Truyền Đạo | Sống Giữa Sự Ganh Đua

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maGia-cơ

Lời ngỏ

Thưa quý anh chị em! Dường như hầu hết những tiến triển của nhân loại đều xuất phát từ sự ganh đua giữa nước này với nước khác, ở phương diện thấp hơn là giữa cộng đồng này với cộng đồng khác hay giữa người này với người khác. Sự ganh đua là động cơ để người ta tìm kiếm những phát kiến mới lạ, hữu ích cho nhân loại, khiến người ta xem mình là người chiến thắng. Liệu được trở thành một cường quốc hạt nhân trên thế giới có hữu ích cho nhân loại hay không có lẽ tự trong thâm tâm chúng ta đã có câu trả lời, nhưng phải chăng trong cuộc chạy đua để được làm cường quốc hạt nhân của một số nước trên toàn cầu, chúng ta đã thấy ít nhiều những gì vua Sa-lô-môn nói trong sách Truyền Đạo 4:4-6.

4 Ta nhận thấy con người làm việc với mọi lao khổ và tài năng, chỉ vì muốn ganh đua giữa người nầy với kẻ khác mà thôi. Điều nầy cũng là sự hư không, theo luồng gió thổi.
5 Kẻ ngu dại khoanh tay lười biếng, tự hủy hoại chính mình.
6 Thà đầy một lòng bàn tay mà được thư thái còn hơn là đầy cả hai bàn tay mà phải lao khổ, và chạy theo luồng gió thổi.

Giải thích

Thật vậy, giữa cuộc chạy đua vũ trang của nhân loại hay cuộc chinh phục của khoa học vào không gian, cuộc khám phá trong thế giới tin học, sự chinh phục lòng đất, lòng biển hoặc đi tìm ra nguồn gốc của sự sống trong cơ thể con người thì sự ganh đua tài năng đã đóng góp một phần rất lớn. Sự ganh đua đó có khi đã thúc đẩy người ta làm những việc như tổ chức ăn cắp tài sản trí tuệ của những nước tân tiến qua các gián điệp, các loại hacker tấn công vào mạng lưới thông tin của đối phương… và cuối cùng Sa-lô-môn khôn ngoan kết luận rằng đó cũng là một điều chẳng đem lại lợi ích gì. Tất cả rồi sẽ cuốn theo gió bụi của thời gian.

Thế nhưng phải chăng không dự phần vào những cuộc ganh đua ấy là thái độ của kẻ ngu dại, khoanh tay lười biếng, tự hủy hoại chính mình? Nếu thế thì một nước nhược tiểu, nghèo và yếu thế cả về kinh tế lẫn chính trị, vậy thì trước mắt nước ấy phải tính tới việc đất nước mình sẽ bị nuốt mất bởi một cường quốc, sẽ bị lệ thuộc họ cả về chính trị lẫn kinh tế là một điều không thể nào tránh khỏi? Công ty tôi nếu không làm giống như những công ty khác thì một thời gian sau sẽ bị phá sản hoặc bị nuốt mất bởi họ… Những con cá lớn lúc nào cũng có thể rình mò để nuốt những con cá bé.

Vì vậy, nhân loại như bị buộc vào những thứ định luật đẩy họ vào một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ. Ai có thể hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình? Có lẽ cũng không thiếu những người hài lòng với hoàn cảnh và sống với quan điểm “thà đầy một lòng bàn tay mà được thư thái, còn hơn đầy cả hai bàn tay mà phải lao khổ” như điều Sa-lô-môn nói ở đây.

Thái độ thanh thản đó dĩ nhiên không phải lúc nào cũng được người ta phấn khởi đón nhận. Bạn sẽ bị đào thải ngay nếu bạn không muốn dự phần vào các cuộc cạnh tranh. Mà bị đào thải còn có nghĩa là mất việc, mà mất công ăn việc làm là mất chỗ ở, mất miếng cơm. Nói như vậy không có nghĩa là không có phương cách để hài hòa, cân bằng trong cuộc sống. Không tham lam quá độ là cách để người ta có thể thấy cuộc đời ít nhiều được thư thái.

Vào thời của Giăng Báp-tít, thái độ của con người biết ăn năn tội mình còn là “ai có hai áo hãy chia cho người không có; ai có thức ăn cũng nên làm như vậy.” Những người thu thuế đến với Giăng để chịu báp-têm được dạy “đừng thu quá mức quy định”. Với những binh lính, Giăng bảo “đừng hăm dọa hoặc vu khống ai để tống tiền, nhưng hãy bằng lòng về đồng lương của mình” (Lu-ca 3:10-14).

Rồi khi Đức Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ, chúng ta thấy Ngài dạy dân chúng: “Chớ lo-lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó-nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” (Ma-thi-ơ 6:34). Với người quá giàu có, Ngài thách thức họ bỏ lại của cải để đi theo Ngài (Lu-ca 18:18-30). Việc tích trữ tiền của mà không lo nghĩ đến linh hồn, đến đời sau, thì Ngài kể là ngu dại (Lu-ca 12:20-21). Chúa Giê-xu đã dạy con người: “Hãy làm việc, không phải để được đồ-ăn hay hư-nát, mà vì đồ-ăn còn lại đến sự sống đời đời.” Chúa Giê-xu xác định đó là thứ mà chính Ngài sẽ ban cho (Giăng 6:27).

Vậy thì, bạn và tôi được Đức Chúa Giê-xu cho thấy một giá trị khác với những gì con người vẫn hay tìm kiếm để thỏa mãn cho cuộc sống tạm bợ, chóng qua này. Ngài mở mắt để chúng ta thấy có những điều chúng ta không thể mang theo vào cõi đời đời vinh hiển của Ngài. Bạn đang miệt mài với sự ganh đua để được hơn người, để đạt được những gì mình mong muốn có phải không? Mời bạn hãy dừng lại một khoảnh khắc để suy ngẫm cuộc đời ngắn ngủi và lao nhọc này. Trước cái vô hạn của sự sống vĩnh cửu mà Đức Chúa Giê-xu muốn trao tặng, nếu bạn tin vào sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, tôi mời gọi bạn mở lòng nhận lấy. Ngài sẽ cho bạn sự sống vĩnh cửu của Ngài với tất cả sự yên nghỉ, bình an trong đó.

Cầu nguyện

Lạy Cha ái từ! Con xin đến và nhận lấy một cuộc đời bình an, yên nghỉ trong sự cứu rỗi Cha ban cho qua sự hy sinh của Con Ngài trên thập tự giá vì con. Con tin rằng mọi ý nghĩa của cuộc đời bắt đầu từ lúc con nhận biết Ngài. Xin chớ để con thấy tay mình đầy mà cuộc đời quá lao khổ. Con không muốn chạy theo những gì hư không nữa. Xin kéo con vào trong phước hạnh của Chúa. Lạy Đấng chăn giữ linh hồn con, xin cho con thấy mình được an nghỉ trong đồng cỏ xanh tươi và mé nước bình tịnh của Cha. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.

Ân Điển

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa