Rô-ma | Chết Về Tội Lỗi
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em thân mến! Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn không quên bộ phim truyền hình với tựa đề “Nô Tỳ Isaura” của Brazil được trình chiếu ở Việt Nam vào khoảng đầu thập niên 80. Bộ phim chủ đề nô lệ này được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bernardo Guimarães với câu chuyện xoay quanh cuộc đời và hành trình gian khổ giải phóng bản thân khỏi kiếp nô lệ của cô gái da màu Isaura. Phim này không chỉ tạo tiếng vang trong ngành điện ảnh truyền hình về mặt nghệ thuật mà còn phản ảnh rất thực tế đời sống khắc khoải của những người nô lệ cần được sống, tự do, công bằng, yêu thương và hạnh phúc. Bởi chế độ nô lệ từ thời cổ đại kéo dài dai dẳng trong nhiều thế kỷ như một tảng đá đè nặng lên thân phận những con người khốn khổ ấy. Cho đến tận thập niên 60 thế kỷ thứ hai mươi, sau nhiều lần tranh đấu thì tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã chính thức tuyên bố xóa bỏ chế độ nô lệ trong bản hiến pháp Hoa Kỳ vào năm 1965, từ đó mọi luật định về chế độ nô lệ đã không còn có thẩm quyền gì trên những người nô lệ và họ hoàn toàn được giải phóng.
Về phương diện thuộc linh cũng vậy, con người chúng ta cũng đã được giải phóng khỏi ách tội lỗi từ A-đam di truyền kể từ khi Chúa Giê-xu chịu chết vì chúng ta trên thập tự giá. Điều này Kinh Thánh trong Rô-ma 6:1-7 gọi là CHẾT VỀ TỘI LỖI mà chúng ta sẽ cùng suy ngẫm trong giờ tĩnh nguyện hôm nay.
1 Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển được dư dật chăng?
2 Chẳng hề như vậy! Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa?
3 Hay là, anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp-têm trong Đức Chúa Jêsus Christ, tức là chịu phép báp-têm trong sự chết Ngài sao?
4 Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.
5 Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau:
6 Vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa.
7 Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi.
Giải thích
Chủ đề chính của sách Rô-ma là giáo lý xưng công bình bởi đức tin. Từ đoạn 6 nhấn mạnh đến đời sống thực tế của sự công bình này, đó là sự trưởng thành thuộc linh và năng lực đắc thắng cám dỗ. Trước khi đào sâu vào phần nội dung Kinh Thánh hôm nay, chúng ta cần hiểu một số khái niệm sau.
Khi nói “ở trong tội lỗi” chúng ta thường được giải thích là vẫn còn phạm tội, vẫn dễ dàng bị cám dỗ, hoặc ngược lại “chết về tội lỗi” nghĩa là đã chiến thắng được tội lỗi, hoặc không còn bị ảnh hưởng bởi tội lỗi nữa. Vậy theo như cách giải thích này, nếu “tội” là những điều chúng ta phạm phải, thì cách duy nhất để chúng ta “chết về tội lỗi” là thân xác này phải chết đi thì mới không còn có thể phạm tội được. Chúng ta ai cũng biết điều này không thể xảy ra trong thực tế được. Nhưng thực ra tội không chỉ là hành động phạm tội mà bản chất tội lỗi vẫn ở trong chúng ta dù chẳng hề phạm một điều lầm lỗi nào. Theo Ê-xê-chi-ên 18:20 cảnh báo “linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết”, vậy thì “phạm tội” cũng đồng nghĩa với “chết”, thế thì công việc cứu rỗi tội nhân của Chúa Giê-xu Christ trở nên vô ích hay sao?
Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cần phải hiểu trọng tâm của Phúc Âm không phải là chỉ giải quyết những “tội lỗi” chúng ta phạm trong cuộc sống, nhưng là giải quyết “bản chất tội lỗi”, là tình trạng thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và “giải phóng con người” khỏi sự hình phạt của tội lỗi, có nghĩa là “chết về tội lỗi” như phần Kinh Thánh hôm nay trong Rô-ma 6 đề cập.
Khi nói: “Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa?” (câu 2) không phải là Phao-lô hỏi tại sao chúng ta vẫn còn tiếp tục phạm tội, nhưng đây là một sự công bố rằng hình phạt của tội lỗi không còn có quyền trên những người tin Chúa Giê-xu nên chúng ta không còn ở dưới quyền lực của tội lỗi nữa. Tức là “bản chất tội lỗi” không còn, mặc dù khả năng phạm tội vẫn còn đó, và sự vấp phạm vẫn thường xảy ra nhưng chúng ta không còn là nô lệ cho tội lỗi nữa.
Lý do Cơ Đốc nhân biết rằng mình đã “chết về tội lỗi” là vì “chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài” (câu 4) có nghĩa là sự chết của Chúa Giê-xu là giá trả để mọi tội lỗi của chúng ta được thứ tha, để giải phóng con người khỏi địa vị tội lỗi và ban cho địa vị công bình. Khi chịu phép báp-têm, tức là chúng ta được liên hiệp với Chúa Cứu Thế, để chết về tội lỗi một lần và mãi mãi. Chúng ta không còn ở dưới chịu sự kiểm soát của tội lỗi nữa, giống như người nô lệ được giải phóng để được địa vị của người tự do.
Kính thưa quý anh chị em, nếu chúng ta tìm cách để chết về những sự vi phạm hoặc thoát khỏi tội lỗi bằng cách chiến đấu với những sự cám dỗ, thì chúng ta chiến đấu cách vô vọng, nhưng nếu chúng ta cậy nơi lời hứa của Chúa về sự liên hiệp với Đấng Christ, thì sự chết của Ngài là của chúng ta và bởi sự sống của Ngài ban cho mà chúng ta được sự đắc thắng.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Cảm ơn Ngài vì sự liên hiệp với Chúa trong sự chết và đồng chôn với Ngài mà chúng con được giải thoát khỏi tội lỗi, giờ đây chúng con đã “chết về tội lỗi” vì thế chúng con không còn phải vùng vẫy để thoát khỏi tình trạng tội lỗi của mình nữa mà chúng con đã ở trong địa vị mới, là người công bình ở trước mặt Ngài và chúng con tự do để sống cuộc đời mới ở trong Chúa Giê-xu. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét