I Cô-rinh-tô | Thập Tự Giá Của Đấng Christ

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Kính thưa quý anh chị em thân mến!

Thập tự giá là một công cụ tử hình vô cùng tàn nhẫn mà đế quốc La Mã thường xuyên sử dụng để trừng phạt những tử tội không phải là người La Mã. Trên thập tự giá, phạm nhân sẽ phải chịu đựng sự sỉ nhục và đau đớn cùng cực trong suốt nhiều giờ cho đến chết.

Gần hai nghìn năm trước, Đức Chúa Jesus – con Đức Chúa Trời hằng sống đã cam nguyện phó thân để bị đóng đinh trên thập tự giá. Ngài đã chọn cái chết đau đớn và nhục nhã nhất để trả giá cho tội lỗi của cả nhân loại.

Trong phần Kinh Thánh hôm nay, được chép trong I Cô-rinh-tô 1:17-18, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh quyền năng đời đời của thập tự giá Đấng Christ.

17 Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin lành, và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích.
18 Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời.

Giải thích

Trong phần Kinh Thánh trước đó, từ câu 10-16, sứ đồ Phao-lô công bố Đấng Christ chính là Đấng chủ tể tối thượng và Hội Thánh là thân thể Ngài, còn sứ đồ Phao-lô, Phi-e-rơ hay A-bô-lô chỉ là kẻ tôi tớ của Ngài. Do đó, ông khuyên họ đừng phân rẽ thành các phe nhóm mà hãy có cùng một tiếng nói và hiệp một ý, một lòng với nhau.

Từ câu 17 cho đến hết chương hai, sứ đồ Phao-lô tuyên bố rằng không phải sự khôn ngoan của loài người mà chính Thập tự giá của Đấng Christ mới làm nên sự cứu chuộc. Bởi đó, sự giảng dạy dựa vào tri thức của đời không thể so bì với sự giảng dạy đơn sơ nhưng chân thực về thập tự giá. Riêng phần Kinh Thánh hôm nay (I Cô-rinh-tô 1:17-18), sứ đồ Phao-lô lập luận ba điều về thập tự giá.

Thứ nhất: không giảng về Thập tự giá Đấng Christ bằng sự khôn khéo (câu 17).

Trong Hội Thánh Cô-rinh-tô có một số tín hữu chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng của các triết gia Hy Lạp. Vì vậy, họ mới tự lập một phe nhóm mang tên nhà hùng biện A-bô-lô. Các triết gia ở thành Cô-rinh-tô thời đó chủ yếu chú trọng giảng dạy và tranh biện về những tri thức mới lạ. Họ nỗ lực diễn đạt các triết lý sâu xa của mình bằng các lập luận khôn khéo với những câu chữ hoa mỹ. Tuy nhiên, các triết lý và sự giảng dạy của họ chỉ dừng lại ở mức độ làm thỏa mãn tâm trí tò mò của con người, mà không thể dẫn họ đến với Đấng chủ tể tối thượng của hoàn vũ.

Sứ đồ Phao-lô không dùng sự khôn ngoan và tri thức của con người để giảng về Phúc Âm của Đấng Christ. Vì sự giảng dạy khôn khéo sẽ thu hút thính giả tập trung vào diễn giả, còn sự giảng dạy đơn sơ nhưng đầy Thánh Linh và quyền phép sẽ dẫn người nghe đến với Đấng Christ. Bởi đó, nếu sự giảng dạy Phúc Âm chỉ chú trọng đến phương tiện, cách thức và kỹ năng truyền đạt thì sẽ làm vô hiệu công năng của Thập tự giá Đấng Christ. Ngược lại, sự giảng dạy tập chú vào sứ điệp với Đấng Christ làm trọng tâm sẽ đưa thính giả đến với cổng thiên đàng.

Thứ hai: người hư mất xem sứ điệp về Thập tự giá Đấng Christ là rồ dại (câu 18a).

Người hư mất mà sứ đồ Phao-lô nhắc đến ở đây là những người khước từ Lẽ Thật về sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Có hai lý do khiến những người đó xem sứ điệp về Thập tự giá Đấng Christ là điên dại. Trước hết, với họ triết lý và tri thức dẫn con người đến chân, thiện, mỹ. Phần đông người Hy Lạp quan niệm rằng Đấng tối cao phân cách rất xa con người phàm tục. Do đó, họ không chấp nhận ý niệm Thiên Chúa từ trời giáng thế để cứu rỗi nhân loại. Ngược lại, họ tin rằng triết lý và tri thức sẽ giúp con người đạt đến tuyệt đỉnh của sự toàn hảo, toàn thiện và toàn mỹ. Sự thoát tục phải đến từ nỗ lực vươn lên của con người để đạt đến cảnh giới của sự khắc chế bản thân. Kế đến, với họ thì Thập tự giá của Đấng Christ là sự thất bại và sỉ nhục. Trong quan niệm của người Hy Lạp, thập tự giá là nơi kết thúc của những con người thất bại, là tận cùng của sự đau khổ và tuyệt vọng. Do đó, họ không thể chấp nhận ý niệm về một Đấng cứu thế hy sinh chính mình trên thập tự giá để trả thay án phạt tội lỗi cho con người. Với họ, lời giảng về Thập tự giá của Đấng Christ chỉ là sự điên dại không hơn không kém.

Thứ ba: Người được cứu xem sứ điệp Thập tự giá Đấng Christ là quyền năng (câu 18b).

Người được cứu mà sứ đồ Phao-lô dùng chữ “chúng ta” để nói đến là chỉ về những Cơ Đốc nhân chân thật trong Hội Thánh Cô-rinh-tô và ở khắp mọi nơi, trong mọi thời đại. Vì Thập tự giá của Đấng Christ không được định giá trị bằng triết thuyết hay sáo ngữ, mà được tôn vinh bởi những kinh nghiệm đầy quyền năng trong đời sống người tin.

Tại chân Thập tự giá của Đấng Christ, người được cứu nếm trải ân sủng, tình yêu và lòng thương xót của Cha thiên thượng, tuôn tràn từ thân vỡ của Ngài. Và cũng tại chân Thập tự giá đó, người được cứu bước chân trên con đường mới và sống ngang qua xác Ngài để bước vào trong sự vinh quang của Đức Chúa Cha.

Thập tự giá của Đấng Christ tuy hình trạng rất kinh khiếp nhưng đầy quyền năng và sức sống. Những giọt huyết hồng rơi xuống từ thân Đấng Christ đã ươm mầm cho sự sống vinh diệu của người nhận tin. Thật như vậy, Tin Lành về Thập tự giá của Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin (Rô-ma 1:16).

Bạn thân mến! Thập tự giá của Đấng Christ có giá trị như thế nào trong cuộc đời bạn? Bạn đã thực sự nếm trải ân sủng diệu kỳ và quyền năng thiên thượng của Thập tự giá Ngài chưa? Nếu chưa, tôi mời bạn quỳ xuống nơi chân Ngài mà thưa rằng: Cha ơi! Con muốn được uống tràn ân sủng và tình yêu Ngài. Xin tha thứ, chấp nhận và cứu chuộc con. Amen!

Nếu bạn là một người giảng Phúc Âm, hãy giảng về Thập tự giá của Đấng Christ trong quyền phép Thánh Linh. Hãy đưa tội nhân đến với Chúa Jesus chứ không phải đến với bạn hay các phương thức độc đáo bạn đang dùng.

Cầu nguyện

Kính lạy Đức Chúa Jesus! Con cảm tạ Ngài vì Ngài đã kéo con đến với Thập tự giá của Đấng Christ. Xin cho con luôn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp rạng ngời của thập tự giá trọn đời sống con. Con nguyện trọn đời làm người đưa dắt người hư mất đến chân thập tự để gặp gỡ Ngài. Con thành tâm cầu nguyện, nhân danh Đức Chúa Jesus Christ. Amen.

NPH

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa