Giăng | Sự Bình An Thật

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maGia-cơ

Lời ngỏ

Cơ Đốc nhân có lẽ đã quen thuộc với hai từ “bình an”, ngôn từ này vốn được sử dụng trong lời chào của người Do Thái. “Bình an” trong tiếng Do Thái là “shalom (שָׁלוֹם)” mang ý nghĩa là sự yên ổn, lành mạnh, an khang trong cuộc sống của cá nhân cũng như trong cộng đồng. Cho nên, ý nghĩa “shalom” cũng được dùng nhiều trong lời chào của người Việt chẳng hạn như “bạn khỏe không?”, “cuộc sống yên lành không?” hay trong lời chúc “chúc anh/chị vui vẻ, hạnh phúc”…

Tuy nhiên, sự “bình an” không chỉ có ý nghĩa như thế mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa khác nữa. Lời Kinh Thánh trong Tin Lành Giăng 14:25-28 cho chúng ta thấy một ý nghĩa sâu nhiệm hơn, và đó là SỰ BÌNH AN THẬT mà Chúa Giê-xu muốn ban cho con cái của Ngài.

25 Ta đã nói những điều đó với các ngươi đang khi ta còn ở cùng các ngươi.
26 Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi.
27 Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.
28 Các ngươi từng nghe ta nói rằng: Ta đi, và ta trở lại cùng các ngươi. Nếu các ngươi yêu mến ta, thì sẽ vui mừng về điều ta đi đến cùng Cha, bởi vì Cha tôn trọng hơn ta.

Giải thích

Trong phân đoạn này có đề cập đến ngôn từ “bình an” trong tiếng Hy Lạp là ‘εἰρήνη/eiréné’ (câu 27).

Trước nhất, đây là ngôn từ chỉ về trạng thái yên tĩnh trong một tình trạng được bảo vệ an toàn. Đối với Cơ Đốc nhân thì đó là tình trạng yên tĩnh của linh hồn được đảm bảo về sự cứu rỗi nhờ tin vào Đấng Christ, và khi ấy con cái Chúa không còn sợ hãi một Đức Chúa Trời theo quan niệm cố hữu là Đấng chỉ đoán xét và hình phạt con người mà có sự an lòng khi nương cậy Chúa là Đấng cứu rỗi cuộc đời mình. Vì thế, người tin Chúa luôn đặt lòng yên tĩnh chờ đợi sự trở lại của Đấng Christ và sự biến đổi của muôn vật khi Ngài trở lại.

Thứ hai, “bình an” là điều được nhấn mạnh trong Phúc Âm cứu rỗi. Chính vì thế mà trong Kinh Thánh thường đề cập đến Tin Lành bình an, Đấng Christ là Đấng ban bình an, Đức Chúa Cha là Đức Chúa Trời bình an. Sự “bình an” này liên quan đến sự “hòa thuận” với Đức Chúa Trời và sự “hồi phục” tâm linh vì được giải cứu khỏi tội lỗi. Vì khi tâm linh có bình an thì mới cảm nhận được sự vui mừng và thỏa lòng về những ân điển và phước hạnh được ban cho tiếp theo. Cho nên, chỉ khi nào kinh nghiệm được sự bình an trong tâm linh thì từ đó mới có thể trải nghiệm được các ơn phước về tinh thần như vui mừng, thỏa lòng… hay là ơn phước thuộc thể là khỏe mạnh, no đủ, giàu có về vật chất được. Khi có sự bình an thuộc linh này thì Cơ Đốc nhân mới có sự can đảm, dạn dĩ đến ra mắt Chúa, chiêm ngưỡng vinh quang và diện mạo Ngài để có thể tương giao và thờ phượng Ngài. Còn nếu tâm linh bất an, linh hồn còn vướng với tội lỗi thì sẽ còn lo sợ, băn khoăn và không thấy thỏa lòng, bình an nhận được các phước hạnh Chúa ban cho.

Đức Chúa Giê-xu bày tỏ gương mẫu tốt lành về sự bình an mà Ngài ban cho những người tin Ngài. Trước hết, Chúa đã mang sự bình an này vào trong thế giới, và suốt thời gian Ngài ở trên đất, rồi Chúa Giê-xu cũng hứa để lại sự bình an này cho các môn đồ của Ngài trước khi Ngài hoàn tất chức vụ và chuẩn bị trở về Thiên đàng. Sự bình an theo lời hứa của Chúa Giê-xu đã thực sự thành tựu qua Đức Thánh Linh là Thần Yên Ủi, là Đấng biện hộ và bảo hộ chúng ta để tiếp tục chức vụ mà Chúa Giê-xu đã thi hành. Đức Thánh Linh là Đấng trực tiếp dạy dỗ và dẫn dắt chúng ta vào mọi lẽ thật mà Chúa Giê-xu đã từng dạy.

Nói tóm lại, có được sự “bình an (εἰρήνη, eiréné)” này không phải là chúng ta sẽ luôn suôn sẻ, hay không hề gặp rắc rối trong cuộc sống. Nhưng ngược lại, sự bình an từ Chúa Giê-xu ban cho và Đức Thánh Linh dẫn dắt cho con cái Chúa là sự bình an có từ bên trong tâm linh để sẵn sàng đương đầu với thực tế cam go của cuộc sống. Ngay trong nghịch cảnh vẫn bình an để đối diện và có sự khôn ngoan, bình tĩnh để đắc thắng. Không một hoàn cảnh hay thế lực nào từ thế gian có thể cướp lấy sự bình an của chúng ta được. Vì sự bình an này vượt trên hoàn cảnh bên ngoài, ngay cả trong những thách thức, tấn công tứ bề xung quanh. Khi chúng ta có được sự bình an ‘eiréné’ này thì chúng ta sẵn sàng để đối diện khó khăn mà không trốn chạy hay né tránh, trái lại càng biết nhờ cậy Thánh Linh và cầu xin Chúa Cha thêm sức để chịu đựng và vượt qua. Đó là điều mà Chúa Giê-xu đã trải qua thông qua sự thương khó của Ngài dù hết thảy mọi người bỏ Chúa thì Ngài vẫn bình an chịu đóng đinh trên thập tự giá cho đến chết.

Cầu xin Chúa ban cho từng người chúng ta sự bình an thật này, hầu cho chúng ta trải nghiệm sự bình an mầu nhiệm này trong suốt cuộc đời mình cho đến khi Chúa Giê-xu trở lại.

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa! Cảm tạ Chúa vì Ngài đã để lại sự bình an cho chúng con. Cầu xin Thánh Linh của Chúa là Đấng đang ngự trị trong tâm linh chúng con dẫn dắt và gia ơn để chúng con cảm nhận mạnh mẽ sự bình an này. Nhất là trong những ngày tháng này, thế giới đang đối diện với vô số điều khó khăn, hoạn nạn liên tục khiến cho nhiều con cái Chúa hoang mang, lo sợ đến mức ảnh hưởng đến đức tin của mình.

Nguyện sự bình an của Chúa ngày càng có hữu dụng đến tất cả con cái Chúa để chúng con vui mừng và biết rằng Ngài đang bảo hộ chúng con ngay giữa cơn hoạn nạn đang bủa vây tứ bề. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.

TGV

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa