I Cô-rinh-tô | Không Được Phân Rẽ
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em thân mến!
Quả thật không ngoa khi khẳng định rằng sự chia rẽ là nguyên nhân chính yếu đưa đến sụp đổ của nhiều tổ chức, dù ở cấp độ gia đình hay ở tầm vóc chính thể quốc gia. Trên khắp thế giới, những cuộc nội chiến khốc liệt làm suy kiệt sinh khí của nhiều quốc gia, những doanh nghiệp khổng lồ rơi vào khủng hoảng vì mâu thuẫn nội bộ và hàng triệu gia đình đổ vỡ vì bất đồng không được giải quyết giữa các thành viên.
Nhìn vào thực tế ấy, chúng ta nhớ đến lời giáo huấn khôn ngoan của Đức Chúa Jesus khi còn tại thế: “Nước nào tự chia rẽ nhau thì tan hoang, nhà nào tự chia rẽ nhau thì đổ xuống.” (Lu-ca 11:17).
Điều đáng buồn là có rất nhiều Hội Thánh địa phương cũng trải qua tình trạng tương tự như thế trong suốt lịch sử Hội Thánh, điển hình là Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Tuy nhiên, theo Lời Chúa dạy thì Hội Thánh của Đức Chúa Trời không được chia rẽ, và chúng ta sẽ hiểu biết Lẽ thật đó khi nghiên cứu phần Kinh Thánh được ghi lại trong I Cô-rinh-tô 1:13.
13 Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhân danh Phao-lô mà chịu phép báp-têm sao?
Giải thích
Trong câu 11-12, sứ đồ Phao-lô vạch trần tình trạng phân rẽ trong Hội Thánh và nêu lí do là bởi các tín hữu Cô-rinh-tô đã tự lập thành nhiều phe nhóm và tranh cạnh nhau. Sang câu 13, ông đặt ra hai câu hỏi tu từ để công bố một Lẽ thật quan trọng: Hội Thánh của Đức Chúa Trời không được phép phân rẽ, với ba ý tưởng chính sau đây.
Thứ nhất: Hội Thánh bị phân rẽ thì thân thể Đấng Christ bị chia cắt.
Sứ đồ Phao-lô hỏi câu đầu tiên “Đấng Christ bị phân rẽ ra sao?” Thay vì đưa ra câu trả lời, các tín hữu Cô-rinh-tô chỉ cần nhận thức rằng Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, và nếu họ phân rẽ nhau tức họ đang cắt xé thân thể Đấng Christ.
Câu hỏi này chỉ ra cho chúng thấy hai điều. Đó là thân thể Đấng Christ chỉ có một. Trong phần sau của bức thư này, ở I Cô-rinh-tô 12:12-13, sứ đồ Phao-lô viết: “Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy. Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.” Trong thư gửi cho Hội Thánh tại thành Ê-phê-sô 5:23, sứ đồ Phao-lô nói thêm: “… Đấng Christ là đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh.” Thật rõ ràng, mỗi Cơ Đốc nhân vì đã chịu báp-têm bởi chung một Thánh Linh mà được kết hiệp nên một trong thân của Đấng Christ, mà Ngài là đầu, không thể phân rẽ được. Hơn nữa, lại được nhận lãnh và đầy dẫy cùng một Thánh Linh ấy nên Hội Thánh chỉ có một.
Tiếp đến là khi Hội Thánh phân rẽ tức là đang chia cắt thân thể duy nhất của Đấng Christ. Nói một cách khác, hành động phân rẽ Hội Thánh của các tín hữu Cô-rinh-tô đã làm tổn thương chính Đấng Christ chứ không đơn giản là làm tổn thương nhau mà thôi. Ngài đã chịu đau đớn một lần trên thập tự giá để cứu chuộc Hội Thánh và nay Ngài lại chịu đau đớn thêm nữa bởi sự chia rẽ trong thân Ngài.
Thứ hai: Không phải Phao-lô mà chính Đấng Christ chịu chết thay Hội Thánh.
Sứ đồ Phao-lô đặt câu hỏi thứ hai có lẽ trực tiếp với nhóm người tự xưng là môn đồ của ông và gián tiếp cho các nhóm người khác trong Hội Thánh Cô-rinh-tô. “Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên thập tự thế cho anh em?” tại đây sứ đồ Phao-lô công khai tuyên bố bản thân mình không có dự phần gì trong sự cứu chuộc. Sự cứu chuộc là ân điển của Đức Chúa Trời và chính Đấng Christ đã chịu đóng đinh trên thập tự giá để hoàn tất sự cứu chuộc đó. “Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa.” (I Giăng 2:2).
Thật vậy, Đấng Christ đã cứu chuộc Hội Thánh và Đức Chúa Trời làm cho Hội Thánh được lớn lên. Còn sứ đồ Phao-lô, Phi-e-rơ và A-bô-lô chỉ là những người gieo trồng Tin Lành và chăm sóc Hội Thánh, như chính ông đã thừa nhận trong I Cô-rinh-tô 3:6-7: “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vậy người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì…”
Thứ ba: Tín hữu nhân danh Chúa chịu báp-têm chứ không nhân danh Phao-lô.
Trong phần sau của câu hỏi thứ hai, sứ đồ Phao-lô hỏi “hay là anh em đã nhân danh Phao-lô mà chịu phép báp-têm sao?” Người theo Do Thái Giáo xem trọng phép cắt bì thế nào thì nhiều Cơ Đốc nhân thời đó cũng xem trọng phép báp-têm như vậy. Bởi đó, có thể có nhiều tín hữu Cô-rinh-tô biện minh cho hành vi lập phe nhóm là bởi vì họ đã được các vị lãnh đạo làm báp-têm cho mình.
Phép báp-têm mang ý nghĩa thuộc linh chứ không phải có giá trị về đặc quyền trong Hội Thánh. Khi một người chịu báp-têm, người ấy công khai tuyên bố lời cam kết của mình là sẽ chết đời sống cũ và sống đời sống mới theo khuôn mẫu của Đấng Christ (Rô-ma 6:3-4). Đồng thời xác tín rằng nhờ sự chết của Chúa Jesus mà con người tội lỗi của mình đã chết và nhờ sự sống lại của Ngài mà mình cũng sẽ được sự sống đời đời trong Ngài (Rô-ma 6:5-6).
Phép báp-têm phải được thực hiện nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh, chứ không nhân danh bất kỳ một con người nào (Ma-thi-ơ 28:19). Qua câu hỏi này, sứ đồ Phao-lô tuyên bố các tín hữu Cô-rinh-tô được báp-têm nhân danh Đức Chúa Trời Ba Ngôi chứ không phải nhân danh ông. Do vậy, họ không thể viện dẫn tên của ông hoặc của bất kỳ ai để bào chữa cho hành vi gây phân rẽ trong Hội Thánh.
Anh chị em thân mến! Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, mà Ngài là đầu. Chính Ngài đã dùng huyết mình để chuộc mua Hội Thánh và nhờ phép báp-têm Thánh Linh mà chúng ta được dự phần thiêng liêng trong thân đó. Bởi đó, chúng ta chẳng những không không được phép gây phân rẽ, mà ngược lại càng phải nhờ ơn Chúa để gây dựng sự hiệp nhất trọn vẹn trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời.
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Trời! Con cầu xin Ngài ban bình an cho Hội Thánh Chúa. Xin giữ chính mình con và các anh chị em trong mối thông công hiệp nhất và yêu thương. Xin Chúa giúp cho chúng con biết bỏ qua những khác biệt, giải quyết những bất đồng và hướng về một mục tiêu chung là tôn cao danh Chúa, gây dựng Hội Thánh và rao giảng Tin Lành. Con thành tâm cầu nguyện, nhân danh Đức Chúa Jesus Christ. Amen.
NPH
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét