Giăng | Chúa Giê-xu Khóc
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Theo triết học Hy Lạp thì các vị thần của họ hoàn toàn không có cảm xúc vì nếu có cảm xúc vui, buồn, hạnh phúc hay đau khổ thì sẽ bị ảnh hưởng bởi con người. Quan điểm triết học Á Đông cũng tương tự. Nhất là trong Phật giáo thì con người không nên để “hỉ, nộ, ái, ố” chi phối cũng như trong Nho giáo luôn nhấn mạnh nam tử không được khóc để chứng tỏ mình là bậc anh dũng, kiên cường.
Tuy nhiên, niềm tin Cơ đốc giáo thì khác. Đức Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời khi mang lấy thân thể con người ở trên đất này thì Ngài có đầy đủ cảm xúc của một con người để cảm thương mọi nỗi đau của con người. Trong Tin Lành Giăng 11:28-36 bày tỏ những cảm xúc ấy của Chúa Giê-xu. Ngài đã “đau lòng cảm động” và Ngài thật sự đã “khóc”. Chúng ta sẽ cùng suy ngẫm trong giờ tĩnh nguyện hôm nay với chủ đề CHÚA GIÊ-XU KHÓC.
28 Người nói xong, liền về, lén kêu em là Ma-ri, mà rằng: Thầy ở đằng kia, đang gọi em lại.
29 Ma-ri vừa nghe mấy lời, vội vàng đứng dậy đến cùng Ngài.
30 Vả, Đức Chúa Giê-su chưa vào trong làng, nhưng còn đứng nơi Ma-thê đến đón Ngài.
31 Khi những người Giu-đa đang ở trong nhà với Ma-ri và yên ủi người, thấy người đứng dậy đi ra vội vả như vậy, thì theo sau, vì nghĩ rằng người đến mộ đặng khóc.
32 Nhưng Ma-ri, lúc đã tới nơi Đức Chúa Giê-su đứng, vừa thấy Ngài, thì sấp mình xuống chân Ngài mà nói rằng: Lạy Chúa, nếu có Chúa đây, thì anh tôi không chết!
33 Đức Chúa Giê-su thấy người khóc, và những người Giu-đa đi với người cũng khóc, bèn đau lòng cảm động mà phán rằng: Các ngươi đã chôn người ở đâu?
34 Chúng thưa rằng: Lạy Chúa, xin hãy lại coi.
35 Đức Chúa Giê-su khóc.
36 Người Giu-đa bèn nói rằng: Kìa, người yêu La-xa-rơ là dường nào!
Giải thích
Trước tiên Ngài đã “đau lòng cảm động” khi thấy Ma-ri, Ma-thê cùng những người xung quanh đổ nước mắt vì sự ra đi đột ngột của người thân là La-xa-rơ. Động từ “đau lòng cảm động” là từ “embrimaomai” (ἐμβριμάομαι) trong tiếng Hy Lạp. Từ này có nghĩa là “cảm động sâu xa trong lòng” và có một bản dịch khác thể hiện sắc thái và hành động của Chúa là “Ngài bị xúc động đến run cả người”. Điều này cho thấy, Chúa Giê-xu đã thật sự cảm thông nỗi đau khổ của người thân và những người xung quanh đến mức bật lên tiếng khóc nấc xuất phát từ thâm tâm của Ngài.
Thật vậy Chúa Giê-xu đã đi sâu vào tận đáy lòng của những người đang đau thương này đến độ như chính Ngài gánh lấy sự đau đớn ấy. Còn điều gì hơn để chúng ta không cảm kích và hoàn toàn phó thác cuộc đời mình cho Chúa khi Ngài có tấm lòng rung động, cảm thông nỗi đau buồn của chúng ta như thế.
Sau đó, họ dẫn Chúa đến nơi phần mộ của La-xa-rơ thì chính Ngài cũng đã khóc, nước mắt Ngài thật đã rơi. Những người xung quanh cảm nhận hành động đau thương rung cả người và bật ra tiếng khóc là hành động của tình yêu chân thật. Qua đây, chúng ta có hiểu thêm về ý nghĩa của việc Chúa Giê-xu đã khóc.
Thứ nhất, Chúa Giê-xu thật sự mang nhân tính trọn vẹn vì Ngài cũng cảm nhận nỗi đau như bao con người, và việc Chúa khóc bày tỏ nỗi lòng cảm thương từ bên trong ra bên ngoài. Ngài thật đã khóc với kẻ khóc để đồng cảm với họ.
Thứ hai, Chúa Giê-xu khóc vì Ngài thấy sự thiếu đức tin của gia đình Ma-ri, Ma-thê. Họ đã xưng nhận Ngài là Đấng Mê-si, là Con Đức Chúa Trời hằng sống, họ cũng được Chúa dạy trước đây về sự sống lại (Giăng 11:24, 27), nhưng họ chưa biến niềm tin ấy thành hiện thực trong bối cảnh thực tế của cuộc sống.
Thứ ba, Chúa Giê-xu khóc vì Ngài biết sự chết do bệnh tật và hậu quả từ gốc rễ tội lỗi của con người đã khiến con người bất toàn thế nào. Qua sự đau thương thấu đến tận đáy lòng đó mà Chúa Giê-xu phải cậy quyền năng Đức Chúa Trời để bày tỏ sự thương xót của Ngài.
Vì thế, Đức Chúa Giê-xu đã gọi La-xa-rơ sống lại và sống thêm một thời gian nữa cùng gia đình. Đây là điều bày tỏ Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời toàn năng, tể trị trên cả sự chết và sự sống của con người.
Chúa Giê-xu không chỉ cảm thương nỗi đau của con người mà thôi, nhưng Ngài còn bày tỏ sự thương xót để giải cứu chúng ta khỏi sự nan giải và bế tắc của vấn đề là tội lỗi. Những giọt nước mắt của Chúa Giê-xu bày tỏ Ngài thật cảm thông sự đau khổ của con người phải chết vì cớ tội lỗi, vì thế nên Ngài đã tự nguyện mang mọi nỗi đau thương đó và đã chết thay cho chúng ta. Và hiện nay Chúa Giê-xu đang ngồi bên hữu Ngai Đức Chúa Cha để cầu thay cho sự yếu đuối của chúng ta.
Vậy thì quý vị và các bạn thân mến, còn điều gì ngăn trở để chúng ta không nương cậy và phó thác cuộc đời mình cho Chúa Giê-xu?
Cầu nguyện
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài! Chúa Giê-xu thật sự là Cứu Chúa của cuộc đời con, Ngài đã giải cứu con cả phần thân thể, tâm hồn và linh hồn. Lạy Chúa, trên đất này con cũng kinh nghiệm được sự thương xót, được nếm vị ngọt của thiên đàng là nơi chúng con sẽ được đến. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
TGV
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét