Ma-thi-ơ | Ngày Nghỉ & Việc Lành

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 12:9-14

9 Đức Chúa Jêsus đi khỏi nơi đó, bèn vào nhà hội.
10 Ở đó, có một người teo một bàn tay. Có kẻ hỏi Ngài rằng: Trong ngày Sa-bát, có phép chữa kẻ bịnh hay không? Ấy là họ có ý kiếm dịp kiện Ngài.
11 Ngài bèn phán cùng họ rằng: Ai trong vòng các ngươi có một con chiên,nếu đương ngày Sa-bát, bị té xuống hầm, thì há không kéo nó lên sao?
12 Huống chi người ta trọng hơn con chiên là dường nào! Vậy, trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành.
13 Đoạn, Ngài phán cùng người tay teo rằng: Hãy giơ tay ra. Người liền giơ tay, thì tay nầy cũng lành như tay kia.
14 Những người Pha-ri-si đi ra ngoài rồi, bàn với nhau, lập mưu đặng giết Ngài.

Lời ngỏ

Trên mạng truyền thông xã hội trong thời gian gần đây (khoảng vào tháng 1/2019) đã có nhiều phản ứng gay gắt, và nhiều lời bình luận không hay về một bức ảnh được cho là đã chụp tại trước cửa phòng cấp cứu của một bệnh viện, hay một trung tâm y tế tại Việt Nam. Tấm ảnh chụp rõ nét tấm bảng viết bằng tiếng Việt hàng chữ “hết giờ cấp cứu”. Trong khi bên trong phòng cấp cứu đèn sáng, nhưng cửa ra vào đã đóng kín, và cửa hàng rào bảo vệ bên ngoài được kéo chặt.

Cho dù có thể quy mô và quy định của trung tâm y tế hay bệnh viện này được phép có giờ nghỉ giữa đêm khuya đi nữa, nhưng nếu đã gọi là “cấp cứu” tại trung tâm y tế hay bệnh viện thì đều liên quan đến đạo đức nghề nghiệp là cứu người lúc khẩn cấp. Vì đã gọi là Phòng cấp cứu thì phải luôn mở cửa 24/24 giờ suốt 7 ngày trong tuần; và phải có người túc trực dù chỉ là một người trong thời gian hoạt động. Dù Phòng cấp cứu có mô hình rất nhỏ đi nữa và chỉ là sơ cấp cứu, tức căn bản nhất của việc cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp, thì cũng không nên để như vậy. Ít ra cũng có đường dây nóng liên lạc để có thể hỗ trợ, giúp đỡ nào đó trong tình huống quá cấp bách.
Câu chuyện được đọc trong đoạn Kinh Thánh hôm nay có liên quan đến câu chuyện trước đó khi những người theo phái Pha-ri-si trong Do Thái giáo đang bắt bẻ những môn đồ của Chúa Giê-xu về việc bứt bông lúa mì trên đường đi, vì họ kể đó là phạm vào những việc không được phép làm trong ngày sa-bát, tức là ngày nghỉ.

1. Đức tin không hề do dự

Đức Chúa Giê-xu dù biết rõ những người Pha-ri-si cố ý hỏi để thử Ngài nhằm mục tiêu tìm chứng cớ cáo gian Ngài; nhưng Ngài vẫn không hề sợ hãi trước mưu đồ của họ. Chúa vẫn luôn giữ vững sứ mạng cứu rỗi con người cả về phương diện thuộc linh trong việc cứu rỗi linh hồn cùng việc cứu rỗi thân thể khỏi bệnh tật. Cụ thể trong phân đoạn này những kẻ mưu mô đặt ra câu hỏi với ý thách thức Chúa Giê-xu là có nên chữa lành cho người bị bệnh tật rất nặng ngay trong nhà hội vào ngày nghỉ Sa-bát hay không? Chúng ta không biết là người bị teo tay do bị bệnh bẩm sinh hay bệnh liên quan đến vi-rút độc hại nào đó; và cũng không thể biết người này tự bản thân bước vào trong nhà hội bởi hay là do những người Pha-ri-si sắp xếp dẫn vào trước đó để thử phản ứng của Chúa với mưu đồ cáo gian Ngài phạm luật ngày Sa-bát.

Nhưng trước mắt Chúa Giê-xu thì người bị teo tay này thật đáng thương cả về thuộc thể vì bị tật nguyền, về tâm hồn thì bị những kẻ âm mưu lợi dụng, về tâm linh bị hư mất trong tội lỗi. Và Chúa Giê-xu miêu tả người ấy giống như con chiên bị rơi vào hầm hố do ai đó đào sẵn, hay vô ý mà rớt vào không thể tự ra được. Là Đấng Cứu Thế thì Chúa Giê-xu không do dự dù Ngài đang là đối tượng chính bị rình rập và bị giăng bẫy. Ngài đã tìm cách cứu người teo tay này ra khỏi cả ba phương diện trên. Ngài đã bênh vực người này khi ví sánh ông cũng là con chiên đáng thương đang bị nạn, vì vậy cần phải tích cực và bắt buộc phải giải cứu. Và Ngài còn nâng cao giá trị lên rằng con cái Chúa, những con chiên thuộc linh của Ngài thì luôn có giá trị cao quý trước mặt Chúa; nên việc giải cứu là đương nhiên, không nên do dự.

Vì thế, Đức Chúa Giê-xu đã không hề ngại ngần chữa lành người bị teo tay. Ngài hướng về người teo tay và ra lệnh: “hãy giơ tay ra”. Đối với người đã bị teo tay, như thể đã bị cụt tay mà bảo giơ tay ra thì có phải quá vô lý hay không? Nếu bình thường thì có lẽ đã đụng chạm lòng tự ái hay chạm vào nỗi đau của người đang bị tật này. Nhưng tại đây, Chúa muốn chính người bị tật bệnh này phải thể hiện đức tin chân thật của mình ra trước mặt Chúa và mọi người ngay giữa nhà hội. Người đó phải thật sự có đức tin thật thì mới có thể loại bỏ mặc cảm bệnh tật trong thân thể, nổi sợ hãi phải làm theo sự sai khiến của những người Pha-ri-si, và nhất là thừa nhận tâm linh mình cần tin vào lời quyền năng và sự chữa lành của Chúa Giê-xu.

Đó là cơ hội tốt để thể hiện và bày tỏ niềm tin cách cá nhân với Chúa. Qua đó sự hồi phục và chữa lành được đâm rễ, đâm chồi, nảy lộc nhanh chóng. Dù đó là phép lạ đối với con người, nhưng đó là quyền năng của Chúa bày tỏ trên người thật sự có đức tin trong lòng và xưng ra ngoài miệng hay hành động cụ thể theo mạng lệnh của Chúa. 

2. Ngày nghỉ thánh và việc lành

Điều quan trọng hơn trong phân đoạn Kinh thánh này là Đức Chúa Giê-xu nói đến một nguyên lý quan trọng đã bị những người Pha-ri-si hiểu lầm và họ đã triển khai thành những luật lệ truyền thống theo truyền khẩu quá xa rời với mục tiêu của Chúa đặt ra về Ngày Sa-bát, là ngày nghỉ. Bài học kỳ trước trong Ma-thi-ơ 12:8 chúng ta đã xem xét cách chi tiết về mục tiêu và những điều cần làm trong Ngày Sa-bát là Ngày thánh rất tuyệt vời của Chúa dành cho thế giới và con người.

Còn trong phần bài học hôm nay chúng ta chỉ xét rằng trong ngày nghỉ Sa-bát thì ngoài việc thờ phượng, ngợi khen Chúa nơi đền thánh của Chúa thì đối với con người với nhau cần làm những công việc lành gì theo ý muốn của Chúa. Tại đây, việc lành được Chúa đề cập đến là những việc làm liên quan đến việc cấp cứu hay chữa trị những bệnh tật trong thân thể; hay những việc an ủi, khích lệ, khuyên bảo để giải quyết những vấn đề ưu tư và vướng mắc trong tâm hồn; cùng những việc sẵn sàng ra đi tìm và cứu những linh hồn đang bị đùa vào chốn tối tăm, hư mất.

Trong ngày thánh nhật, nếu bắt đầu tại Hội thánh Chúa thì chúng ta là con cái Chúa có thể bắt đầu bằng việc ngợi khen, thờ phượng Chúa trước, sau đó sẽ thi hành những việc lành liên quan đến việc phục vụ, việc giúp đỡ người khác trong cộng đồng và ngoài xã hội. Và ngược lại, những nơi như bệnh viện, nơi trung tâm phục vụ cộng đồng và xã hội thì có thể có những chương trình hỗ trợ khám chữa bệnh, tư vấn miễn phí; qua cơ hội đó mời gọi những người này đến dự và tham gia chương trình ngợi khen, thờ phượng Chúa. Đây là cách tiếp cận nhẹ nhàng với những chương trình làm quen, làm chứng, hay nghe sứ điệp truyền giảng Tin Lành.

Một số con cái Chúa, nhất là các tân tín hữu mới tin và theo Chúa Giê-xu, cảm thấy rất phân vân và hay bị do dự mà lung lay đức tin, không dám can đảm để tuyên bố niềm tin chân thật của mình khi nhiều bạn bè, người thân chưa tin Chúa nói vào nói ra, nói nặng nói nhẹ với những lời phê bình gay gắt. Chẳng hạn như trong ngày nghỉ cuối tuần, nhất là ngày Chúa nhật người tin Chúa cần đi nhà thờ, nhóm họp, thờ phượng và phục vụ nhiều công tác trong hội thánh. Nhiều người mới tin Chúa cũng biết rằng làm những điều này rất là ích lợi trong nhiều phương diện là nghỉ ngơi và hồi phục sức về sức khỏe trong thân thể xác thịt, bên cạnh đó được bổ sức mới trong tâm linh. Nhưng trước sự phê phán của người xung quanh khiến cho nhiều tân tín hữu ái ngại và không mạnh dạn giữ và làm điều tốt lành. Còn bạn thì như thế nào?

Dù thế nào đi nữa thì mục tiêu chính của Chúa Giê-xu khi đến thế gian là để giảng dạy phúc âm và thi hành công tác cứu rỗi nên Ngài làm trong mọi hoàn cảnh. Cũng vậy, mục tiêu mà chúng ta là con cái Chúa nhận được sứ mạng ấy nên cần phải sống và làm như Chúa Giê-xu. Tức là, chúng ta trong thuận cảnh hay nghịch cảnh thì luôn giữ lòng trung tín trong sự làm việc lành và giúp đỡ người khác. Hiển nhiên, chúng ta đã được Chúa cứu rỗi và nhận sứ mạng từ Chúa mà sốt sắng làm điều thiện, làm những công việc lành. Những việc lành này chúng ta làm như là kết quả tốt của đời sống được kinh nghiệm sự cứu rỗi từ Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, nguyện xin Chúa cho chúng con tấm lòng nhân ái và sự can đảm hơn để cứu giúp nhiều người trong sự khốn khó họ gặp; nhất là đưa họ đến đền thánh Chúa, giúp họ nhận được sự chữa lành thân thể và cứu rỗi linh hồn từ nơi Chúa. Nguyện xin Chúa cho nhiều người đang ở trong hoàn cảnh đau bệnh trong thân thể, đau khổ trong tâm hồn và xót xa trong tâm linh sẵn sàng tự tìm đến Chúa nơi nhà Ngài hay nhờ những người thân mà đến. Cầu xin Chúa cho họ được gặp Chúa mà được chữa lành, hồi phục, và kinh nghiệm sự cứu rỗi. Xin Chúa sai phái và sử dụng các tôi con Chúa để học và sống giống Chúa Giê-xu. Xin ban quyền năng, sức mạnh thuộc linh của sự cầu nguyện của con cái Chúa để có thể chữa lành và đem đến sự cứu rỗi cho những người có đức tin nơi chính danh Chúa Giê-xu. Cảm tạ Chúa, nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa