I Cô-rinh-tô | Những Con Chồn Phá Hoại Vườn Nho

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Kính chào quý anh chị em thân mến!

Trồng và chế biến nho là nghề nghiệp mang tính đặc thù và phổ thông của người Do Thái xưa. Vườn nho được người nông dân cẩn thận rào xung quanh và chăm sóc rất kỹ lưỡng. Đến mùa nho chớm trái thì hương của hoa nho tỏa ra thơm nức và vô tình thu hút những con chồn nhỏ chui qua những khe hở hàng rào, lẻn vào bên trong khu vườn. Nếu người nông dân không phát hiện kịp thời và bẫy bắt thì những con chồn sẽ cắn phá những dây nho và làm rơi rụng những bông hoa, khiến nho không đơm trái được.

Dưới góc nhìn Thuộc Linh, Hội Thánh là vườn nho của Đức Chúa Trời đang trổ hoa thơm nức, sẵn sàng cho một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, bên dưới khung cảnh rực rỡ đầy sức sống, thấp thoáng đâu đó những tác nhân tiêu cực âm thầm tổn thương Hội Thánh của Đức Chúa Trời, mà một trong những hệ quả hiển hiện là sự chia rẽ nghiêm trọng. Như người nông dân cần mẫn bắt bỏ những con chồn, thì mỗi Cơ Đốc nhân cũng cần triệt để loại bỏ những yếu tố gây chia rẽ trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

Bài học hôm nay sẽ giúp chúng ta nhận biết những tác nhân gây chia rẽ trong Hội Thánh, được chép trong I Cô-rinh-tô 1:11-12.

11 Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh.
12 Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phao-lô; ta là của A-bô-lô; ta là của Sê-pha, ta là của Đấng Christ.

Giải thích

Sau khi khuyên các tín hữu Cô-rinh-tô cần có tinh thần hiệp một (I Cô-rinh-tô 1:10) thì sứ đồ Phao-lô nói thẳng vào tình trạng chia rẽ nghiêm trọng trong Hội Thánh.

Trong câu 11, ông khẳng định sự chia rẽ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô là có thật và chính người nhà của bà Cơ-lô-ê là nhân chứng. Hành động nêu đích danh người nhà Cơ-lô-ê cho thấy lời chứng của họ là không thể phủ nhận. Ở đây, sứ đồ Phao-lô chỉ ra hai tác nhân tiêu cực gây chia rẽ trong Hội Thánh.

Thứ nhất, sự tranh cạnh với nhau gây chia rẽ Hội Thánh:

Phao-lô được nhà Cơ-lê-ô cho biết “… trong anh em có sự tranh cạnh” (câu 11). Một số bản Kinh Thánh Tiếng Việt khác dịch từ “tranh cạnh” là “cãi vã/tranh cãi/tranh chấp hoặc bất hòa”. Hội Thánh Cô-rinh-tô xảy ra tranh cạnh là bởi họ có cách nhìn nhận và lượng giá khác nhau về các ân tứ Chúa ban. Họ cũng có quan điểm và sự tín nhiệm khác nhau với những người lãnh đạo trong Hội Thánh. Thậm chí họ cũng có cách cư xử khác biệt giữa các tầng lớp xã hội ngay giữa cộng đồng đức tin của mình.

Thay vì cố gắng ngồi lại để tìm kiếm giải pháp dung hòa những khác biệt và kết nối mọi người, thì họ lại cãi vã kịch liệt với nhau. Bởi đó, sự bất hòa tưởng chừng nhỏ nhặt giữa các cá nhân đã trở thành sự tranh cạnh lớn giữa những nhóm đông người đối kháng nhau. Thật đúng như lời ông Gia-cơ dạy trong thư Gia-cơ 3:16 “Vì ở đâu có sự ghen ghét và tranh cạnh thì ở đó có sự xáo trộn và đủ mọi việc ác.” – [BTTHĐ] và Gia-cơ 4:1 “Anh chị em có biết những hục hặc và cãi vã giữa anh chị em đến từ đâu không? Chúng đến từ lòng ham muốn ích kỷ đang tranh chiến bên trong con người anh chị em.” [BPT].

Quả đúng như vậy, do lòng người cưu mang những tham dục ích kỷ mà sản sinh ra sự cãi lẫy và tranh cạnh. Bởi đó đưa đến sự chia rẽ nghiêm trọng trong Hội Thánh. Vì thế, mỗi một người trong chúng ta “hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” (Phi-líp 4:32).

Thứ hai, sự tôn sùng con người gây chia rẽ Hội Thánh:

Trong câu 12, sứ đồ Phao-lô đề cập cụ thể có bốn nhóm tín hữu Cô-rinh-tô tự nhận mình là môn đồ của các vị lãnh đạo trong Hội Thánh, mặc dù các vị ấy chưa bao giờ lập nhóm mang danh mình.

Nhóm môn đồ của Phao-lô: Các thành viên của nhóm này có lẽ đã tin Chúa trong giai đoạn sứ đồ Phao-lô thành lập Hội Thánh Cô-rinh-tô. Họ ngưỡng mộ chức vụ phi thường của ông.

Nhóm môn đồ của A-bô-lô: Các thành viên của nhóm này có lẽ rất ngưỡng mộ kỹ năng hùng biện và sứ điệp giảng dạy rất trí thức của A-bô-lô. Sách Công Vụ 18:24-28 giới thiệu ông là người am hiểu Kinh Thánh và có tài hùng biện xuất sắc.

Nhóm môn đồ của Phi-e-rơ: Các thành viên của nhóm này có lẽ rất yêu chuộng truyền thống Do Thái. Họ yêu thích lối giảng dạy bình dân nhưng nhiệt thành của sứ đồ Phi-e-rơ, hoặc có thể vì họ ngưỡng mộ chức vụ lãnh đạo rất cao trọng của ông.

Nhóm môn đồ Đấng Christ: Các thành viên của nhóm này lầm tưởng bản thân mình vượt trổi hơn thành viên của các nhóm khác. Họ cho rằng chỉ có nhóm mang danh Đấng Christ mới tương xứng với vị thế và phẩm chất của mình.

Chữ “môn đồ” có nghĩa là “người học theo”. Các tín hữu Cô-rinh-tô tự hào xưng mình là môn đồ của Phao-lô, A-bô-lô, Phi-e-rơ, nhưng thực chất họ chẳng chịu học theo các vị ấy trong nếp sống khiêm nhường, yêu thương và tin kính. Điều đáng trách hơn là trong tấm lòng họ, hình tượng của các sứ đồ ấy đã che khuất sự vinh hiển của Cứu Chúa Jesus, khiến họ quên mất Ngài mới chính là Đấng lãnh đạo tối thượng của Hội Thánh.

Dưới một góc nhìn khác, hành động tự nhận mình là môn đồ của một ai đó, thậm chí là môn đồ của Đấng Christ có vẻ rất khiêm nhường, nhưng có thể đó chỉ là vỏ bọc che đậy sự kiêu ngạo thuộc linh tiềm ẩn bên trong. Thật đáng buồn khi các tín hữu Cô-rinh-tô đang cố khoác lên mình đôi cánh của những vĩ nhân để tự nhấc mình lên vị thế cao trọng và vinh hiển hơn người.

Chính Sứ đồ Phi-e-rơ đã dạy chúng ta: “… hãy tôn Đấng Christ là thánh, là Chúa trong lòng anh em…” (I Phi-e-rơ 3:15). Quả thật, chỉ khi mỗi Cơ Đốc nhân nói riêng và Hội Thánh nói chung thật sự tôn cao danh Chúa và suy phục vương quyền đời đời của Ngài thì bông trái Thánh Linh sẽ tỏa hương ngào ngạt và vườn nho của Đức Chúa Trời sẽ trĩu quả ngọt ngon.

Bạn thân mến, bạn có thấy những con chồn mang tên tranh cạnh và tôn sùng bản ngã con người trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời không? Nếu có, bạn hãy cậy ơn Chúa và hiệp nhất với anh chị em để loại trừ chúng trước khi chúng kịp gây chia rẽ trong Hội Thánh. Ước mong rằng, chính bản thân tôi và bạn sẽ không bao giờ trở thành người dung dưỡng cho những con chồn phá hoại vườn nho tươi tốt của Đức Chúa Trời.

Cầu nguyện

Kính lạy Đức Chúa Jesus, là Cứu Chúa của Hội Thánh! Cầu xin Chúa giúp chúng con loại trừ những tác nhân gây chia rẽ, đồng thời dạy chúng con biết cách gây dựng sự hiệp nhất trọn vẹn trong Hội Thánh Ngài. Nguyện danh Ngài luôn được tôn cao cả trong cuộc đời con và trong Hội Thánh Ngài. Con thành tâm cầu nguyện, nhân danh Đức Chúa Jesus Christ. Amen.

NPH

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa