I Cô-rinh-tô | Cuộc Đời Đổi Mới
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em thân mến!
Thế giới chúng ta đang sống luôn tồn tại song hành hai trạng thái trái ngược nhau, đó là cũ và mới. Trong thực tế, hầu hết mọi người đều muốn sở hữu và thụ hưởng những điều mới, chứ không mấy ai muốn cứ mãi sử dụng hoài những thứ đã cũ mòn theo thời gian.
Ngày nay, rất nhiều người hầu như chỉ tập trung vào mục tiêu trang bị những tiện nghi mới để cải thiện đời sống vật chất của bản thân, mà không nhận ra rằng sự đổi mới toàn diện về bản chất và tâm linh con người mới là điều tối quan trọng và cấp thiết nhất. Bài học hôm nay dựa trên sách I Cô-rinh-tô 1:1 giới thiệu về một cuộc đời được đổi mới cách diệu kỳ nhờ tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu.
“Phao-lô, theo ý Đức Chúa Trời, được gọi làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, cùng Sốt-then, anh em chúng ta…”
Giải thích
Sứ đồ Phao-lô đã thành lập Hội Thánh Cô-rinh-tô trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai của mình. Vài năm sau đó, khi đang ở thành Ê-phê-sô, ông đã viết bức thư này để giải đáp một số thắc mắc của Hội Thánh Cô-rinh-tô và hướng dẫn cho họ một số lẽ thật quan trọng. Mở đầu thư, ông giới thiệu tên mình là Phao-lô, được gọi làm sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu theo ý muốn Đức Chúa Trời. Chỉ với một câu tự giới thiệu ngắn gọn về bản thân nhưng đã lột tả cách súc tích về cuộc đời đã được đổi mới cách diệu kỳ của ông.
Về tên gọi: Phao-lô là tên tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nhỏ bé”. Trước khi tin Chúa, thì ông thường được gọi với tên tiếng Do Thái là Sau-lơ, có nghĩa là “cầu hỏi”. Ông là một người Pha-ri-si nhiệt thành và kịch liệt chống đối Đạo Chúa. Ông tích cực khơi gợi và làm người tiên phong bắt bớ Hội Thánh. Với sự sốt sắng trong Do Thái giáo, ông đã xin và thừa lệnh của giới lãnh đạo Do Thái giáo đi khắp nơi để bắt bỏ tù và dọa giết những người tin Chúa Giê-xu (Công vụ 8-9).
Nhưng bởi ân điển của Thiên Chúa, đang khi ông ở trên đường đi Đa-mách để bách hại Hội Thánh, thì Chúa Giê-xu đã hiện ra và bày tỏ chính Ngài cho ông. Liền sau đó, ông tin nhận Chúa và chịu báp-têm. Từ đây, cuộc đời của ông được thay đổi hoàn toàn. Ông không còn là Sau-lơ hung bạo và cao ngạo nữa mà trở thành Phao-lô nhân đức và khiêm nhường; không còn là Sau-lơ vô tín và phạm thượng nữa mà trở thành Phao-lô tin kính và trung thành; không còn là Sau-lơ bắt bớ Hội Thánh nữa, mà tự làm mình nên hèn mọn như chính ý nghĩa của tên Phao-lô để trở thành người đầy tớ trung tín rao giảng Tin Lành của Đức Chúa Giê-xu.
Gần cuối bức thư này, sứ đồ Phao-lô bộc bạch: “Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Đức Chúa Trời. Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi.” (I Cô-rinh-tô 15:9-10). Thật vậy, bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu, ông đã được Đức Thánh Linh đổi mới hoàn toàn từ tấm lòng lẫn cốt cách con người. Cuộc đời ông đã được thánh hóa và trở nên một ngọn đuốc chiếu sáng vẻ đẹp thiên thượng của Đức Chúa Trời giữa thế giới tối tăm.
Về chức vụ sứ đồ: Trong lời giới thiệu đầu thư, ông Phao-lô giới thiệu mình được gọi làm sứ đồ của Chúa Giê-xu theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Chữ “sứ đồ” trong nguyên ngữ có nghĩa là “người được sai đi với một sứ mệnh”. Ở đây ông tuyên bố chính Đức Chúa Trời đã chọn ông làm sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu để sai phái ông đi rao giảng Tin Lành của nước Trời. Có ít nhất hai lần, sách Công vụ đã ghi lại sự kiện Chúa kêu gọi ông bước vào chức vụ sứ đồ. Lần thứ nhất là khi ông mới trở lại Đạo và đang ở thành Đa-mách (Công vụ 9:15). Lần thứ hai là khi ông đang ở tại thành An-ti-ốt (Công vụ 13:1-3).
Cả đời mình, sứ đồ Phao-lô xem mọi danh lợi ở đời như rơm rác vì sự nhận biết Đấng Christ là quý hơn hết (Phi-líp 3:8). Ông chỉ có một mục đích duy nhất để theo đuổi là tận hiến mình cho Tin Lành của Đức Chúa Trời (Phi-líp 3:14) dẫu phải chịu nhiều đau đớn hay thậm chí hy sinh mạng sống. Trong II Cô-rinh-tô 11:22-29, ông kể về những khốn khổ mình đã trải qua khi thi hành chức sứ đồ: “…năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ…”
Trong lời giới thiệu, sứ đồ Phao-lô có nhắc đến một người bạn đồng lao của mình là ông Sốt-then. Trong Công vụ 18:17, ông Sốt-then được giới thiệu là chủ nhà hội tại thành Cô-rinh-tô. Sau khi tin Chúa, ông phải trả giá cho đức tin mình bằng một trận đòn thù của những người Giu-đa, khi họ không kiện được sứ đồ Phao-lô nơi tòa án của quan trấn thủ Ga-li-ôn. Tuy Kinh Thánh không nhắc nhiều đến Sốt-then, nhưng sau khi được đổi mới bởi Phúc Âm của Chúa Giê-xu, có lẽ ông đã trở nên một nhân sự hầu việc Chúa đồng công với sứ đồ Phao-lô.
Bạn thân mến! Cuộc đời của sứ đồ Phao-lô và ông Sốt-then đã hoàn toàn được đổi mới sau khi họ gặp và tin nhận Chúa Giê-xu. Còn bạn, bạn có muốn nếm biết một đời sống mới tuyệt vời như hai người ấy đã từng trải nghiệm không? Hãy đến với Chúa Giê-xu và tin nhận Ngài làm Cứu Chúa. Lời Chúa phán: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17). Trong Chúa Giê-xu, bạn sẽ kinh nghiệm một cuộc đời mới thật sung mãn và ý nghĩa.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa Giê-xu! Con cảm tạ Ngài vì Ngài đã yêu thương con và có một kế hoạch tốt lành cho cuộc đời con. Ngài là Cứu Chúa đời con và con thuộc về Ngài. Xin đổi mới con mỗi ngày để con càng trở nên giống Chúa hơn. Con nguyện làm một tôi tớ trung tín theo ơn sai gọi của Ngài. Con thành kính cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen!
NPH
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét