I Cô-rinh-tô | Chức Vụ Sứ Đồ
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Khi còn nhỏ, tôi từng ước mình được sống trong thời kỳ Chúa Giê-xu thi hành chức vụ trên đất, tôi sẽ cố gắng hết sức để được Chúa chọn và trở nên một môn đồ thân cận với Chúa như Phi-e-rơ hay Giăng. Chắc hẳn tôi sẽ vô cùng tự hào và khoe với tất cả mọi người về điều đó. Mãi cho đến khi lớn lên, học Kinh Thánh nhiều hơn tôi mới biết CHỨC VỤ SỨ ĐỒ không phải là điều có được nhờ vào sự cố gắng hay nỗ lực của bản thân, mà đó là bởi ân điển và sự thương xót của Chúa. Làm sứ đồ của Đấng Christ đòi hỏi phải có rất nhiều lòng yêu thương và sự hi sinh, cùng những trải nghiệm không mấy vui vẻ. Nhưng chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ để người thuộc về Ngài chịu thiệt thòi. Vì vậy Chúa đã chuẩn bị sẵn những quyền lợi có thể dành cho những sứ đồ của Ngài. Thân mời các bạn cùng học về điều này qua phân đoạn Kinh Thánh hôm nay trong I Cô-rinh-tô 9:1-10.
1 Tôi chẳng được tự do sao? Tôi chẳng phải là sứ đồ sao? Tôi há chẳng từng thấy Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta sao? Anh em há chẳng phải là công việc tôi trong Chúa sao?
2 Nếu tôi không phải là sứ đồ cho kẻ khác, ít nữa cũng là sứ đồ cho anh em; vì chính anh em là ấn tín của chức sứ đồ tôi trong Chúa.
3 Ấy là lẽ binh vực của tôi đối với kẻ kiện cáo mình.
4 Chúng tôi há không có phép ăn uống sao?
5 Há không có phép dắt một người chị em làm vợ đi khắp nơi với chúng tôi như các sứ đồ khác cùng các anh em Chúa và Sê-pha đã làm, hay sao?
6 Hay là chỉ một tôi với Ba-na-ba không có phép được khỏi làm việc?
7 Vậy thì có ai ăn lương nhà mà đi đánh giặc? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái? Hay là có ai chăn bầy vật mà không dùng sữa nó để nuôi mình?
8 Tôi nói vậy, nào phải chỉ theo thói người ta quen nói đâu? Luật pháp há chẳng nói như vậy sao?
9 Vì chưng có chép trong luật pháp Môi-se rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Há phải Đức Chúa Trời lo cho bò sao?
10 Quả thật Ngài nói câu đó về chúng ta phải không? Phải, ấy là về chúng ta mà có chép rằng ai cày ruộng phải trông cậy mà cày, ai đạp lúa phải trông cậy mình sẽ có phần mà đạp lúa.
Giải thích
Nhiều tín đồ của Hội Thánh Cô-rinh-tô cho rằng họ đủ thẩm quyền, ngay cả những người lãnh đạo Hội Thánh đến sau Phao-lô, cũng phê bình và chỉ trích ông không phải là sứ đồ giống như Phi-e-rơ. Từ ngữ “sứ đồ” mang ý nghĩa “một người được sai phái để thi hành một chức vụ”. Từ này thường được dùng để chỉ 12 người môn đệ được Chúa Giê-xu chọn và sai phái đi truyền bá Phúc Âm. Một trong những tiêu chuẩn để làm sứ đồ đó là được Chúa Giê-xu chọn và kinh nghiệm thấy Đấng Christ sống lại. Vì Phao-lô không thuộc vào những tiêu chuẩn ấy dựa trên sự chứng kiến của nhiều người nên có những tranh cãi xung quanh chức vụ sứ đồ của ông. Thế nhưng Phao-lô hoàn toàn đáp ứng đủ tiêu chí ấy, ông gặp Chúa trên đường đến Đa-mách, và đó là Chúa Jesus Phục Sinh. Ông được Chúa chọn làm sứ đồ cho người ngoại. Vì vậy mở đầu đoạn 9, Phao-lô đã lên tiếng cho chức vụ sứ đồ của mình. Đây cũng là cơ hội để Phao-lô bảo vệ chức vụ mình trước những kẻ đoán xét, bằng cách giải thích lý do tại sao ông không tuyên bố những đặc quyền của mình với tư cách là một sứ đồ (câu 3). Ông trình bày lý luận này chủ yếu bằng một loạt câu hỏi mà tất cả câu trả lời đều là “đúng”. Phao-lô thật sự là một sứ đồ của Chúa, vì chính Chúa đã gọi ông vào chức vụ sứ đồ. A-na-nia, người đặt tay trên Phao-lô, cầu nguyện cho ông được sáng mắt trở lại, là một chứng nhân cho sự kêu gọi này (Công vụ 9:13-15). Nhưng điều quan trọng không phải là những điều kiện để được gọi là sứ đồ mà chính là kết quả trong chức vụ sứ đồ của Phao-lô, đó là Hội Thánh Cô-rinh-tô. “Nếu tôi không phải là sứ đồ cho kẻ khác, ít nữa cũng là sứ đồ cho anh em; vì chính anh em là ấn tín của chức sứ đồ tôi trong Chúa.” (câu 2). Cô-rinh-tô là thành phố khó truyền giảng đạo Chúa, nhưng Phao-lô đã hoàn thành một công tác vĩ đại vì sự cho phép của Chúa (Công vụ 18:1-17).
Do đó, là sứ đồ, Phao-lô có quyền được nhận sự chu cấp từ người ông đã chăm sóc. Chữ quyền được dùng sáu lần trong đoạn này có nghĩa là “quyền hạn, quyền được hưởng”. Sứ đồ là người đại diện của Đấng Christ; người xứng đáng được mọi người đón tiếp và quan tâm chăm sóc. Phao-lô không lập gia đình; nhưng nếu ông có vợ, chắc chắn ông và vợ ông cũng có quyền được Hội Thánh chu cấp vật dùng hằng ngày (câu 4-6). Ở câu 7, Phao-lô dùng những câu hỏi cắc cớ để hỏi các tín hữu rằng: “Vậy thì có ai ăn lương nhà mà đi đánh giặc? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái? Hay là có ai chăn bầy vật mà không dùng sữa nó để nuôi mình?”. Nếu nói vậy thì tại sao Phao-lô và Ba-na-ba là những người không được quyền nhận sự tiếp trợ từ Hội Thánh? Trong thực tế, Phao-lô làm nghề may trại để tự nuôi sống bản thân và các bạn đồng công của ông (Công vụ 18:3; 20:34). Ông không hề yêu cầu các Hội Thánh chu cấp để không thêm gánh nặng cho con dân Chúa. Trừ khi các Hội Thánh nguyện ý muốn chu cấp cho ông thì ông tiếp nhận; hoặc khi cần thì ông kêu gọi các Hội Thánh giữa vòng các dân ngoại đóng góp để tiếp trợ cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trong cơn đói kém. Những gì Phao-lô đưa ra về quyền lợi của các sứ đồ trong câu 8 và 9 không phải chỉ là theo cách lý luận của người đời mà còn theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Nếu luật pháp của Đức Chúa Trời do Môi-se ghi chép có điều luật về việc nuôi bò, luật này không cho phép người ta khớp miệng nó trong khi nó đạp lúa, để nó có thể ăn lúa trong khi lao động, thì Đức Chúa Trời lại không lo cho các sứ đồ của Chúa trong khi họ hầu việc Chúa hay sao? Có thể nào luật công bình áp dụng cho loài gia súc lại không áp dụng cho con người? Phao-lô trích dẫn luật pháp Cựu Ước để chứng minh cho quan điểm “người làm công cho Chúa có quyền mong đợi lợi ích do sức lao động của mình”. Phao-lô nhìn thấy một nguyên tắc thiêng liêng trong mệnh lệnh này: Người làm công có quyền hưởng phần thưởng. Con bò đã cày xới cánh đồng để chuẩn bị cho việc trồng tỉa, và bây giờ nó đang dẫm đạp thóc lúa đã được gặt hái. Phao-lô đã cày xới đất tại Cô-rinh-tô và làm việc suốt ngày đêm. Ông nhìn thấy mùa gặt từ hạt giống đã gieo và ông hưởng một số kết quả của mùa gặt cũng là điều chính đáng.
Đứng ở vị trí của một tín đồ, bạn có sẵn lòng giúp đỡ và chu cấp cho những đầy tớ của Chúa ngày đêm có công khó nghiên cứu và dạy dỗ Lời Chúa cho mình hay không?
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu, con cảm tạ Ngài vì con có những người lãnh đạo thuộc linh luôn ngày đêm cầu nguyện và nỗ lực dạy dỗ Lời Chúa cho con. Xin cho con có lòng rộng rãi với những đầy tớ của Chúa, vì con biết khi con phục vụ cho những người làm công của Ngài cũng chính là con được phục vụ Ngài. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Thiên Mỹ Ngôn
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét