đổi cách sống tin kính về phương diện tinh thần. Đó là làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của mình có. Tinh thần của người có tấm lòng đất bụi gai thì sẽ luôn cảm thấy bận rộn và căng thẳng vì luôn phải tranh đấu với bao nhiêu thứ trên đời này. Nên người ấy sẽ tìm mọi cách vun đắp cho chính mình, vì bản thân mình, vì danh lợi quyền của mình mà thôi. Còn con cái của Chúa cảm nhận rằng mình đã nhận được tình yêu thương của Chúa nên sẽ biết chia sẻ cho người khác những điều mà mình đã nhận được. Tức là thay vì chỉ xây đắp cho ích lợi cá nhân thì cần xây đắp cho ích lợi của người khác nữa. Đó là biết chia sẻ cách vui lòng và không cầu mong được đáp trả. Biểu hiện của đời sống người thật lòng tin nơi Chúa là luôn hết lòng làm điều lành, làm nhiều điều phước đức, muốn nhanh chóng ban phát cho người có nhu cầu. Đó là tinh thần của người vị tha, biết chia sẻ và hy sinh vì mọi người.
Thứ ba, chuyển đổi quan niệm đầu tư linh hồn vào sự sống thật. Tức là dồn sức cho ngày sau một nền tảng tốt và bền vững, để có được sự sống đời đời. Tất cả những điều chúng ta làm với sự tin kính, chia sẻ trong tinh thần tự nguyện và yêu thương sẽ không bao giờ trở nên lãng phí và vô ích. Vì công khó của con cái Chúa đều được Chúa ghi nhận và cho các thiên sứ ghi chép vào sổ sách của Chúa trên thiên đàng vinh hiển. Cơ nghiệp đời đời dành cho chúng ta sẽ được gắn vào nền tảng tốt, vững vàng do chính chúng ta đã làm trên đất này. Có thể nhiều bạn sẽ cho rằng: đó chẳng phải cũng là một hình thức của sự tích đức hay sao? Thật ra sự chuẩn bị cho cơ nghiệp sự sống đời đời không nằm ở chỗ công đức cá nhân, nhưng ở chỗ niềm tin, sự trung tín và vâng phục Chúa. Đó là việc đáp nhận tiếng gọi của Chúa để chuyển đổi nền tảng của đức tin từ đất bụi gai sang đất tốt. Và kết quả đất tốt là 30, 60, hay 100 là tuỳ thuộc vào ân tứ và quyền năng Chúa ban cho.
Tóm lại, không ai mong muốn đất của tấm lòng mình thuộc về đất bụi gai nhưng đều mong rằng mình có tấm lòng là đất thịt, đất tốt. Chỉ có ánh sáng lời Chúa chiếu mới có thể giúp chúng ta phân biệt được đất tấm lòng mình là đất bụi gai hay đất tốt. Do đó, chúng ta cần soi lòng mình trước Lời Chúa để kiểm chứng lại chính mình. Nếu nhận biết lòng thật ra là đất bụi gai thì phải sớm đến quỳ dưới chân thập tự của Chúa, xin Chúa cho cơ hội chuyển đổi nền tảng của niềm tin. Qua huyết vô tội của Chúa Jesus, nền tảng niềm tin được thanh tẩy gốc rễ tội lỗi, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh mà những cây mạ được chuyển đến vùng đất lòng tốt đẹp, nhuận gội với mưa thuận gió hoà bởi lời hằng sống của Chúa để được tăng trưởng và sinh sôi kết quả. Nền tảng đức tin sẽ được thanh tẩy gốc rễ tội lỗi qua huyết vô tội của Chúa Jesus, quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ chuyển những cây mạ đến vùng đất lòng tốt đẹp này, rồi nhuận gội với mưa thuận gió hòa bởi Lời hằng sống của Chúa sẽ được tăng trưởng và sinh sôi kết quả.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Chúng con xin hạ lòng mình xuống trước mặt Chúa vì chúng con thật có tấm lòng của đất bụi gai trong những tháng ngày qua. Chúng con đã để sự lo lắng thái quá về vật chất làm sự bất mãn trong cuộc sống, sự giàu sang của vật chất, sự quyền thế trong xã hội, sự học thức cao trong giáo dục làm mờ mắt thuộc linh mà không lớn lên trong đức tin. Những chiếc rễ đức tin muốn đâm sâu để nhận phước lành mà bị nghẹt ngòi trở nên những cây èo uột không ra trái được. Nguyện xin Chúa Giê-xu dùng quyền năng cứu chuộc để cứu chúng con ra khỏi nền móng của truyền thống vô thần hay đa nghi đa thần để đến với chính Chúa Giê-xu là cội rễ của đức tin chân thật. Nguyện xin Chúa Thánh Linh dùng quyền năng tái tạo để tái tạo mảnh đất lòng đầy gai góc, chà chôm thành mảnh đất lòng tốt cho sự phát triển đức tin và những ân tứ thuộc linh. Cảm tạ Chúa! Nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét