Truyền Đạo | Hãy Dằn Cơn Giận

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maGia-cơ

Lời ngỏ

Chúng ta thường có cảm xúc nóng giận khi có một việc bất bình xảy ra cho mình, hoặc cho những người xung quanh, những điều gây tổn thương, sỉ nhục, thường làm chúng ta tức giận. Nóng giận được xem như là một phản ứng thông thường nơi con người và cho dù nguyên do là thế nào, cách hành xử của chúng ta trong khi nóng giận luôn luôn gây ra những thiệt hại không thể lường trước được. Nóng giận có thể khiến chúng ta nói những lời thóa mạ xúc phạm, gây tổn thương, sỉ nhục đối phương. Nóng giận có thể khiến chúng ta hành động nông nổi, thiếu suy xét, cắt bỏ các mối quan hệ, khước từ yêu thương. Nóng giận có thể khiến chúng ta lên tay, hạ chân với người làm chúng ta nổi giận. Nóng giận đôi khi dẫn đến việc hủy hoại bản thân, gia đình, bằng hữu, những người chung quanh. Và cuối cùng, nóng giận có khi xảy đến cả việc giết người. Vì nhiều tác hại gây ra do nóng giận, tác giả của sách Truyền Đạo 7:9 viết rằng:

“Đừng vội để cho lòng mình nổi giận, Vì cơn giận nằm sẵn trong bụng kẻ ngu dại.” (KTB TTHĐ)

Giải thích

Không để cho lòng mình nổi giận hay kiềm chế cơn giận của mình không phải là việc dễ làm. Bởi chúng ta là con người nên luôn sống cho xúc cảm của mình. Giận vì việc nghĩa hay còn gọi là nghĩa nộ như cơn giận của Đức Chúa Giê-xu khi vào nhà Cha Ngài và thấy những người buôn bán và đổi bạc ở sân đền thờ, biến nơi đó thành “hang trộm cướp” (Mác 11:15-17) và Ngài đã ra tay dẹp cái ổ trộm cướp ấy, cơn giận ấy không thể dừng lại được! Lạ thay, Đấng vì nghĩa nộ đổ cơn nóng giận của Ngài ra cuồng nhiệt vì tấm lòng Ngài đối với Cha thiên thượng, cũng chính là Đấng dạy môn đệ của Ngài rằng: “Các con đã nghe lời phán dạy cho người xưa rằng: Chớ giết người; nếu ai giết người thì phải bị tòa án xét xử. Nhưng Ta bảo các con: Ai giận anh em mình cũng đáng bị tòa án xét xử.” (Ma-thi-ơ 5:21-22). Nóng giận đối với con người xác thịt là điều luôn luôn phải tránh, bởi nếu không, nóng giận sẽ dẫn đến những việc làm “giết người”. Chúng ta có thể giết người khi chối bỏ sự hiện diện của người đó, khi vì căm giận mà khước từ tình yêu đối với họ, khi tìm cách hại người đó, bôi nhọ họ hoặc bằng lời nói xấu, vu cáo… chứ không phải chỉ là việc cầm dao hoặc cầm súng để giết họ.

Khi nói “cơn giận nằm sẵn trong lòng của kẻ ngu dại” phải chăng muốn nói lên rằng tất cả những hành động của chúng ta trong lúc giận dữ đều không sáng suốt, đều gây hại không phải chỉ cho người làm chúng ta giận dữ mà còn thiệt hại cho chính bản thân chúng ta. Một người bình thường rất khôn ngoan nhưng khi nóng giận có thể điên cuồng làm hỏng tất cả mọi công trình mà họ đã đắp xây bấy lâu nay trong phút chốc. Một cơn giận khi không nguôi và được nuôi dưỡng qua đêm có thể có sức tàn phá không thể tưởng tượng được, cho nên ông Phao-lô khuyên anh chị em tín hữu ở Ê-phê-sô rằng: Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma-quỉ nhân dịp.” (Ê-phê-sô 4:26-27). Ma quỷ nhân cơn giận kéo dài của một người để xen vào làm công việc hủy hoại các mối quan hệ của chúng ta một cách độc ác hơn, hiệu quả hơn. Mối bất hòa giữa anh chị em mặt khác còn cản trở phước hạnh khi chúng ta tương thông với Chúa. Bởi thế Đức Chúa Giê-xu dạy: Khi con đem lễ vật dâng nơi bàn thờ mà chợt nhớ người anh em mình đang có điều gì nghịch với mình, hãy để lễ vật trước bàn thờ, trở về giải hòa với anh em trước đã, rồi hãy đến dâng tế lễ.” (Ma-thi-ơ 5:23-24). Phần với Chúa đã thông rồi, nhưng mối quan hệ với nhau cũng phải được thông. Trong bài Cầu Nguyện Chung, chúng ta cũng được học phải cầu nguyện “xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con”. Sự tha thứ của chúng ta cho người lân cận cũng là một yếu tố để chúng ta mong đợi sự tha thứ của Chúa cho mình. Giải hòa và giải hòa ngay cũng là để tránh cho chúng ta những rắc rối về sau với người ấy nếu họ có thẩm quyền và mạnh hơn chúng ta ở một phương diện nào đó. Chúa Giê-xu dạy: “Khi con đi đường với kẻ tố cáo mình, hãy nhanh chóng giải hòa với người ấy; nếu không, người ấy sẽ nộp con trước quan tòa, quan tòa giao cho cai ngục, và con sẽ bị bỏ tù.” (câu 25)

Bởi thế anh chị em ơi, con dân của vương quốc thiên đàng được dạy về những ràng buộc thiêng liêng để chẳng những không giận, không giận lâu mà còn tích cực hơn nữa là tìm sự giải hòa nhanh chóng với anh chị em mình nữa. Quý anh chị em có muốn mình trở nên một con người khiêm hòa hơn không? Tôi tin là ai cũng mong muốn như vậy!

Cầu nguyện

Lạy Cha ái từ! Khi nóng giận chúng con có thể làm nhiều điều phương hại đến các mối quan hệ gia đình và anh chị em trong Chúa mà Cha đã ban cho. Xin Đức Thánh Linh giúp đỡ, kết trái hiền lành, nhu mì trên mỗi chúng con. Xin nhắc nhở chúng con luôn luôn rằng cơn giận của chúng con không làm nên việc công nghĩa của Đức Chúa Trời. Xin giúp chúng con có lòng nhân từ và thứ tha của Chúa. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Ân Điển

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa