Sáng Thế Ký | Khiêm Nhường Trong Sự Lựa Chọn

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Thân chào quý vị một tuần mới bình an và phước hạnh trong Chúa!

Là người Việt Nam, không ai trong chúng ta lại không biết câu truyền khẩu bao đời nay trong dân gian “một điều nhịn chín điều lành”. Đức tính khiêm nhường, nhịn nhục là điều mà cha mẹ luôn muốn dạy dỗ con cái, người đi trước luôn muốn truyền lại cho người đi sau. Bởi lẽ, khi chịu nhịn một điều thì sẽ sinh ra chín điều lành. Người nào biết nhường nhịn chính là biết lấy cái tôi của bản thân đặt vào vị trí của người khác và sống một cách hòa thuận với mọi người. Trong lăng kính của Đức Chúa Trời, đời sống khiêm nhường cũng được tô đậm ở một vị trí quan trọng (Ê-phê-sô 4:2). Sống nhịn nhục không dễ dàng, đặc biệt KHIÊM NHƯỜNG TRONG SỰ LỰA CHỌN, là liên quan đến lợi ích cá nhân sẽ càng khó khăn hơn nữa, nhưng không phải là không thể. Sáng Thế Ký 13:5-13 cho chúng ta một gương về đời sống khiêm nhường của một người đi theo Đức Chúa Trời.

5 Vả, Lót cùng đi với Áp-ram, cũng có chiên, bò, và trại.
6 Xứ đó không đủ chỗ cho hai người ở chung, vì tài vật rất nhiều cho đến đỗi không ở chung nhau được.
7 Trong khi dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ, xảy có chuyện tranh giành của bọn chăn chiên Áp-ram cùng bọn chăn chiên Lót.
8 Áp-ram nói cùng Lót rằng: Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa.
9 Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên tả, ta sẽ qua bên hữu; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả.
10 Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Đức Giê-hô-va chưa phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng đó cũng như vườn của Đức Giê-hô-va và như xứ Ê-díp-tô vậy.
11 Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh và đi qua phía đông. Vậy, hai người chia rẽ nhau.
12 Áp-ram ở trong xứ Ca-na-an, còn Lót ở trong thành của đồng bằng và dời trại mình đến Sô-đôm.
13 Vả, dân Sô-đôm là độc ác và kẻ phạm tội trọng cùng Đức Giê-hô-va.

Giải thích

Tuy sống đời du mục nhưng Áp-ra-ham và gia đình không thiếu thốn hay nghèo khổ, ngược lại ông được Đức Chúa Trời ban cho sự sung túc, thịnh vượng về tài vật, nhiều đến nỗi xứ đó giờ đây không còn đủ chỗ (câu 5). Người đồng đi với gia đình Áp-ra-ham rời khỏi U-rơ là Lót, người cháu mồ côi cha mẹ, kêu Áp-ra-ham bằng bác (Sáng Thế Ký 11:28, 31). Và từ sau khi ông nội qua đời thì Lót ở trong sự bảo dưỡng của Áp-ra-ham, Lót cũng chăm chỉ làm việc và thâu góp cho mình những của cải, súc vật và trại.

Giờ đây những vùng đồng cỏ không còn đủ rộng cho tất cả bầy vật của của hai bác cháu. Những kẻ chăn bầy vật của Lót và Áp-ra-ham bắt đầu tranh giành nhau về đồng cỏ. Từ những người chăn chiên của hai người có thể sẽ hình thành nên những cuộc cãi vã gay gắt giữa bác và cháu. Điều này cũng cho chúng ta thấy được những vấn đề có thể nảy sinh khi chúng ta giàu, có thể sẽ dễ dẫn đến sự ích kỷ, là lòng tranh cạnh về các mối lợi lộc, lòng ganh ghét những người đe dọa vị trí của mình, sự rạn nứt trong các mối liên hệ gia đình.

Thực trạng xã hội ngày nay đã và đang phản ánh rất rõ nét tình trạng này, vì của cải mà người trong gia đình ghẻ lạnh, dửng dưng với nhau, thậm chí là giết hại nhau hòng chiếm trọn tài sản. Với các Cơ Đốc nhân, sự giàu có cũng đem đến một mối nguy hiểm cho tâm linh. Chúng ta sẽ có khuynh hướng quên mất Chúa và đặt nền tảng mọi quyết định trên những mối lợi lộc và sự an nhàn của vật chất.

Thế nhưng Áp-ra-ham đã quyết định đặt nền tảng trên đức tin nơi Đức Chúa Trời trước hoàn cảnh này. Bên cạnh đó ông cũng nhận ra rằng xung quanh ông có những dân ngoại đang ở trong xứ (câu 7b). Vậy nên nếu hai bác cháu tranh chấp nhau thì trước nhất là hòa khí trong gia đình bị phá vỡ, thứ hai là người ngoài nhìn vào thì thật không hay. Áp-ra-ham ý thức được rằng đời sống của người có Đức Chúa Trời đồng hành cần phải bày tỏ được “vẻ đẹp” và “hương thơm” của Chúa đến những người xung quanh. Vì những lý do đó Áp-ra-ham đã đưa ra phương án “lìa nhau” và chủ động cho Lót chọn phần đất trước (câu 9) nhằm giữ hòa khí. Thật ra Áp-ra-ham có quyền chọn trước vì ông lớn tuổi hơn nhưng ông đã tỏ lòng rộng lượng đối với cháu mình.

Quyết định của Áp-ra-ham cho chúng ta một gương trong việc giải quyết những mâu thuẫn, khó khăn trong cuộc sống gia đình hay Hội Thánh: (1) Cần chủ động giải quyết những mâu thuẫn, (2) nhường quyền ưu tiên chọn lựa cho người khác ngay cả khi chính mình bị thiệt thòi hay không đạt được điều mình muốn, và (3) cần hạ sự ích kỷ, ham muốn của bản thân xuống để đặt sự yên ổn hòa bình trong gia đình và Hội Thánh lên trên.

Lót đi theo và sống với bác mình, chắc hẳn rằng ông biết có Đức Chúa Trời, tin Ngài và cũng đã cầu khẩn danh Ngài. Nhưng đứng trước sự lựa chọn, Lót đã ưu tiên làm thỏa mãn mắt mình thấy là tốt lành hơn việc tìm cầu ý muốn Đức Chúa Trời. Hậu quả của sự lựa chọn theo mắt mình thật rất đau thương (Sáng Thế Ký 19). Sam-sôn cũng là một trong những gương nhắc nhở chúng ta về hậu quả đau đớn khi chọn lựa theo mắt mình. Ngược lại, Áp-ra-ham tin cậy Chúa và sống bởi đức tin, ông không để ngoại cảnh tác động nhiều đến mình nên đã nhường quyền ưu tiên cho Lót lựa chọn. Tấm lòng khiêm nhu, rộng lượng của Áp-ra-ham đã được Chúa bù đắp bằng lời hứa tuyệt vời đến từ Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 13:14-18).

Khi đối diện với những tranh chấp trong cuộc sống, việc tìm cầu ý Chúa nên là ưu tiên hàng đầu, chúng ta sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân và nhượng bộ cho người khác. Chúa Jesus kể những người như vậy là có phước, được gọi là con Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:9). Và chắc chắn rằng Chúa chẳng để chúng ta bị thiệt thòi khi chúng ta biết khiêm nhường trong sự chọn lựa.

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa yêu dấu! Xin cho con học theo gương Áp-ra-ham hạ xuống tất cả những ích kỷ, lợi ích cá nhân mà học cách sống khiêm nhường, nghĩ đến người khác và biết đặt Chúa trong tất cả những quyết định của con. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.

Thiên Mỹ Ngôn

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa